Cha đẻ bom nguyên tử Leo Szilard:

Người chống lại chính sáng chế của mình

Thứ Ba, 18/08/2015, 09:39
Leo Szilard là nhà khoa học thiên tài “trong bóng tối”, những phát minh của ông có ảnh hưởng sâu sắc tới thế giới, như bom nguyên tử và phương pháp xạ trị chữa bệnh ung thư. Nhiều đồng nghiệp của Szilard đánh giá ông là người lỗi lạc, tư duy độc lập và trí sáng tạo xuất chúng. Eugene Wigner (giải Nobel Vật lý năm 1963) cho rằng, nếu chỉ cần đến các ý tưởng, thì chính Leo Szilard đã thực hiện toàn bộ dự án Manhattan.

Leo Szilard là cha đẻ của bom nguyên tử, ông luôn nhìn nhận rằng bom nguyên tử là vũ khí để gìn giữ hòa bình chứ không phải để hủy diệt. Bom nguyên tử mang lại cân bằng cho thế giới, là phương tiện để ngăn ngừa mọi cuộc chiến tranh, như ông luôn nghĩ từ những ngày đầu thế giới chưa có bom nguyên tử. Leo Szilard nằm trong số những người có tầm ảnh hưởng lớn tới thế giới, và thật buồn vì có ít người biết đến ông.

Những phát minh vĩ đại

Leo Szilard sinh ra tại Budapest, Hungary vào ngày 11/2/1898. Ông theo học tại Viện Công nghệ Berlin, nơi ông đã gặp một số nhà vật lý xuất sắc như Albert Einstein và Max Planck.

Szilard có bằng tiến sĩ về vật lý vào năm 1922, khi đó  ông và Einstein đã trở thành bạn bè thân thiết. Khi thấy các nghiên cứu của mình bị gián đoạn bởi Thế chiến thứ I, ông đã rời Hungary, ghi danh tại Học viện Kỹ thuật Berlin-Charlottenburg, nhưng sau đó đã theo học tại Đại học Friedrich Wilhelm - nơi ông nghiên cứu vật lý. Ông đã viết luận án tiến sĩ của mình về “con quỷ của Maxwell”, một câu đố đã lâu trong triết học về vật lý nhiệt và thống kê. Szilard là người đầu tiên nhận ra sự liên hệ giữa nhiệt động lực học và lý thuyết thông tin.

Trong thời gian ở đại học, Szilard tham dự các khóa học của Albert Einstein. Chính Einstein là người hết mực ca ngợi luận án tiến sĩ của Szilard. Vào cuối những năm 1920, họ cùng nhau làm việc để phát triển tủ lạnh không có các thành phần chuyển động. Những tủ lạnh gia đình sử dụng công nghệ này thường được gọi là tủ lạnh Einstein-Szilard hoặc tủ lạnh Einstein. Tuy nhiên, những tủ lạnh này không bao giờ thành công về mặt thương mại.

Khi chiến tranh lan rộng, Szilard ngày càng trở nên khó chấp nhận với sự thật rằng những sáng chế của ông chủ yếu để phục vụ mục đích quân sự. Tới năm 1943, khi được biết Mỹ đang có kế hoạch dùng bom nguyên tử để chống lại Nhật Bản, ông đã bắt đầu một chiến dịch chống lại chính sáng chế của mình. Sau khi hai quả bom được ném xuống Nhật Bản, Szilard rời bỏ ngành vật lý hạt nhân và bắt đầu làm việc trong lĩnh vực sinh học phân tử, ông tiếp tục làm việc để hướng tới sử dụng năng lượng nguyên tử và kiểm soát vũ khí quốc tế cho mục đích hòa bình.

Ngoài các lò phản ứng hạt nhân, Szilard nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho một máy gia tốc tuyến tính trong năm 1928. Ông cũng đã có ý tưởng về một kính hiển vi điện tử. 

Sau khi Adolf Hitler trở thành thủ lĩnh của nước Đức quốc xã vào năm 1933, Szilard kêu gọi gia đình và bạn bè của mình để chạy trốn khỏi châu Âu trong khi họ vẫn còn có thể. Ông đã tới nước Anh để chạy trốn khỏi sự đàn áp của Đức Quốc xã và đã giúp thành lập Hội đồng học thuật hỗ trợ - một tổ chức chuyên giúp đỡ các học giả người tị nạn tìm việc làm mới. 

Cũng tại đây, ông đã phát hiện ra một phương pháp tách đồng vị được gọi là hiệu ứng Szilard-Chalmers. Chuyển đến Mỹ vào năm 1938, nơi ông đã làm việc với Enrico Fermi và Walter Zinn nghiên cứu việc tạo ra một phản ứng hạt nhân dây chuyền. Ông làm việc cho Phòng thí nghiệm luyện kim của Dự án Manhattan về việc thiết kế lò phản ứng hạt nhân.

Szilard đã phát minh ra phương pháp chiếu xạ tế bào ung thư bằng bức xạ tia gamma từ đồng vị cobalt 60, phát hiện sự ức chế phản hồi, và tham gia vào việc nhân bản vô tính một tế bào của con người. Ông công khai lên tiếng báo động chống lại sự phát triển của bom cobalt, một loại mới của vũ khí hạt nhân mà có thể tiêu diệt tất cả sự sống trên hành tinh.

Phòng thí nghiệm luyện kim và dự án Manhattan

Hình dung ra một cuộc chiến không thể tránh khỏi ở châu Âu, Leo Szilard đã quyết định di cư sang Mỹ. Tháng 11/1938, được tin về những phát hiện của phản ứng phân hạch hạt nhân do các nhà khoa học Đức là Otto Hahn và Fritz Strassmann, Leo Szilard đã nhận ra urani có thể là yếu tố có khả năng duy trì một phản ứng dây chuyền. Ông đã mượn một phòng thí nghiệm và thuyết phục Walter Zinn trở thành cộng tác viên để nghiên cứu quy trình sản xuất uranium tinh khiết và than chì.

Szilard đã soạn thảo một lá thư bí mật với Tổng thống Mỹ lúc đó là Franklin D. Roosevelt, giải thích các khả năng của vũ khí hạt nhân, cảnh báo về những dự án vũ khí hạt nhân của Đức, và khuyến khích sự phát triển của một chương nghiên cứu hạt nhân.

Albert Einstein và Leo Szilard (phải) thảo luận về lá thư gửi Tổng thống Mỹ Roosevelt.

Với sự giúp đỡ của Wigner và Edward Teller, ông tiếp cận người bạn cũ của ông là Albert Einstein vào và đã thuyết phục ông ký tên vào bức thư nổi tiếng này. Chính bức thư Einstein- Szilard đã dẫn đến việc thành lập các nghiên cứu về phản ứng phân hạch hạt nhân của Chính phủ Mỹ, và cuối cùng là tạo ra dự án Manhattan. Szilard muốn bom hạt nhân chỉ được sử dụng với mục đích răn đe, ngăn chặn. Nhưng khi biết quân đội muốn đánh bom Nhật Bản, ông đã tranh cãi nảy lửa với tướng Leslie Groves, là sếp của Julius Robert Oppenheimer, chủ nhiệm dự án Manhattan. Oppenheimer lúc đó là giáo sư vật lý Đại học California Bekerley.

Szilard tiếp tục viết một bức thư nữa cho Tổng thống Roosevelt, giải thích không nên đánh bom Nhật Bản. Nhưng Tổng thống đã chết vài ngày trước khi bức thư tới nơi. Sau đó Szilard cố gắng liên lạc với Tổng thống Truman, nhưng thư của ông không bao giờ tới được tay ông Truman, hoặc đã tới nhưng bị bỏ qua.

Ngày 6/12/1941, cuộc họp của Ủy ban Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia đã nhóm họp để tiến hành một nỗ lực toàn diện sản xuất bom nguyên tử, một quyết định được đưa ra cấp bách sau cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng. Được sự chấp thuận chính thức của ông Roosevelt và bổ nhiệm Arthur H. Compton từ Đại học Chicago là người đứng đầu nhóm nghiên cứu và phát triển. 

Đi ngược lại mong muốn của Szilard, Compton tập trung tất cả các nhóm công tác về các lò phản ứng và plutonium tại phòng thí nghiệm luyện kim của Đại học Chicago. Compton đã đặt ra một kế hoạch đầy tham vọng để đạt được một phản ứng dây chuyền vào tháng 1/1943, bắt đầu sản xuất plutonium trong các lò phản ứng hạt nhân vào tháng 5/1944, và sản xuất một quả bom nguyên tử trong cùng thời gian này.

Một câu hỏi gây nhiều tranh cãi ở thời điểm đó là cách làm mát một lò phản ứng nhiệt hạch, đa số ý kiến được đưa ra là làm mát bằng heli, do tính chất hấp thụ ít neutron của nó. Leo Szilard đã đưa lựa chọn của mình với bismuth lỏng, nhưng những thí nghiệm trên thực tế đã cho thấy sự khó khăn trong việc sử dụng chất này là quá lớn. Cuối cùng, kế hoạch của Wigner sử dụng nước bình thường như một chất làm mát đã chiến thắng.

Với hy vọng bảo vệ đời sống con người và tự do chính trị, Szilard mong muốn rằng Chính phủ Mỹ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân, và coi mối đe dọa của vũ khí hạt nhân chỉ để buộc Đức và Nhật Bản đầu hàng. Ông cũng lo ngại về những tác động lâu dài của vũ khí hạt nhân, dự đoán rằng việc Mỹ sử dụng sẽ bắt đầu một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân với Nga. Ông đã soạn thảo các kiến nghị Szilard ủng hộ cuộc biểu tình chống lại bom nguyên tử,  và cũng chính ông đã vận động cho sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử năm 1946, đặt năng lượng hạt nhân dưới sự kiểm soát dân sự.

Năm 1960, Szilard đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bàng quang. Ông đã trải qua điều trị cobalt tại Bệnh viện New York Memorial Sloan-Kettering sử dụng một phác đồ điều trị cobalt 60 do ông tự tay thiết kế. Các bác sĩ đã cảnh báo rằng lượng phóng xạ tăng lên có thể sẽ nguy hiểm. Nhưng Szilard đã nói không có vấn đề gì với nó, và rằng dù sao ông cũng sẽ chết. Phóng xạ liều cao đã tỏ ra hiệu quả. Cách xử lý này đã trở thành tiêu chuẩn cho việc điều trị nhiều loại ung thư và cho tới nay vẫn được sử dụng. Szilard đã dành những năm cuối cùng của ông là một thành viên của Viện Nghiên cứu Sinh học Salk ở La Jolla, California. Ngày 30/5/1964, ông qua đời trong một cơn đau tim.

Hoàng Ngọc
.
.