Ngoại tình chưa phải dấu chấm hết!

Chủ Nhật, 03/01/2021, 14:45
Với không ít người trong xã hội hiện nay, ngoại tình như một cơ hội theo đuổi những ước mơ từ lâu đã ngủ quên, cảm thấy mình sống lại lần nữa, tìm thấy một người thực sự hiểu mình. Nhưng chắc chắn là khi chúng vỡ lở thì sau đó là đau đớn, tan vỡ mối quan hệ, hủy hoại các gia đình và rất nhiều các hành vi bạo lực do ghen tuông.

Và dường như khi xã hội càng coi tình dục và ngoại tình là một điều cấm kỵ, ít nói về nó thì lại càng thúc đẩy việc ngoại tình phát triển trong bí mật. Nếu chủ đề ngoại tình được hiểu thấu, liệu có tránh được nhiều tổn thương?

Điều gì gây ra ngoại tình?

Vậy điều gì dẫn đến ngoại tình? Chúng ta thường hay nghĩ đến ba kiểu ngoại tình phổ biến là do cảm xúc, do nhu cầu tình dục và loại kết hợp. Còn dưới góc độ của những nhà tâm lý, ngoại tình có thể có nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ như ngoại tình để tránh xung đột. Cá nhân ngoại tình vì hai người cảm thấy không thoải mái khi ở với nhau và mỗi người không thể giải quyết xung đột nội tâm của mình. 

Có người ngoại tình vì tổ ấm trống trải, nhàm chán khi con cái lớn rời khỏi nhà. Một số người khác lại cố tình ngoại tình để buộc người kia phải kết thúc mối quan hệ chỉ vì mình không dám nhận trách nhiệm kết thúc mối quan hệ trước. Một dạng động cơ ngoại tình khác nữa là sau nhiều năm lấy nhau, hai vợ chồng trở nên quá quen thuộc và gần gũi. Một cá nhân cảm thấy bị bao trùm, điều khiển bởi người kia nên ngoại tình như một cách thoát ra, tạo ra một khoảng cách vừa đủ để quan hệ vợ chồng trở nên hấp dẫn kịch tính hơn.

Ảnh: L.G.

Cần phải hiểu các dạng mục tiêu và động cơ ngoại tình để đưa ra những chiến lược xử lý khác nhau. Trên thực tế, nhiều người tin rằng mối quan hệ phải có vấn đề trước, sau đó mới dẫn đến ngoại tình. Điều này không đúng, người ta vẫn ngoại tình ngay cả khi mối quan hệ nồng ấm bởi vì một người đã sẵn sàng ngoại tình. Những câu chuyện thực tế đã chứng minh có một số trường hợp ngoại tình khi quan hệ gia đình vẫn nồng ấm.

Ngoại tình từ những cuộc gặp không định trước và không dựa trên quan hệ yêu đương. Nó xuất hiện khi cá nhân ở một mình, đi du lịch, khi đối tác không sẵn sàng (ví dụ đang mang thai) Ngoại tình trong tình huống này không phải là kết quả của mối quan hệ rạn nứt mà là kết quả của những quyết định vội vàng. Có những người ngoại tình kiểu "cuộc tình một đêm" sau khi đã uống quá nhiều rượu trong buổi liên hoan với đối tác. Nhưng ngay cả như thế, niềm tin mất đi và cần phải xây dựng lại từ đầu.

Ngoại tình sau một thời gian tán tỉnh không vì động cơ tình dục. Tán tỉnh là một thói quen bản năng của không ít đàn ông. Nhiều khi đó là cách để người đàn ông tránh sự kiểm soát của người phụ nữ và khẳng định vị thế chinh phục. Còn người phụ nữ khi được tán tỉnh đều cảm thấy mình đang phải kiếm tìm một "bạch mã hoàng tử". Tán tỉnh ban đầu không mang hàm ý tình dục nhưng đều khiến cả nam giới và phụ nữ rơi vào những tình huống nguy cơ cao. Tính chất "nguy hiểm và cấm kỵ" của mối quan hệ này cũng làm cho họ phấn khích hơn nhiều so với môi trường làm việc tẻ nhạt và đó là động cơ khiến họ vượt rào.

Ngoại tình như một sự sắp xếp trong cuộc sống hôn nhân. Nhiều trường hợp cả 2 vợ chồng đều thầm lặng chấp nhận việc ngoại tình. Họ giữ khoảng cách nhưng vẫn muốn duy trì một số quyền lợi của hôn nhân (ví dụ như sẽ mất các lợi ích tài chính nếu ly hôn ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của cả hai). Kiểu ngoại tình sắp xếp này cũng thường xuất hiện với những cặp vợ chồng xa nhau thường xuyên và đến chừng nào không có một ai cảm thấy có nhu cầu phải thay đổi thì mối quan hệ tay ba tay tư vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Giải quyết cách nào?

Một cuộc ngoại tình thường đặt dấu chấm hết cho mối quan hệ. Nhưng trước khi kết thúc, các cặp đôi luôn tự nghĩ ra đủ thứ lý do để bảo vệ bản thân, họ sử dụng những lý do này để giải thích với người khác về sự đổ vỡ. "Thì tất nhiên là tôi có ngoại tình, nhưng vào thời điểm đó thì dù sao hôn nhân cũng đã kết thúc rồi". Khi đã muốn thoát khỏi hôn nhân, người ta hoàn toàn có thể sử dụng đến ngoại tình, mặc dù điều đó cũng có nghĩa là người ta đang "dắt mũi" người kia. Nhưng khi ngoại tình bị phát hiện, nó có thể khiến mối quan hệ tốt lành tan tác đến mức không cứu chữa nổi và sau đó trượt dài đến ly hôn.

Trong giai đoạn khủng hoảng này, để cứu chữa mối quan hệ, những người trong cuộc cần được hướng dẫn và trợ giúp.

Với những người đi ngoại tình: Ngoại tình cần phải chấm dứt và cá nhân phải tìm cách thổ lộ chuyện ngoại tình với đối tác của mình một cách thích hợp. Họ phải kiên nhẫn vì để câu chuyện ngoại tình qua đi thực sự cần ít nhất 1 năm (kể từ khi thú nhận) nhưng cũng có trường hợp mất nhiều năm mới vượt qua. Họ cần thành thật hết mức có thể nhưng tránh so sánh giữa vợ/chồng/bạn tình của mình với người thứ ba. 

Người vợ/chồng có thể sẽ buộc người ngoại tình so sánh về mức độ hấp dẫn, kích cỡ, khả năng tình dục hoặc những điều tương tự thế. Thành thực tuyệt đối trong trường hợp này có thể trở thành quá khích. Không cần thiết phải so sánh mức độ thoả mãn tình dục giữa người tình và vợ/chồng mình. Một phụ nữ nói với chồng rằng anh như cái áo len cũ còn tình nhân của cô thì như một cái sơ-mi lụa mới. Chẳng ai muốn mình giống như cái áo len cũ cả. Thứ ba là tuyệt đối không bao giờ đổ lỗi cho người kia vì mình đã ngoại tình; hãy nhận trách nhiệm. 

Người còn lại cần phải nghe thấy người ngoại tình nói rằng anh/chị ta chịu trách nhiệm về hành vi của mình và rằng không chung thuỷ là hoàn toàn sai lầm. Điều mà họ muốn nghe là người ngoại tình nhận ra rằng đó là vấn đề cá nhân và không cố biện bạch cho việc ngoại tình. Hãy tránh những chi tiết lặt vặt. 

Những chi tiết chính bao gồm ai, khi nào và tại sao chứ không phải là như thế nào hay cái gì. Mô tả chi tiết về quan hệ tình dục hay việc đó diễn ra ở đâu đều rất không nên. Chẳng hạn, nếu như nói với vợ/chồng rằng mình đã quan hệ tình dục ở khách sạn nào, mỗi khi họ vô tình lái xe qua đó thì sự việc sẽ lại sống dậy. Cần phải nghĩ đến cảm giác của người khác; mặc dù việc cung cấp thông tin có thể khiến cho người không chung thuỷ cảm thấy đỡ tội lỗi nhưng người còn lại sẽ bị những hình ảnh đó ám ảnh trong rất nhiều năm. Cuối cùng, đừng có hy vọng có được lòng tin hay sự tha thứ ngay lập tức. 

Người ngoại tình không bao giờ có thể tưởng tượng được việc làm của mình làm tổn thương đến thế nào. Dễ dàng thừa nhận tội lỗi của mình sẽ không giành được ngay sự tha thứ. Khi nào khủng hoảng qua đi và người kia thật sự bỏ qua thì tha thứ sẽ tự đến. Chúng ta không thể quyết định rằng mình sẽ lại tin tưởng ai đó chỉ bởi vì đó có vẻ là điều nên làm. Lòng tin được bồi đắp cùng với thời gian, và một khi nó đã từng bị xâm phạm, nó sẽ rất dễ vỡ. Người ta tỏ ra hoài nghi và ngờ vực để bảo vệ mình khỏi bị tổn thương lần nữa.

Với những người bị phản bội: Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Người bị phản bội cần được trợ giúp rất nhiều từ bạn thân, thế nhưng nếu gia đình cũng vào cuộc thì đó sẽ là một hành động nguy hiểm, trừ khi cả hai có xu hướng sẽ ly hôn. Nếu hai người vẫn sống cùng với nhau, các thành viên trong gia đình sẽ mang cảm giác oán giận trong nhiều năm, ngay cả khi ngoại tình đã được tha thứ và mối quan hệ hai người tốt đẹp trở lại. 

Thứ hai, cũng đừng biến mình trở thành một kẻ hoang tưởng ám ảnh. Như con chim bị bắn sợ cành cong. Những người bị phản bội không nên để cho việc ngoại tình kiểm soát toàn bộ cuộc sống của mình. Việc tìm kiếm chứng cứ của sự phản bội chỉ làm tăng độ ám ảnh và làm chậm quá trình hàn gắn. Ví dụ, nhiều người kiểm tra ví, túi quần, áo, túi xách hay đi theo vợ/chồng mình.

Cách duy nhất để một người không phản bội là ở cạnh người đó 24/24 giờ. Có người đã cố làm thế, nhưng thực tế giản dị là chúng ta không thể phòng tránh được ngoại tình nếu như người kia vẫn muốn tiếp tục làm thế. Sống suốt cuộc đời còn lại như thám tử cũng là một cách; miễn là người kia còn sống sót, còn thì tương lai ra sao cũng được. Lựa chọn thứ hai này cũng có nghĩa người bị ngoại tình chỉ đang cố gắng tập trung năng lượng để hàn gắn cho bản thân chứ không phải cải thiện mối quan hệ. Hoặc là người kia sẽ thay đổi, hoặc là đến một lúc nào đó, mối quan hệ sẽ kết thúc. 

Nếu chỉ để ai đó tránh khỏi tổn thương thì thật sự không ổn; người ta nên sống và đương đầu với ngoại tình, đồng thời duy trì mối quan hệ. Cuối cùng, hãy dành thời gian chăm sóc bản thân mình lúc này. Sau khi tiếp nhận thông tin ngoại tình, rất nhiều người thấy khó ăn, khô miệng và chỉ có thể ăn uống chất lỏng; họ có thể bị trầm cảm nhẹ. Họ cần phải được cảnh báo rằng sẽ có lúc thấy khó ăn hoặc ăn nhiều hơn mỗi khi bị đói. Tập luyện thể dục cũng rất quan trọng. Những dấu hiệu trầm cảm chính hoặc rối nhiễu đi cùng với trạng thái trầm uất nên được để ý và nên đi kiểm tra sức khoẻ tổng quát nếu cần thiết.

Dẫu ngoại tình rất đau đớn, hãy tin rằng hôn nhân sẽ vẫn sống sót sau ngoại tình nếu mỗi người sẵn sàng thấu hiểu, đối diện và cùng hướng đến cải thiện mối quan hệ. 

TS Tâm lý Trần Thành Nam
.
.