Ngoại hình có quyết định cuộc sống của chúng ta?

Thứ Ba, 09/09/2014, 07:30

Con người đang ngày càng chú trọng vào việc làm thế nào để có một ngoại hình hấp dẫn. Làm thế nào để xuất hiện bóng bẩy, đẹp đẽ là điều mà không chỉ có phụ nữ mà cả đàn ông cũng chú ý và càng ngày càng để tâm. Chỉ tính riêng tại Mỹ vào năm 2008, người Mỹ đã chi hơn 200 tỉ đô la cho việc chăm chút cho vẻ ngoài của mình, mặc dù cũng vào thời điểm đó, nước Mỹ đang trải qua một trong những cơn khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Các nghiên cứu gần đây cũng đều đã chỉ ra rằng con người đầu tư vào việc làm thế nào để xuất hiện tử tế, chải chuốt nhiều hơn rất nhiều đầu tư vào những việc trau dồi kiến thức như mua sách, báo, hay đi học.

Tại sao lại có chuyện này xảy ra? Chúng ta luôn biết rằng ngoại hình là một yếu tố quan trọng, nhưng chúng ta chỉ mơ hồ nắm bắt được rằng một ngoại hình dễ coi sẽ thuận lợi hơn trong cuộc sống. Cái mà đa số chúng ta không hiểu đó là ngoại hình quan trọng tới đâu? Bài viết này sẽ phân tích cụ thể hơn, rằng hình thức ảnh hưởng đến cách ta suy nghĩ, hành xử, và phán xét người khác, cũng như ảnh hưởng đến hầu hết mọi lựa chọn và quyết định của chúng ta.

1. Cái lý do đơn thuần là vì “muốn mình đẹp hơn” là một câu trả lời hời hợt cho một thực trạng sâu xa rằng họ nghĩ có một ngoại hình hấp dẫn tương ứng với việc thuộc về một tầng lớp thượng lưu. Nghe thì có vẻ không liên quan tới nhau cho lắm, nhưng trong cuộc khảo sát mới đây của các nhà tâm lý tại Mỹ, khi được hỏi, rất nhiều người nói rằng họ cảm thấy mình hấp dẫn trong một đám đông khi họ nhận thấy mình có một địa vị cao hơn so với những người khác. Ngược lại khi được hỏi khi nào họ thấy mình không được hấp dẫn lắm, rất nhiều người nói rằng đó khi họ cảm nhận được rằng mình thuộc một tầng lớp thấp kém hơn so với mọi người xung quanh. Điều quan trọng ở đây là khi được hỏi về các vấn đề như khi nào bạn cảm thông nhiều hơn hoặc khi nào bạn trung thực hơn, vấn đề hình thức sẽ không được nhắc tới nữa. Hơn thế nữa, theo một khảo sát của Mỹ, những người nghĩ mình có ngoại hình hấp dẫn sẽ dần dần tin rằng họ thuộc về một tầng lớp thượng lưu, và dần dà họ quên mất ngoại hình và chỗ đứng thực sự của họ trong xã hội như thế nào.

Các nghiên cứu trước đây cho rằng các cá nhân đánh giá người khác bằng khối lượng tài sản hay trình độ học vấn. Tuy nhiên, gần đây, các nhà nghiên cứu cho biết con người có xu hướng đầu tiên là suy diễn ra địa vị xã hội của người khác, và họ thường dựa trên những dấu hiệu nhỏ nhặt tinh tế thuộc về hình thức để đưa ra phán xét đó. Vậy tại sao chúng ta lại đặc biệt trở nên quan tâm tới ngoại hình? Câu trả lời, cũng là điều đáng báo động của xã hội hiện nay, đó là ngoại hình bảnh bao, đẹp đẽ sẽ đi cùng với việc được đối xử ưu tiên và được yêu quý hơn trong xã hội. Trong cuộc sống, một vẻ ngoài hấp dẫn sẽ có khá nhiều lợi thế, ví dụ điển hình như là những người ngoại hình đẹp đẽ hơn có xu thế kiếm được nhiều tiền hơn, và cơ hội được tuyển dụng cao hơn. Ngược lại, mọi người thường có thành kiến với những người vẻ ngoài không được bắt mắt lắm. Ví dụ, con người thường nghĩ những người nếu bên ngoài đã không hấp dẫn, không được chăm chút thì chắc hẳn sẽ không giỏi giang lắm hoặc tính cách không được dễ gần. Tầng lớp thượng lưu, nhiều tiền, “quý tộc” thì mới có vẻ ngoài hấp dẫn được.

Nhưng, vấn đề ở chỗ, con người không chỉ dừng lại ở việc dùng những suy luận trên để đi phán xét người khác. Con người đang phán xét chính bản thân họ. Con người đang để ý, thậm chí quá để ý vào ngoại hình của mình vì họ biết họ sẽ bị đánh giá. Họ sẽ cảm thấy mình nghèo hay giàu, cảm thấy mình thuộc tầng lớp hạ lưu, trung lưu, hay thượng lưu tùy vào mức độ hấp dẫn ngoại hình của họ.  Nghiên cứu còn chỉ ra được rằng, cái quan niệm về hình thức không chỉ ảnh hưởng tới nhận thức của con người về địa vị xã hội mà còn làm thay đổi cách nhìn nhận sự bình đẳng. Khi con người trở nên hấp dẫn, nổi bật hơn, họ có xu hướng ủng hộ sự bất bình đẳng. Ví dụ, họ có phần ủng hộ chuyện dùng người khác để tiến thân, và ít tham gia các cuộc quyên góp tiền cho các tổ chức phúc lợi. Ngược hẳn lại, những người nghĩ họ ít hấp dẫn, thường nghiêng về ủng hộ bình đẳng. Họ tôn thờ chủ nghĩa bình đẳng và coi đó là cái gốc rễ một xã hội cần có và cũng là mục tiêu chính xã hội cần vươn tới. Những nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng một ngoại hình hấp dẫn không chỉ làm chúng ta tự tin hơn - một ngoại hình hấp dẫn có thể định hình cái nhìn của chúng ta về cái gì sẽ cấu thành lên một xã hội kiểu mẫu.

Quan niệm về ngoại hình ảnh hưởng rất nhiều tới con người bởi vì sự hấp dẫn về mặt hình thức vô tình trở thành một thước đo, sắp xếp trật tự trong xã hội. Những mối quan tâm lo lắng về ngoại hình không phải chỉ là một xu thế; nó phản ánh thực trạng rằng con người đang cực kỳ thèm khát để tìm được chỗ đứng trong xã hội.

2. Chúng ta còn không ý thức được rằng để ngoại hình không xen vào những quyết định của chúng ta là rất khó. Không phải chỉ nói đến việc yêu đương, đôi lứa lãng mạn, ở đây, vấn đề ngoại hình liên quan tới tất cả tương tác giữa người với người. Và khi nói tới ngoại hình của một người, không phải là “xinh đẹp, bảnh trai” mà còn là rất nhiều yếu tố khác nữa.

Trong nhận thức của con người, từ nhìn tới nghe, cho tới cái bức tranh chúng ta phác họa tính cách của người khác, nhận thức có ý thức của chúng ta khởi đầu từ bất kỳ thông tin khách quan nào trước mắt và giúp chúng ta định hình và xây dựng một hình ảnh đầy đủ hơn cái mà chúng ta thật sự thu nhận được. Chưa dừng lại ở đó, để giúp chúng ta có được một cái nhìn toàn diện, vô thức của chúng ta tự tạo nên một vài phỏng đoán có căn cứ để lắp nốt những mảnh ghép cuối cùng tạo nên bức tranh hoàn chỉnh. Trong nhận thức của chúng ta về người khác, và của người khác về chúng ta, những suy nghĩ sâu, thuộc về tiềm thức sẽ nhận những thông tin có kiểm soát, và từ đó tạo nên một bức tranh trông có vẻ rõ ràng và chân thực, nhưng thực chất, nó lại được xây dựng từ những suy luận vô thức. Những suy nghĩ vô thức ấy được dựa trên ngôn ngữ hình thể của con người, quần áo, ngoại hình, và các phạm trù xã hội khác.

Diện mạo khuôn mặt được nghiên cứu nhiều nhất là trong chính trị, đặc biệt là trong các cuộc bầu cử. Cuộc tranh cử rất thích hợp để nghiên cứu về tầm quan trọng của hình thức một cách tổng quát, bởi vì rất nhiều quyết định của chúng ta trong cuộc sống rất giống một hình thức bầu cử: Chúng ta nên thuê ai làm việc, chúng ta nên tin ai? Trong chuyện yêu đương cũng vậy. Nên yêu và hẹn hò với ai? Trong các trường hợp trên, chọn ai để hẹn hò cũng như khi chúng ta lựa chọn một chính khách để bầu, chúng ta nghĩ rằng chúng ta  chọn họ dựa trên những phẩm chất con người họ, không phải dựa trên ngoại hình. Nhưng sự thật có phải như vậy?

Trong một nghiên cứu tại Mỹ, được dẫn dắt bởi Shawn W. Rosenberg - nhà khoa học chuyên nghiên cứu về chính trị thuộc Trường đại học của California tại Irvine, 140 tình nguyện viên đã được thông báo rằng họ đang tham gia vào một nghiên cứu. Các tình nguyện viên sẽ phải xem xét kỹ lưỡng các ứng viên tham dự bầu cử quốc hội và bầu tổng cộng qua 3 vòng. Trong mỗi vòng, các tình nguyện viên sẽ được cho xem 2 tập thông tin về các ứng viên, bao gồm Đảng của ứng viên đó là đảng nào, và quan điểm của các ứng viên trong một vài vấn đề chính. Mỗi tập thông tin bao gồm 1 ảnh của ứng viên đó. Trên thực tế, các tập thông tin đã được biến tấu để phục vụ cho nghiên cứu này. Ảnh không phải là ảnh chụp các ứng cử viên thật mà là ảnh chụp của người mẫu người da trắng trong áo choàng và thắt ca-vát. Những người mẫu này đã được đánh giá bởi một số tình nguyện viên khác, và đã được các tình nguyện viên cho điểm cao hay thấp dựa trên những tiêu chí có thể nhìn nhận được ví dụ như sự liêm chính, năng lực hay khả năng lãnh đạo. Trong mỗi vòng, các nhà nghiên cứu sắp xếp cho 1 nửa số tình nguyện viên nhìn thấy ứng viên với ảnh của ứng viên có ngoại hình đẹp và được yêu thích hơn là ứng viên của đảng tự do Dân chủ, trong khi nửa còn lại nhìn thấy ứng viên đó thuộc đảng bảo thủ Cộng hòa. Nếu không tính đến các tình nguyện viên thích đảng nào hơn, 2 ứng cử viên sẽ có số phiếu tương đối đều nhau nếu như ngoại hình không quan trọng. Nhưng thực tế, tỉ lệ phiếu bầu đã là 60-40, với đa số phiếu bầu nghiêng về người có ngoại hình đẹp hơn.

Vậy là chúng ta có thể đi tới kết luận rằng vấn đề hình thức ảnh hưởng khá nhiều tới mọi hành động trong cuộc sống: trong ứng xử hàng ngày, trong suy nghĩ nhỏ nhặt về người khác cho tới những quyết định quan trọng nên bầu cho ai vào quốc hội, một ngoại hình hấp dẫn sẽ ít nhiều chi phối chúng ta. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đây là một hiện tượng tâm lý rất tự nhiên, rằng con người có xu thế thích cái đẹp đẽ và bóng bẩy, ưa nhìn. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu tâm, hiểu và kiểm soát nó, để hình thức sẽ không chiếm ưu thế quá đà trong việc đánh giá, đối xử giữa người với người, cũng như ảnh hưởng tới những quyết định quan trọng trong cuộc sống

Phương Linh
.
.