Nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam: Giữa ngã ba đường

Thứ Ba, 31/03/2020, 08:09
Hội nhập quốc tế trong giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học là chính sách đã được thực hiện liên tục ở nước ta trong khoảng 15 năm qua, kể từ khi Nghị quyết 14/2005/NQ-CP về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 được ban hành.


Hội nhập quốc tế ở đây được thể hiện ở 2 hình thức: một là, áp dụng các tiêu chuẩn của quốc tế trong việc vận hành hệ thống giáo dục đại học (ví dụ: kiểm định chất lượng quốc tế, nghiên cứu khoa học theo các chuẩn quốc tế…); hai là, tăng cường các yếu tố quốc tế trong các cơ sở giáo dục đại học (ví dụ: tuyển sinh sinh viên quốc tế và tuyển dụng giảng viên quốc tế…). 

Qua 15 năm thực hiện, công cuộc hội nhập quốc tế, một mặt, đã có một số thành tựu nhất định; mặt khác, cũng có nhiều mong muốn chưa đạt được. Bản thân trong 15 năm qua, đã có khá nhiều nghiên cứu đánh giá về những điểm được và chưa được này.

Ảnh bìa cuốn sách.

Mặc dù vậy, các tổng kết kể trên chủ yếu mới chỉ ở dạng các bài báo/ tham luận nhỏ lẻ hoặc được lưu hành trong phạm vi hẹp; chưa có nhiều nghiên cứu nào đủ “dày dặn” được công bố rộng rãi. Trong bối cảnh đó, cuốn sách “The Vietnamese Social Sciences: at a fork in the road” (tạm dịch là (i) “Khoa học xã hội tại Việt Nam: ở thời khắc quyết định” hoặc (ii) “Khoa học xã hội tại Việt Nam: giữa ngã ba đường”) ra đời, phần nào thỏa mãn được nhu cầu kể trên.

Cuốn sách do NXB De Gruyter (Đức) phát hành tháng 11/2019, do TS. Vương Quân Hoàng (Trung tâm Nghiên cứu xã hội liên ngành, Đại học Phenikaa) và PGS. Trần Trung (Học viện Dân tộc Việt Nam) đồng chủ biên; cùng với sự đóng góp của 16 nhà nghiên cứu khoa học xã hội trẻ khác (tuổi từ 20-40), đến từ nhiều đơn vị trong và ngoài nước. Cuốn sách gồm 8 chương, bên cạnh 1 phần mở đầu, 1 phần kết luận và 1 phục lục, dày hơn 200 trang đã tổng kết toàn bộ kết quả, thực trạng, xu hướng về các nghiên cứu của các tác giả người Việt trong lĩnh vực khoa học xã hội (bao gồm: kinh tế, giáo dục, tâm lý, y cộng đồng, khoa học chính trị, luật…) trong khoảng thời gian 11 năm (từ 2008-2018) trên các ấn phẩm quốc tế.

Điểm đặc biệt của cuốn sách, bên cạnh việc viết bằng tiếng Anh nhưng lại có tác giả hoàn toàn người Việt 100% thể hiện ở một số điểm:

Thứ nhất, cuốn sách được viết dựa trên nền tảng là một bộ dữ liệu về toàn bộ các nhà nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước, có các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội trên các ấn phẩm quốc tế được Quỹ Phát triển Khoa học và Quốc gia NAFOSTED công nhận. 

Đây là bộ dữ liệu công phu (https://sshpa.com/) được nhóm tác giả thu thập, tổng hợp và phát triển trong vòng gần 3 năm (từ tháng 2/2017) mà không nơi nào có được (bản thân Quỹ NAFOSTED cũng chỉ có danh sách các công trình do NAFOSTED tài trợ chứ không có đủ danh mục các công trình mà Quỹ không tài trợ). Nhờ vậy, cuốn sách có được một đặc điểm mà không nhiều cuốn sách trong khoa học xã hội có được, đó là: dữ liệu vừa toàn diện, vừa sâu, lại có hình ảnh trực quan, dễ hiểu và bắt mắt.

Thứ hai, cuốn sách thực tế bản thân cũng là một tổng kết của một chuỗi nghiên cứu được nhóm tác giả thực hiện liên tiếp trong 3 năm trước đó với khoảng 10 công trình khoa học đã được công bố trên các tạp chí quốc tế. Nói cách khác, cuốn sách, một mặt tổng kết về vấn đề nghiên cứu khoa học xã hội Việt Nam trong 11 năm; nhưng mặt khác, bản thân nó cũng  có thể được xem là một “tiểu tổng kết” của một cụm công trình của chính nhóm tác giả trong quá trình 3 năm làm việc miệt mài.

Số lượng chưa nhiều nhưng tăng trưởng đều đặn

Trong những năm qua, giới học thuật ở Việt Nam vẫn lưu truyền một nhận định của một đại diện ngành khoa học tự nhiên, đại ý: “Việt Nam làm gì có nghiên cứu khoa học xã hội”. Nhận định hẳn nhiên là gây tranh cãi; nhưng nếu xét về khía cạnh công bố quốc tế, thì nhận định trên thực tế là “đau nhưng mà đúng”. Mặc dù vậy, khi đọc cuốn sách mới công bố này, thì có thể thấy, nhận định kể trên dường như không hẳn còn đúng trong thời điểm hiện nay nữa.

Lưu đồ mô tả sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội Việt Nam trong 2 năm 2008 (hình a) và 2018 (hình b).

Nếu so với lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ, có thể về số lượng các công bố trong khoa học xã hội chưa nhiều; nhưng về tốc độ tăng trưởng thì cũng rất đáng kể. Theo thống kê từ cuốn sách (Chương 2), trong vòng 11 năm, đã tổng cộng 2,363 công bố với sự tham gia của 1,374 tác giả người Việt. Nếu như trong năm 2008, chỉ tổng cộng 83 nghiên cứu với 136 tác giả người Việt, thì con số tương ứng tại năm 2018 lần lượt là 391 và 923 (tăng 4,7 và 6.8 lần). Rõ ràng, mặc dù về số lượng vẫn còn khiêm tốn, nhưng khoa học xã hội Việt Nam đã có những đóng góp ngày càng rõ nét cho khoa học Việt Nam nói chung. 

Những ngành hàng đầu, những cơ sở tiên phong và vai trò của các nhóm nghiên cứu 

Dữ liệu từ cuốn sách cũng chỉ ra những ngành có nhiều công bố nhất trong lĩnh vực KHXH trong 10 năm qua (Chương 3,4). Cụ thể, kinh tế là ngành dẫn đầu với 620 bài trong vòng 11 năm (chiếm 22.7%), tiếp theo có thể kể đến Giáo dục (338 bài, 12.38%), Chăm sóc sức khỏe (313 bài, 11.46%), kinh doanh (308 bài, 11.28%), xã hội học (179 bài, 6.55%). Đặc biệt ngành khoa học chính trị, ngành vốn được xem là khó đăng theo phản ánh của nhiều nhà khoa học trong nước cũng đã đóng góp 74 bài, 2.71%, đứng thứ 10 trong tổng số 32 ngành được liệt kê.

Đâu là những đơn vị hàng đầu trong nghiên cứu KHXH tại Việt Nam cũng sẽ là một chủ đề được nhiều người quan tâm. Dữ liệu nghiên cứu (Chương 2) cho thấy, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở có nhiều công bố quốc tế thuộc lĩnh vực KHXH nhất cả nước trong giai đoạn 2008-2018 (268 bài); tiếp theo có thể kể đến Đại học Kinh tế Quốc dân (160 bài), ĐH Y Hà Nội (141 bài), ĐH Kinh tế TP.HCM (106 bài) và ĐH Quốc gia TP.HCM (105 bài).

Vai trò của các nhà khoa học hàng đầu, đồng thời cũng là trưởng của nhóm nghiên cứu do họ lãnh đạo đóng vai trò căn cốt cho sự phát triển của khoa học. 

Trong cuốn sách này, tại Chương 5, chúng ta cũng sẽ có cơ hội được làm quen với những gương mặt “năng suất nhất” trong giới nghiên cứu KHXH hơn 10 năm qua như Trần Xuân Bách (ĐH Y Hà Nội), Lưu Trọng Tuấn (ĐH Kinh tế TP.HCM), Nguyễn Việt Cường (ĐH Kinh tế Quốc dân), Trần Thị Lý (ĐH Deakin)... Điểm đáng chú ý là, những gương mặt này, trong một số năm, thậm chí còn có năng suất công bố hơn cả một trường. Dường như đây cũng chính là đặc điểm của các nước có nền khoa học non trẻ như Việt Nam.

Những động lực phía sau

Sự phát triển tương đối nhanh của KHXH Việt Nam từ 2008 đến nay hẳn nhiên là có các động lực đằng sau.

Và sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những động lực này. Cụ thể, theo nhóm tác giả, 2 nhóm động lực chính được chia thành: (i) các chính sách của Nhà nước mà nổi bật nhất là việc ra đời Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia NAFOSTED vào năm 2008 và Quy định về đào tạo tiến sĩ kèm theo Thông tư 08 năm 2017; và (ii) sự tham gia của các trường đại học (bao gồm cả các đại học truyền thống như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế TP HCM…; hay đại học mới thành lập như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân); và các quỹ tư nhân (như của VinGroup hay của Tập đoàn Phenikaa). Độc giả có thể tìm hiểu kỹ hơn về các vấn đề này trong Chương 1 và Chương 7 của cuốn sách.

Hướng tới phía trước

Trong chương 6 và chương 8 của sách, nhóm tác giả đề cập đến 2 vấn đề, mà nếu xem xét kỹ thì nó không những đúng cho bản thân ngành KHXH mà còn đúng cho toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu và giáo dục đại học ở nước ta.

Vấn đề thứ nhất là chất lượng của nghiên cứu. Thực tế, kể từ ngày hội nhập, giới nghiên cứu ở nước ta vẫn dùng các chỉ số đánh giá khoa học như chỉ số tác động Impact Factor, Citescore hay H-index … để đánh giá kết quả của một công trình hay một nhà khoa học. Cách tiếp cận này là đúng nhưng chưa đủ.

Tại Chương 6, nhóm tác giả giới thiệu và bình luận về những xu hướng mới nhất, cũng đang được thế giới quan tâm như: khoa học mở, dữ liệu mở, phản biện mở hay truyền thông khoa học.

Vấn đề thứ hai, được trình bày trong Chương 8 bàn về việc vận hành hệ thống khoa học như một lĩnh vực kinh tế. Về mặt truyền thống, các trường đại học ở nước ta chủ yếu là các cơ sở công lập, được nhà nước bao cấp và thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ trong một cơ chế tập quyền cao.

Bối cảnh mới yêu cầu các trường đại học phải tự chủ hơn, dựa vào chức năng nghiên cứu nhiều hơn. Sự dịch chuyển này yêu cầu các trường đại học phải tự thân vận động hơn, hay nói như lời của nhóm tác giả , phải có năng lực “doanh chủ học thuật” (academic entrepreneurship) nhiều hơn.

Cả hai nội dung kể trên chắc chắn là những điều các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đại học và bản thân các nhà nghiên cứu không thể bỏ qua.

Phạm Hiệp
.
.