Nghịch lý mang tên bảo tồn

Thứ Hai, 26/04/2010, 10:10
Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, Viện Phát triển bền vững vùng Trung Bộ thuộc Viện KHXH Việt Nam đã từng đưa ra một khái quát khôi hài: "Các ngành nhân học, bảo tồn của Việt Nam đã và đang dịch chuyển từ trường phái "Ốp-ép" sang trường phái… "Tom and Jerry"...

Tạm hiểu, đó là sự dịch  chuyển từ khuynh hướng nghiên cứu "kiểu Nga"- công trình nghiên cứu thì dày, khả năng ứng dụng thì mỏng - nay đã bị xem là chủ quan, duy ý chí, nặng tính giáo điều kinh viện, sang khuynh hướng "kiểu Mỹ", có vẻ thoáng, đa dạng, lắm màu sắc, "miễn vui là được" và đôi khi không tránh khỏi vụn vặt, tầm phào!

Ở Tây Nguyên, nhiều địa phương đã đổ ra hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để tái hiện, tổ chức lại những lễ đâm trâu hết sức hoành tráng. Không như mong đợi, đó không phải là những buổi lễ hội thật sự, chỉ là một hình thức sân khấu hoá lễ hội. Đồng bào các dân tộc ít người cũng không mấy mặn mà  với những "hội đâm trâu" kiểu quốc doanh này. Họ không thấy được chính đời sống, nhu cầu của họ trong đó, chỉ thuần tuý là khán giả, xem người ta "biểu diễn" lễ hội của dân tộc mình. Điều bất hợp lý nằm ở lý thuyết tiếp cận: hội chỉ là hội khi  và chỉ khi chính đồng  bào tham dự là đồng chủ thể sáng tạo - xuất  phát từ nhu cầu tinh thần, tín ngưỡng tự thân. Cách tiếp cận như vậy chỉ gây tốn kém, không thoả mãn được nhu cầu tinh thần của đồng bào.

Ông Nguyễn Trí Thức, Trưởng phòng Văn hoá thông tin  huyện Mường Khương, Lào Cai, đã từng vò đầu bứt tai mà than rằng: "Gay go quá, không biết tìm đâu ra kinh phí". Hội diễn văn nghệ quần chúng địa phương có khá nhiều những tiết mục biểu diễn các làn điệu dân ca các dân tộc. Nhưng có tìm đỏ mắt, huy động đủ các kiểu cũng khó tìm mượn đủ số trang phục cần thiết. Chính quyền huyện đã  phải chi một khoản tiền lớn từ ngân sách để đặt may trang phục dân tộc cho những cuộc lễ lạt hội hè này. Mỗi bộ váy Mông giá vài ba triệu đồng. Một tiết mục tốp ca có chừng 10 em thiếu nhi biểu diễn, tiền phục trang cũng mất vài ba chục triệu. Tổ chức chu đáo một hội diễn, tiền áo quần cũng đã lên  đến con số tiền tỷ. Đó là  một thách thức không nhỏ, ít ra  thì cũng  phải khiến một người tâm huyết như ông trưởng phòng phải  bút tai, vò đầu. Phải thôi, để nhẹ kinh phí, không lẽ gọi là tiết mục tốp ca mà chỉ hát có… 1 người (?!).

Một số nhà nhân học, nhà báo đã tỏ ra ưu tư, tiếc rẻ, kêu ầm lên: trang phục truyền thống đang mai một, một di sản quí báu trong văn hoá dân tộc của đồng bào thiểu số đang biến  mất. Cần bảo tồn gấp! Có ý kiến đề xuất: Nhà nước, địa phương cần tài trợ để tái đào tạo  nghề truyền thống, để bất kỳ một thiếu nữ Mông nào cũng có thể tự may thêu cho mình một bộ váy truyền thống, giống như bà ngoại, cụ kị xưa của họ vậy.

Thật cao cả! Song nghịch lý xuất hiện tức thì. Để có được một bộ váy Mông đúng nghĩa cần phải trải qua các công đoạn trồng lanh, dệt vải, may, thêu thủ công. Một người phụ nữ Mông làm miệt mài từ 6 tháng đến một năm  mới hoàn tất một bộ váy trị giá khoảng 2-3 triệu đồng. Trong khi đó, váy in Trung Quốc giá chỉ 50.000-60.000 đồng mỗi chiếc. Sử dụng váy Trung Quốc, người phụ nữ có thừa thời gian để làm  được vô số công việc khác sinh lợi hơn, đem lại thu  nhập cao hơn.

Yêu cầu bảo tồn rõ ràng đang  xung đột dữ dội với mục tiêu giải phóng sức lao động của người phụ nữ, góp phần vào quá trình thực hiện bình đẳng giới - cũng là những mục tiêu cao cả và rất cần thiết. Vấn đề  là sự  lựa chọn. Ông Trưởng phòng văn hoá thông tin không chọn, cô diễn viên nghiệp dư người Mông  cũng không tự chọn. Chính cuộc sống đã quyết định chọn lựa: váy in công nghiệp. Đành thôi. Bảo tồn hay không, đó chính là nhu cầu xuất phát từ đời sống, không lệ thuộc vào sự áp đặt hay ước muốn nào cả.

Đến xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, khách đã phải hết sức kinh ngạc và thán phục bởi sự đổi thay mạnh mẽ về kinh tế. Gia đình ông Thào Dìn, người Mông, Trưởng thôn Cốc Phương có thu nhập tới 400-500 triệu đồng một năm. Ăn Tết Nguyên đán, nhà ông mổ tới 2 con lợn, mỗi con 1 tạ. Thào Thắng, mới 30 tuổi nhưng cơ ngơi đã khá đầy đủ. Tết, Thào Thắng đưa vợ con xuống chợ Lào Cai sắm quần áo một lúc những 40 triệu đồng, không hề phải đắn đo. Vậy mà cách đây 7 năm, họ đều thuộc diện nghèo, năm nào Nhà nước cũng phải trợ cấp lương thực nhiều tháng.

Tất cả nhờ vào chuyên canh dứa và chuối, dứa vẫn chiếm ưu thế. Đầu mùa, thương lái Trung Quốc sang mua nguyên cả đồi, mang thuốc trừ sâu, phân bón sang, người Mông trong thôn cứ việc làm theo chỉ dẫn. Cuối vụ, dứa thu hoạch xong, thương lái cứ vậy cân và trả tiền chở về.

Đời sống cả thôn đang khá lên rất nhanh. Trưởng thôn Thào Dìn hồ hởi mời khách sắp tới về thôn dự lễ Lung Shan (cúng rừng). Chính quyền tỉnh, huyện rất ủng hộ việc khôi phục lễ, bởi đó là một di sản văn hoá tinh thần đặc thù và quí báu của người Mông bản địa. Ông Dìn chỉ băn khoăn: Lâu quá, giờ chẳng ai  nhớ cách thức phải cúng  ra làm sao. Cũng chưa chọn được chỗ cúng, vì cả thôn, thậm chí cả vùng, giờ chẳng  có nơi  nào gọi là rừng.

Thêm một vấn nạn trong công tác bảo tồn. Mỗi nhóm người, thôn bản thuộc dân tộc Mông đều có một khoảnh "rừng thiêng", thường là ở đầu chóp ngọn núi, đồi cao nhất. Để giữ tính thiêng, tuyệt đối không ai được chặt phá, phóng uế vào khu rừng đó. Đó là một cách bảo vệ nguồn nước, bảo vệ  môi trường bằng tín ngưỡng độc đáo  trong  thế giới quan của dân tộc Mông.

Thực tế, để chuyên canh dứa, chuối, rừng Bản Lầu bị triệt hạ hoàn toàn. Lớp thực bì  cũng bị cạo  trắng.  Trong  sự no đủ đang  lên của địa phương này rõ ràng  đang tiềm ẩn vô số nguy cơ, đi liền với sự huỷ diệt môi trường và sự phát triển không bền vững. Người Cốc Phương, Bản Lầu sinh sống dọc sông Nậm Thi. Nước sông giờ chỉ còn chưa đến nửa ống chân, nhiều đoạn trơ đáy. Thuốc bảo vệ thực vật từ những nương dứa bị rửa trôi khiến dòng sông, dù vẫn trong leo lẻo nhưng đã cực kỳ ô nhiễm. Một số nơi, cá chết nổi lềnh phềnh, tắm rửa là bị mẩn ngứa. Suối khe cũng cạn kiệt vì không có rừng. Ở Bản Lầu, bia Trung Quốc không thiếu, nhưng nước ngọt thì rất hiếm.--PageBreak--

Cây dứa làm bạc màu đất rất nhanh. Ông Thào Dìn bảo: "Giờ bón phân, phun thuốc nhiều gấp ba mà trái dứa vẫn cứ  èo uột. Quả lớn nhất cũng chỉ 0,5kg. Cứ đà này, 10 năm nữa, việc trồng dứa cũng sẽ không sinh lợi, cũng chẳng còn cây gì  mọc được trên mảnh đất đã bị vắt kiệt, quá cỗi cằn này. Không biết người Bản Lầu sẽ sinh sống ra sao?". Nguy cơ thậm chí còn có thể ập đến ngay tức khắc, nếu bất ngờ thương lái Trung Quốc bỗng nhiên không mua dứa và chuối. Nhiều địa phương, nhiều sản vật cây trồng khác đã có quá thừa bài học kinh nghiệm vào sự lệ thuộc thị trường tiêu thụ. PGS-TS Hoàng Lương, giảng viên ĐHQG Hà Nội đã phải kêu lên: "Tham quan một ngày, mất ngủ cả một đêm. Mai mốt người dân tộc ở Sơn La quê tôi thấy lợi cũng bắt chước, cạo trắng rừng đi mà trồng dứa như ở đây thì thậm nguy!"

Cách Bản Lầu hơn 50km, hai xã Pha Long và Tả Ngải Chồ trải dài gần 20km chỉ có duy nhất một nguồn nước chảy ri rỉ ở trước Đồn Biên phòng Pha Long. Mỗi gia đình người Mông  phải mất đứt một công lao động chỉ để xếp hàng lấy được một can 20 lít nước phục vụ mọi sinh hoạt của cả gia đình trong  một ngày. Không có nước, thậm chí việc định cư  cũng sẽ phải tính đến khả năng di dời, nói gì đến việc trồng tỉa truyền thống. 

Trong tín ngưỡng đa thần của người Mông Mường Khương, Thần không phải là thứ quyền lực tuyệt đối nào cả mà là  nơi ký thác niềm tin và hy vọng. Đời sống lao động, sản xuất của người Mông gồm rất nhiều ngành nghề cho nên họ có rất nhiều thần: thần nước, thần rừng, thần lửa. Cày, cuốc, con dao đi rừng trong nhà, mỗi thứ đều được "gửi gắm" cho một vị thần. Tết, lễ, khi ngưng công việc, người Mông thường dán giấy tiền  lên dụng cụ lao động, lên cửa chính, cửa sổ, gác bếp…, xem như "cho tiền" để các thần nghỉ ngơi. Vì vậy, giấy tiền đã dán lá không bao giờ gỡ ra, để đến khi nào tự tróc ra hay gió cuốn thì thôi.

Môi trường, điều kiện sống thay đổi, ngành nghề sản xuất thay đổi, dĩ nhiên là một số thần cũng khộng còn tồn tại hoặc  đã… luân chuyển công tác. Lễ hội (chủ yếu là cúng các thần) e chừng có được bảo tồn thì cũng không còn nhiều ý nghĩa. Duy trì lễ hội, bảo tồn văn hoá, tín ngưỡng không thể là việc chờ đời sống khấm khá hơn mới làm. Và, cái cần bảo tồn đầu tiên không phải là bộ váy Mông hay lễ cúng rừng mà phải là không gian sinh tồn, nguồn gen bản địa, tri thức bản địa, kỹ năng sống bản địa phù hợp với đời sống  lao động sản xuất. Rất nhiều năm qua, tiếp cận sai nguyên lý bảo tồn, chúng ta đã làm ngược quy trình, chỉ tìm cách "hớt váng" màu sắc. Sự mai một, do đó  là không thể tránh khỏi.

Vẫn còn có những mô hình bảo tồn hiệu quả và đầy lạc quan, không như những ví dụ đã nêu. Làng Chăm Bầu Trúc, thị trấn Phước Dân, Ninh Phước, Ninh Thuận có truyền thống về nghề gốm thủ công, được xác định là cổ nhất Đông Nam Á với hơn 3.000 năm giữ nghề truyền thống. Sản phẩm chủ yếu là gốm gia dụng nặn bằng tay, không dùng bàn xoay, bằng nguyên liệu đất pha  cát  địa phương. Kỹ thuật nung đơn giản với nhiên liệu dễ  kiếm, rẻ tiền là củi, rơm và phân bò khô.

Sang thập niên 90 của thế kỷ trước, hàng gia dụng bằng nhôm và nhựa đầy ắp, rẻ và tiện dụng đã loại dần gốm gia dụng Bầu Trúc khỏi thói quen sử dụng của  hầu hết các gia đình. Nghệ nhân bỏ nghề vì sản phẩm bán không ai mua, thu nhập không đủ sống. Hàng nhiều tỷ đồng Nhà nước đầu tư  vào làng gốm chỉ có tác dụng giúp nó thoi thóp, đủ để không chết hẳn chứ không phát triển nổi.

Bây giờ thì khác. Gốm Chăm Bầu Trúc đã thành một sản phẩm đắt giá. Thay cho những lu vại dễ vỡ nằm ở góc bếp hay sàn nước, gốm Bầu Trúc trở thành những lồng đèn, tượng mỹ nghệ, bình trang trí chễm chệ trong các nhà hàng khách sạn, khu resort cao cấp. Mỗi sản phẩm có giá từ 50.000 -300.000 đồng. Thậm chí có những sảm phẩm hàng trăm USD. Tất cả đều do nhà thiết kế Sĩ Hoàng và một số doanh nghiệp đặt hàng ký kiểu.

Nguyên liệu và quy trình sản xuất không đổi. Vẫn là đất sét, cát, củi, rơm, phân bò, vẫn nặn bằng tay và nung lộ thiên không có lò nung, song gốm Bầu Trúc đã thay đổi cơ bản. Những yếu điểm về tính thô mộc, thủ công trong sản xuất hàng gia dụng lại trở thành lợi thế, khiến giá cả của chúng thay đổi, tăng gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần khi  hoá thân thành vật  phẩm trang trí mỹ nghệ. Các nghệ nhân Chăm Bầu Trúc đã hoàn toàn yên tâm bảo tồn nghề truyền thống, bởi chính nó đang giúp đời sống của họ phát triển. Xã hội hoá công tác bảo tồn đã phát huy tác dụng. Bài học rút ra là: thay đổi thuộc tính của sự vật hiện tượng có thể làm thay đổi, nâng cao giá trị sản phẩm lên gấp bội.

Bảo tồn, suy cho cùng cũng giống như trồng cây. Muốn cây phát triển bền vững thì quan trọng không phải là dưỡng cây mà trước hết cần phải dưỡng đất. Đất có màu mỡ, cây mới mong sống được và sum suê

Nguyễn Hồng Lam
.
.