Ngày mặt trời khuất bóng trên đế chế Anh

Chủ Nhật, 01/11/2020, 09:16
Vào ngày 19-10-1781 ấy, cái huyền thoại "trên lãnh thổ của đế quốc Anh, mặt trời không bao giờ lặn" bắt đầu mờ nhạt, khi hầu tước Cornwallis phải đặt bút ký vào văn bản đầu hàng trước thủ lĩnh quân nổi dậy ở thuộc địa Mỹ - George Washington cùng bá tước De Rochambeau chỉ huy quân Pháp đồng minh.

Chưa phải là sự cáo chung. Đoạn kết thúc vẫn sẽ còn ở rất xa phía trước. Song, vào ngày 19-10-1781 ấy, cái huyền thoại "trên lãnh thổ của đế quốc Anh, mặt trời không bao giờ lặn" bắt đầu mờ nhạt, khi hầu tước Cornwallis phải đặt bút ký vào văn bản đầu hàng trước thủ lĩnh quân nổi dậy ở thuộc địa Mỹ - George Washington cùng bá tước De Rochambeau chỉ huy quân Pháp đồng minh. Đó là ngày cuộc vây hãm Yorkown chính thức kết thúc.

Hào quang rạn vỡ

Trước đó hai ngày, 17-10-1781, một viên sĩ quan Anh phất một chiếc khăn tay trắng, đi theo một lính đánh trống sang phía chiến tuyến của liên quân Mỹ - Pháp, trong một cơn mưa pháo kích. Những loạt pháo ngừng lại. Viên sĩ quan bị bịt mắt, và được đưa về phía hậu tuyến. Anh ta mang theo một thông điệp: Quân Anh do Cornwallis chỉ huy không thể tiếp tục chiến đấu nữa. Họ muốn đầu hàng.

Những cuộc đàm phán được xúc tiến khẩn trương để lễ ký kết văn bản đầu hàng được tiến hành chỉ 48 giờ sau đó. Quân Anh không còn gì nhiều trong tay để đặt những điều kiện với quân đội của mảnh đất thuộc địa đang trỗi dậy. Họ đã bị đánh bại, tại một địa điểm xung yếu mà lịch sử lựa chọn để trở thành trận đánh lớn cuối cùng trên bộ của cuộc chiến tranh nổi dậy chống triều đình Luân Đôn, từ đó khai sinh Hợp chúng quốc Hoa Kỳ hoàn toàn độc lập với đế quốc Anh.

Thậm chí, đến cả những lời đề nghị nhỏ nhất, bên lề việc binh sĩ Anh được xem là tù nhân chiến tranh và sẽ được đối xử công bằng trong khi đợi phóng thích, cũng bị từ chối. Cornwallis muốn xin được hưởng thứ danh dự quân nhân truyền thống, nghĩa là việc binh sĩ của ông sẽ được tiến ra đầu hàng với lá cờ bay cùng lưỡi lê trong tay, trong khi quân nhạc Anh cử lên một khúc khải hoàn tôn vinh chiến thắng của địch thủ.

Bộ chỉ huy liên quân Mỹ - Pháp.

Song, George Washington từ chối, và De Rochambeu tán đồng. Người sau này trở thành vị Tổng thống khai quốc của nước Mỹ, cũng như đại diện kình địch lớn nhất của nước Anh trên thế giới vào thời điểm đó ép quân Anh phải ra hàng với lá cờ rủ, và với những cây súng vác trên vai, còn quân nhạc Anh buộc phải đánh một bản nhạc của Anh hoặc Đức.

Washington chưa quên, cũng không thể bỏ qua việc quân Anh đã từ chối quân Mỹ dưới tay ông một lời đề nghị tương tự, khi những người lính của nữ hoàng chiến thắng tại Charleston một năm trước. Khi ấy, quân đội chính quốc vẫn còn tràn trề hy vọng đàn áp thành công cuộc nổi dậy. Họ muốn áp đặt sự ngạo mạn của mình lên những người lính khởi nghĩa thuộc địa, như một cách răn đe lạnh lùng.

Nhưng, tất cả đã thay đổi, chỉ một năm sau. Với thất bại tại Yorktown, những sự ủng hộ cho cuộc chiến tại chính quốc Anh suy yếu trầm trọng. Ngược lại, tinh thần chiến đấu của quân Mỹ lên cao hơn bao giờ hết, còn nước Pháp thì được củng cố niềm tin rằng họ đã đi đúng hướng, khi tiếp sức cho một lực lượng có thể khiến nước Anh nghiêng ngả.

Sau đàm phán đầu hàng tại Yorktown là những cuộc đàm phán khác, quan trọng gấp bội, kéo dài suốt hai năm sau đó. Và đến ngày 3-9-1783, Hiệp định Paris được ký kết. Trong nửa đầu năm 1784, nó được thông qua bởi cả Quốc hội Mỹ (ngày 14-1) rồi triều đình Anh (ngày 9-4). Con sư tử Anh quốc phải nhận một vết thương chí mạng. Còn "đại bàng Mỹ" chính thức bước lên vũ đài quốc tế.

Thế giới thấy gì ở Yorktown?

Về mặt quân sự, Yorktown là một thí dụ điển hình cho sự lên ngôi của chiến tranh chiến hào trong quân sử thế giới cận đại.

Cornwallis đã vô cùng tự tin với cách bài binh bố trận phòng thủ Yorktown của mình, cũng như chất lượng vượt trội của các tay súng Anh. Ở đây cần nói thêm, nhờ cực kỳ dư dả về tài chính, các xạ thủ Anh đã luôn có điều kiện tập bắn đạn thật nhiều hơn bất cứ quân đội nào trên thế giới vào thời điểm đó, và do vậy, họ có thể bắn nhanh cũng như bắn chính xác gấp bội.

Những đợt xung phong đầu tiên của liên quân Pháp - Mỹ vào bảy đồn lẻ được liên kết bởi các công sự đắp đất cùng với nhiều ụ pháo phủ quát các khúc hẹp của sông York đã phải chịu những thiệt hại. Tuy nhiên, do áp đảo về quân số cũng như pháo binh, phía tấn công vẫn không lùi bước. Ngược lại, nhằm siết chặt phòng tuyến, Corwallis đã phải ra lệnh từ bỏ những công sự ngoại vi đó.

Điều này, vô hình trung, tạo điều kiện cho liên quân Pháp - Mỹ tiến chiếm, thừa hưởng và nâng cấp những công sự ấy, biến nó thành những bàn đạp xung kích đắt giá. Các ụ pháo gấp rút được đắp, để đưa tầm bắn vào gần thành phố hơn. Cùng lúc, một tuyến chiến hào dài gần 2.000m được đào, vây lấy cả Yorktown. Pháo kích làm tan nát những trận địa pháo phòng thủ của quân Anh, cũng khiến những tàu Anh trong cảng bị hư hại. Và chiến hào, ngoài chuyện làm giảm thương vong cho phía tấn công, cũng từ từ bóp nghẹt những con đường tiếp tế lương thực cho quân phòng thủ.

Quân Mỹ chiếm đồn ngoại vi số 10.

Đêm 11-10-1871, tuyến hào thứ hai được đào. Rạng sáng 12-10, liên quân Pháp - Mỹ đã ở vị trí mới, gần Yorktown thêm một quãng. Từ tuyến hào mới ấy, quân Pháp - Mỹ liên tục xung phong, nhổ bớt các đồn lẻ quan trọng đóng phía bên ngoài, đồng thời pháo kích Yorktown từ ba hướng. Cornwallis cố gắng tổ chức phản công để giành lại những điểm quan trọng nhất, nhưng tất cả đều bị bẻ gãy.

Tuyệt vọng, ông ra lệnh triệt thoái, và đã tính đến chuyện di tản quân lính. Có điều, chỉ một lượt thuyền có thể tẩu thoát. Sau đó, gió ngược đã khiến quân Anh chính thức bị cầm tù. Không còn đạn dược, thiếu thức ăn, tinh thần xuống thấp dưới những làn mưa đạn pháo từ phía kẻ địch…, không còn cách nào khác, Cornwallis phải cử người đi thương thuyết để đầu hàng.

 Song, hơn cả những vấn đề quân sự thuần túy, Yorktown là sự khẳng định tầm quan trọng của những chiến lược đối ngoại trong chiến tranh hiện đại. Trong trường hợp này, khi cùng tìm thấy lợi ích để chiến đấu với chung một kẻ thù, những người lính quân nổi dậy ở thuộc địa Mỹ cũng như những binh sĩ Pháp đã tạo nên một thứ sức mạnh áp đảo, điều hoàn toàn khác biệt so với khi quân Anh được chiến đấu với từng địch thủ.

Nhờ sự hậu thuẫn của nước Pháp, quân đội do George Washington thống lĩnh đã được nâng bật về giá trị tác chiến, cũng như được tiếp tế những khối lượng khí tài quân sự khổng lồ. Pháo binh Pháp, khét tiếng từ thời Napoleon I, khiến mọi cuộc tấn công trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Trong khi đó, chiến lược chiến tranh hào rãnh do các kỹ sư quân sự Pháp thực hiện cũng tạo nên quá nhiều ưu thế, trước cánh quân đồn trú thiếu thốn đủ mọi thứ của Cornwallis.

Yorktown là một cảng nước sâu. Cornwallis chọn nó để xây dựng phòng tuyến vì thế, vì tin rằng sự qua lại của các đội thuyền Anh - bá chủ đại dương - sẽ giúp binh sĩ của ông được tiếp vận đầy đủ. Song, pháo binh và chiến hào đã lật nhào mọi tính toán ấy.

Hơn 7.000 lính Anh bị bắt làm tù binh. Đế quốc Anh từ thời cực thịnh có lẽ chưa bao giờ bẽ mặt đến thế trước một đám quân nổi dậy ở thuộc địa…

* Tổng cộng có 18.900 binh sĩ liên quân Mỹ - Pháp tham gia cuộc vây hãm Yorktown, đối diện với 9.000 quân Anh. Trong đó, nước Pháp đóng góp hơn 7.000 quân, và 29 hải thuyền trang bị pháo hạm. Phía Anh cũng có sự tham gia của một số lính Đức.

Kết thúc trận đánh, Pháp có 60 người chết và 194 người bị thương; Mỹ có 28 người chết và 107 người bị thương: tổng cộng 88 người thiệt mạng và 301 người bị thương. Còn phía Anh, theo thống kê chính thức là 156 người chết, 326 người bị thương và 70 người mất tích.

* Bàn cờ địa chính trị trong cuộc chiến tranh thuộc địa - chính quốc này còn liên quan đến Tây Ban Nha. Hệ lụy của Hiệp định Paris 1873, bởi vậy, còn là dư địa để nước Mỹ sau này vươn tay thâu tóm cả các phần thuộc địa của Tây Ban Nha, thí dụ như Florida, tạo tiền đề cho nước Mỹ bành trướng thành một quốc gia rộng lớn nằm vắt từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương như hiện đại.


Phi Hồ
.
.