Một hồ Tây - Hai lịch sử

Thứ Tư, 20/11/2019, 15:35
Đã từng có hai hồ Tây trong lịch sử, một hồ Tây của Nguyễn Huy Lượng (? - 1808) trong “Tụng Tây Hồ phú” và một “Chiến tụng Tây Hồ phú” của Phạm Thái (1777 - 1814).


Sự đối thoại (chiến tụng) của Phạm Thái đối với Nguyễn Huy Lượng diễn ra trong mức độ sắc thái ngôn từ và quan điểm chính trị, giá trị đạo đức. Trong khi Nguyễn Huy Lượng mỹ hóa Tây Hồ, thì Phạm Thái xú hóa Tây Hồ, một bên thì ngợi ca Tây Sơn, một bên thì nhiếc móc Tây Sơn. Sự đối lập về phương diện chính trị đã khiến cho việc sáng tác văn chương trở thành cuộc chiến của các quan điểm chính trị, biểu hiện cụ thể trong sự đối lập của màu sắc ngôn từ, phương thức tu từ.

Nguyễn Huy Lượng viết để ngợi ca triều đại nên các ngôn từ đều mang tính tích cực, trong khi đó Phạm Thái lại “chiến tụng” bằng hàng loạt thủ pháp trái chiều, đem lại cảm xúc tiêu cực. Hai tác phẩm đặt cạnh nhau như là nước với lửa.

Chùa Trấn Quốc nhìn từ trên cao. Ảnh: L.G

Vẫn hồ Tây ấy, vẫn phong quang ấy, nước non ấy mà trong bức đầu thì tươi tắn, yên vui, phấn khởi, tự hào nhưng trong bức sau thì ủ dột, tàn tạ, bất trắc, thê lương. Đó là hai khuôn mặt khác nhau của hồ Tây, hay đúng hơn đó là hai cảm quan nhân sinh, cảm quan sinh trái ngược xuất phát từ hai quan điểm chính trị đối lập.

Nguyễn Huy Lượng sáng tác bài Tụng Tây Hồ phú nhân dịp vua Quang Toản lập đàn tế bên hồ Tây. Với tư cách là bề tôi của triều đại mới đang lên, cảnh sắc thiên nhiên hiện lên với muôn màu sắc thắm tươi, đó là một bài phú đúng theo chức năng “tụng” (ngợi ca) nên tác giả huy động nhiều từ ngữ tươi sáng, thanh bình:

Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng;
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co.
Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm;
Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò.

Những chi tiết, sắc màu, âm thanh, hương vị đều trở thành những thi liệu ngồn ngộn sức sống để tác giả ca ngợi sự thịnh trị của triều đại:

Nền hoàng thành đặt vững Long Biên, ngôi Bắc cực muôn phương đều cùng hướng;
Nền Bắc trạch xây kề Ngưu Chử, cảnh Tây Hồ trăm thức lại phương phu.

Có thể nói Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng là một bức tranh đa sắc, một bản nhạc đa thanh phức điệu. Tác phẩm góp thêm một tiếng nói trữ tình tích cực về hồ Tây nói riêng và Thăng Long - Hà Nội nói chung. Bài phú thể hiện diễn ngôn chính trị của một nhà Nho hành đạo. Ông ca ngợi chế độ, ca ngợi công nghiệp bản triều, ca ngợi nền chính thống do nhà Tây Sơn vun đắp.

Bài phú thể hiện niềm tin vào quyền lực đã được tạo dựng: “quyền tạo hóa tóm vào trong động tác”. Phong cảnh Tây Hô tươi đẹp là bởi có nền “lễ nhạc nghìn thu ít thấy”. Cảnh sắc hồ Tây hiện lên tươi đẹp qua lăng kính chính trị lạc quan của ông, thể hiện niềm tin của cá nhân ông đối với triều Tây Sơn.

Chính những diễn ngôn chính trị mà Nguyễn Huy Lượng thể hiện trong Tụng Tây Hồ phú đã khiến cho Phạm Thái xuất bút chiến tụng Tây Hồ. Khi đọc Tụng Tây Hồ phú, nhiều thi nhân đương thời ai cũng tấm tắc khen tài hoa của người viết.

Nhưng, khi biết tác giả của bài phú là Nguyễn Huy Lượng thì Phạm Thái không thể dừng tay bút: “Ta hỏi ai làm bài này, Dương công nói đấy là bài văn của Hữu bộ Lượng. Ta buồn than rằng: xưa làm thần tử nhà Lê, nay trở sang lụy Tây ngụy, sao dày mặt như vậy, cho nên ta ghét những đứa nịnh ấy. Ta thấy thơ có thể chiến cổ, nay tụng ta làm bài chiến kim, nhân vì bỉ cái người mà chiến bài tụng, để một chuyện cười cho thiên hạ”.

Rõ ràng ở đây, Phạm Thái chủ động tạo nên một cuộc “luận chiến bút mực” thông qua quan niệm chính - ngụy của Nho giáo. Ông hiện lên cũng với tư cách là một nhà Nho hành đạo như Nguyễn Huy Lượng. Nhưng hai người lại đứng từ hai chiến tuyến.

Nguyễn Huy Lượng vốn là bề tôi nhà Lê nhưng sau lại về với nhà Tây Sơn và sau này nữa lại về với nhà Nguyễn, làm quan dưới triều Gia Long. Còn Phạm Thái, trước sau như một, ông chỉ vì nhà Lê, sống vì Lê mà chết cũng vì Lê. Dẫu Tây Sơn ra Bắc thì ông chống Tây Sơn, dẫu triều Nguyễn lập quốc thì ông thà làm một kẻ bình dân, bầu rượu túi thơ.

Cái nguyên lý đạo đức chính trị mà Phạm Thái theo đuổi là chữ “trung”, chữ “chính”, chữ “nghĩa”, cả cuộc đời ông là “nhất dĩ quán chi”, một mạch liền lạc và thống nhất, không suy suyển và không thỏa hiệp.

Trong khi đó, Nguyễn Huy Lượng cũng là một nhà Nho hành đạo, ông lấy thực tiễn làm tiêu chí để điều chỉnh hành vi chính trị, ông lấy chữ “thời” làm phương châm hoạn lộ. Đây là hai cách hành xử khác nhau vốn đã có sẵn trong kinh sử Nho gia. “Trung” cũng là Nho, mà “thời” cũng là Nho.

Phạm Thái cho rằng “trung” mới là điều kiện tiên quyết trong phép xuất xử của bậc thần tử, Hữu Lượng cho rằng “thời” mới là kháI niệm quyền biến của kẻ hành đạo. Điểm chung nhất giữa hai người chính là khái niệm “chính thống” nhưng cũng ở chính chữ “chính thống” này, sự đối lập đã lên đến đỉnh điểm.

Hoàng hôn hồ Tây. Ảnh: L.G

Với Phạm Thái, “chính thống” là của nhà Lê, với Hữu Lượng “chính thống” đã chuyển qua nhà Tây Sơn mà “trời đã trao mệnh” (thiên mệnh). Phạm Thái không thể nào chấp nhận một quan điểm “chính thống theo thời” nên trong mắt ông, Hữu Lượng chỉ là kẻ xu phụ, là kẻ “mặt dày”, là tên hai mặt, kẻ “lụy Tây ngụy”, là “thằng bênh ngụy tặc”, làm thất cái đạo “trung” của nhà Nho. Cho nên, ông “chiến”. Thơ thì chiến cổ, tụng là để chiến kim.

Nếu như, Tụng Tây Hồ phú của Nguyễn Huy Lượng là một tấm gương trong sáng qua lăng kính chính trị nhà Tây Sơn, thì Chiến tụng Tây Hồ phú của Phạm Thái là mặt tráI của tấm gương ấy qua lăng kính chính trị nhà Lê.

Hồ Tây của Phạm Thái nhà Lê là một hồ Tây thất bại, hồ Tây của Huy Lượng nhà Tây Sơn là một hồ Tây chiến thắng. CáI hồ Tây thất bại kia chỉ là một mảnh thê lương sót lại của cố quốc đã diệt vong. Mà kẻ thù trực tiếp không ai khác, theo Phạm Thái, chính là “Tây ngụy”.

Nếu cảnh sắc hồ Tây dưới ngòi bút của Huy Lượng là phong quang tươi đẹp thì dưới ngòi bút Phạm Thái là một thứ cảnh trí đã tan vỡ. Hồ Tây “vốn trước đã lở hầm toang hoác vũng”, vốn đã bị Cao Vương đào chặn mạch, vốn đã “tanh mùi dê chó”, vốn đầy chướng khí trùm ngút trên đầu người.

Nếu lịch sử hồ Tây qua phú Huy Lượng là một lịch sử hào hùng thì lịch sử hồ Tây qua con mắt Phạm Thái là một lịch sử thất bại. Thất bại khởi từ trận Dâm Đàm của Trưng Vương, đến trận Lãng Bạc của Trần tướng: những bại binh làm vẩn đục ngân hồ. Những cảnh sắc Tây Hồ hiện lên như trong một tập phim tư liệu nhốn nháo, thê lương. Hương sen chẳng còn mà chỉ còn mùi “cứt đái” (niểu thỉ), khói lò khói bếp chẳng còn mà chỉ những vị tanh hôi (tinh chiên):

Những danh lam thắng cảnh cũng chẳng vẹn nguyên, tất cả chỉ còn lại sự hoang tàn, đổ vỡ dưới ngọn lửa chiến tranh. Chùa Thiên Niên đá nát, bình xá lị vỡ tan, đống thổ đôi cũng rữa bấy linh phù. Tượng Yên Công Tử gãy cổ, tượng Mộc Vương Thần cụt tay. Chẳng còn đâu buồm thương lái dập dìu mà chỉ còn lại những mặt người ma quỷ, với những đoàn ong kiến, trong cái thế trai cò cướp giật:

Nhà tranh đua đều khấn bụt cầu ma, đường Quan Thánh khéo lăng nhăng lít nhít;
Chợ đôn đáo những buôn hùm bán quỷ, mái Trương Lương nghe lếu láo y o...

Trong con mắt Phạm Thái, Tây Hồ chỉ là một tàn cảnh thảm thương của một cuộc chiến tương tàn. Gươm thần Trấn Vũ chẳng còn thiêng, giặc không bắt mà đI đâm rùa. Tiếng quyên thét hờn “vì Nam tướng căm lòng Bắc sĩ”, ếch kêu oán hận, “bởi Tây triều mà ghét chí Đông phu”.

Nam tướng ở đây là tướng đất Nam Hà, Bắc sĩ ở đây là kẻ sĩ Bắc Hà. Tây triều từ Nam tới, mà Đông phu - kẻ sĩ phu đất Đông Đô phải ngậm hờn. Cho đến mức, đám cưới Ngọc Hân - Nguyễn Huệ cũng bị ông mô tả chẳng có gì vui vẻ, tiếng kèn Thọ Xương “đưa khách Bắc Nam về”, thổi điệu nhạc vu quy mà nghe “hồ hi hí”. Bởi trong lúc ấy, tiếng kèn đám ma của những người chết trận cũng đang rền rĩ bên bờ Quảng Bá. Kẻ thì đang no say vui thỏa, người dân thì chết chóc đói ăn:

Dân hoang niên nào có ít tử vong, được vui thỏa hẳn quên câu oán nhạn;
Người loạn thế biết bao nhiêu cơ cận, nẻo no say đà gợi khúc ca phù.

Đó là một bức tranh như “tấn trò đời” trong cuộc biến tang thương diễn ra ngay xung quanh hồ Tây. Nên Phạm Thái mới thấy rằng: “Đến nay, tan tành phong cảnh, nát bét quy mô”. Trên mặt đất cuộn đầy gió lốc, nhìn thiên văn thấy bóng sao rua. Vận mệnh đã đến lúc biến, bởi Con Tạo gây ra lắm mối, lúc thịnh suy lắm kẻ đạp toang lò:

Võ sự xem ra khổ man di, thằng bước tới đứa đeo vào, chiến trận thế cũng cờ dong trống giục;
Đạo học ngẫm chẳng noi hiền thánh, kẻ bày lời người thưa việc, thi khảo gì mà cửa lệch sân xô.

Có thể nói, Phạm Thái đã vẽ nên một bức tranh chiến loạn thảm đạm chưa từng thấy qua Chiến tụng Tây Hồ phú, dù rằng trong bài phú có những chỗ ông thừa nhận vẻ đẹp của Tây Hồ nhưng bởi “người đến buổi quan hà đổi khác, thù non sông nghĩ mình chưa trả được, dẫu có trăng trong gió mát, mặt mũi nào mà vui với cảnh ru”.

Gạt ra ngoài quan điểm chính - ngụy, đúng - sai, thắng - bại, gạt ra ngoài các diễn ngôn chính trị, chúng ta thấy hai bài phú là hai mảnh ghép khác nhau về hồ Tây. Đó đồng thời là những phác thảo lịch sử hồ Tây từ góc nhìn của người chiến thắng và kẻ chiến bại. Hai tác phẩm như hai mặt của một tấm gương, là hai mảnh ghép của một bức tranh tổng thể.

Hiện thực lịch sử là khách quan như nó có thể đã từng diễn ra, có cả chiến tranh chống ngoại xâm, có cả nội chiến giữa các phe phái chính trị. Tươi đẹp cũng có mà thảm đạm cũng có. Nhưng, qua hai lăng kính, hai góc nhìn đối lập, thì quá trình mỹ hóa và quá trình xú hóa đều có những giá trị riêng và dĩ nhiên có những thiên lệch riêng, cực đoan riêng. Vượt qua những mảng màu tối - sáng ấy, còn lại với thời gian là giá trị của ngữ ngôn và cảm xúc con người. Sau cùng, đó là một đối thoại lịch sử và các trường diễn ngôn lịch sử mà lịch sử thì đa thanh!

Trần Trọng Dương
.
.