Moskva - hào quang vĩnh cửu

Thứ Tư, 24/03/2021, 13:04
Ngày 12-3-1918, Moskva chính thức trở lại là thủ đô của nước Nga, sau một thời gian dài phải nhường vị trí đó cho Saint Peteburg - nơi đã từng mang cả những cái tên in đậm dấu ấn một thời bão lửa như Petrograd hay Leningrad. Vào thời điểm đó, lịch sử chứng minh rằng: Vượt trên những cựu đô như Kiev hay Petrograd, Moskva thực sự là lựa chọn xứng đáng nhất của một đất nước rộng lớn mênh mông và vĩ đại như nước Nga.

Thành La Mã thứ ba

Cho dù đã hình thành và phát triển từ trước đó rất lâu, nhưng đến cuối thế kỷ XV, Moskva mới được định danh một cách chính thức, như một biểu tượng kết hợp của cả thế quyền Sa hoàng lẫn thần quyền Chính thống giáo Đông phương.

Theo những ghi chép được kể lại, vào thế kỷ X, Hoàng tử Vladimir I - lãnh chúa cai trị vùng Kievan Rus, người về sau trở thành Vladimir Đại đế của nước Nga sơ khởi, đã khá băn khoăn khi lựa chọn một tôn giáo, nhằm thay thế cho tôn giáo đa thần nguyên thủy của người Slave. Cho dù sinh ra và được nuôi dạy trong một môi trường văn hóa Slave truyền thống, ông vẫn cảm nhận được rằng việc có một tôn giáo mới - một độc thần giáo với hệ thống giáo lý đã được kiện toàn và có thể trở thành đồng minh - công cụ của triều đình - vẫn sẽ là phương thức thích hợp để tạo nên và gắn kết một dân tộc đích thực. Một lựa chọn tương tự như Hoàng đế Constantine, người thừa nhận tính chính danh của Thiên Chúa giáo trên toàn đế quốc La Mã (Rome) thời cổ.

Vladimir không thích Thiên Chúa giáo La Mã, do đã được biết quá nhiều tệ nạn ở Vatican, do nó quá phức tạp, và nhất là do Vatican - với tính chất chặt chẽ trong tổ chức của nó - hoàn toàn có thể can thiệp quá sâu vào chuyện "quốc sự" thế tục. Ông cũng không chọn Hồi giáo, bởi cho là nó quá gò bó đối với những tâm hồn Nga phóng khoáng. Ông càng không chọn Do Thái giáo, khi tôn giáo cổ xưa đó không giúp người Do Thái bảo vệ và gìn giữ được đất nước của riêng mình.

Đại thánh đường Saint Basil, với những đường nét đặc trưng kiến trúc Byzance.

Sự lựa chọn cuối cùng cho Vladimir là Chính thống giáo Đông phương - nhánh đã từng là chủ lưu của Ki-tô giáo nói chung, thứ tôn giáo còn mang nhiều màu sắc thuần phác như thời thánh Paul đi rao truyền các tín điều mặc khải của Chúa Jesus nhất. Hơn nữa, Chính thống giáo Đông phương không có một Giáo hoàng đủ uy quyền tấn phong hay trừng phạt các bậc vương công châu Âu như Thiên Chúa giáo La Mã. Nhánh tôn giáo này chỉ có các Thượng phụ giáo chủ, phụ trách từng khu vực. Đó thực sự là một lựa chọn lý tưởng.

Và thế là, tất cả các tượng thần ngoại giáo bị đốt bỏ. Tất cả mọi người dân Nga khi đó đều phải chịu lễ rửa tội (năm 988). Những nhà thờ và tu viện đầu tiên được xây cất, theo phong cách kiến trúc Byzance mà Vladimir vô cùng yêu thích. Moskva, ngay từ những viên gạch đầu tiên, cũng đã được phác thảo theo diện mạo đó.

Lòng mộ đạo ấy cũng như ảnh hưởng văn hóa Chính thống Đông phương Byzance ấy được lưu truyền, được gìn giữ qua nhiều thế hệ những người kế vị Vladimir, qua rất nhiều biến thiên của lịch sử, như những năm tháng nước Nga vẫn chỉ là tập hợp các công quốc - quận quốc, bị đô hộ bởi cả người Tartar, Hãn Kim trướng thuộc Đế chế Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, hay Đại công quốc Ba Lan - Lithuania… 

Đến năm 1453, khi đã trở thành Đại công quốc Moskva, người cai trị khi ấy là Đại hoàng tử (grand prince) Ivan III - cũng là Sa hoàng của toàn Nga sau này - tạo nên thêm một dấu mốc. Ông chứng kiến kinh thành Constantinople của Byzance sụp đổ trước sức tấn công của quân Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo Ottoman, và bởi vậy, ông quyết định rằng Moskva sẽ kế tục vị trí mà Constantinople vừa để lại, để trở thành kinh đô của toàn bộ các Ki-tô hữu trên thế giới.

Moskva "thay da đổi thịt" kể từ đó. Và không khó để nhận ra, mọi điểm nhấn kiến trúc của nó, đặc biệt là Đại thánh đường Saint Basil (khởi công năm 1561) trên Quảng trường Đỏ bây giờ, đều mang đậm dấu ấn Byzance. Và Chính thống giáo, đối với phần đông người Nga (hơn 70%), không chỉ là một tôn giáo, mà là một thứ bản sắc dân tộc.

Lựa chọn muôn đời

Không khó lý giải vì sao Pyiotr Đại đế (Peter I trong tiếng Anh) lại chọn dời đô về Saint Peterburg - thành phố mang tên ông và được xây dựng theo lệnh của chính ông vào năm 1703. Đó là thời điểm vị minh quân ấy muốn dốc sức hiện đại hóa quân đội Nga, tranh hùng cùng liệt cường châu Âu, mở một điểm đầu cầu thông ra biển Bắc cũng như biển Baltic. Và bởi vậy, ông cần một kinh đô thời chiến, ngay nơi tiền tuyến, để dễ dàng chỉ huy - đốc suất các hạm đội Nga mới thành lập. Vị trí nằm ở cửa sông Neva đổ ra biển Baltic đó, Moskva không có được.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của Saint Peterburg là nằm quá xa hậu cứ, đồng thời cũng quá dễ bị tiến đánh bởi những kẻ địch mạnh. Napoleon Bonaparte, khi xua Đại quân (Grand Armee) của mình đông tiến, thậm chí còn không cần đếm xỉa đến Saint Peterburg. Vị hoàng đế Pháp chỉ có thể bị đánh bại bởi cảnh thiếu thốn đói rét của quân sĩ, khi đã vào đến tận Moskva - chỉ còn là vườn không nhà trống, theo lệnh của Nguyên soái Kutuzov.

Lenin, người trả Moskva lại đúng vị thế lịch sử.

Sau này, đến Đại chiến thế giới lần thứ hai, quân đội Đức Quốc xã cũng đã chỉ còn cách Moskva trên dưới 100km, nhưng không thể tiến thêm bước nào nữa. Trong khi đó, Petrograd (đã đổi tên thành Leningrad) viết nên một bản hùng ca, trong bối cảnh bị cắt rời và cô lập hoàn toàn với hậu phương.

Không gì khác, yếu tố địa lý ấy chính là lý do để Lenin cùng Xô-viết toàn Nga quyết định rời bỏ Petrograd từ ngày 5-3-1918, cho dù nơi ấy vẫn được xem là "thủ đô cách mạng". Vào thời điểm đó, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất vẫn còn đang diễn ra. Sau khi Phần Lan tuyên bố độc lập khỏi lãnh thổ Nga Sa hoàng cũ (ngày 6-12-1917), Petrograd chỉ còn cách biên giới 35km. Tháng 2-1918, pháo binh Đức đã bắt đầu nã được đạn vào Petrograd.

Bên cạnh đó, cũng còn một số yếu tố an ninh chính trị tác động đến quyết định "dời đô" của Lenin và chính quyền Xô-viết. Ở Petrograd, các cựu công chức của triều đình Sa hoàng hay chính phủ dân chủ tư sản Kerensky tỏ ra hoàn toàn bất hợp tác với những người Bolshevik. Không chỉ vậy, có khá đông dân chúng Petrograd, cộng thêm một lượng lớn quân lính Sa hoàng vẫn còn đồn trú tại đó, liên tục tiến hành các hoạt động khiêu khích, vạch ra các âm mưu lật đổ, tìm cách lập lại trật tự cũ, kể cả bằng tấn công khủng bố.

Cố đô Moskva, bởi vậy, hiển nhiên trở thành nơi để quay trở về và thiết lập "căn cứ địa" ngay giữa nước Nga, cho những người Bolshevik. Thực tế chứng minh rằng đó là một quyết định hoàn toàn sáng suốt. Ba năm nội chiến Nga (1918 - 1920), cho dù có lúc ở trong tình thế "nghìn cân treo sợi tóc", khi cả tám mặt là kẻ thù tiến đánh, chính quyền Xô-viết vẫn đứng vững, khi trung tâm đầu não Moskva vẫn luôn an toàn.

Từ ngày 5-3-1918, kho tàng và các chồng công văn giấy tờ bắt đầu được chuyển đi. Đến ngày 10-3-1918, Lenin cùng các đồng chí của mình lên một chuyến tàu bí mật, về Moskva. Ngày 12-3, Moskva chính thức trở thành thủ đô của Liên bang Xô-viết. Sau hơn 200 năm, cho dù không còn mệnh danh là "Thành La Mã thứ ba", kinh đô ấy cũng đã trở lại với đúng vị trí của nó trong lịch sử.  

* Một lời giới thiệu đầy sức lay động được rao truyền, đến nay vẫn được ghi lại, và được cho là của giáo sĩ Filofei: "Hai thành La Mã trước đây đã sụp đổ. Thành La Mã thứ nhất (Rome) sụp đổ bởi sự suy đồi. Thành La Mã thứ hai (Constantinople) sụp đổ bởi quân vô đạo. Nhưng thành La Mã thứ ba (Moskva) đã xuất hiện, và thành La Mã thứ tư sẽ không bao giờ được xây dựng…".

* Có một điểm đặc biệt: Ngay cả trong làn sóng đổi tên các thành phố Liên Xô theo tên các lãnh tụ Xô-viết, Moskva vẫn không bao giờ bị đổi tên. Điều này có một phần lý do là việc Petrograd (tên được dùng từ 1914 đến 1924) đã bị đổi tên thành Leningrad, bất chấp việc chính Lenin luôn luôn phản đối hành động ấy cũng như mọi biểu hiện sùng bái cá nhân, khi còn sống. Không có cái tên nào xứng đáng được đặt làm tên mới cho Moskva hơn tên của Lenin, nhưng lại không thể có hai thành phố cùng mang tên Leningrad. Do đó, Moskva (hay Muscovy, Moscow) vẫn luôn giữ được cái tên nguyên thủy của mình.

Đông Quân
.
.