Máy bay boeing 707 - tượng đài văn hóa của giấc mơ chinh phục bầu trời

Thứ Năm, 04/12/2014, 19:09
Là cái tên không thể thiếu trong lĩnh vực hàng không, Boeing 707 đã mở ra thế hệ máy bay đầu 7 đầy thành công cho Boeing. 

Nó chiếm lĩnh gần như hoàn toàn thị trường bay thương mại trong những năm 60-70 của thế kỷ trước. Nhiều chuyên gia nhận xét, có thể Boeing 707 không phải là thế hệ có động cơ phản lực đầu tiên được thương mại hóa, song nó chắc chắn trở thành phiên bản thành công nhất và đã thực sự mở ra thời đại mới cho dòng máy bay này.

Hãng Boeing bắt đầu sản xuất phiên bản Boeing 707 vào năm 1957 và cho xuất xưởng vào năm 1958. Đây là loại máy bay phản lực chở khách đầu tiên của Mỹ có 4 động cơ với 156 chỗ ngồi, tốc độ 966km/giờ. Hãng Boeing cũng nhận xét đây là một cuộc cách mạng trong ngành hàng không. Hãng vận tải hàng không lớn của Mỹ lúc bấy giờ là Pan Am đã đặt hàng cho Boeing sản xuất và chuyến bay bằng phản lực đầu tiên diễn ra vào tháng 10/1958 với hành trình từ Mỹ đến Pháp. Chiếc máy bay chuyên dụng được cố Tổng thống Mỹ John Kennedy sử dụng là một phiên bản của Boeing 707.

Những thời kỳ đầy gian nan

Chỉ vài năm sau khi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên ở Kitty Hawk vào ngày 17/12/1903, William Boeing đã tham gia cuộc trình diễn máy bay Mỹ lần đầu tiên ở Los Angeles. Ngay lập tức William Boeing nhận thấy tiềm năng kinh doanh đã phát minh mở ra một ngành công nghiệp mới mẻ và đầy hứa hẹn này. Ông lái một chiếc máy bay hai tầng cánh, học những bài bay đầu tiên từ một nhà vận động về hàng không thời kỳ đầu, và đi tiên phong trong việc thiết kế ra chiếc thủy phi cơ.

Vào ngày 15/6/1916, ông đã tự mình cất cánh chiếc máy bay có biệt danh Bluebill lần đầu tiên thay cho viên phi công được lên lịch bay nhưng không đến đúng giờ. Đúng một tháng sau, ông thành lập công ty cổ phần Pacific Aero Products Co., nắm giữ 998 trong số 1.000 cổ phiếu và di dời nhà xưởng đến bãi đóng tàu cũ được mua lại ở Seattle. Một năm sau, ông đổi tên công ty thành Boeing Airplane Co., chính thức bước vào kinh doanh trong lĩnh vực hàng không đầy tiềm năng nhưng cũng rất khốc liệt. Trong vòng hơn 8 thập kỷ tiếp theo, công ty Boeing của ông đã trải qua nhiều cuộc thăng trầm và kết liễu số phận của không ít đối thủ cạnh tranh lợi hại. Họ làm được điều này bằng cách tận dụng mọi cơ hội - từ chuyến bay đưa thư đầu tiên của nước Mỹ, những hợp đồng quân sự khổng lồ, sự thống trị của hàng không thương mại cho đến một vai trò quan trọng trong chương trình thám hiểm không gian. Từ lâu họ đã là nhà sản xuất hàng đầu của các loại máy bay phản lực thương mại. Cùng với nhiều thành tựu khác, họ đã trở thành công ty hàng không lớn nhất thế giới.

Thời kỳ khủng hoảng đã phá hủy hàng loạt công ty hàng không, nhưng Boeing đã “chiến đấu” ngoan cường và hiệu quả với sự sáng tạo mạnh mẽ để tồn tại. Tuy nhiên, một đối thủ truyền kiếp đến từ châu Âu đã cho ra mắt một chiếc máy bay thương mại khổng lồ và lập tức thu hút rất nhiều sự chú ý cũng như đạt được doanh số rất cao - so với những lựa chọn hiện thời của hãng Boeing. Các tạp chí thương mại và những ấn phẩm địa phương của Seattle đều cho rằng nếu không thật sự nỗ lực hết mình, Boeing sẽ rơi xuống vị trí thứ hai trong ngành. Không lấy gì làm ngạc nhiên là Boeing đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả.

William Boeing cùng công ty Boeing Airplane Co. đã trải qua nhiều cuộc thăng trầm và kết liễu số phận của không ít đối thủ cạnh tranh lợi hại.

Chiếc Boeing 707 hình thành từ một cuộc thảo luận và vài nét vẽ vào năm 1949, khi các kỹ sư Ed Wells, George Schairer và John Alexander của Boeing bắt đầu nghĩ về việc sản xuất một chiếc máy bay chở khách với phần cánh cụp về phía sau. Ed Wells, người ngồi ghế kỹ sư trưởng của Boeing vào năm 1943, là một huyền thoại. Ông từng tham gia thiết kế chiếc máy bay ném bom B-17 Flying Fortress nổi tiếng, với 12.731 chiếc đã được chế tạo. Các máy bay quân sự sau đó của Boeing như B-29 Superfortress, B-47 Stratojet và B-52 Stratofortress đều là các cột mốc phát triển lớn của ngành hàng không và thành công về mặt thương mại. Cuối năm 1958, chiếc Boeing 707 đã được đưa vào đội máy bay của hãng Pan Am để từ đó nó thay đổi cách thức con người bay lượn, nhìn ngắm thế giới. Những chiếc Boeing 707 từ lâu đã là phương tiện chuyên chở dành riêng cho các quan chức cấp cao của chính phủ. Vào năm 1962, hai chiếc 707 đã được tu sửa lại dành cho Tổng thống sử dụng và chính thức được mang tên gọi là Air Force I (Không lực số 1). Hai chiếc này được các Tổng thống Mỹ sử dụng cho đến năm 1990, khi chúng được thay thế bằng hai chiếc Boeing 747 mới.

Nhưng trước khi có được thành công, Boeing đã phải đi qua một chặng đường chông gai. Thời bấy giờ, trong lĩnh vực hàng không dân dụng, Boeing chỉ là hạng “tép riu” so với các đối thủ lớn như Douglas (với chiếc DC-3 lừng lẫy tên tuổi) và Lockheed (với chiếc Constellation thời hậu chiến). Thực tế thì Boeing đã thua lỗ tiền với mọi mẫu máy bay chở khách dân dụng mà hãng tung ra thị trường. Mẫu máy bay chở khách dùng động cơ piston cuối cùng của Boeing là 377 Stratocruiser, chỉ bán được có 46 chiếc và khiến hãng lỗ tổng cộng 13,5 triệu USD.

Mở ra kỷ nguyên mới

Anh là nước đầu tiên chế tạo máy bay phản lực dân dụng, với chiếc De Havilland Comet. Mẫu máy bay này đi vào phục vụ từ năm 1952, nhưng vài vụ tai nạn liên quan tới bộ khung đã khiến nó bị tạm rút khỏi thị trường. Trong khi đó, vì những lý do “chưa tiết lộ”, Pháp và Nga không thể tiếp tục nghiên cứu các mẫu thiết kế máy bay phản lực dân dụng của họ. Cuộc chiến thực sự trên thị trường khi đó chỉ còn diễn ra giữa Douglas và Boeing. Boeing là công ty Mỹ đầu tiên đưa máy bay phản lực dân dụng lên không trung với mẫu 367-80 hay Dash 80. Đây là tiền thân của chiếc 707, đã cất cánh lần đầu trong tháng 7/1954. Trái tim của Dash 80 là các động cơ phản lực Pratt & Whitney giống loại lắp trên máy bay chiến đấu F-100 Super-Sabre và B-52 Stratofortress, khiến nó bay rất nhanh. Trước đó, không một chiếc máy bay chở khách nào có tốc độ bay hành trình tới 880km/h, nhưng Dash 80 đã làm được điều này.

Tháng 8/1955, Tex Johnston, phi công thử nghiệm chính của Boeing đã thực hiện động tác xoay tròn thân máy bay đúng một vòng hoàn chỉnh, lúc đang bay trên hồ Washington. Màn trình diễn ấn tượng này của chiếc máy bay cỡ lớn đã khiến các khách hàng tiềm năng không khỏi kinh ngạc. Tuy nhiên cuộc đua giữa Boeing với Douglas vẫn còn đó. Lúc ấy, Douglas đang tập trung chế tạo chiếc DC-8. Khi mua bổ sung mẫu mới, hãng hàng không Mỹ Pan Am đã quyết định đặt mua cùng lúc 20 chiếc Boeing 707 và 25 chiếc DC-8. Thứ duy nhất khiến Pan Am không đặt hết tiền vào Boeing là bởi 707 có thân hẹp hơn và nhỏ hơn một chút so với DC-8. Vì thế, khi bất ngờ đưa ra đề nghị với hãng American Airlines về việc nới rộng thân 707 ra to hơn 1cm so với thân chiếc DC-8, phía Boeing đã lập tức nhận được đơn đặt hàng mua tới 50 chiếc máy bay. Kể từ đó, Boeing đã nắm chắc thành công về doanh thu liên quan tới những chiếc 707.

Máy bay của John Travolta hiện là một trong vài chiếc Boeing 707 còn hoạt động.

Từ năm 1958 tới năm 1978, Boeing đã chế tạo 1.010 chiếc 707 và cung cấp thêm 800 chiếc khác cho quân đội cho tới năm 1991. Trong khi đó Douglas chỉ bán được 556 chiếc DC-8 từ năm 1958 tới năm 1972. Giới quan sát nói rằng hãng Boeing đã đánh bạc và mạo hiểm khi đổ 135 triệu USD vào chương trình 707, trong khi biết rằng số tiền này thậm chí còn lớn hơn tổng giá trị của Boeing khi đó. Mặc dù mẫu 707 không mang lại siêu lợi nhuận, chiếc máy bay vẫn thống trị các chuyến bay liên lục địa trong những năm 1960 và đưa cái tên Boeing trở nên “không thể đánh bại” trong lĩnh vực hàng không. Quan trọng hơn, thành công của 707 đã đặt nền móng mở đầu để Boeing cho sự ra đời của những chiếc máy bay chở khách thành công và có lợi nhuận lớn hơn như  747 Jumbo Jet. Chiếc máy bay này cũng đã giúp tạo ra một thời kỳ mà 3/4 số máy bay chở khách dân dụng đang hoạt động là do Boeing sản xuất.

Từ chỗ chỉ phục vụ một lượng hành khách ít ỏi ban đầu, theo thời gian Boeing 707 đã được kéo dài thân và thay đổi động cơ để có thể chở theo 189 hành khách. Tuy nhiên tới nay, các hãng hàng không đầu tiên sử dụng chiếc máy bay 707 gồm Pan Am và TWA đã không còn tồn tại từ lâu. Năm ngoái, Saha Air, một hãng hàng không có trụ sở ở Tehran (Iran), cũng ngừng hoạt động và đi cùng với nó là những chiếc Boeing 707 chở khách thương mại cuối cùng.

Vô cùng được ưa chuộng trong thời hoàng kim và là biểu tượng của một thời đại tân kỳ nên không lạ khi Boeing 707 xuất hiện rất nhiều trong phim ảnh. Các bộ phim phải kể tới như Come Fly With Me (ra mắt năm 1963), hay Boeing Boeing (sản xuất năm 1965). Mỗi khi nghe Frank Sinatra cất tiếng hát ca khúc cùng tên trong phim Come Fly With Me, người ta thường hình dung tới hình ảnh của một chiếc Boeing 707 với các làn khói trắng bay trên trời xanh. Ca khúc tới từ một album cùng tên của Frank Sitrana, được phát hành vào tháng 1/1958, chỉ 1 tháng sau khi chiếc máy bay phản lực có đôi cánh cụp đầy tính cách mạng 707 thực hiện chuyến bay đầu tiên. Cá nhân Sinatra ngưỡng mộ Boeing 707 tới mức đã bỏ tiền ra mua một chiếc máy bay loại này. Đó là chiếc máy bay từng thuộc hãng Qantas, được chế tạo vào năm 1964 và từ năm 1998 thì thuộc sở hữu của nam diễn viên John Travolta, người cũng rất mê máy bay. 

Ngày hôm nay khi nhìn lại, nhiều người hẳn sẽ thấy chiếc Boeing 707 không được hoàn hảo lắm. Theo tiêu chuẩn của thời đại, chiếc máy bay này “uống” nhiều nhiên liệu và ồn ào. Nhưng Boeing 707 vẫn luôn là một thành tựu tuyệt vời, một kiệt tác mang tính đột phá về mặt thiết kế máy bay và một canh bạc thương mại vô tiền khoáng hậu. Đây chính là cỗ máy đã mở ra kỷ nguyên thống trị của máy bay dân dụng phản lực, làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người di chuyển trên bầu trời…

Trần Quân – Anh Doãn
.
.