Mạng xã hội đang là một công cụ “chọn lọc”

Thứ Ba, 25/02/2020, 21:27
Trong thuyết tiến hóa của Darwin, chọn lọc tự nhiên là một cơ chế chủ chốt mà để đánh đổ nó là vô cùng khó.

Và trong câu chuyện đầy hoang mang xoay quanh dịch cúm virus Corona hiện thời, phóng chiếu ra tất cả những câu chuyện ồn ào trong xã hội suốt một năm qua, chúng ta có thể đặt một câu hỏi thú vị: “Liệu rằng mạng xã hội đang là một công cụ hữu hiệu của một tiến trình chọn lọc khác trong xã hội loài người?”.

Nhóm quan tâm

Kể từ khi mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng trở thành một phương tiện giao tiếp phổ biến, hầu như tuần nào chúng ta cũng gặp một câu chuyện “tạo sóng”. Nhiều người vẫn nói kiểu tương tự như: “Hồi 2003 mà có mạng xã hội, có lẽ đại dịch SARS cũng sẽ gây hoang mang không kém Corona hôm nay”. Điều đó tuyệt đối đúng.

Với quyền phát ngôn được mở rộng đến tối đa cận biên tự do của con người, việc tham góp ý kiến, quan điểm hay đơn giản hơn là chia sẻ các dữ kiện mà người dùng tin cậy đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Và trong tương tác đa tuyến của mạng xã hội, mỗi chủ thể sẽ phải tiếp cận rất nhiều luồng thông tin khác nhau trên một sự kiện. Điều đó buộc họ phải lựa chọn tin hay không tin vào cái gì và vững tâm hay hoang mang trước một sự kiện nào.

Một ví dụ đơn giản, ở văn phòng tôi cộng tác có một nhóm người dùng Facebook riêng khép kín chuyên để chia sẻ các vấn đề quan tâm chung của nội bộ. Và ở ngày đầu tiên đi làm của xuân Canh Tý, có một thành viên năng nổ đã chia sẻ một “kinh nghiệm” nguyên văn là “Hãy mang theo cồn 90 độ, cho vào bình xịt, xịt khắp bàn làm việc, xịt lên bàn phím máy tính... Như thế thì con Corona không có đất sống đâu các bạn ơi”.

Đáp lại chia sẻ ấy, có một bình luận rất đáng lưu ý rằng “Con Corona nó không có ung dung tự tại sinh sôi nảy nở trên mặt bàn hay trên bàn phím của bạn, nó cũng không bay lơ lửng trong không khí để chờ bạn tới mà bu vào đâu. Cẩn trọng là tốt nhưng đừng hoảng loạn”. Phản ứng cho bình luận đáng lưu ý kể trên là gì? Tôi kiểm đếm có đến gần 90% là các biểu tượng mang tính tiêu cực, không ủng hộ.

Từ ví dụ trên và từ kinh nghiệm quan sát rất nhiều phản ứng của các sự kiện nóng suốt mấy năm qua, tôi mạnh dạn phân chia xã hội hiện nay thành mấy nhóm người dựa trên phản ứng cơ bản của họ trước các sự kiện lớn.

Nhóm thứ nhất, không chiếm số đông và đa phần là người lớn tuổi không thạo công nghệ. Nhóm này có xu hướng chủ đạo là tiếp nhận nguồn tin từ báo chí chính thống cổ điển, tức là xem thời sự trên tivi, đọc báo in, tạp chí...

Nhóm thứ hai, cũng có khả năng không chiếm số đông, là nhóm biết nhưng không sử dụng mạng xã hội vì lo sợ sự phiền toái của nó. Nhóm này chủ yếu tiếp cận tin tức từ báo chí trong, ngoài nước và rất thận trọng với nguồn tin mình đọc. Nhóm này, tôi tạm gọi là nhóm bảo thủ (không hiểu theo nghĩa tiêu cực).

Nhóm thứ ba có sử dụng mạng xã hội nhưng đủ sự tỉnh táo khi tiếp cận các nguồn tin. Họ có thể đọc hết các nguồn nhưng không tin tưởng bất kỳ nguồn nào. Và họ cũng giữ thái độ không thể hiện sự quan tâm tới sự kiện. Họ không chia sẻ bất kỳ điều gì liên quan đến sự kiện nóng đang được bàn tán trên mạng. Họ dùng mạng xã hội chỉ với một mục đích duy nhất: kết nối bạn bè và chia sẻ tâm trạng cá nhân đơn thuần.

Nhóm cuối cùng, tôi tạm gọi là nhóm cuồng tín. Nhóm này tích cực chia sẻ điều mình tin tưởng và quyết liệt bảo vệ nó trong mọi cuộc tranh luận. Bản thân nhóm này lại chia thành 2 nhóm phụ.

Nhóm phụ thứ nhất, chiếm thiểu số lép vế, chỉ tin cậy vào nguồn tin chính xác, dữ kiện khoa học, dẹp bỏ hẳn cảm tính và chỉ lý tính đơn thuần.

Nhóm phụ thứ hai, chiếm đại đa số với số lượng thậm chí có thể lấn át mọi nhóm lớn nào trong số 3 nhóm lớn nói trên, là nhóm toàn chia sẻ những thông tin mà họ cảm thấy hợp “khẩu vị niềm tin” của mình, Họ bất chấp nguồn tin mà họ tiếp cận là như thế nào. Họ bỏ qua mọi kiểm chứng. Họ tảng lờ tất cả các dữ kiện cần phải có trước khi chia sẻ và sẵn sàng đấu tranh tới cùng để chứng minh niềm tin của mình là chân lý duy nhất, kể cả bằng phương pháp “manh động” nhất.

Và nhóm phụ này mới thực sự là nhóm tạo ra sự hoang mang trong xã hội. Đặc biệt đáng ngại là trong nhóm phụ này lại tồn tại rất đông những nhân vật có sức hút trong xã hội ở đủ mọi ngành nghề.

Đang tồn tại một công cuộc “chọn lọc xã hội”

Từ việc phân chia nhóm như kể trên (nếu như nó được đồng thuận bởi bạn đọc), chúng ta có thể thấy rõ ràng mạng xã hội đã chỉ ra sự khác biệt giữa các cá thể và các nhóm cá thể hiện nay một cách cụ thể như thế nào.

Có thể sẽ đến lúc mỗi nền tảng mạng xã hội sẽ chỉ cho phép mỗi cá nhân có một tài khoản duy nhất. Ảnh: L.G..

Và chính việc mạng xã hội có thể chỉ ra khác biệt ấy, nếu chúng ta tạm rút mình đứng ra độc lập, chúng ta có thể nhận thấy rằng dường như đang tồn tại một công cuộc chọn lọc khắc nghiệt về tính thích nghi của người dùng với sự phát triển của công nghệ.

Khi mạng xã hội chưa tồn tại, con người ta chưa phải bộc lộ bản năng và khả năng cũng như cơ chế niềm tin khi tiếp cận vấn đề một cách công khai. Và khi mạng xã hội trở nên phổ biến, sự bộc lộ quá nhanh và quá mạnh mẽ đã khiến con người ta trần trụi hơn trước cộng đồng. Xin đừng vội nghĩ mạng xã hội là ảo, với các tài khoản số hóa vô hồn.

Nó chính là con người thật còn cái tài khoản số hóa kia chẳng qua chỉ như một căn cước thời đại số của những con người ấy mà thôi. Và chính sự ẩn mình sau “căn cước” tưởng như an toàn ấy đã khiến người ta dễ tự bóc trần mình hơn, đặc biệt ở khả năng tiếp nhận, khả năng xử lý dữ kiện, cơ chế niềm tin và bản năng cân bằng giữa cảm tính và lý tính.

Nếu bạn có một tài khoản mạng xã hội và hoạt động khá tích cực trên đó (với ý nghĩa hoạt động ở đây có thể là theo dõi chứ không nhất thiết phải là bày tỏ, tranh luận), bạn chắc chắn sẽ dần dần nhận ra cộng đồng hẹp xoay quanh tài khoản của mình là như thế nào.

 Sẽ có những cá nhân mà ban đầu bạn đọc chia sẻ từ họ, bạn có thể nghĩ “à chắc cậu ấy hơi cả tin quá” nhưng sau rất nhiều lần “cả tin” như thế, bạn chắc chắn sẽ đặt dấu hỏi lớn về khả năng tiếp nhận của người ấy. Tương tự là các đánh giá về khả năng tranh luận, khả năng đóng góp giải pháp...

Từ đó, bạn hoàn toàn có thể đưa ra một kết luận riêng rằng trong số bạn bè trên mạng của mình, ai là người có năng lực thực sự, “nội công thâm hậu” thực sự và ai là kẻ thấp kém hơn về trí tuệ, kiến thức và tri thức.

Chúng ta yêu mến sự bình đẳng, chúng ta tôn thờ tính bình đẳng nhưng chúng ta phải xác quyết rằng về năng lực tư duy, không ai bình đẳng với ai cả. Chắc chắn sẽ phải có những nhóm người ưu tú hơn những nhóm khác về tư duy. Sự ưu tú ấy có thể đến từ thiên bẩm, đến từ trau dồi, đến từ việc tự bồi dưỡng cho bản thân mình v.v... và v.v... Từ đâu không quan trọng nhưng người hơn kẻ kém là chuyện tất nhiên.

Rồi điều gì sẽ xảy ra nếu bạn liên tục phải đọc tin giả từ một người bạn trên mạng xã hội? Thử nghĩ, 1 tháng, 1 năm, 5 năm liền chẳng hạn, bạn chỉ đọc một giọng điệu ngây thơ đến mức ngu dốt của một người với những tin giả gây hoang mang mà họ phát tán, bạn sẽ làm gì?

Nếu người đó là bạn bè ngoài đời, tùy mức độ chân tình, bạn có thể góp ý trực tiếp hoặc đơn giản là ngưng theo dõi tài khoản của họ. Nếu người đó không là gì với bạn ngoài đời, bạn hoàn toàn có thể gỡ bỏ kết nối bạn bè hoặc đơn giản là chặn tài khoản để không còn phải phiền mắt vì những gì họ chia sẻ, phát biểu.

Đó chính là sự chọn lọc của riêng bạn nhưng chính nó lại thể hiện khả năng chọn lọc của mạng xã hội. Nói cách khác, mạng xã hội như một thuốc thử. Thuốc thử đó là sự thay đổi môi trường sống của con người một cách từ từ nhưng có sức công phá mạnh mẽ.

Nó không khác gì môi trường tự nhiên thay đổi và thúc đẩy các loài phải thích nghi, từ đó tiến hóa bắt đầu vận hành. Vậy thì chính thuốc thử mạng xã hội cũng có khả năng đang bắt con người sử dụng nó phải thích nghi với nó, nếu không thể, họ sẽ có thể bị văng ra ngoài.

Và với chính sách kiểm soát chặt chẽ của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ hiện nay, tôi dám nghĩ có thể sẽ đến lúc mỗi nền tảng mạng xã hội sẽ chỉ cho phép mỗi cá nhân có một tài khoản duy nhất và trọn đời, với các đăng ký nhân thân phức tạp không kém hệ thống căn cước quản lý công dân của quốc gia nào. Cơ bản, việc đó đảm bảo điều kiện để quản sát nguồn tin, luồng phát tán thông tin và hơn nữa cũng tiết kiệm tài nguyên internet khi dân số loài người tiếp tục tăng.

Chắc chắn, với việc làm chặt chẽ như thế, sẽ có những chế tài mạng xã hội chi tiết và khắt khe hơn bây giờ rất nhiều. Điều đó nếu có xảy ra cũng hoàn toàn có thể chỉ trong tương lai gần.

Và như vậy, con người sẽ phải tự điều chỉnh mình nhiều hơn nữa trước một đợt chọn lọc gắt gao không thua gì các chọn lọc tự nhiên mà chúng ta đã trải qua trong lịch sử. Khác biệt duy nhất: chọn lọc lần này được bắt nguồn từ chính sản phẩm của sự tiến bộ trong trí tuệ giống loài.

Hà Quang Minh
.
.