Ly giáo và sứ mệnh của Byzance
- Cuộc Thập tự chinh đầu tiên, nỗi kinh hoàng của Byzance
- Cuộc “Thập tự chinh” không chỉ mang về vòng nguyệt quế
Đức tin và lợi ích
Sự rạn nứt giữa Giáo hội miền Đông và Giáo hội miền Tây (thường được gọi là Ly giáo) - xuất phát điểm của việc hình thành Giáo hội Chính thống giáo phương Đông và Giáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã - thường được diễn giải một cách vắn tắt thông qua nguyên nhân là những khác biệt về cách hành văn lễ thức, bắt đầu từ một cuộc tranh luận năm 1054.
Phái Hy Lạp (Byzance) cho rằng "Thánh Linh từ Đức Chúa Cha mà có", còn phái Latin (Vatican) thêm vào: "và từ Đức Chúa Con". Kể từ đó, những tranh cãi về nghi thức hành lễ, hình dạng cây thập tự, màu sắc y phục của hàng quan phẩm mới dần được thêm vào theo thời gian, để Đông Chính Thống giáo và Tây Thiên Chúa giáo ngày càng khác biệt so với nhau.
Tuy nhiên, đó là một cách giải thích quá đơn giản. Thiên Chúa giáo nói chung, kể từ khi được Constantinus Đại đế của La Mã chọn làm quốc giáo, vẫn mang đậm trong mình tính chất của một thứ công cụ chính trị. Sự phân ly trong lòng định chế thần quyền ấy, bởi vậy, cũng còn xuất phát cả từ các nguyên nhân chính trị, nhằm phục vụ điểm then chốt của mọi mối quan hệ quốc tế: Lợi ích.
Giữa Thiên Chúa Giáo La Mã (Roman Catholic, trái) và Chính Thống giáo Đông phương (Orthodox, phải) là rất nhiều khác biệt. |
Nhưng quả thực, từ thế kỷ thứ VII, khi Hồi giáo trỗi dậy và tiến chiếm những vùng lãnh thổ rộng lớn thuộc quyền kiểm soát của Byzance, có một cuộc tranh chấp đã bùng nổ dữ dội trong lòng đế quốc Đông La Mã (khi ấy vẫn giữ mối quan hệ hữu hảo với Vatican).
Binh lính của Hoàng đế Byzance, những người xuất thân nông dân ở các vùng Anatolie hay Armenia, căm ghét sự lòe loẹt phù phiếm. Đồng thời, họ lại là những người tuân thủ Cựu Ước nghiêm ngặt. Họ sẵn sàng đập phá các ảnh tượng thờ - đã trở nên trau chuốt đến diêm dúa theo phong cách Vatican, và các Hoàng đế Byzance thậm chí còn phải ra lệnh cấm các hình ảnh tôn giáo để chiều lòng họ.
Song, Giáo hội Vatican không nghĩ vậy. Giáo hoàng cho rằng các ảnh tượng có giá trị giáo dục, và xứng đáng được tôn thờ. Do đó, hành vi đập phá các ảnh tượng đáng bị lên án. Hoàng triều Byzance đành nhẫn nại, nhưng điều này trở thành một vết hằn trong mối quan hệ giữa hai phía.
Trong một đợt quật khởi, Hoàng đế Byzance đem đất đai của Giáo hoàng ở Nam Ý ban cho Giáo trưởng Constantinople. Đáp trả, Giáo hoàng không cầu viện Byzance, mà kêu gọi và sau đó giúp Charlemagne đăng quang, nhằm chống lại quân Hồi cùng các bộ tộc du mục.
Càng xung đột về chính trị, Byzance và Vatican lại càng "chịu khó" khuếch trương những khác biệt về hình thức nghi lễ tôn giáo. Đến thế kỷ X, khi định chế Giáo hoàng lụn bại bởi sự đồi trụy của những người đứng đầu Giáo hội, Byzance hầu như đã tách hẳn khỏi cộng đồng này. Những mối dây liên hệ lỏng lẻo sót lại còn tiếp tục bị mài mòn, khi người Normandie chiếm lấy Nam Ý, và trao lại cho Giáo hoàng. Giáo trưởng - Thượng phụ giáo chủ Constantinople - chống lại việc áp đặt các lề lối Latin lên các nhà thờ Chính thống, đồng thời cũng đau đớn khi mất mát quá nhiều lợi ích, lớn tiếng khơi lại chuyện "và Đức Chúa Con" để công kích Giáo hội phương Tây.
Và năm 1054, Giáo hoàng gửi một phái đoàn đến Constantinople. Nhưng, thay vì đối thoại mềm mỏng để giải quyết vấn đề, Hồng y Humbert - người dẫn đầu phái đoàn - lại tuyên "vạ tuyệt thông" cho Thượng phụ giáo chủ. Hành động này, tất nhiên, được Thượng phụ đáp trả tương xứng.
Hai giáo hội được xem là đã chính thức tách rời khỏi nhau từ đó.
Chính Thống giáo Đông phương vẫn duy trì những màu sắc cổ xưa trong mọi nghi lễ tôn giáo của mình. |
Nghìn năm chinh chiến
Thực tế, việc không thể duy trì tình trạng "cơm lành canh ngọt" với Giáo hội Vatican, Hoàng triều Byzance lại dễ dàng hơn trong việc tránh cho đế quốc rơi vào vết xe đổ của những người anh em Tây La Mã. Trong vòng 1.100 năm, kể cả khi đã lụn bại, Byzance đã chống đỡ hết kẻ thù này đến kẻ thù khác. Như nhận định của nhóm tác giả cuốn Văn minh phương Tây, nếu không nhờ sự bền bỉ của Byzance qua nhiều thế kỷ, toàn cõi phương Tây có lẽ đã theo Hồi giáo.
Thần quyền ở Byzance không bao giờ có thể lấn át thế quyền như tại Tây Âu. Ở Đông La Mã, các hoàng đế vẫn liên tục truất phế các giám mục hay trừng phạt các nhà tu, cho dù mọi khía cạnh liên quan đến tôn giáo luôn được bảo đảm tính linh thiêng.
Giáo hội Constantinople hoạt động giống như một Bộ trong các chính phủ ngày nay, mà hoàng đế đứng trên Bộ đó, cũng như nắm các bộ khác. Lằn ranh cuối cùng mà hoàng triều không vượt qua, là việc đặt ra các giáo lý mới hoặc xúc phạm đến niềm tin tôn giáo của dân chúng. Các hoàng đế Byzance hiểu, như tổ phụ Constantinus của họ, rằng hoàng triều cần Giáo hội như một công cụ ổn định xã hội.
Byzance rất giàu. Vị trí địa lý nằm tại ngã ba Á - Âu - Phi mang lại cho họ những nguồn lợi tức khổng lồ nhờ tổ chức thương mại, thu thuế và nắm quyền tài phán tối cao. Không chỉ vậy, các nhà lãnh đạo đế quốc còn thấm nhuần: Chỉ có thể đánh thuế đất đai nếu có người canh tác, và chỉ có thể thu thuế thân nếu người đó có ruộng đất để canh tác. Tư tưởng này dẫn đến việc các cơ quan nhà nước làm việc rất kỹ lưỡng, để bảo đảm rằng người dân cày luôn có ruộng đất (và bị buộc chặt vào ruộng đất).
Các hoàng đế Byzance cấm xuất cảng vàng, luôn luôn giữ được một lượng trữ kim khổng lồ. Đồng vàng nomisma của Byzance là đồng tiền tiêu chuẩn của cả Địa Trung Hải, được giữ nguyên chất cho đến tận thế kỷ XI. Các tu viện, giáo đường, nhà thờ… bởi vậy cũng vô cùng sung túc, đặc biệt là khi họ luôn được nương nhẹ về thuế má. Xung đột về lợi ích với hoàng triều, do đó, không xuất hiện. Thay vào đó, Giáo hội Constantinople chỉ bị cạnh tranh bởi chính Vatican hay những đoàn Thập tự quân.
Byzance, cực thịnh và suy tàn. |
Bền vững nhờ quốc lực dồi dào, Byzance chỉ chiến đấu trong trường hợp bắt buộc, và ưu tiên cho các nỗ lực ngoại giao. Mặc dù vậy, với một niềm kiêu hãnh truyền thống, Byzance chỉ xem Ba Tư hay đế quốc Hồi giáo là những thiết chế ngang hàng. Charlemagne cùng những hậu duệ của mình, dù đã có được đất đai của toàn Tây La Mã, vẫn bị Hoàng triều xem là "rợ". Chỉ có thể có một hoàng đế, và hoàng đế đó cai trị ở Byzance. Có lẽ, các hoàng đế Byzance không bao giờ nguôi được sự phẫn nộ khi Giáo hoàng mang vương miện đội lên đầu Charlemagne.
Tuy nhiên, để đứng vững được lâu chừng đó thời gian, và bất kể chuyện sự giàu có vượt trội so với Tây Âu cũng làm nảy sinh những xa hoa mô phỏng La Mã cổ, Byzance cũng vẫn rất chú ý đến quân sự. Nhiều thế kỷ, bộ binh Byzance là lực lượng thiện chiến nhất châu Âu. Nhiều thế kỷ, hải đội của họ đủ sức duy trì quyền bá chủ Địa Trung Hải. Lưu giữ được hầu như trọn vẹn các kiến thức khoa học Hy - La cổ đại, hải thuyền Byzance được trang bị pháo phóng hỏa, có thể bắn cháy thuyền địch trên mặt biển nhờ một hỗn hợp mà tương truyền là Archimede sáng chế.
Và bởi vậy, trước cũng như sau sự kiện Ly giáo, ở Byzance không có Giáo hoàng, chỉ có Thượng phụ giáo chủ - người bề tôi đúng nghĩa của Hoàng đế. Và bởi vậy, sự giàu có xa hoa của miền Đông khiến vua chúa - quý tộc cả Tây Âu thèm khát, cũng không khác gì Hồi giáo hay các bộ tộc du mục. Đất Thánh Jerusalem, cùng những nguồn lợi khổng lồ có được từ việc tổ chức các đoàn hành hương (và hơn thế là những hải cảng thương mại) là miếng mồi hấp dẫn tất cả mọi quyền lực.
Thập Tự chinh không thể không diễn ra, bằng cách này hay cách khác. Và sự suy tàn của Byzance cũng là một kết cục tất yếu, sau 1.100 năm huy hoàng.
* Ngăn chặn từ người Hung Nô và người Avar ở thế kỷ V, người Bulgar, người Ba Tư ở thế kỷ thứ VII qua các đoàn quân chinh phạt Hồi giáo, đến những bộ tộc Seljuk gốc Thổ Nhĩ Kỳ từ đầu thế kỷ XI, Byzance thực sự là tiền đồn bảo vệ văn minh Tây Âu. Chiến thắng quan trọng nhất luôn luôn được nhắc đến là trận thắng năm 717, khi Hoàng đế Leo III phá tan được vòng vây của người Hồi giáo Arab quanh Constantinople. * 1204, lần đầu tiên Byzance bị chiếm đóng. Đó là khi họ đã quá suy kiệt sau những đòn tấn công mãnh liệt của cả người Normandie lẫn người Seljuk, và bị một lực lượng hỗn hợp của cả Cộng hòa Venise lẫn các Thập tự quân tiến đánh. |