Luyện rèn liêm chính

Thứ Ba, 30/10/2012, 15:32
Có ý kiến cho rằng, bộ máy nào muốn vận hành trơn tru thì đều cần dầu mỡ. Với bộ máy công quyền, “dầu mỡ” cần để cho các viên chức giải quyết công việc ngon lành hơn chính là những khoản thu nhập thêm vào nhờ ăn đút lót hay hối lộ. Theo lối tư duy này, thì liêm chính là đức hạnh “xa xỉ phẩm” đối với không ít viên chức. Tuy nhiên, theo cách nghĩ khác, là viên chức trong một bộ máy tốt thì cần phải liêm chính và lãnh đạo bộ máy đó cần làm tất cả để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các viên chức của mình sống trong sạch.

Soi gương Tô Hiến Thành

Có lẽ trong sách sử ở ta còn truyền tụng đến nay, ông quan được xếp vào hàng đầu tiên trong đội ngũ những người liêm chính là Tô Hiến Thành (1102-1179). Ông từng làm tới chức phụ chính Thái sư dưới triều vua Lý Cao Tông. Còn trước đó, khi vua Lý Anh Tông biết mình sắp mất đã giao thái tử Long Cán cho ông phù trợ và phong cho ông tước Thái uý, thay vua nhỏ tuổi nhiếp chính. Thái tử Long Cán là người con nhỏ của vua Lý Anh Tông nhưng lại là thái tử vì người con lớn, Long Xưởng, đã bị phế truất vì bất hiếu.

Bà Chiêu Linh, mẹ của Long Xưởng, lại chỉ muốn lấy lại ngôi thái tử cho Long Xưởng nên đã đem vàng bạc tới đút lót cho vợ quan quyền nhiếp chính Tô Hiến Thành.

Đại Việt sử ký toàn thư kể lại rằng, hay chuyện, Tô Hiến Thành đã cảm thán: “Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp rập vua bé, nay ăn của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng?”. Thấy vậy, bà Hiếu Linh lại cho gọi Tô Hiến Thành tới dỗ ngon dỗ ngọt nhưng ông một mực từ chối: “Làm việc bất nghĩa được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm...”.

Tô Hiến Thành là vị quan liêm chính từ đầu đến cuối hoạn lộ của mình. Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, khi ông ngã bệnh, Tham trì chính sự Vũ Tán Đường ngày đêm hầu bên cạnh. Còn Gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì bận việc nên không còn có lúc nào tới thăm hỏi. Vậy mà Tô Hiến Thành vẫn không “lấy đó làm điều”. Khi thái hậu vào thăm ông lúc ông bệnh nặng, bà hỏi: “Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?”. Tô Hiến Thành trả lời ngay: “Trần Trung Tá có thể thay được!”. Thái hậu lấy làm lạ mà rằng: “Vũ Tán Đường hàng ngày hầu thuốc thang, sao không thấy ông nhắc đến?”. Tô Hiến Thành mới bình thản mà đáp: “Vì bệ hạ hỏi người nào có thể thay thần nên thần nói đến Trần Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì phi Tán Đường còn ai nữa!”.

Minh họa: Lê Phương

Sử gia Ngô Sĩ Liên về sau mới bình: “Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết lòng trung thành, khéo xử trí khi biến cố, tuy có bị gió lay sóng dập mà vẫn đứng vững như cột đá giữa dòng, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần đời xưa. Huống chi đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng, thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”.

Giá mà đời nào các ông quan, các viên chức cũng hành xử được như Tô Hiến Thành thì đó là phúc lớn của một quốc gia. Đáng tiếc thay mà cũng phải lẽ thay, không thể có nhiều con người khi đi làm viên chức lại vẫn giữ được “tính bản thiện” như lúc còn “nhân tri sơ” ấy. Muốn họ liêm chính, bộ máy nào cũng cần phải có những quy chế, vừa “dưỡng liêm”, vừa “trấn tham” một cách có hiệu quả.

Kinh nghiệm Singapore

Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, quốc gia xứng đáng được xếp vào tốp đầu của thế giới hiện đại về sự liêm chính của các viên chức là đảo quốc Singapore, một thành viên khối ASEAN như chúng ta. Nguyên tắc thiết lập một bộ máy công quyền trong sạch ở Singapore thực ra rất đơn giản và quen thuộc với tư duy phương Đông: trên có chính thì dưới mới nghiêm, hỗ trợ cho cái liêm chính đi liền với trừng phạt cái hủ bại.

Lãnh tụ Singapore trong giai đoạn phát triển khá huy hoàng của đảo quốc này là ông Lý Quang Diệu ngay từ khi mới lên làm Thủ tướng (năm 1959) đã lập tức cho ra đời Luật chống tham nhũng và hàng loạt những quy chế kèm theo như Điều lệ kỷ luật của người làm việc công, Điều lệ tịch thu tài sản phi pháp... Ông còn thành lập cả Cục Điều tra các hành vi tham ô, rồi Cục Điều tra chống tham nhũng do Thủ tướng trực tiếp điều hành. Bản thân ông trong suốt quá trình làm người đứng đầu chính phủ đã luôn nêu cao tấm gương cá nhân, lấy tinh thần xả thân cho dân tộc rất điển hình của Á Đông làm kim chỉ nam hành động cho các viên chức, chứ không đề cao tư duy hưởng thụ theo kiểu phương Tây...

Nói vậy nhưng ông cũng rất chăm lo tới việc đãi ngộ xứng đáng cho các viên chức “tốt đời, tốt đạo” vì ông quá biết rằng, ở đâu cũng vậy, đói sẽ ăn vụng, túng sẽ làm liều. Thậm chí, viên chức càng liêm chính thì càng dễ có cơ hội được hưởng lương cao... Tất nhiên, thế mạnh của Singapore là một nền kinh tế hoạt động có hiệu quả, nên chính phủ có điều kiện thanh toán thù lao xứng đáng cho các viên chức của mình mà không bị rơi vào tình trạng “giật gấu vá vai”.

Chính những nguyên tắc có tình và có lý mà ông Lý Quang Diệu đã thiết lập được trong hơn 30 năm liên tục làm Thủ tướng Singapore đã góp phần xây dựng đảo quốc này thành một “ốc đảo” vừa phồn vinh, vừa tương đối lành mạnh về khía cạnh liêm chính của đội ngũ viên chức cho tới tận hôm nay.

Người Mỹ “trấn”... viên chức

Theo mạng Washington Profile, các viên chức liên bang ở Mỹ hiện nay phải tuân thủ 14 quy định chính. Trong số này có những quy định như sau:

- Không được theo đuổi những lợi ích tài chính, cản trở việc tận tâm thực hiện công vụ;

- Không được tham gia các phi vụ tài chính bằng cách sử dụng những thông tin chính phủ không được công bố rộng rãi, hoặc cho phép sử dụng một cách không thích hợp những thông tin như thế để thu nhận lợi ích cá nhân;

- Không được sử dụng vị trí nhà nước để mưu cầu lợi ích riêng;

- Phải hành xử một cách khách quan và không được thiên vị bất cứ một tổ chức hay cá nhân nào;

- Phải bảo vệ tài sản công và chỉ sử dụng chúng vào những hoạt động đã được cho phép;

- Không được làm thêm bất cứ công việc nào, kể cả đi tìm hay thương lượng về chỗ làm mâu thuẫn với vị trí chính thức của mình.

- Phải tránh mọi hành vi có thể tạo nên cảm giác như thể họ đang vi phạm pháp luật hay những tiêu chí đạo đức đã được xác lập chuẩn mực...

Mặc dù quy định chặt chẽ như vậy nhưng báo chí Mỹ vẫn thường xuyên đưa tin về việc các viên chức, thậm chí cao cấp, dính dáng tới nhận hối lộ hay tham nhũng...

Quyết tâm của chúng ta

Ngay trong cuốn Đường kách mệnh xuất bản năm 1927, Bác Hồ đã từng nhấn mạnh rằng, với một chiến sĩ cách mạng, tự mình phải “ít lòng tham muốn về vật chất”. Trong rất nhiều bài viết sau này của mình, Bác Hồ luôn luôn đề cao việc giáo dục tính liêm chính cho đội ngũ cán bộ các cấp. Nhìn chung, trong mọi giai đoạn phát triển của cách mạng nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước... luôn luôn chú trọng tới cuộc đấu tranh chống lại tệ tham nhũng, hối lộ và công tác xây dựng phẩm chất liêm chính cho cán bộ, đảng viên.

Đặc biệt, trong những kỳ Đại hội gần đây, Đảng ta đã chính thức phát động và triển khai mạnh mẽ cuộc đấu tranh toàn diện chống tệ tham nhũng, tiêu cực, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm  và khâu đột phá trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngay từ năm 1991, Đại hội Đảng lần thứ IX đã nhận định: “Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn, đe dọa sự sống còn của chế độ ta”. Chính vì thế nên toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta đã rất cố gắng trong cuộc đấu tranh bảo vệ sự liêm chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng và của tất cả các viên chức nói chung.

Thực tế đất nước trong cơ chế kinh tế thị trường đang ngày một đặt ra nhiều vấn đề nan giải trong cuộc đấu tranh vì sự liêm chính của đội ngũ viên chức, nhằm nâng cao vai trò của Nhà nước là cơ quan do dân và vì dân. Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm túc những yếu kém và khuyết điểm còn tồn tại, chúng ta nhất định sẽ giành được thắng lợi trong cuộc vận động  xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Và từ thắng lợi đó, chúng ta sẽ ngày càng củng cố hơn tính liêm chính, vì dân, vì nước trong đội ngũ viên chức của mình

Lê Ngọc Báu
.
.