Lối thoát nào cho một trái đất thời @?

Thứ Hai, 25/02/2019, 12:57
Đầu tháng 2-2019, VTV1 đưa tin ở Nhật Bản, người ta đã tập trung 50 nghìn tấn rác thải là các máy Smart phone, Ipad... cũ đã bỏ, sẽ được dùng làm nguyên liệu sản xuất huy chương cho Olympic mùa Hè 2020 tổ chức tại Tokyo.


Lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, hệ thống huy chương không được làm từ kim loại. Tin này gây sửng sốt cả thế giới. Và nó là gợi ý lớn cho loài người về một lối thoát cứu hành tinh.

Nhật Bản, cường quốc số 1 châu Á, một quốc đảo ít tài nguyên, đã tiên phong dùng nguyên liệu tái chế trong sự kiện thể thao lớn nhất toàn cầu. Còn ở Việt Nam? 

Đầu năm nay, chương trình “Trái đất xanh” (14h05 hằng ngày trên VTV1) phát phóng sự: quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh đã phát động thu gom vỏ lon sữa để làm các đồ dùng xinh xắn cho học sinh. Đây là xu hướng cần được nhân lên toàn cầu. Chưa bao giờ tính từ “xanh” được dùng nhiều đến thế, như một ước mơ, khát vọng vươn tới, một viễn cảnh khó khả thi nếu nhân loại không cấp tốc hành động cứu chuộc lại những lỗi lầm, thậm chí tội ác với môi trường sinh thái.

Trái đất thời @ đang bị bao trùm một đường truyền vô hình bay trong không gian, và như một chiếc kẹo bọc đủ các loại rác công nghiệp. Con người liệu có thoát được khỏi cái vòng luẩn quẩn của chính mình sáng tạo ra hay không?

Tác phẩm của Von Wong: Từ các bộ phận của máy laptop thải, xếp lại như một hố đen sâu thẳm. Con người sẽ rơi vào hố đen vì máy tính…

Một câu hỏi đặt ra đang thách thức thời đại. Với công nghệ hiện đại, và sự thông minh siêu vượt so với tất cả các loài vật sinh sống trên trái đất, con người trở thành chủ thể tưởng như điều khiển được vũ trụ. Loài người còn hy vọng với khoa học trong tương lai, sẽ tìm ra được những hành tinh tương đương trái đất và những con tàu vũ trụ tối tân siêu tốc sẽ đưa con người giải thoát khỏi trái đất đang bị ô nhiễm và có nguy cơ bị phá hủy. Liệu thoát được hay không?

Vấn đề môi trường trở nên nóng hổi trên bàn hội nghị thế giới. Năm 2015, tại Paris đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Cop 21 về bảo vệ môi trường với sự tham gia của gần 200 nguyên thủ các nước. Tất cả cùng ký tham gia bảo vệ môi trường. 

Đến nay, tình hình chưa mấy khả quan. Các cuộc chiến tranh còn xảy ra, các nhà máy sản xuất vũ khí, nhà máy nguyên tử, hạt nhân còn hoạt động thì còn ảnh hưởng lớn đến môi trường. 

Hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật năm 1945 không chỉ chứng minh sức mạnh của vũ khí hủy diệt loài người, mà những nguy cơ khi các nhà máy hóa chất, hạt nhân bị nổ tung hay rò rỉ như vụ Tchenobyl và những tàu chở dầu bị vỡ, những dòng sông, bờ biển bị ô nhiễm nặng. Con người vẫn tưởng chỉ chiến tranh, và hạt nhân, vũ khí làm hủy diệt môi trường. 

Họ không biết hàng ngày, mỗi người ngày nay đều dùng ít nhất một điện thoại di động, một máy tính, mỗi nhà vài cái tivi và ở các công sở máy tính hoạt động liên tục… Công nghệ đổi, hàng loạt máy móc thành rác vụn. 

Chỉ riêng khoản rác máy vi tính cũng đã là một đống rác khổng lồ trên quả địa cầu. Đống rác vi tính là nỗi lo về môi trường mà ít người tiêu thụ để ý. 

Nhiếp ảnh gia Mỹ Benjamin Von Wong có ý tưởng bất ngờ: ông thu hơn hai tấn đồ thải vi tính để làm ra những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật đầy ấn tượng phản ánh thực trạng nói rác công nghiệp đang đe dọa chính con người. Tác giả đã cùng 50 người dựng tác phẩm nghệ thuật với chủ đề “Viễn cảnh tương lai” trên trái đất.

Thật đáng sợ, khoa học vi tính tưởng giúp con người như một nàng tiên bay bổng trên không trung, nối kết được tất cả, liên kết tình bạn, mọi mối quan hệ, nắm được mọi thông tin, đó lại là cái đống rác nguy hiểm của trái đất với những kim loại và đồ điện tử…  

Trong tương lai, chúng ta sẽ sống trên đống rác thải đó và bị chính nó chôn vùi. Ngay đầu thế kỷ 20, nhiều nhà văn, nhà làm phim đã đề cập đến vấn đề “công nghiệp hóa” trong tác phẩm của họ.  

Kịch gia nổi tiếng Ionesco đã viết một vở kịch Những chiếc ghế. Những cái ghế cứ câm lặng chồng chất lên cho đến hết vở kịch. Thế giới con người đang bị bủa vây bởi hội họp, giấy tờ, và đồ vật...  

Nhà văn Beckett được giải thưởng Nobel Văn học với những vở kịch phi lý. Một người đàn bà đơn độc cứ kêu lên “Trời đẹp!” dù đang bị chôn vùi dần trong đất cát. Đất cát đây chính là rác công nghiệp hiện đại, là cuộc sống hiện hữu. Con người đang bị phi lý và cô đơn  chôn vùi nhưng vẫn tưởng trời đẹp… 

Nhà đạo diễn kiêm diễn viên thiên tài Charlie Chaplin đã diễn tả trong phim câm của ông: người công nhân bị áp lực của đời sống công nghiệp đến mức hành động như chiếc máy vô hồn, sống như robot trong thời hiện đại.

Con người bị chính dòng điện vô hình đang nhập vào người, và bị rác thải á như những gọng kìm bóp chết lúc nào không hay.

Công nghệ càng cao liệu có giúp con người thoát khỏi trái đất không hay lại bị che lấp bởi chính rác công nghệ đó. Lượng điện nạp hàng ngày sử dụng điện thoại máy tính, đèn, sản xuất... làm ra từ những nhà máy hạt nhân. Xà phòng, thuốc rửa bát, đồ mỹ phẩm, các bình lọ, máy bay, ôtô, lốp xe đều tạo ra chất thải công nghiệp, hóa học làm ô nhiễm trái đất.

Tác phẩm của Von Wong mang nỗi ám ảnh rất lớn về rác công nghiệp, đưa con người sống trong ảo tưởng như mây khói, song nó đã biến con người là những bóng ma hiện đại vật vờ trong tương lai.

Tác phẩm nghệ thuật của Von Wong làm từ rác vi tính là một câu hỏi liệu con người có thoát khỏi được đống rác do chính con người làm ra không? Sáng tạo là đáng khuyến khích, nhưng sáng tạo phải nghĩ đến nguy hại trong tương lai. 

Con người lên được sao Hỏa, sao Kim, vẫn chưa tìm được hành tinh thay trái đất. Con người và mọi sự sống đều cần đất, nước. Không phải ngẫu nhiên mà người Việt dùng từ “đất nước” để chỉ nơi sinh sống của mình.  Chỉ có đất và nước mới có màu xanh để trao đổi khí CO2 cho sự sống hàng ngày. 

Giờ đây, trong tác phẩm Von Wong, màu xanh cây lá lại là chất thải của bộ phận điện tử đang mọc lên, vô hồn cứng nhắc. Những cây xanh không lá, không hoa đang biến con người thành những bóng ma trong không trung…

Con người làm sao để thoát khỏi đống rác công nghiệp. Một câu hỏi làm day dứt tất cả những ai có lương tâm với tương lai nhân loại! 

TS. Trần Thu Dung (Paris)
.
.