Kinh tế xoay vòng: Hướng đi của tương lai

Thứ Bảy, 19/09/2020, 20:31
Thời xa xưa, người cổ đại đã có ý tưởng về xoay vòng sản xuất. Cách đây 3.000 năm, cư dân Dubai tận dụng mảnh vỡ gốm sứ làm công cụ sinh hoạt, người La Mã xưa đã biết phân loại rác để tái sử dụng, trong khi thời đại Byzantine (Thổ Nhĩ Kỳ) chứng kiến quá trình tái chế thuỷ tinh.

Đây được coi như những dấu hiệu sơ khai của nền kinh tế tuần hoàn, vốn nhận được nhiều sự quan tâm và thảo luận trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt và đe dọa an ninh lương thực trở thành vấn đề cấp bách của nhân loại hiện nay.

Mô hình phi truyền thống

Hãy thử tưởng tượng nền kinh tế toàn cầu được “chụp X-quang”. Trên phim thu được mọi thứ đều tuyến tính, tức là nền kinh tế “chảy thành dòng”, theo xu hướng bán được càng nhiều càng tốt. Sự khác biệt kinh tế tuần hoàn đem lại đến từ tính chất xoay vòng, dưới sự kết hợp của nhiều hình thức, từ giảm thiểu cho tới thuê mượn và chia sẻ.

Kinh tế tuần hoàn có tính chất xoay vòng, kết hợp nhiều hình thức từ giảm thiểu cho tới thuê mượn và chia sẻ.

Mô hình này giống như một chiếc đồng hồ, trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất. Quan điểm tái sử dụng và tái chế được đề cao, thông qua quy trình quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín, nhờ vậy tối đa hoá giá trị một sản phẩm tại các giai đoạn trong vòng đời.

Có thể hình dung đơn giản thế này: việc làm sạch chai thuỷ tinh/nhựa rồi dùng tiếp sẽ tiết kiệm hơn so với sản xuất chai mới từ quặng, hay lốp xe cũ có thể được gom lại, bán cho những người có nhu cầu để họ tái chế theo mục đích cá nhân thay vì quăng ra... bãi rác. Như vậy, vòng tuần hoàn sẽ biến một sản phẩm đang ở cuối vòng đời của chúng thành nguyên liệu bắt đầu một quá trình khác, thay vì trở thành rác thải.

Việc chất thải có thể quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người, song song với đó là lấp đầy khoảng trống trong các hệ sinh thái thuộc nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Trong công nghiệp, đồng là kim loại hoàn hảo cho nền kinh tế xoay vòng, khi dễ dàng tái chế, giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu. Việc tận dụng rô-bốt thông minh xử lý thiết bị cũ, giống như cách Apple đang tiến hành thu mua iphone đã qua sử dụng, giúp tái chế rác thải điện tử để sản xuất các linh phụ kiện mới.

Trong nông nghiệp, sự kết hợp tư duy tuần hoàn và công nghệ hiện đại cho phép xử lý chất thải và xác vật nuôi bị nhiễm bệnh thành các sản phẩm phân bón, vừa tránh được những bất cập trong tiêu hủy, vừa tiết kiệm chi phí và tránh ô nhiễm môi trường. Đối với thực phẩm, những giải pháp xoay vòng hiệu quả như tận dụng tối đa “thời gian sống” của thực phẩm hay phổ biến thùng rác thông minh tại các nhà hàng giúp phân loại thức ăn thừa được hưởng ứng mạnh mẽ.

Rõ ràng, mô hình xoay vòng chính là hướng đi tương lai của hoạt động kinh tế. Điều này xuất phát từ nguy cơ cạn kiệt tài nguyên đến năm 2030, đồng thời nhiều quốc gia (đặc biệt ở châu Á) đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu.

Quan trọng hơn, mô hình xoay vòng thông minh, tận dụng tối đa và có hiệu quả những gì phát sinh trong quá trình sản xuất, tạo đà cho mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Giới chuyên gia tham vọng sẽ khai thác tiềm năng của mô hình này trong hành trình tái thiết nền kinh tế toàn cầu, không cản trở sự phát triển mà đưa quá trình sản xuất của loài người về lại trạng thái “hoà hợp” với tự nhiên.

Những điểm sáng xoay vòng

Ở nhiều quốc gia, chiến lược kinh tế xoay vòng ngày càng phổ biến, với các chính sách giảm thiểu rác thải hiệu quả cao. Dẫn đầu châu Âu với hệ thống phân cấp trong quản lý chất thải, Hà Lan coi rác là tài nguyên, đẩy mạnh tái chế và xử lý rác triệt để trước khi áp dụng biện pháp cuối cùng là chôn lấp.

Google phát động cuộc thi ý tưởng cho mô hình tuần hoàn 2030, còn Liên minh châu Âu triển khai kế hoạch hành động “xanh và xoay vòng.

Tham vọng hơn, Hà Lan triển khai chương trình tư duy tuần hoàn, trong đó giảm 50% việc sử dụng nguyên liệu thô (khoáng sản, hóa thạch và kim loại) vào năm 2030. Với Đức, chính phủ ban hành đạo luật về quản lý chất thải theo chu trình khép kín, đảm bảo việc xử lý chất thải tương thích với môi trường, hay xây dựng nền tảng của khung chính sách tái chế là đạo luật về đóng gói.

Tại Bỉ, quốc gia có tỷ lệ tái chế đứng đầu thế giới, chính phủ kêu gọi xây dựng mạng lưới sinh thái Eco cùng các khuyến nghị về tiêu dùng bền vững, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng phần mềm tính toán Ecolizer để đánh giá tác động của sản phẩm đối với môi trường.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, Canada tiếp cận kinh tế xoay vòng bằng việc thành lập Hội đồng không chất thải quốc gia nhằm thúc đẩy phòng ngừa chất thải và hợp tác liên ngành. Chiến lược mới tích hợp ba mũi tên lớn là phòng ngừa, thu hồi - dọn dẹp và phục hồi giá trị, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế Canada hạn chế về tài nguyên.

Mỹ lại tiếp cận nền kinh tế xoay vòng dựa vào thị trường, cho phép các chủ thể bên ngoài nhà nước tự do tham gia kinh doanh và cung cấp các hàng hoá và dịch vụ theo quy luật cung - cầu. Mỹ thiên về việc khuyến khích các sáng kiến tuần hoàn và nhân rộng các điển hình tuần hoàn hiệu quả, mà minh chứng rõ nét nhất thuộc về “cơn bão” rác thải điện tử ở bang Colorado.

Tại đây, các doanh nghiệp tư nhân đã nhanh chóng đứng ra thu gom và tái chế rác thải điện tử khi chính quyền bang không có bất cứ động thái nào. Điều này đặt nền móng cho sự hình thành một thị trường mới sôi động và lợi nhuận cao, giữa “cầu” là các hộ gia đình tiếp nhận “cung” từ các công ty dịch vụ, góp phần giúp rác thải được tuần hoàn xử lý. 

Điểm sáng châu Á thuộc về Nhật Bản, với một khung pháp lý toàn diện cùng các mục tiêu dài hạn, hướng tới một xã hội tái chế trong thập kỷ tới. Nền kinh tế xoay vòng ở Nhật Bản chứng kiến tỷ lệ tái chế đáng kinh ngạc, lên tới 98% lượng kim loại hay chỉ 5% rác thải phải chôn lấp.

Quan trọng hơn, nhiều vật liệu quay trở lại phục vụ cho mục đích sản xuất các sản phẩm cùng loại, tạo tiền đề cho Nhật Bản triển khai một nền kinh tế thực sự tuần hoàn với lợi nhuận lên tới khoảng 10% GDP.  Thành công này xuất phát từ hệ thống thu hồi thân thiện với người tiêu dùng, trong khi Nhật Bản có nguồn tài nguyên khoáng sản và kim loại rất hạn chế, khiến tái sản xuất và tái chế trở thành một lĩnh vực đầy hứa hẹn.

Lộ trình dài hơi

Ưu điểm lớn nhất của kinh tế xoay vòng chính là giảm lãng phí và hạn chế tối đa rác thải. Điều này vượt trội so với mô hình sản xuất truyền thống, vốn ưu tiên tối đa hóa sản lượng và giá trị gia tăng, nhưng lại thải ra môi trường lượng phế thải khổng lồ gây ô nhiễm.

Trong tương lai, lĩnh vực thời trang được kỳ vọng sẽ dần thoát khỏi mô hình tuyến tính truyền thống.

Giới chuyên gia nhận định, thời đại công nghệ 4.0 sẽ cung cấp thêm những công cụ hiện đại để dần dần đưa xã hội thoát khỏi mô hình tuyến tính (bao gồm khai thác - sản xuất - thải bỏ), để tiến tới mô hình xoay vòng với nhiều giải pháp bền vững. Đây cũng là trọng tâm chương trình nghị sự toàn cầu thu hút sự chú ý đặc biệt từ các tổ chức quốc tế, hướng đến đổi mới cách thức vận hành “câu thần chú” 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) và thành lập nhiều nhóm hành động đặc biệt về kinh tế tuần hoàn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, thoát khỏi những bế tắc với mô hình kinh tế truyền thống không hề đơn giản. Giấc mơ kinh tế tuần hoàn, với nhiều người, dường như phi thực tế bởi lẽ khả năng cắt giảm rác thải rất khó xảy ra trong bối cảnh đất chật, người đông, nhu cầu lớn.

Theo ước tính, tài nguyên thiên nhiên sẽ tiếp tục bị hút cạn, và sẽ đạt đến giới hạn trong vài thập kỷ tới, cùng với lượng khí thải gia tăng không thể kiểm soát. Còn người lạc quan tin rằng kinh tế tuần hoàn luôn là một đề xuất hợp lý, tạo động lực cho quá trình thay đổi chiến lược quốc gia hướng tới một nền kinh tế xanh, sạch và bền vững. Theo đó, thế giới cần chấp nhận một quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, với tư duy khác biệt và dám chấp nhận thách thức, để định hình rõ ràng hướng đi trong tương lai.

Đó là một lộ trình dài hơi, cần sự góp sức của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp. Rất nhanh chóng, Google phát động cuộc thi ý tưởng cho mô hình tuần hoàn 2030, còn Liên minh châu Âu đã triển khai kế hoạch hành động vì một châu Âu “xanh và xoay vòng”, ưu tiên đưa sản phẩm thuộc các lĩnh vực nhựa, điện tử, thực phẩm và thời trang dần thoát khỏi mô hình tuyến tính truyền thống.

Tham vọng khi ấy là xây dựng các chuỗi giá trị vật liệu tuần hoàn mà ở đó rác thải dường như bị triệt tiêu trong vòng quay sản xuất, từng nguyên liệu sẽ đảm nhận vai trò “mắt xích dưỡng chất” có thể tái chế không ngừng, tiếp sức cho các giai đoạn phát triển sản phẩm theo một chu kỳ tuần hoàn nhất định...

Lê Nam
.
.