Kinh dị bọ xít hút máu

Thứ Sáu, 15/10/2010, 15:00
Xuất hiện một loại côn trùng hút máu ngay trong nhà dân, chúng thật sự có đáng sợ như một mối đe dọa mới về sức khỏe hay chỉ bình thường như ong, kiến, muỗi… vẫn sống xung quanh chúng ta? Giữa hai thái cực thông tin gây hoang mang và trấn an dư luận, chúng tôi xin đưa ra hiểu biết của những người trực tiếp "đối mặt" với loài bọ xít hút máu đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta.

"Nhận diện" bọ xít hút máu

Từ tháng 6 năm nay, những thông tin Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật phát hiện bọ xít hút máu sống trong nhà dân ở ngay dọc bờ sông Hồng, Cầu Giấy - Hà Nội và một số vùng ở Vĩnh Phúc được đăng tải trên nhiều tờ báo. Sự xuất hiện của loài côn trùng màu nâu, cơ thể dẹt và to bằng khoảng móng tay khi trưởng thành này, khiến dư luận không khỏi hoang mang, có lẽ vì hai lý do chính: không ai liên tưởng tới việc bọ xít đốt người và việc chúng "đột ngột" xuất hiện ngay giữa các khu đô thị.

Bọ xít hút máu tìm thấy ở Việt Nam có tên Triatoma rubrofassiata (khác với loài bọ xít Triatoma dimidiata phổ biến ở Trung Mỹ và loài Triatoma infestans phổ biến ở vùng Nam Mỹ có thể gây truyền bệnh Chagas - còn gọi là bệnh ngủ, bệnh lưu hành ở một số nước vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ), thuộc họ bọ xít ăn thịt sâu. Chúng có vòi cong, sắc tương tự ong hay muỗi, di chuyển chậm, chủ yếu là bò.

Khi bị phát hiện, chúng cũng không bay hay chạy mất mà chỉ nằm yên, kể cả ban ngày hay đêm. Chúng sống bằng cách hút máu động vật hoặc người. Ban ngày chúng thường ẩn trốn sâu trong các khe kín, ẩm tối như kẽ giường, tủ, tường…, ban đêm mới bò ra hút máu. Đặc biệt, chúng có thể truyền chất gây tê khiến người bị đốt không có cảm giác đau nhói. Bọ xít hút máu trong suốt vòng đời từ 100 đến hơn 200 ngày.

Ảnh bọ xít hút máu thu thập tại Hà Nội và chuột bị nhiễm ký sinh trùng từ bọ xít trong phòng thí nhiệm.

Từ giai đoạn là ấu trùng đến trưởng thành, chúng hút máu khi cần sinh trưởng, lột xác, đẻ trứng ở con cái, giao phối ở con đực… Trước và sau khi hút máu, thể tích cơ thể chúng có thể tăng tới… 9 lần. Nếu so với muỗi, số lượng máu mà bọ xít hút lớn hơn nhiều lần.

Sau đó, thông tin phát hiện bọ xít hút máu liên tục xuất hiện ở nhiều địa phương khác, nhưng số lượng chỉ rải rác 1-2 con, nhiều nhất chỉ tới 7-8 con ở một địa điểm. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9/2010, một ổ bọ xít lớn xuất hiện ở một gia đình tại Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội, với khoảng 200 con được tìm thấy. Hai tuần sau đó, một ổ bọ xít "khổng lồ" tới hơn 1.000 con tiếp tục bị phát hiện trong bếp một gia đình ở cách ổ 200 con khoảng 1km.

Hiện bọ xít hút máu người đã được tìm thấy ở rất nhiều tỉnh, thành trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Lạng Sơn, Sơn La, Nghệ An, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu… Riêng ở Hà Nội, đã ghi nhận ít nhất 150 gia đình phát hiện bọ xít hút máu và có thể số lượng sẽ còn tăng lên.

Đi liền với việc phát hiện bọ xít ở các hộ gia đình là hiện tượng có người bị vết đốt lạ, song chưa ai có biểu hiện nhiễm bệnh. Mặc dù bọ xít hút máu có thể chưa nhiều ký sinh trùng, trong đó có ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga's qua đường máu, nhưng chưa ghi nhận bọ xít truyền bệnh cho người thông qua hút máu.

Bọ xít hút máu từ đâu ra?

Bọ xít hút máu người không phải đột ngột từ trên… trời rơi xuống hay từ nơi nào xâm nhập vào Việt Nam. Lật lại "hồ sơ" về bọ xít hút máu ở nước ta, tuy khá ít ỏi nhưng đã được đề cập từ rất sớm. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, người Pháp đã nói tới bọ xít hút máu ở Việt Nam nhưng chưa có nghiên cứu kĩ càng.

Năm 1979, một tác giả Trung Quốc cũng công bố loài bọ xít hút máu có ở Việt Nam. Năm 1985, có một nghiên cứu về bọ xít hút máu truyền bệnh trên trâu, bò, dê do Th.S Nguyễn Thị Giang Thanh (Bộ môn Ký sinh trùng, Viện Thú y) thực hiện. Tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, việc thu thập mẫu bọ xít hút máu đã được âm thầm tiến hành từ lâu.

Năm 2001, bọ xít hút máu được các cán bộ Viện thu thập được ở vùng trung du (khu vực Vườn quốc gia Tam Đảo, Mê Linh - Vĩnh Phúc), chúng xuất hiện ở khu vực chuồng gia súc và cả nơi gần người. Sau đó, bọ xít hút máu liên tục được thu thập ở các nơi như Ba Vì (Hà Tây cũ), Đại Lải (Vĩnh Phúc) năm 2004, Gia Lâm, Hà Đông - Hà Nội năm 2008, Từ Liêm - Hà Nội năm 2009...

Trên thực tế, bọ xít hút máu đã tồn tại ở nước ta từ lâu, nhưng có lẽ do chúng khu trú chủ yếu ở gần chuồng trại chăn nuôi và đốt gia súc, ít hoặc chưa đốt người nên không gây chú ý.

Chỉ đến khi bọ xít hút máu xuất hiện ở ngay trong nhà dân, ở các khu vực nội thành, nơi có phố xá đông đúc, hiện đại, sự xuất hiện của loại côn trùng này mới khiến dư luận chú ý. Hơn nữa, nói tới bọ xít, số đông mọi người thường liên tưởng chúng sinh sống ở khu vực nhiều cây cối, rậm rạp hay những nơi hoang vắng, xa khu dân cư, thiếu vệ sinh…

Việc chúng xuất hiện ở trong những ngôi nhà sạch sẽ và đốt người khiến dư luận không khỏi bất ngờ và hoang mang. Hiện chưa có lý giải chính xác vì sao bọ xít hút máu người lại xuất hiện nhiều và làm tổ ngay trong nhà dân. Nhưng một nguyên nhân được các nhà khoa học nghĩ tới là sự thay đổi sinh cảnh đô thị. Các chuồng trại chăn nuôi bị thu hẹp lại, thay vào đó là những khu dân cư mới, khiến bọ xít hút máu buộc phải thích nghi và di chuyển từ đốt gia súc sang đốt người, vật nuôi trong nhà, chuột…

Hành động trước khi điều tồi tệ xảy ra

Trước khi trực tiếp chứng kiến công việc thu thập và nghiên cứu về bọ xít hút máu, chúng tôi cũng như nhiều người đang băn khoăn tự hỏi, liệu nhất thiết phải đưa tin viết bài ầm ĩ về một loại côn trùng đốt người nhưng chưa ghi nhận truyền bệnh nguy hiểm hay không? Việc đó có thể chỉ khiến dư luận đã hoang mang sẽ càng hoang mang hơn mà thôi.

Có ý kiến cho rằng, có thể tìm thấy bọ xít hút máu ở gần người, nhưng chúng vẫn ưa hút máu động vật như chuột, chó, gà, chim, sâu… Bộ Y tế cũng khẳng định chưa có những khảo sát đầy đủ về việc bọ xít đốt người và chưa có ghi nhận chúng truyền bệnh cho người. Vì thế hiện tượng xuất hiện bọ xít hút máu trong nhà không đến mức đáng lo ngại như nhiều người tưởng. Đây là một ý kiến thận trọng cần xem xét tới.

Tuy nhiên, khi đến Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, chúng tôi có suy nghĩ khác. Khi chứng kiến một ông bố trẻ lo lắng mang đến một con bọ xít hút máu tìm thấy ngay trên giường đứa con bé bỏng mới sinh được 6 tháng tuổi, chúng tôi hiểu rằng, đây thật sự là vấn đề mà các nhà chức trách cần phải thấy lo lắng.

Vì hôm nay chưa ai chứng minh bọ xít hút máu truyền bệnh cho người, nhưng ngày mai chúng có thích nghi và gây lây nhiễm hay không, thì không ai dám khẳng định. Hoặc giả, số ký sinh trùng mà chúng truyền cho người có thể không gây bệnh tật ngay, nhưng 10, 20, 30 năm nữa, điều gì sẽ xảy ra?

Điều đó cũng chưa ai biết. Xuất hiện một loại côn trùng đốt người mà chúng ta chưa biết rõ độ nguy hiểm của chúng, thì đấy rõ ràng là mối đe dọa sức khỏe con người không cần phải tranh cãi. Ngay cả khi chúng không gây nguy hiểm cho con người, thì cũng không thể làm ngơ với việc xuất hiện ổ bọ xít "làm phiền" cuộc sống hằng ngày của người dân.

Trò chuyện với TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - người bỏ nhiều công sức thu thập, nghiên cứu về bọ xít hút máu trong nhiều năm qua, chúng tôi rất chia sẻ với anh quan điểm cần phải hành động trước khi bọ xít truyền bệnh sang người.

Nếu chứng minh được chúng không thích nghi và không truyền bệnh cho con người, đó là may mắn lớn. Nhưng nếu chúng kịp thích nghi và gây bệnh nguy hiểm thì chúng ta hầu như không có biện pháp hữu hiệu nào để cứu vãn tình thế. Hành động trước khi điều tồi tệ xảy ra có thể không gây ồn ào và lẫy lừng như khi dập được đại dịch, nhưng đó mới là hành động đáng giá. 

Theo kết quả bước đầu của một nghiên cứu phối hợp giữa 4 cơ quan: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Thú y và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Quy Nhơn, thử nghiệm bơm ký sinh trùng từ bọ xít hút máu người cho thấy chuột trong phòng thí nghiệm đều bị lây nhiễm.

Đương nhiên không thể từ kết quả này để suy diễn người cũng sẽ bị lây ký sinh trùng từ bọ xít hút máu, nhưng những lo lắng của các nhà khoa học không phải là không có cơ sở. Trong vòng một tháng trở lại đây, hầu hết những mẫu bọ xít hút máu do người dân mang đến Viện Sinh thái và Tài nguyên môi trường, để xét nghiệm, đều chứa đầy ký sinh trùng.

Những cá thể bọ xít tìm thấy cũng có dấu hiệu thích nghi với môi trường sống gần người khá rõ rệt. Đặc biệt, nơi bọ xít làm tổ với số lượng cá thể lớn dường như ngày càng ở gần và rất gần với con người hơn. Số cá thể bọ xít hút máu bắt được từ ổ dịch hơn 200 con ở Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội ngày 10/9, đã tiếp tục sinh trưởng tốt khi đưa vào nuôi trong phòng thí nghiệm.

Nhiều con cái trưởng thành đã đẻ trứng với tỷ lệ nở rất cao. Cứ 100 trứng bọ xít hút máu, có không dưới 90 trứng nở thành con. Sau khoảng 17 ngày, trứng nở thành ấu trùng và những con bọ xít hút máu sơ sinh sẽ bắt đầu đi hút máu để sinh trưởng. Đáng chú ý, tỷ lệ trứng nở cực cao.

Một số nước đã thực hiện phun dung dịch nhằm xua đuổi và diệt bọ xít hút máu nhưng không nhiều tác dụng, vì khả năng sinh tồn của chúng rất lớn. TS Trương Xuân Lam cho biết, chúng ta khó hy vọng sẽ có một loại dung dịch phòng hay diệt được bọ xít, vì chúng thường ẩn nấp sâu trong các ngóc ngách giường, tủ, khe tường… trong nhà.

Nếu phun dung dịch diệt được chúng thì sức khỏe của chính chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế, điều cần làm ngoài việc nghiên cứu để có hiểu biết rõ ràng về chúng, là nhanh chóng tìm diệt, không để có những ổ lớn và phát tán rộng. Cùng với sự xuất hiện của bọ xít hút máu ngay trong lòng thành phố, nhiều ca sốt xuất huyết do muỗi truyền bệnh tập trung ở những khu dân cư mới hình thành… đang đặt ra vấn đề nghiêm túc về vệ sinh môi trường trong bài toán đô thị hóa.

Sự thích nghi của bọ xít hút máu diễn ra âm thầm và không phải trong ngày một ngày hai, nhưng khi chúng đã di chuyển từ sống gần gia súc sang rất gần người và sinh trưởng tốt, chứng tỏ đã có một quá trình thay đổi của môi trường và sinh vật mà chúng ta chưa hiểu biết rõ và không thể chủ quan. Người dân chỉ có thể dọn sạch nhà mình, còn để một thành phố sạch thì đòi hỏi những hành động ở tầm vĩ mô

Thanh Loan
.
.