Khúc ca mới của "thị trấn ma" Futaba

Thứ Sáu, 20/03/2020, 21:26
Không hề tình cờ khi Chính phủ Nhật Bản lựa chọn thị trấn Futaba là một trong những điểm dừng chân của lộ trình rước đuốc Olympic Tokyo 2020.

Mảnh đất một thuở hoang tàn ấy, giờ đây đã sẵn sàng nở hoa một lần nữa, như một biểu trưng cho sự phục hồi mạnh mẽ của đất nước mặt trời mọc sau thảm họa kép kinh hoàng năm 2011, tàn phá nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Nốt trầm buồn mang số hiệu "14.46"

Trong bản trường ca hùng tráng của lịch sử hiện đại Nhật Bản, ngày 11/3/2011 luôn được nhắc đến như một nốt trầm buồn, người ta gọi là nốt trầm mang số hiệu "14.46". Vì sao ư? Đúng 14h46 phút ngày định mệnh ấy, trận động đất mạnh 9.1 độ richter kéo theo sóng thần đã đổ ập vào bờ biển Đông Bắc nước này. Những ngọn sóng cao tới 4-5m liên tục tràn sâu vào đất liền, nhấn chìm nhà cửa, san phẳng các thị trấn dọc bờ biển chỉ sau một tiếng đồng hồ. 

Nhiều thị trấn bị phá hủy, các khu dân cư chìm trong biển nước, tưởng như vùng Đông Bắc Nhật Bản đã bị xóa sổ chỉ trong chớp mắt. Chính phủ Nhật Bản cho biết, thảm họa kép đã tàn phá phần lớn 3 tỉnh Miyagi, Fukushima và Iwate; khiến khoảng 18.000 người thiệt mạng và mất tích; gần 500.000 người buộc phải sơ tán, và phần nhiều trong số họ đã chẳng thể về nhà… 

Đêm 11/3/2011, những đợt sóng thần và động đất tiếp tục đánh chìm nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, khiến hệ thống làm lạnh tại 4 lò phản ứng của nhà máy bị hỏng, kéo theo cuộc khủng hoảng hạt nhân chưa từng có tại đất nước mặt trời mọc. 

Những con phố không một bóng người đã trở nên quen thuộc tại Futaba. Ảnh: Reuters.

88 ngày sau, chính phủ Nhật Bản chính thức thừa nhận khủng hoảng hạt nhân Fukushima Daiichi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất kể từ sau thảm họa nhà máy điện Chernobyl ở Ukraine năm 1986. Người dân Nhật Bản đã phải trải qua cơn ác mộng dài tưởng như vô tận; một nỗi đau mà có lẽ họ chưa từng được chứng kiến kể từ sau Thế chiến thứ II.

Thời điểm ấy, 300.000 cư dân đã bị buộc sơ tán khỏi khu vực nhà máy Fukushima Daiichi và vùng lân cận. Những người dân tại thị trấn Futaba thuộc tỉnh Fukushima, đáng tiếc thay, cũng nằm trong số đó. Nằm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi chỉ khoảng 3 km về phía Tây, Futaba bỗng trở thành trung tâm của thảm họa, hứng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự cố rò rỉ phóng xạ từ đây. 

Futaba là khoảng trời chung của hơn 7.000 người dân cùng làm việc và sinh sống, với những cửa hiệu đồ ăn luôn tấp nập người qua lại và những con phố luôn tràn ngập tiếng cười. Đó từng là những gì diễn ra trước ngày 11/3/2011. 

Còn sau đó? Những dãy nhà đổ nát, những khu phố bỏ hoang, những con đường không còn vẹn nguyên như trước, đó mới là những gì người ta mô tả về Futaba. Futaba một tháng sau thảm họa đã chẳng còn vang tiếng cười trẻ thơ, và những tòa nhà đổ sập chẳng còn ai trở về sửa chữa, những giá sách đặt bên ô cửa, tuyệt nhiên chẳng một người nào ghé qua. 

Cứ như thế, Futaba bỗng chốc trở thành một "thị trấn ma", theo cách gọi truyền thông, với chẳng chút hi vọng nào về sự phục hồi thêm một lần nữa. Kể cả khi 5 năm đã trôi qua, Nhật Bản vẫn buộc phải tiếp tục phong tỏa khu vực 12 dặm quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đặt cho nó cái tên là "khu vực chết chóc". 

"Ở Futaba, nhiều "khu vực chết chóc" sẽ không thể hồi sinh. Rất có thể thị trấn gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhất này sẽ trở thành một bãi phế thải phóng xạ", phóng viên Telegraph đã từng nhận xét như thế trong một lần đi thực tế tại đây. 

Đó có lẽ cũng là lý do vì sao Futaba là địa phương duy nhất tại Nhật Bản phải áp dụng lệnh sơ tán đối với toàn bộ thị trấn sau thảm họa trong suốt 9 năm qua. Tính đến ngày 1-6-2019, tổng dân số tại thị trấn Futaba là không người.

Khúc ca mới sau "cuộc chờ" 9 năm

Nếu có thể ví von Olympic Tokyo 2020 với một điều gì đó, có lẽ nhiều cựu cư dân thị trấn Futaba sẽ gọi Thế vận hội này là "bà tiên", vì đã mang phép màu trở lại. Ngày 4/3, Nhật Bản dỡ bỏ lệnh sơ tán một số vùng ở thị trấn Futaba để chuẩn bị cho sự kiện rước đuốc Olympic sắp diễn ra. 

Thị trấn này lần đầu tiên được chứng kiến một sự nới lỏng sau 9 năm "cách ly" tới nghẹt thở, kể từ sau khi thảm họa hạt nhân xảy ra. Một khu vực được đánh giá là "khó quay trở lại" với mức độ phóng xạ tương đối cao, luôn bị nhắc tới với cái tên "thị trấn ma", nay đã nhận được "cái gật đầu" của chính phủ Nhật Bản để được dỡ lệnh sơ tán, dần hồi sinh một lần nữa. Động thái này được đưa ra sau khi Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đưa thị trấn Futaba vào lộ trình rước đuốc Olympic, dự kiến sẽ được bắt đầu từ ngày 26/3 tới. 

Các nhà tổ chức cho rằng: "Để tạo bầu không khí sôi động trên toàn đất nước trước Olympic Tokyo 2020 và quảng bá các giá trị của phong trào Olympic, sự kiện rước đuốc Olympic muốn thể hiện tinh thần đoàn kết với những khu vực vẫn đang trong quá trình phục hồi từ sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011".

Hơn cả một điểm dừng chân trên lộ trình rước đuốc, việc dỡ bỏ lệnh sơ tán tại Futaba, theo Reuters, còn là một điểm sáng của Olympic Tokyo 2020, với mong muốn truyền đi thông điệp rằng sự phục hồi và tiếp tục lớn mạnh chính là giá trị chân ái của sự sống. Các quan chức Nhật Bản bày tỏ hy vọng rằng Olympic Tokyo 2020, khai mạc vào ngày 24/7 tới và được mệnh danh là "Olympic của sự phục hồi", sẽ chứng minh cho những ai còn hoài nghi, rằng: Ở Futaba, sự trở về là có thể. 

"Đây là cơ hội giúp Nhật Bản thay đổi quan điểm, cách nhìn của nhiều người về Fukushima", ông Naoto Hisajima thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cho biết. Thị trưởng thị trấn Futaba Shiro Izawa đón nhận tin vui này với niềm xúc động khó diễn tả.

"Tôi đang tràn ngập trong vô vàn cảm xúc khi biết rằng cuối cùng thì chúng tôi cũng có thể đưa một phần của thị trấn hoạt động trở lại. Tôi cam kết sẽ từng bước thúc đẩy sự phục hồi và tái thiết trên mảnh đất này", ông nói.  Chính quyền Futaba giờ đây đang ấp ủ những dự đình mới để chào đón ngày trở về của hàng nghìn công dân.

Những khung nhạc vẫn còn để ngỏ

Thực tế là, nếu như trước đây, người dân Futaba chỉ có thể được vào thị trấn dưới sự cho phép đặc biệt, thì với việc gỡ lệnh phong tỏa, họ đã có thể quay lại căn nhà cũ của mình trong những chuyến thăm ngắn mà không cần qua cửa kiểm soát an ninh, cũng không cần mặc đồ bảo hộ. Nhưng, liệu điều đó có đủ cho sự sống hồi sinh? Liệu chính Futaba đã sẵn sàng cho sự phục hồi sau gần 1 thập kỷ? 

Hoạt động tái thiết đang được triển khai tại ga tàu Futaba, gần nhà máy Fukushima Daiichi. Ảnh: Reuters.

Theo Japan Times, sau khi lệnh sơ tán được dỡ bỏ ở khu vực phía Bắc thành phố, công nhân có thể ở lại khu vực gần ga đường sắt chính. Nhưng người dân chưa thể trở về ngay lúc này. Mọi sự trở về đều mang tính chất thăm nom, và không ai được quyền ngủ lại qua đêm kể cả khi đã dỡ bỏ lệnh sơ tán. 

NHK dẫn lời chính quyền địa phương cho biết, hiện chưa có cư dân nào quay trở lại địa phương do công tác tái thiết còn tiến triển rất chậm, phần lớn thị trấn vẫn đối diện tình trạng thiếu nước sạch và cơ sở hạ tầng không đủ chất lượng. Chính quyền thị trấn cũng cho biết sẽ xây một khu công nghiệp và các cơ sở công cộng để người sơ tán có thể bắt đầu trở về từ năm 2022.

Song, The Guardian đã chỉ ra một sự thật đáng buồn rằng, những "cựu công dân" Futaba giờ đây đã dần hòa mình vào một môi trường sống mới, với những mối quan hệ mới, tại cộng đồng mà họ tái thiết sau khi thảm họa xảy ra. Trong số những công dân đã rời đi, chỉ khoảng 10% nói rằng họ sẽ quay trở lại… 

Một số người, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ, bày tỏ lo ngại về mức độ phóng xạ ở đây. Chỉ số bức xạ trong không khí đo được vào tháng 2 gần ga đường sắt Futaba là khoảng 0,28 microsievert/h, cao hơn mục tiêu do chính phủ đặt ra là 0,23 microsievert/h. 

Con số đó khó lòng đảm bảo cho một sự an toàn lâu dài của người dân, theo Yuki Onuma, một cựu công dân của Futaba. Nói về những con đường đang được sửa chữa tại Futaba, Onuma lo ngại rằng chính quyền thị trấn đang khiến thế giới hiểu sai về sự hồi sinh thật sự trong lòng mảnh đất này. 

"Mục tiêu số 1 của chính phủ là để chứng minh rằng Futaba đã phục hồi đến nhường nào. Nhưng tôi không nghĩ rằng mọi người có thể thấu hiểu bất cứ điều gì, chỉ bằng việc nhìn những còn đường mới trải nhựa thẳng tắp", anh nói.

Đại diện Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Chính phủ Nhật Bản  đã chi 250 tỷ USD cho 5 năm tái thiết đầu tiên (giai đoạn 2011-2015) và 65 tỷ USD nữa cho giai đoạn 2016-2020 cho khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép năm 2011. Bộ Môi trường Nhật Bản cũng khẳng định họ đã thực hiện "các biện pháp giảm bức xạ" tại nhiều khu vực, trong đó có Futaba. 

"Tôi đảm bảo với mọi người trên thế giới rằng tỉnh Fukushima đã an toàn. Mức độ phóng xạ không khác biệt với các thành phố lớn khác. Và chúng tôi muốn chào đón tất cả mọi người đến với Fukushima trong dịp này", ông Hasajima cho biết. 

Thế nhưng, ngay cả khi mức độ phóng xạ giảm xuống mức an toàn, ngành nông nghiệp và đánh bắt cá trong khu vực vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng do những lo ngại của người tiêu dùng và nhà bán lẻ. Còn nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn đang ngừng hoạt động để phục vụ cho quá trình xử lý dự kiến sẽ mất nhiều thập kỷ. Việc làm sẽ là bài toán tiếp theo mà chính quyền thị trấn Futaba phải giải quyết nếu như muốn đưa người dân quay trở lại đây.

Nốt trầm mang số hiệu "14.46" đã trôi qua gần một thập kỷ, cũng là ngần ấy thời gian thị trấn nhỏ mang tên Futaba gánh chịu hình hài của một "thị trấn ma". Olympic Tokyo 2020 chắc chắn đã góp phần gieo niềm tin trên những hoang tàn đổ nát, và có lẽ những công dân vùng đất này cũng sẽ gieo niềm tin một lần nữa, rằng sau những gian nan, sự sống sẽ phục hồi. Việc dỡ lệnh sơ tán có giúp thị trấn ma ấy được hồi sinh? Câu trả lời có lẽ xin nhường thời gian giải đáp.

An Nhiên
.
.