Không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Thứ Ba, 25/12/2012, 11:50

Cho đến nay, trong nhận thức/quan niệm của đa số các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ gần như chỉ được giới hạn ở phạm vi hành chính của các làng xã thuộc thành phố Việt Trì và một phần của huyện Lâm Thao, mà trung tâm rực rỡ nhất là khu vực Nghĩa Lĩnh - Hy Cương.

Còn lại, tại hàng trăm làng xóm của xứ sở này, nơi có các di tích tín ngưỡng gắn với các hiệu danh Cao Sơn Thánh Vương, Đột Ngột Cao Sơn, Ët Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương, Cao Sơn - Sơn Tinh, Cao Sơn - Quý Minh hoặc thờ riêng Cao Sơn như một vị thần chủ độc lập, được nhiều học giả cho rằng, tất cả đều là dấu tích của những sinh hoạt  tín ngưỡng thờ thần núi (suy từ chữ “Sơn” mà ra !), hiện thân của tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy, do cư dân Việt - Mường sáng tạo thuở xa xưa! Tuy nhiên, soi vào thực tiễn thì hiện trạng của không gian văn hóa tín ngưỡng gắn với tục thờ cúng các vua Hùng lại vô cùng rộng mở, hiện tồn nhiều chứng cứ và vết tích văn hóa qua hàng trăm năm.

Từ quá trình tìm hiểu một số nguồn thư tịch cổ và khảo sát điền dã trên hầu khắp các huyện lị của Phú Thọ gần trọn năm 2010 vừa qua, chúng tôi nhận thấy, hệ thống các làng/thôn có liên quan đến việc phụng thờ và tham dự lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ các nhân vật thời đại Hùng Vương trong quá khứ là rất lớn, trải dài - rộng trên một phạm vi không gian bao trùm gần khắp địa bàn tỉnh Phú Thọ (12/13 huyện, thị, thành phố), đặc biệt tập trung ở 2 vùng trung tâm là các xã thuộc thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao.

Tuy nhiên, nhìn vào dấu vết thờ tự và sức hút của nhân vật được phụng thờ bằng lý thuyết nghiên cứu về vùng trung tâm và vùng lan toả, có thể nhận ra những lớp lang văn hóa của trục đường hình thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa, qua quá trình lịch sử hóa một thời đại viễn cổ với các nhân vật huyền thoại, thành một thời đại lịch sử “đích thực” cùng các nhân vật được coi là/như là “có thực”, được nhập/hóa thân vào tín ngưỡng để phụng thờ, thành biểu tượng trung tâm của một trong những hệ thống truyện kể và lễ hội (bên cạnh các hệ thống thờ tự, tín ngưỡng gắn với Sơn Tinh, các tướng lĩnh và con cháu các vua Hùng) nâng lên thành biểu tượng trung tâm cho cội nguồn dân tộc trong tâm thức người Việt cổ.

Lần đọc các bản ngọc phả, thần tích và sắc phong hiện đang lưu giữ tại khu vực đền Hùng và các vùng phụ cận, một số bài cúng được chủ tế xướng lên tại các điện thờ thuộc các làng xã huyện Lâm Thao, thành phố Việt Trì, cùng tài liệu Hán - Nôm lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), có thể nhận thấy trong nội dung của những nguồn tư liệu này có ghi các tước hiệu, mỹ tự của các vua Hùng được triều đình nhà nước phong kiến phong tặng/truy tặng (chủ yếu hiện còn từ thế kỷ XV trở về sau). Trong mục Thần tích xã Vi Cương, tư liệu hiện đang lưu trữ tại kho sách Viện Nghiên cứu hán Nôm, Hà Nội, ký hiệu EA9/25, đọc phần Ngọc phả cổ truyền viết về Hùng Vương, tại tờ 27b có lưu thần tích xã Vi Cương thuộc phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, được khắc ngày 14 thánh 8 niên hiệu Đại Nguyên thứ 2, ở mục Cung miếu điện của các vị Hùng Vương thánh tổ Nam thiên đại bảo triều trước, liệt kê danh sách  các vị vua Hùng được thờ, trong đó có ghi 3 người gắn với các tước hiệu: Hùng Vương thánh tổ Nam thiên đại tiền hoàng đế khai quốc hồng đồ Đột Ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị nhất thập bát đế thánh vương Hùng Nghĩa Vương thần tông ân thâm hoàng đế; Hùng Vương Viễn Sơn thánh vương ân trạch phổ huệ thánh vương; và Hùng Vương  Ất Sơn thánh vương trợ thắng công bình hoàng đế. Trong mục Thần tích xã Tiên Cương, phủ Lâm Thao, ký hiệu AEA9/31, ở tờ 17a, có bản Ngọc phả mang tên: “Ngọc phả cổ truyền về mười tám đời Cao Sơn Thánh Vương họ Hùng nước Việt cổ”, trong đó kể lại sự tích về “Hùng Vương Thánh tổ Tiền Thái tổ Cao Sơn Minh Vương hoàng đế”…

Lễ hội Đền Hùng.

Tìm hiểu di tích tín ngưỡng thờ vua Hùng tại Nghĩa Lĩnh, hiện thấy cả 3 ngôi đền (đền Thượng, đền Trung và đền Hạ) đều đặt 4 ngai thờ, trong đó có 3 ngai được mang các hiệu danh: Ất Sơn Thánh Vương vị, Đột Ngột Cao Sơn hiểm hùng ngao thống thủy điện an hoằng tế chiêu liệt ứng quảng huệ y diễn vệ hàm công thánh vương vị, Viễn Sơn Thánh Vương vị (đền Thượng) và Ất Sơn Thánh Vương Thánh vị, Đột Ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế Thánh Vương Thánh vị, Viễn Sơn Thánh Vương Thánh vị (đền Hạ và đền Trung).

Đến với dân gian, sau khi điền dã khảo sát tại gần 200 di tích của 122 làng xã thuộc 12 huyện/thị xã/thành phố, tỉnh Phú Thọ, chúng tôi nhận thấy có khoảng 20 di tích thờ tự (đình, đền, miếu) được người dân gọi đích danh là nơi thờ phụng các vua Hùng, thông qua các bức đại tự hoặc biển hiệu tại đền, đình, miếu được dân chúng dựng lên và thực hành tín ngưỡng (đa số các làng/thôn thuộc thành phố Việt Trì và huyện Lâm Thao), còn lại là những di tích (chiếm số lượng lớn) mang danh thờ phụng Cao Sơn Thánh Vương, Đột Ngột Cao Sơn, Ất Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương hoặc gọi chung là thờ Đức Vua hay bằng các tự danh khác, như Chàng Cả đại vương, Chàng Hai đại vương, Chàng Ba đại vương, Tam vị Đại Vương, Nhị vị Đại Vương,…Điều đặc biệt là, trong hầu hết các bài văn tế/cúng của các địa phương có di tích, không nơi đâu chủ tế gọi đích danh nhân vật được phụng thờ là Hùng Vương, hoặc tên của một trong các vị vua Hùng. Chẳng hạn, văn cúng của làng Trẹo (thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao), nơi thờ phụng các vua Hùng từ hàng trăm năm qua, nơi hàng năm là một trong hai địa phương có quyền cắt cử/lựa chọn người làm thủ nhang, trông coi việc cúng tế tại đền Trung và đền Hạ ở Nghĩa Lĩnh, chỉ xướng các mỹ danh “Đột Ngột Cao Sơn cổ Việt Hùng thị thập bát thế Thánh Vương Thánh vị, Viễn Sơn Thánh Vương Thánh vị, Ất Sơn Thánh Vương Thánh vị”.

Thực tế cho thấy, tại khá nhiều di tích tín ngưỡng, các chủ tế khi đọc văn tế hay bài cúng, thường (tuân theo những tục hèm, kiêng kị nhằm bảo vệ yếu tố thiêng) chủ ý không cho người ngoài nghe được rõ lời khấn của mình, hoặc chỉ xướng danh các chủ điện thờ bằng những “mật khẩu” do thế hệ trước truyền lại. Do vậy, thời gian trôi qua hàng trăm năm, chủ tế (người khấn) của các thế hệ kế tiếp nhau, nhiều khi không thể biết rõ/nhớ được tên thật của chủ điện thờ tại di tích làng/thôn mình. Hoặc nếu có biết, thì những vị chủ tế, thủ nhang đứng đầu hay đảm trách công việc “hương khói” ấy, cũng không dám tự tiện xướng danh, báo danh tên chủ điện thờ làng mình/địa phương mình cho người khác biết.

Và như vậy, việc xác định các làng/thôn/khu có sinh hoạt tín ngưỡng thờ Hùng Vương có thể được nhận diện theo một số thực trạng hiện tồn: Một là, những di tích là nơi đã và đang thực hành tín ngưỡng thờ phụng đối tượng được nêu đích danh là Hùng Vương, hoặc tên các đời vua Hùng. Hai là, tại những nơi thờ phụng các vua Hùng, nhưng lại được dân gian truyền gọi (theo thói quen ngắn gọn hoặc vì lý do kiêng kị,…) bằng các mỹ tự hoặc hiệu danh cho các nhân vật Hùng Vương được tôn thờ là Ất Sơn Đại Vương, Viễn Sơn Đại Vương, Đột Ngột Cao Sơn Đại Vương và Cao Sơn Thánh Vương - những danh xưng được truyền đi/đọc ra từ các thần tích, ngọc phả, sắc phong do các triều đình/vua chúa phong kiến ban tặng. Ba là, những nơi thờ phụng đảm bảo một trong hai thực trạng trên đây, nhưng chỉ tồn tại trong quá khứ (1945 trở về trước), hiện không còn di tích, hoặc đã/đang thành phế tích, vẫn được nêu ra để xem xét, phục vụ việc xác định không gian văn hóa tín ngưỡng thờ Hùng Vương từ trước đến nay. Những địa phương có di tích tín ngưỡng gắn với các danh xưng khác (Đức Vua, Đức Thánh Sa Lộc, Đại Vương Thượng đẳng thần, Hiển Lang Đại Vương, Hiển Công Đại Vương, Đông Hải Đại Vương,...), xét về bản chất, có biểu hiện của sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nhưng chưa đủ căn cứ/dữ liệu nhận diện tự danh điện thờ ở đây có thực chất gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hay không, nên được xếp vào diện tồn nghi, khảo cứu sau này.

Và thêm nữa, khi nhận diện sự tồn tại của các chủ điện thờ tại khắp 12 huyện thị của Phú Thọ, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh các di tích được gắn với hiệu danh của chủ điện thờ như được nêu ra trên đây, còn một cặp điện thần chủ xuất hiện khá phổ biến tại hàng trăm di tích tín ngưỡng là Cao Sơn - Quý Minh.

Hầu như các di tích thờ tự cặp đôi thần chủ Cao Sơn - Quý Minh thường chỉ hiện tồn ở các làng xã thuần miền núi thấp trở lên, thuộc các huyện Yên Lập, Thanh Sơn, Đoan Hùng và Hạ Hòa. Hiện tượng văn hóa tín ngưỡng này còn hiện diện tại hàng loạt vùng đất, tỉnh thành khác nhau, kéo dài - rộng từ các địa phương thuộc vùng Việt Bắc cho đến nhiều làng/xóm thuộc châu thổ Bắc Bộ. Đây cũng là hướng gợi ra để đi sâu tìm hiểu, giải mã sự giao thoa, phối kết thờ tự phức tạp giữa tín ngưỡng thờ thần với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt - Mường thời dựng nước cũng như quan hệ sinh hoạt tín ngưỡng giữa người Việt với các dân tộc/tộc người khác trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam trên tiến trình lịch sử.

Trên cơ sở của những vấn đề đặt ra trên đây, từ nguồn thư tịch cổ và thực trạng của sinh hoạt tín ngưỡng tại các di tích thuộc các làng xã của tỉnh Phú Thọ, qua điền dã khảo sát thực tế, chúng tôi bước đầu nhận diện được một không gian văn hóa đích thực gắn với tín ngưỡng thờ Hùng Vương, với số lượng 178 đình, đền, miếu thờ tự tại 122 thôn/làng/khu dân cư của 81 xã trong 12 huyện/thị xã/thành phố, trong đó, chủ yếu các di tích mật tập tại các thềm đất cao ven các triền sông Lô, sông Thao, sông  Đà. Và nơi giao thoa mang vị trí được coi là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - quân sự một thời, chính là vùng ngã ba Bạch Hạc, nơi nổi lên miền đất thiêng Nghĩa Lĩnh. Từ không gian văn hóa đã nhận diện, cũng cần nêu lên một thực trạng là, chủ nhân của loại hình sinh hoạt tín ngưỡng trong không gian văn hóa này không chỉ người Việt, mà, tại các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Yên Lập, đã và đang hiện tồn hàng chục di tích tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương do cư dân các bản làng người Mường, người Tày và người Cao Lan (sớm nhất là vào thế kỷ XVI - XVII trở đi) làm chủ.

Thực tế này cũng phù hợp với ngọn nguồn thuở còn hợp lưu và cùng tồn tại, phát triển của văn hóa Việt - Mường cổ xưa cùng mối quan hệ giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa dân tộc Kinh (Việt) với các dân tộc/tộc người anh em cùng không gian cư trú (đan xen hoặc liền kề) trong lịch sử văn hóa dân tộc. Và, trên tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước, cùng với việc mở mang bờ cõi, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ không gian văn hóa trung tâm này, do những nguyên nhân lịch sử - xã hội nhất định, đã được người dân các thế hệ nhân lên, gieo cắm, lan tỏa ra khắp vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, xuôi dọc miền Trung và nở rộ tại nhiều làng quê, đô thị miền sông nước Nam Bộ nhiều trăm năm nay

PGS.TS.Bùi Quang Thanh
.
.