Khi nước ngọt quý hơn vàng

Thứ Bảy, 16/04/2016, 11:23
Theo một đánh giá mới đây của Liên Hiệp Quốc, nhu cầu toàn thế giới về nước sẽ vượt quá mức cung 40% vào năm 2030. Cùng với vấn đề biến đổi khí hậu, khan hiếm nước ngọt sẽ là một trong những thách thức lớn nhất với nhân loại trong những năm tới. 


Thiếu nước sẽ ảnh hưởng tới quá trình sản xuất và bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở bất kỳ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. 

Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự phí phạm trong việc sử dụng nguồn nước, cũng như những tranh chấp của các quốc gia là nguy cơ dẫn tới các cuộc xung đột vũ trang và chiến tranh vì nguồn nước trong tương lai không xa.

Thực trạng đáng báo động

Theo ước tính, tổng lượng nước trên Trái đất vào khoảng 1.386 triệu km3 (với trên 96% là nước mặn). Trong số hơn 3% nước ngọt còn lại, 68% tồn tại dạng băng và sông băng, cùng 30% là nước ngầm. Nguồn nước mặt như nước trong các sông hồ, chỉ chiếm khoảng 93.100km³. Số lượng ít ỏi nước ngọt sẵn sàng để sử dụng lại phân bố không đồng đều. Khu vực châu Á và Nam Mỹ được coi là có nguồn tài nguyên nước dồi dào nhất, trong khi châu Phi và Trung Đông lại là những khu vực thường xuyên hạn hán.

Các chuyên gia dự đoán đến năm 2035, sẽ có khoảng 50% dân số phải đối mặt với các khó khăn do tình trạng thiếu nước, ở các mức độ khác nhau. Trong tương lai không xa, nước sẽ là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến đời sống của toàn nhân loại như gây mất ổn định chính trị, xung đột vũ trang, hay giảm tăng trưởng kinh tế, gia tăng nghèo đói và bệnh tật.

Hiện nay, lượng nước sinh hoạt trung bình dành cho người dân ở châu Á chỉ đạt khoảng 15-30% so với trong thập niên 50 của thế kỷ XX. Viễn cảnh nước ở khu vực này đến năm 2025 rất đáng báo động khi lượng nước sinh hoạt trung bình sẽ giảm đến 70%, và nước sẽ là một trong những thách thức đau đầu nhất khiến châu Á trở nên bất ổn.

Trong khi đó, một số vùng sa mạc ở châu Phi hay khu vực Trung Đông cũng thiếu nước trầm trọng. Một nửa diện tích đất canh tác của Ai Cập có nguy cơ bị chua mặn vì thiếu nước, bởi lẽ mực nước của sông Nile - “thần nước” của nền văn minh Ai Cập ngày nay - đã tụt xuống gần 100cm so với trước đây. Tại châu Âu, cũng có tới 20 triệu người dân không được tiếp cận với các điều kiện vệ sinh an toàn vì tình trạng thiếu nước.

Tăng trưởng dân số là một nhân tố quan trọng dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn nước. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới năm 2050 sẽ đạt 9 tỷ người. Như vậy, nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng lên, trong khi việc tiếp cận với nguồn nước sạch ngày càng khó hơn. 

Tốc độ đô thị hóa quá nhanh, phát triển kinh tế quá cao và sự thay đổi trong cách ăn uống của người dân bị đô thị hóa cũng là nguyên nhân hút cạn dần nguồn nước. Ngoài ra, rác thải gây ô nhiễm, khí hậu biến đổi và ô nhiễm môi trường từ nhiều nguồn khác cũng khiến nước sạch dần khan hiếm. 

Có những dự báo cho rằng, vì hiện tượng nóng lên toàn cầu nên lưu lượng nước ở nhiều con sông thuộc châu Á và châu Phi có thể giảm từ 15-50%. Nhiệt độ Trái đất tăng làm băng tan chảy, nhưng không bổ sung cho nguồn nước ngọt mà thường chảy ra biển thành nước mặn.

Bên cạnh sự khan hiếm, việc nước ngọt trên thế giới bị ô nhiễm cũng khiến nguồn cung nước sạch giảm mạnh, gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Nghiên cứu của Viện Nước quốc tế Stockholm (Thụy Điển) cho thấy, nước bẩn đã giết chết nhiều người hơn so với động đất và chiến tranh. Ước tính mỗi ngày trên thế giới có 5.000 trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến điều kiện vệ sinh không đảm bảo, không đủ nước cho sinh hoạt. Ngoài ra, một vấn đề đạo lý cũng được nêu rõ: tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo trước nguồn nước.

Hiện nay, một người sinh sống ở Bắc Mỹ bình quân sử dụng 400l nước mỗi ngày, một người ở châu Âu dùng 200l/ngày. Ngược lại, tại các nước nghèo, lượng nước bình quân sử dụng theo đầu người chỉ khoảng 10l mỗi ngày.

Trong bối cảnh này, khái niệm an ninh nước sẽ có vai trò quyết định đối với sự tồn vong của một quốc gia chứ không phải là an ninh năng lượng hay lương thực. Tình trạng thiếu nước sạch đã, đang và sẽ còn nghiêm trọng hơn trong tương lai, đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới, châm ngòi cho những cuộc xung đột giữa các quốc gia hay khu vực. 

Tình hình trở nên trầm trọng hơn bởi tình trạng hai hoặc nhiều quốc gia “cùng chung một dòng sông”, và vì thế mà nguồn nước của các con sông thuộc nhiều lãnh thổ thường được sử dụng một cách không có kiểm soát. Những điểm “nóng” nhất trong tranh chấp nguồn nước diễn ra tại các khu vực khô hạn hoặc tập trung đông dân cư của châu Phi và châu Á. Căng thẳng đã đến mức xung đột có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Chiến lược cứu “nguồn sống”

Sự khan hiếm đã biến nước ngọt trở thành một ngành kinh doanh mới đầy béo bở. Trên thực tế, làn sóng tư nhân hóa các nguồn nước tại nhiều quốc gia như Argentina, Bolivia, Mexico, Malaysia, và Philippines từ đầu những năm 1990 đã giúp thu về những khoản tiền hàng tỷ USD từ các tập đoàn đa quốc gia - những đối tượng sớm biết rằng, họ đang đầu tư vào một loại hàng hóa có giá trị vô cùng to lớn. Hiện nay, việc cung cấp nước cho người dân và doanh nghiệp là một ngành công nghiệp có doanh thu tới 400 tỷ USD mỗi năm.

Ngành công nghiệp nước đã chuyển mình mạnh mẽ từ ngành ít lợi nhuận thành một ngành được ví von là “mỏ vàng”. Lĩnh vực mới mẻ này trên thế giới đang tập trung vào tay vài đại gia, bao gồm Vivendi của Pháp và Thames Water của Anh, nhưng đều thuộc sở hữu của tập đoàn Đức RWE, cung cấp nước sạch cho gần 60 quốc gia. 

Hệ thống khử mặn nước biển.

Nhiều chuyên gia dự báo rằng, giá nước ngọt sẽ được niêm yết trên các thị trường hàng hóa lớn nhất thế giới, và giới đầu cơ sẽ đặt cược tài sản của mình vào các cơn mưa hay một trận bão tuyết, nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên duy trì sự sống nhưng đang ngày một cạn kiệt.

Trong khi giới kinh doanh đang tìm đủ mọi cách “giữ chân” nước thì các nhà khoa học vẫn miệt mài nghiên cứu phương thức tạo ra nhiều nguồn nước hơn. Họ đang cân nhắc khả năng vận chuyển các khối băng từ Nam Cực về bán đảo Ả Rập. 

Hiện Canađa được xem là quốc gia đi đầu trong việc đối phó với tình trạng khan hiếm nước khi sử dụng các tảng băng ở Greenland để chế biến thành nước uống. Bên cạnh đó, Nga - quốc gia đang sở hữu 20% dự trữ nước ngọt toàn cầu - cũng đề xuất các phương pháp lọc nước mới, và nhấn mạnh Nga có thể nghiên cứu khả năng xuất khẩu nước ngọt qua các đường ống dẫn nước đặc biệt để tham gia vào quá trình cung cấp nước toàn cầu.

Một cách tiếp cận khác để giải quyết vấn đề khan hiếm nước là tái sử dụng nước thải. Ý tưởng cơ bản là dẫn nguồn nước đã được “làm sạch hoàn toàn” tại một nhà máy xử lý nước thải trở lại đường ống sinh hoạt.

Tại Perth (Úc), nước thải được xử lý đạt tới chất lượng rất cao, trên thực tế là tốt hơn so với hầu hết các loại nước uống khác, rồi được bơm vào tầng ngậm nước. Từ đây, nước được dẫn ra khắp vùng nông thôn và có thể được kéo lên phục vụ sinh hoạt từ những giếng cách nguồn nước khoảng 1km.

Phương pháp này cho phép sản xuất loại nước được bảo đảm chất lượng cao, có thể sử dụng cho mọi mục đích tùy theo nhu cầu mà không cần có hệ thống ống đôi hoặc hệ thống xử lý nước bổ sung hay những quy trình tương tự. Tuy nhiên, phải khéo léo khi tuyên truyền với người dân, bởi vì họ không thực sự muốn sử dụng loại nước mà cách đó vài ngày từng được thải qua nhà vệ sinh của một người khác (mặc dù về thành phần hóa học, loại nước này an toàn để uống).

Chiến lược hứa hẹn nhất phải nhắc đến là khử mặn nước biển. Có tới 40% dân số thế giới sống cách biển chưa đầy 100km. Hàng chục thành phố có hơn 1 triệu dân không thể tiếp cận được với nguồn nước ngọt đều là các thành phố ven biển, do đó việc khử mặn nước biển để có nguồn nước ngọt trong sinh hoạt là giải pháp cần thiết. Cơ quan thăm dò nguồn nước quốc tế cho biết, khả năng lọc nước biển của thế giới có thể tăng từ 52 triệu m³/ngày (năm 2008) lên 107 triệu m³/ngày (năm 2016).

Cũng trong thời gian này, công suất tái chế nguồn nước đã qua sử dụng có thể tăng gấp 3 lần, từ 20 triệu m³/ngày lên 60 triệu m³/ngày. Tuy vậy, phương pháp “ngọt hóa nước biển” đòi hỏi rất nhiều năng lượng, và sản phẩm phụ của quá trình khử muối là nước cực mặn (còn được gọi đơn giản là nước muối). Lượng nước muối đó rồi sẽ đi đâu? 

Con người sẽ phải đối mặt với những hậu quả liên quan đến hệ sinh thái nếu đổ nước muối xuống vịnh và biển vì hệ sinh thái bản địa không quen với nguồn nước có hàm lượng muối cao như vậy...

Lê Nam
.
.