Khi khoa học phá vỡ mọi lằn ranh bạn - thù

Thứ Ba, 06/04/2021, 08:45
Hơn một năm kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại Trung Quốc, COVID-19 đã lan khắp toàn cầu khiến hơn 123 triệu người nhiễm virus, hơn 2,7 triệu người tử vong. Đại dịch cũng gây tổn hại kinh tế vô cùng lớn đối với các quốc gia trên khắp các châu lục.

Tờ “Economist” gọi đại dịch là một trong bốn cú sốc kinh tế lớn nhất của thế kỷ 21, kéo lùi hàng chục năm phát triển của nhân loại.  Một trong những ánh sáng le lói xuất hiện vào thời điểm đen tối của lịch sử, chính là kết quả lạc quan của một loạt vaccine chống COVID-19. Những "hàng hoá" đặc biệt này được coi là vũ khí của nhân loại đánh bại đại dịch.  Đằng sau phép màu của những sản phẩm kỳ diệu đó, là nỗ lực làm việc miệt mài không quản ngày đêm của đội ngũ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học toàn thế giới, tất cả hướng đến mục tiêu cấp bách: Cứu loài người thoát khỏi đại dịch.

Trong khi các quốc gia lần lượt đóng cửa biên giới của họ thì các nhà khoa học đã phá vỡ biên giới của chính mình, tạo ra một sự hợp tác toàn cầu không giống bất kỳ điều gì đã diễn ra trong lịch sử. Các nhà nghiên cứu cho biết, chưa bao giờ nhiều chuyên gia ở nhiều quốc gia lại tập trung đồng thời vào một chủ đề duy nhất và với mức độ cấp thiết như vậy. Gần như tất cả các nghiên cứu khác phải tạm dừng. Chỉ trong vài tháng, toàn bộ khoa học toàn cầu gần như bị "COVID hoá".

Ảnh: L.G

Trong một cuộc khảo sát với 2.500 nhà nghiên cứu ở Mỹ, Canada và Châu  Âu, Kyle Myers từ Harvard và nhóm của ông phát hiện ra 32% chuyển sự tập trung của họ sang đại dịch. Các nhà khoa học thần kinh nghiên cứu khứu giác bắt đầu tìm hiểu lý do tại sao bệnh nhân COVID-19 có xu hướng đánh mất khả năng ngửi. Các nhà vật lý bắt tay tạo ra các mô hình dự đoán để thông báo cho các nhà hoạch định chính sách. Michael D. L. Johnson tại Đại học Arizona thường nghiên cứu tác dụng độc hại của đồng đối với vi khuẩn. Nhưng khi biết rằng nCoV tồn tại trên bề mặt đồng trong ít thời gian hơn so với các vật liệu khác, ông đã xoay sang điều tra xem virus có thể dễ bị tổn thương như thế nào đối với kim loại. Không có căn bệnh nào được xem xét kỹ lưỡng bằng rất nhiều trí tuệ kết hợp trong một thời gian ngắn như vậy.

Tính đến tháng 2/2021, thư viện Y sinh PubMed liệt kê hơn 74.000 bài báo khoa học liên quan đến nCoV - nhiều hơn gấp đôi so với các bài báo về bệnh bại liệt, sởi, tả, sốt xuất huyết, hoặc các bệnh khác đã gây ra cho nhân loại trong nhiều thế kỷ. Chỉ có 9.700 bài báo liên quan đến bệnh Ebola được xuất bản kể từ khi nó được phát hiện vào năm 1976. Đến tháng 9/2020, Tạp chí Y học New England có uy tín nhận được 30.000 bài gửi liên quan đến nCoV - nhiều hơn 16.000 so với tất cả năm 2019. "Tất cả sự khác biệt đó là COVID-19", Eric Rubin, tổng biên tập Tạp chí Y học New England, cho biết. Francis Collins, giám đốc của Viện Y tế Quốc gia Mỹ nhận định: "Đây là sự thay đổi các ưu tiên khoa học chưa từng có".

Bên cạnh đó, các kho lưu trữ trực tuyến sẵn sàng cung cấp số liệu và bằng chứng nghiên cứu trước các tạp chí khoa học xuất bản định kỳ. Những nhà khoa học xác định và chia sẻ hàng chục trình tự bộ gene của virus. Hơn 200 thử nghiệm lâm sàng đã được đưa ra, quy tụ các bệnh viện, phòng thí nghiệm và hàng trăm nghìn tình nguyện viên trên toàn cầu. Chia sẻ trên tờ Thời báo New York, tiến sĩ Francesco Perrone, người dẫn đầu một thử nghiệm lâm sàng về nCoV ở Ý nói: "Tôi chưa bao giờ nghe những nhà khoa học chân chính và xuất sắc nói về quốc tịch. Tổ quốc của tôi, quốc gia của bạn. Ngôn ngữ của tôi, ngôn ngữ của bạn. Vị trí địa lý của tôi, vị trí địa lý của bạn. Đây là điều thực sự xa vời với các nhà khoa học cấp cao chân chính".

Ảnh: L.G

Tờ New York Times tiết lộ thêm, vào một buổi sáng, các nhà khoa học Đại học Pittsburgh đã phát hiện ra một con chồn hương sau khi tiếp xúc với các hạt COVID-19 đã phát bệnh sốt cao. Đây là một bước tiến tiềm năng đối với việc thử nghiệm vaccine trên động vật. Trong hoàn cảnh bình thường, họ sẽ bắt đầu bình duyệt kết quả nghiên cứu bằng một bài báo trên tạp chí học thuật. Nhưng GS Paul Duprex, nhà virus học đứng đầu nghiên cứu vaccine của trường đại học, đã chia sẻ kết quả nghiên cứu với các nhà khoa học trên toàn thế giới chỉ sau hai tiếng đồng hồ, thay vì mất hàng tháng cho một bài báo. Một thước đo nhỏ về tính cởi mở có thể được tìm thấy trên các máy chủ của medRxiv và bioRxiv, hai kho lưu trữ trực tuyến chia sẻ các dữ liệu học thuật trước khi nó được xuất bản trên các tạp chí. Các kho lưu trữ đầy ắp hàng nghìn những nghiên cứu về coronavirus trên toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã đóng góp một phần đáng kể nghiên cứu về nCoV trong kho báu này. Một phòng thí nghiệm của Trung Quốc đã công bố bộ gene virus ban đầu vào tháng Giêng, tạo cơ sở cho các xét nghiệm nCoV trên toàn thế giới. Chính nhờ dữ liệu gene ban đầu này, các cơ sở nghiên cứu hàng đầu thế giới đã căn cứ và bổ sung chứng cứ, từ đó thử nghiệm thành công các sản phẩm vaccine có hiệu quả phòng ngừa lên tới 90%- 95%, trong quãng thời gian thần tốc chưa từng thấy trong lịch sử. Đến tháng 11, hơn 197.000 bộ gene nCoV đã được giải trình tự.

Lauren Gardner, một giáo sư kỹ thuật tại Đại học Johns Hopkins, người đã nghiên cứu bệnh sốt xuất huyết và Zika, biết rằng các dịch bệnh mới sẽ đi kèm với sự khan hiếm dữ liệu thời gian thực. Vì vậy, bà và sinh viên của mình đã tạo ra một bản đồ trực tuyến toàn cầu để kiểm đếm  tất cả các trường hợp mắc và chết do COVID- 19. Sau một đêm làm việc, họ ra mắt nó vào ngày 22/1/2020. Kể từ đó, bảng điều khiển đã được các chính phủ, các cơ quan y tế công cộng, các hãng truyền thông và những người dân toàn cầu lo lắng truy cập hàng ngày.

Một trong những hợp tác từ kẻ thù thành bạn được nhắc đến là thỏa thuận hợp tác sản xuất giữa vaccine COVID-19 của hãng dược  Mỹ J&J và đối thủ hàng đầu Merck vào tháng 3/2021. Nhấn mạnh rằng Mỹ đang trong tình trạng "khẩn cấp quốc gia" và đây là lúc phải hành động "quyết liệt, táo bạo", hai kình địch đã bắt tay đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine, hướng tới cung cấp cho quốc gia 200 triệu liều trong năm 2021, đưa Mỹ đạt miễn dịch cộng đồng.

Ảnh: L.G

Từ châu Á đến châu Âu, châu Phi đến châu Mỹ, bất chấp sự khác biệt về chính trị, văn hoá, sắc tộc, ngôn ngữ… các nhà khoa học cùng chia sẻ, hợp tác, tìm kiếm mọi giải pháp về vaccine và phương thuốc chống lại virus. Thậm chí, dù các nghiên cứu lớn, độc quyền có thể dẫn đến tài trợ, thăng chức và danh tiếng, nhưng các nhà khoa học đã bỏ lại sau lưng cách làm việc bí mật, tích trữ dữ liệu từ các đối thủ, để cùng nhau tìm ra ánh sáng cuối đường hầm cứu rỗi toàn nhân loại.

Những nỗ lực này đã được đền đáp. Các xét nghiệm chẩn đoán mới có thể phát hiện virus trong vòng vài phút. Các bộ dữ liệu mở khổng lồ về bộ gene virus và các ca bệnh COVID-19 đã tạo ra bức tranh chi tiết nhất về sự tiến hoá của một căn bệnh chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Cùng với các phát hiện mới mẻ xoay quanh, loài người được chuẩn bị một kho tài nguyên khoa học dồi dào để sẵn sàng đối mặt với các đại dịch tương lai.

Đặc biệt, nếu vào tháng 3/2020, không ai dám nói trước bất cứ một điều gì chắc chắn, thì kết quả thử nghiệm tích cực của hàng loạt vaccine cộng với những kháng thể thuốc điều trị virus thành công, đã đưa con người gần hơn viễn cảnh chấm dứt đại dịch. Hàng loạt các quốc gia tiến hành chiến dịch tiêm chủng cho hàng trăm triệu dân vào năm 2021, với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất, để đưa toàn bộ đất nước trở lại bình thường như trước. Các biên giới sẽ lại mở cửa, những phòng thí nghiệm và các cơ sở nghiên cứu trên toàn cầu lại hồi sinh, tiếp tục tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy nhân loại hướng về tương lai. Đó là sứ mệnh bất biến của khoa học, dù trong bất kỳ thời khắc lịch sử nào.

Bảo Châu
.
.