Khi điện ảnh chịu thua đồng tiền

Thứ Bảy, 30/11/2019, 10:36
10 năm, 23 bộ phim, doanh thu hơn 22 tỉ USD, vũ trụ điện ảnh Marvel với những siêu anh hùng là một hiện tượng văn hóa độc nhất vô nhị trong thập niên thứ hai của thế kỷ 21.

Hồi tháng 4 vừa qua, phần cuối cùng trong giai đoạn 3 của vũ trụ Marvel kết thúc với thành công của “Avengers: End Game”, bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại (hơn 2,7 tỉ USD) và Marvel đang tiếp tục khởi động cho giai đoạn 4 hứa hẹn sẽ bùng nổ không kém. Song, với một số người, tin vui cho Marvel và người hâm mộ Marvel lại là một tin buồn cho điện ảnh đích thực.

Những bộ phim hạ tiện?

Trong một buổi họp báo, Martin Scorsese được hỏi rằng liệu ông có xem những bộ phim siêu anh hùng đang làm mưa làm gió của Marvel và vị đạo diễn đã ngoài thất thập thừa nhận rằng: “Tôi đã cố, anh biết không? Nhưng đó không phải là điện ảnh. Thành thực mà nói, thứ gần nhất mà tôi có thể liên tưởng về chúng, cũng được làm chỉn chu như thế, với những diễn viên diễn cố gắng diễn xuất tốt nhất có thể trong hoàn cảnh như vậy, chính là những công viên giải trí theo chủ đề”.

Lời nhận xét không nể nang ai của Martin Scorsese vẫn chưa kết thúc. Ông còn nói thêm: “Đó không phải là thứ điện ảnh của một con người đang cố gắng truyền tải những kinh nghiệm cảm xúc và tâm lí tới một con người khác”.

Nếu Martin Scorsese chỉ là một đạo diễn hạng B thì có lẽ những nhận xét của ông đã ngay lập tức được liệt vào hàng đâm chọt, phá đám hoặc hám danh. Nhưng, Scorsese lại là một trong những nhà làm phim xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ và có lẽ là nhà làm phim Mỹ vĩ đại nhất đang còn sống.

Scorsese không “đơn côi” trong vấn đề này. Đồng nghiệp cùng thế hệ với ông, đạo diễn của 3 phần phim Bố già đã đi vào huyền thoại, Francis Ford Coppola thậm chí cho rằng Scorsese nói thế còn là quá tử tế. Và để chứng minh, Scorsese đã quá tử tế, ông thể hiện một thái độ kỳ thị còn “gắt” hơn khi mô tả các bộ phim Marvel là “hạ tiện”.

Những nhân vật hoạt hình của Marvel khi được khai thác trong điện ảnh đã tạo nên một “đế chế” văn hóa đại chúng.

Phía Marvel tất nhiên chẳng muốn dây với những đại đạo diễn làm gì cho mang tiếng bất kính, trong khi họ cũng thừa biết rằng các vị nói sao đi nữa thì khán giả vẫn sẽ tới rạp xem phim của họ mà thôi, cho nên họ chủ động dĩ hòa vi quý. Như biên kịch Guardians of the galaxy, một tác phẩm thuộc vũ trụ Marvel, có nói: “Không phải ai cũng sẽ đánh giá cao các bộ phim, đôi khi những người đó là những thiên tài. Và điều đó chẳng hề gì”.

Vụ việc thế là tạm lắng lại, như bao vụ tranh luận ở trên đời. Nhưng, bỏ qua những khía cạnh mang tính khiêu khích giữa những trường phái làm điện ảnh khác nhau, ta biết rằng đó là một cuộc tranh luận cần được đào sâu, bởi sự thống trị hôm nay của Marvel có khả năng thay đổi hoàn toàn những tiêu chí mà ta vẫn đặt ra cho môn nghệ thuật thứ bảy.

Điện ảnh và đồng tiền

Hồi tháng 10 năm nay, bộ phim Mộc Lan, một bom tấn được mong chờ của Disney có buổi chiếu thử và nhận được những phản hồi không mấy tích cực. Ngay lập tức không chậm trễ, Disney tổ chức một đợt quay thêm các cảnh bổ sung cho tác phẩm con cưng. Mộc Lan thì không thuộc vũ trụ Marvel nhưng cũng như các bộ phim thuộc vũ trụ Marvel nói riêng và Disney nói chung, trước khi ra mắt, nó phải trải qua một công đoạn cực kỳ phức tạp để đảm bảo không thể thất bại trên phòng vé.

Trước khi Avengers phần cuối chính thức ra rạp năm nay, nó đã được chiếu thử nhiều lần và ngay từ lúc đó, đạo diễn Anthony Russo đã biết kèo này mình chắc thắng: “Bộ phim được chiếu thử 4 lần và không ai bỏ ra khỏi phòng đi toilet trong 3 lần đầu tiên”, theo ông đây là tín hiệu tốt khẳng định sự hấp dẫn của câu chuyện và nhịp độ hợp lí của phim.

Quy trình đó không có gì sai. Các nhà đầu tư bỏ hàng trăm triệu USD cho những bộ phim như thế và họ cần giảm thiểu rủi ro thua lỗ.

Nhưng, vấn đề chính nằm ở đó. Điện ảnh và đồng tiền có một mối quan hệ phức tạp. Điện ảnh là bộ môn nghệ thuật ngốn tiền hơn bất cứ bộ môn nghệ thuật nào. Song, tiền chỉ nên là vai phụ, là người giúp việc cho điện ảnh mà thôi. Một khi tiền trở thành vai chính, một khi tiền làm chủ và điện ảnh phải hầu hạ nó, một khii mọi thứ đều xoay quanh tiền thì điện ảnh hỏng bét.

Khi còn theo học một lớp về điện ảnh của đạo diễn Phan Đăng Di, anh có chia sẻ rằng, ở Mỹ ngày nay, đạo diễn không còn nhiều tiếng nói. Nếu như ở châu Âu, đạo diễn là người có vai trò quan trọng nhất và thẩm mĩ của đạo diễn sẽ quyết định thẩm mĩ của tác phẩm thì ở Mỹ, đạo diễn giống như một người làm thuê, những người quyết định cuối cùng là những người nắm tiền, là các nhà sản xuất, đó cũng là lí do mà rất nhiều phim điện ảnh bom tấn ngày nay đều thuê các đạo diễn ở mức trung bình chỉ đạo. Những người này mới dễ thỏa hiệp và bị chi phối bởi đồng tiền.

Sự thật này cũng được phản ánh trong Phim điện ảnh: Cuộc chiến vì tương lai điện ảnh của tác giả Ben Fritz. Fritz chỉ ra rằng, quyền lực của đạo diễn và diễn viên đã được nhường cho biên kịch và nhà sản xuất, những người mà chuyên môn của họ là khai thác những thương hiệu có sẵn. Cả một vũ trụ điện ảnh có khi chỉ cần một nhà sản xuất cốt cán nhưng đạo diễn và diễn viên thì có thể thay ra đổi vào. Ai làm đạo diễn cũng được, miễn là giá cả hợp lí và biết nghe lời.

Khi Terrence Howard, đạo diễn phần 1 bom tấn Iron Man đòi tăng lương nếu tiếp tục làm phần 2, ông liền bị đá văng ra khỏi dự án. Trong khi đó, 5 phần phim Người nhện được làm từ năm 2002 đến nay đã chứng kiến 3 đạo diễn khác nhau, 3 diễn viên đóng Người nhện khác nhau nhưng chẳng ảnh hưởng gì, Người nhện luôn là người hùng số 1 trong lòng dân Mỹ, ai đạo diễn cũng thế mà thôi, Người nhện sẽ luôn ăn khách.

Thế mà, cách làm phim bom tấn không phải lúc nào cũng như vậy. Từng có thời, những bộ phim bom tấn rất có gu và thể hiện cực rõ nét cá tính của người đạo diễn. Bạn còn nhớ Lawrence xứ Arabia chứ? Chính bộ phim đó đã mê hoặc Steven Spielberg nhưng cũng đồng thời suýt dập tắt ước mơ làm phim của ông, bởi ông nghĩ người ta còn làm phim làm gì nữa, khi không thể làm ra một bộ phim hay hơn thế. Và sau này, những bom tấn ăn khách của Spielberg cũng thật tuyệt vời, từ các phần phim Inidian Jones tới Jurassic Park.

“Lawrence xứ Arabia” của đạo diễn David Lean là một bộ phim bom tấn ăn khách hướng tới khán giả đại chúng nhưng vẫn chứa đựng những giá trị nghệ thuật đứng vững theo thời gian.

Ở Nhật Bản, Akira Kurosawa đã làm ra những bộ phim đắt đỏ nhất vào thời đó ở đất nước ông, ông xây dựng cả một tòa thành chỉ để đốt rụi và những bom tấn sử thi của ông là mẫu mực cho ngôn ngữ điện ảnh và nghệ thuật điện ảnh. Chúng hoàn toàn không chỉ để giái trí, chúng còn là những pho triết học đồ sộ và thâm sâu. Bản thân Martin Scorsese vừa làm ra Irishmen với kinh phí hơn 140 triệu USD, số tiền ngang ngửa với nhiều bom tấn Marvel nhưng không giống những siêu anh hùng, đó là một bộ phim tinh xảo và kỳ vĩ.

Không phải phim Marvel không được làm công phu. Ngược lại là khác. Nó công phu, tỉ mỉ, kỹ càng nhưng với những người tìm kiếm những cách kể chuyện mới mẻ trong điện ảnh, họ sẽ chẳng tìm thấy điều gì ở Marvel. Quá rập khuôn, quá công thức, quá giống nhau, hay nói như Scorsese: “Chúng [các bộ phim] mang danh là phần tiếp theo nhưng về tinh thần thì chúng chỉ đơn giản là được remake (làm lại) và mọi thứ trong đó đều đã được chuẩn hóa bởi chúng thực sự không thể khác được. Đó là bản chất của điện ảnh nhượng quyền thời hiện đại: dựa trên nghiên cứu thị trường, chiếu thử cho khán giả, hiệu đính, sửa đổi, lại hiệu đính và lại sửa đổi cho đến khi nào chúng sẵn sàng để được tiêu thụ”.

Scorsese đã dùng một từ rất hay, “tiêu thụ”. Trong một thế giới bị tha hóa bởi chủ nghĩa tiêu dùng, ngay cả điện ảnh cũng trở thành một món hàng để “tiêu thụ” chứ không phải là một tác phẩm để thưởng thức. Người ta không còn tìm thấy những cách xử lí bất ngờ, những cách kể chuyện độc đáo, những phút đốn ngộ về mặt thẩm mỹ hay cảm xúc, những khai phá mới trong ngôn ngữ điện ảnh ở những bộ phim bom tấn kiểu Marvel.

Thực tế thì bản thân Người sắt, bộ phim đã bắt đầu cho đế chế Marvel, đã từng là một canh bạc về điện ảnh chứa đầy những cú liều của nhà sản xuất. Từ năm 1996 đến năm 2008, Marvel nợ nần và gần như sắp sụp đổ. Cách duy nhất để cứu họ là tự sản xuất ra một bộ phim thành công về mặt thương mại. Và chuyện kể rằng có khoảng 30 biên kịch đã từ chối tham gia dự án Người sắt, lí do được đưa ra là nhân vật này quá khó hiểu và lũ trẻ thì chẳng đứa nào biết gì về Người sắt.

Vậy mà cuối cùng Người sắt đã thành công ngoạn mục và tạo nên một nhìn nhận khác hẳn về những siêu anh hùng, mở đường cho một vũ trụ Marvel đỉnh cao 10 năm tiếp theo. Nghĩa là ở điểm khởi đầu, Người sắt có lẽ đã mang tinh thần của những bom tấn mà ta đã từng thưởng thức như thời ta từng thưởng thức các tác phẩm Steven Spielberg. Thật tiếc rằng tinh thần đó đã không dài lâu mãi mãi.

Điều đáng buồn là chúng ta dù nhận thức rõ ràng được chuyện này nhưng sẽ chẳng có cách nào để thay đổi. Tương lai vẫn sẽ được Marvel định hình, bởi Marvel đã chứng minh công thức của họ hái ra tiền. Và với những nhà đầu tư, chỉ thế là đủ. “Với bất cứ ai mơ ước làm phim hay bắt đầu làm phim, bối cảnh hiện đại là vô cùng tàn bạo và khắc nghiệt đối với nghệ thuật. Và chỉ riêng việc viết những lời này ra cũng dâng lên trong tôi một nỗi buồn khủng khiếp”, Martin Scorsese viết thật nghẹn ngào.

Hiền Trang
.
.