Khi công nghệ “nâng cấp” con người

Thứ Năm, 14/11/2019, 14:02
Những bước tiến nhảy vọt đáng kinh ngạc của khoa học công nghệ đã phần nào giúp con người cải tiến và sửa chữa chính bản thân mình, khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn.

Nhiều ý kiến dự đoán, con người trong tương lai không chỉ khỏe mạnh hơn mà còn có thể sở hữu những năng lực phi thường như trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Điều này dường như không hề viển vông khi đã xuất hiện nhiều dự án “nâng cấp” con người, theo đuổi tham vọng tạo nên thế hệ siêu chiến binh có khả năng vượt trội so với người thường.

Cải tiến giác quan

Sự phát triển công nghệ cảm biến đã mở đường cho nhiều start-ups như NeoSensory hay Cyborg Nest nhanh chóng thử nghiệm các ý tưởng can thiệp vào giác quan của con người. Họ tham vọng tạo nên “siêu cảm nhận” ở mỗi cá nhân thông qua hệ thống siêu cảm biến. Công nghệ độc đáo bao gồm nhiều mạch điện tử được xăm lên da, biến hình xăm từ mực dẫn điện thành một loại máy đa năng, cho phép đo các tín hiệu sinh học cơ thể.

Ngoài ra, siêu cảm biến có thể tự động đưa ra một vài thông số mỗi khi có bất cứ tác động lên da, chẳng hạn như đo nồng độ O2 trong máu khi chạm nhẹ vào người khác. Thậm chí, những tín hiệu thu được có thể gửi về di động nhờ kết nối không dây. Hiện nay, các nhà khoa học đang trong quá trình thử nghiệm một loại da kỹ thuật số có thể đo áp lực, với hi vọng tăng cường năng lực cảm nhận qua da cho những đối tượng làm việc ở các môi trường nguy hiểm.

Thử nghiệm cấy vi mạch dưới da cho phép thực hiện mọi hoạt động chỉ cần một (vài) cái vẫy tay.

Độc đáo hơn, thử nghiệm cấy vi mạch dưới da để tăng “độ nhạy” với môi trường bên ngoài đang gây nhiều tò mò cũng như tranh cãi. Các nhà khoa học Australia tiết lộ, hệ thống siêu vi mạch gần như vô hình với mắt người thường, có thể được dùng như một tấm danh thiếp và chuyển thông tin liên lạc sang điện thoại thông minh. Thông qua khả năng lưu trữ khổng lồ, họ tin rằng vi mạch có khả năng biến người thường thành siêu nhân khi mọi hoạt động diễn ra chỉ cần một (vài) cái vẫy tay.

Công nghệ kỳ lạ này sẽ biến mỗi người thành một cỗ máy tính “sống”, điều khiển các hành vi hàng ngày như mua sắm, đi lại hay sử dụng máy móc bằng một mã số riêng biệt được lập trình sẵn trong vi mạch. Có vẻ như thử nghiệm này rất được lòng những người ủng hộ lối sống theo thuyết vị lai (từ bỏ truyền thống và tán dương thế giới hiện đại, đặc biệt là máy móc và tốc độ nhanh).

Tiếp nối những ý tưởng cải tiến giác quan, Google đã nộp bằng sáng chế về một loại kính áp tròng có thể đo đường huyết, nhiệt độ cơ thể, và thậm chí nồng độ cồn trong máu. Gã khổng lồ công nghệ cũng đề cập đến việc chế tạo một loại áp tròng siêu việt thay đổi tầm nhìn và hỗ trợ nhìn xa như... đại bàng.

Theo đó, loại kính này cho phép người dùng phóng to các đối tượng từ xa, cũng như cung cấp khả năng nhìn vào ban đêm hoặc trong các điều kiện thiếu sáng. Bên cạnh đó, một số nguồn tin tiết lộ Google đang âm thầm thử nghiệm công nghệ nâng cao thính lực với những chiếc tai nghe thụ động sàng lọc âm thanh, bảo vệ con người khỏi hiểm họa tiếng ồn.

Không chỉ ứng dụng trong đời sống, các công nghệ kiểu này được dự báo sẽ chứng kiến những nâng cấp vượt trội để sử dụng trong các hoạt động quân sự, đồng thời hỗ trợ cho những dự án xây dựng đội quân siêu chiến binh trong tương lai.

Tham vọng siêu chiến binh

Tờ Thedailybeast nhận định, sự biến đổi không ngừng của công nghệ đang thúc đẩy nhiều quốc gia chạy đua quân sự với hàng loạt ý tưởng thoạt nghe rất điên rồ. Từ những năm 1990, các nghiên cứu về cơ nhân tạo polymer đã được thực hiện, và cho đến nay đã xuất hiện rất nhiều tiến bộ ứng dụng công nghệ này nhằm nâng cao sức mạnh vật lý. Giới khoa học Anh đang truyền nhau thông tin chế tạo thành công chiếc áo cơ bắp nhân tạo cho phép người mặc có sức mạnh “siêu nhiên”.

Siêu cơ bắp từ gel polymer có thể nâng trọng lượng nặng hơn 100 lần so với cơ bắp trung bình. Nhiều nguồn tin khác cho hay, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang âm thầm tận dụng nghiên cứu polymer để phát triển áo giáp Ironman (người nhện), dự kiến ra mắt vào cuối năm.

Cùng lúc đó, DARPA (cơ quan chuyên nghiên cứu công nghệ tiên tiến cho Bộ Quốc phòng Mỹ) cũng đang triển khai dự án về bộ khung người máy cho phép binh sĩ nâng được vật nặng vượt sức người thường.

Thậm chí, khả năng nhảy của binh sĩ cũng sẽ được gia tăng đáng kể nhờ tích hợp các đôi giày mô phỏng cơ chế hoạt động của gân loài chuột túi, cho phép nhảy cao hơn 2m và chạy với tốc độ cực nhanh.

Bộ áo giáp kiểu Ironman không chỉ có cơ bắp polymer, mà còn được phủ lớp chống đạn từ vật liệu graphene siêu nhẹ và cực mỏng khi một triệu lớp vật liệu này chỉ dày chừng 1mm, làm nhiệm vụ bảo vệ quân đội tốt hơn so với những áo khoác cồng kềnh hiện nay. Điểm đặc biệt là loại trang phục này hỗ trợ người mặc trong từng chuyển động, làm giảm sự mệt mỏi và tăng sức mạnh cho binh sĩ.

Bộ áo giáp không chỉ có cơ bắp polymer, mà còn được phủ lớp chống đạn từ vật liệu graphene siêu nhẹ. 

Không chỉ tăng cường lớp vỏ bảo vệ, một số nghiên cứu còn chỉ ra cách tăng sức mạnh cho con người thông qua máu tổng hợp. Công nghệ nhiều hứa hẹn sản xuất tế bào màu từ kim cương, cho phép chứa khí ở áp suất gần 15.000psi và trao đổi CO2/O2 thông qua quá trình mô phỏng hoạt động chính xác của hồng cầu.

Siêu chiến binh được truyền loại máu đặc biệt sẽ chứa hàng nghìn thùng chứa khí siêu nhỏ bên trong cơ thể, giúp họ giữ hơi rất lâu trong các quãng đường di chuyển dài trên bộ hay lặn hàng giờ dưới nước không cần thiết bị hỗ trợ. Nghe có vẻ điên rồ nhưng một số ý kiến muốn tích hợp nhiều hợp chất tự nhiên an toàn giúp binh sĩ có thể phục hồi ngay tức thì khi bị thương vào các tế bào máu tổng hợp.

Khi ấy, quá trình miễn dịch với sự đau sẽ phát huy tác dụng trong khoảng 30 ngày và loại bỏ tình trạng viêm nhiễm - vốn là nguyên nhân gây đau đớn kéo dài hậu chấn thương. Bằng cách này, binh sĩ sẽ gia tăng sự bền bỉ trong chiến đấu, tự điều trị khi bị thương trước khi quân y tiếp viện.

Liệu pháp chỉnh sửa gene

Sẽ thật thiếu sót nếu không đề cập tới tham vọng can thiệp gene để tùy chỉnh sức mạnh từ chính những phần tử bé nhất trong cơ thể người. Tạp chí The Scientist dự đoán, liệu pháp gene nhờ CRISPR là một hướng đi sáng giá trong nỗ lực “sửa chữa” con người. Việc thay đổi gene xấu bằng những đoạn gene tốt hơn sẽ giúp con người khỏe mạnh với cơ bắp dẻo dai, đồng thời đánh bại lão hóa cùng hàng tá những căn bệnh tuổi già hoặc hiểm nghèo.

Cho đến nay, giới khoa học tin rằng có thể thay thế nhiều đoạn gene để đạt được những lợi ích to lớn, như LRP5 - G171V/+ giúp xương khoẻ hơn, đoạn CCR5, FUT2 làm tăng đề kháng với virus hay GHR, GH ngăn ngừa nguy cơ ung thư. Đáng chú ý, giới quân sự đang cực kỳ coi trọng đoạn gen SCN9A được kỳ vọng sẽ xoa dịu cảm giác đau đớn sau khi chỉnh sửa, mở ra cơ hội hiện thực hóa quy trình miễn dịch với nỗi đau.

Các nghiên cứu ở Pháp khẳng định, kỹ thuật biến đổi gene có tiềm năng xây dựng những cá thể không cần ăn ngủ thường xuyên khi cơ thể họ cho phép chuyển đổi chất béo thành năng lượng. Đây chính là cơ sở để phát triển các đội quân siêu nhân, có thể chạy với tốc độ như loài báo, mang vác vật nặng và hoạt động tại các khu vực xa xôi hẻo lánh với rất ít lương thực mang theo.

Bên cạnh đó, dự án tái tạo chi cũng nhận được nhiều chú ý, khi các nhà khoa học đang truy tìm gene kích hoạt khả năng kích thích tế bào tự phát triển trở lại. DARPA nhận được những khoản tài trợ khủng cho dự án kiểu này, với hi vọng tìm ra chìa khóa về gene để giúp cho binh sĩ bị mất chi có thể sớm khôi phục lại cơ thể nguyên vẹn ban đầu.

Nhiều dự án mật khác liên quan đến chỉnh sửa gene để tạo nên những cá thể thích nghi với mọi hoàn cảnh sống như Biochronicity nhằm mục đích đảo ngược quá trình lão hóa.

Hay chương trình ADEPT và ThoR tạo điều kiện cho các cơ chế phục hồi tự nhiên hoạt động, từ đó bảo vệ con người khỏi vũ khí sinh học, đồng thời phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm. Không thể phủ nhận, các ý tưởng kể trên đều có tiềm năng gia tăng sức chịu đựng của con người, mở ra cơ hội hiện thực hóa hình tượng siêu nhân trong các phim bom tấn.

Vậy nhưng, đây vẫn là giấc mơ quá xa vời bởi những hạn chế trong nghiên cứu, rủi ro về sức khỏe và vấn đề đạo đức. Đơn cử như công cụ chỉnh sửa gene CRISPR hiện chỉ có độ chính xác dưới 20%, còn rất xa mức hoàn hảo. Thế nên, mọi ý tưởng cần được thử nghiệm và hoàn thiện kỹ càng hơn trước khi có thể được ứng dụng an toàn và hợp pháp trên cơ thể người.

Hà My - Nguyễn Tuyết
.
.