Khi công nghệ được "nặn" thành người

Thứ Năm, 27/02/2020, 09:04
Thời gian gần đây, những người ủng hộ thuyết vị lai tin rằng tương lai sẽ chứng kiến một trong những cuộc cách mạng lớn nhất của nhân loại.


Đó là khả năng con người sẽ dần tích hợp với công nghệ, tạo nên thay đổi đáng kể với cơ thể, đồng thời xóa nhòa ranh giới giữa người - sinh vật sống mang tư duy, và máy - vật chất hoàn toàn vô tri vô giác. 

Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của trí thông minh nhân tạo (AI) đã và đang mở ra triển vọng hỗ trợ cuộc sống con người thông qua nhiều cách khác nhau.

Nâng cấp cơ thể

Trong suốt nhiều năm qua, cái gọi là cách mạng “dung hợp” một phần giữa người và máy đang âm thầm diễn ra với nhiều ý tưởng vô cùng táo bạo. Công ty Neuralink của tỷ phú Elon Musk từng khiến dư luận bất ngờ với kế hoạch hàng trăm triệu USD đổ dồn cho nghiên cứu tích hợp chip máy tính vào não người để cải thiện trí nhớ, thúc đẩy quá trình phục hồi chức năng các chi cho người khuyết tật. 

Da điện tử có thể dán lên tay để đo các dấu hiệu về sức khỏe, sau đó dữ liệu được chuyển tới điện thoại nhờ kết nối không dây.
Tương tự, DARPA (cơ quan chuyên nghiên cứu công nghệ tiên tiến cho Bộ Quốc phòng Mỹ) tuyên bố tích hợp AI lên cơ thể người là trọng tâm của nhiều dự án khoa học nhằm nâng cao năng lực của thế hệ binh lính trong tương lai, giúp họ kiểm soát máy móc, vũ khí bằng ý nghĩ hay di chuyển vật nặng vượt sức người thường.

Mới đây, lãnh đạo nhiều quốc gia cùng các ông lớn trong lĩnh vực AI như Viện các kỹ sư điện và điện tử (IEEE), Facebook hay Amazon đã nhóm họp tại Hội nghị thượng đỉnh chính phủ thế giới ở Dubai để bàn về lộ trình của AI. Theo đó, đa số các ý kiến đều ủng hộ việc kết hợp một số bộ phận của con người với máy tính, thông qua sự điều khiến của AI. 

Phía Google dự đoán, AI sẽ sánh ngang với con người vào năm 2025, không tách rời điện thoại thông minh, thậm chí có thể liên tục quét dữ liệu sinh trắc học và cảm xúc của người sử dụng. Xu thế tương lai cũng nhấn mạnh việc tập trung hỗ trợ người khuyết tật, khi việc tích hợp công nghệ tạo nên các thiết bị giả hỗ trợ thay thế bộ phận cơ thể như chân tay và giác quan.

Các ông lớn công nghệ tham vọng cấy chip siêu nhỏ vào não để kích thích sự cộng sinh giữa con người và AI.

Ví dụ như, các nhà khoa học đến từ Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã sáng chế da điện tử có thể dán lên tay để đo các dấu hiệu về sức khỏe. Các dữ liệu trên da được chuyển tới điện thoại nhờ kết nối không dây, cực kỳ hữu ích với bệnh nhân khi không cần máy móc cồng kềnh để chẩn đoán. 

Trong khi đó, cánh tay giả sinh học giúp cho người đeo có cảm giác khi chạm vào sự vật. Các điện cực trên da làm nhiệm vụ tiếp nhận các xung tín hiệu, sau đó truyền đến cơ bắp và chuyển tiếp đến một máy tính lắp bên trong tay giả. Bộ xử lý của máy tính chuyển đổi các thông tin thành chuyển động giúp các khuỷu khớp, cổ tay và bàn tay hoạt động. Người sử dụng điều phối các hoạt động thông qua cảm biến lắp tại vị trí thích hợp trên cơ thể.

Những thành tựu liên quan đến công nghệ cảm biến cũng mở ra cơ hội can thiệp vào giác quan. Google đề cập đến kế hoạch chế tạo kính áp tròng vì sức khỏe, cho phép đo các thông số trong máu và nhiệt độ cơ thể. “Gã khổng lồ tìm kiếm” cũng úp mở chuyện phát triển kính áp tròng siêu việt thay đổi tầm nhìn và hỗ trợ nhìn xa. Theo đó, loại kính này cho phép người dùng phóng to các đối tượng từ xa, cũng như cung cấp khả năng nhìn vào ban đêm hoặc trong điều kiện thiếu sáng. Dự án “mắt máy quay” cũng thu hút dư luận khi giới nghiên cứu thử nghiệm con mắt giả được trang bị một máy quay không dây, với lớp vỏ bọc có thể chứa đủ các vi mạch điện tử trong một không gian hẹp và khả năng ghi hình lên đến 30 phút.

Giao diện não - máy

Não được coi là mỏ vàng của kết nối AI với cơ thể người. Các ông lớn công nghệ đã theo đuổi mục tiêu này từ lâu, tham vọng cấy chip siêu nhỏ vào não để tải lên và tải về các kiến thức, giúp bất kì người bình thường nào cũng có thể đạt mức độ trí thức cao hơn AI. Các con chip có nhiều sợ dây tí hon chứa các điện cực để tỏa đi khắp não, tạo được kết nối đến tận vỏ não phần chịu trách nhiệm về ngôn ngữ và ý thức. Dữ liệu có thể luân chuyển giữa não người và đám mây, khiến con người dần trở nên thông minh hơn. Táo bạo hơn, con người có thể kết nối bộ não tới hệ thống máy vi tính, đưa toàn bộ dữ liệu ý thức vào một cơ thể android được nâng cấp, từ đó “sống” vĩnh cửu trong máy móc dưới dạng số hóa.

Nỗi sợ Cyborg - sinh vật nửa người nửa máy - thống trị loài người, đe dọa hủy diệt sự sống gia tăng khi chúng sở hữu trí thông minh cực cao.

Điều này hoàn toàn khả thi khi các tiến bộ khoa học công nghệ tương lai được dự báo sẽ giúp con người sao chép trí nhớ và lưu trữ trên đám mây điện toán, từ đó kích thích sự cộng sinh giữa con người và AI. Não bộ được lưu trữ trên đám mây, có khả năng hỗ trợ cơ điện tử vô cùng tinh vi, đồng thời cho phép các bộ điều khiển nhiều chức năng phân bổ ở tay và chân hoạt động nhịp nhàng. Hiện nay, các thử nghiệm tương tác giữa não khỉ và điều khiển máy tính cho kết quả khả quan, mở ra triển vọng thử nghiệm trên người vào cuối năm 2020. Khi ấy, thế giới có thể cân nhắc kế hoạch xây dựng xã hội loài người “siêu trí tuệ” bằng cách ứng dụng AI kết hợp với các công nghệ số khác để tương tác với não người.

Để hiện thực hóa việc kết nối não người với máy tính, giới khoa học đề xuất ý tưởng dùng dây mềm và linh hoạt không gây tổn thương đến não. Mỗi sợi dây nhỏ hơn sợi tóc và mang theo các điện cực có thể phát hiện hoạt động não và kích thích các hoạt động đó. Loại dây đặc biệt này có các điện cực bằng vàng, được sản xuất từ những loại polymer an toàn và phổ biến trong lĩnh vực thần kinh. 

Bên cạnh đó, các robot siêu nhỏ sẽ làm nhiệm vụ đưa các sợi dây vào vị trí vỏ não. Quan trọng hơn cả, các siêu chip sẽ làm nhiệm vụ tập hợp tín hiệu từ nhiều vị trí của não mà các điện cực thu được, sau đó dịch và đưa ra lệnh hoạt động thích hợp. Ý tưởng này, nếu thành công, sẽ mở ra bước đột phá trong việc kích thích não phản hồi linh hoạt, giúp những người mang chân tay giả có được những cảm giác cực kỳ chân thực khi sử dụng các bộ phận giả này.

Còn nhiều quan ngại

Việc trí thông minh nhân tạo chứa đựng sức mạnh tuyệt vời đã khiến tham vọng tích hợp cơ thể người và máy móc trở thành mục tiêu hàng đầu trong nghiên cứu khoa học. Sự dung hợp máy tính và con người, cùng viễn cảnh tạo ra Cyborg - sinh vật nửa người nửa máy, đang tạo nên những luồng quan điểm trái chiều trong dư luận. 

Nhiều ý kiến ủng hộ tin rằng công nghệ có thể mở ra một cuộc cách mạng số trong lĩnh vực y tế, thay đổi quy trình chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị nhiều căn bệnh hiểm nghèo, hay giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và hoạt động của bệnh nhân mang bộ phận giả. Ngoài ra, Cyborg có thể trở thành vật thí nghiệm thuốc hay các phương thức điều trị mới trong ngành công nghiệp dược phẩm.

Theo một số chuyên gia, nếu não bộ được kết nối với máy tính, hoàn toàn có thể sáp nhập ý thức con người và AI. Nhờ vậy, con người trong tương lai có thể sở hữu những năng lực phi thường chỉ bắt gặp trong phim khoa học viễn tưởng. 

Chưa hết, con người có thể tồn tại vĩnh cửu trong các Cyborg, tự do chọn lựa một cơ thể yêu thích và sống hạnh phúc sau khi cơ thể sinh học chết đi mà không bị chi phối bởi các quy luật tự nhiên. 

Trở thành Cyborg cũng là cách duy nhất để giải quyết các vấn đề của nhân loại, giúp con người thấu hiểu những vấn đề lớn lao, vượt ra khỏi giới hạn bộ não bé nhỏ. Nhiều khả năng, đây là viễn cảnh bắt buộc với nhân loại trước tham vọng định cư ngoài vũ trụ, và nguy cơ Trái Đất lụi tàn vì biến đổi khí hậu gia tăng.

Tuy nhiên, khi ranh giới người - máy đang dần bị xóa nhòa, dư luận lại quan ngại về khả năng con người trở thành nô lệ của AI, mất dần cảm xúc của một giống loài biết suy nghĩ. Trong cuộc chạy đua cải thiện trí thông minh, các đặc điểm riêng biệt của con người như lòng trắc ẩn hay khả năng phân biệt phải - trái sẽ bị lãng quên. Rủi ro khó đoán sau những trục trặc bởi sự liên kết cơ thể và máy móc, gây hậu quả không thể kiểm soát. 

Giả sử nếu kết hợp AI và não người thành công, lo ngại lớn nhất sẽ là bảo vệ thông tin, tránh bị rò rỉ khỏi giao diện AI - não người. Chưa hết, nỗi sợ Cyborg thống trị loài người, đe dọa hủy diệt sự sống gia tăng khi chúng sở hữu trí thông minh cực cao, cùng mức tiến hóa ngày càng khó lường. Khi ấy, thay vì nhận được lợi ích, con người sẽ mất đi rất nhiều bởi vì đã quá chủ quan không lường trước mặt trái của những công nghệ do chính họ sáng tạo nên...

Nam Hồng - Nguyễn Tuyết
.
.