Gia công phần mềm loạn thế đợi "nam hùng"...?

Thứ Tư, 05/08/2009, 16:36
Sau một thời gian nỗ lực xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, các doanh nghiệp gia công phần mềm Việt Nam đang có những bước thăng tiến quan trọng với doanh số xuất khẩu phần mềm tăng trưởng khả quan thì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã khiến họ lại rơi vào cảnh lao đao khi các thị trường mới đóng cửa, còn các thị trường đang lâm vào cảnh "thắt lưng buộc bụng" tạm quay lưng với các đơn đặt hàng nước ngoài.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, ngành phần mềm Việt Nam năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 10% so với mức tăng trưởng 20% của năm 2008. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, các khách hàng chọn cách giữ lại các dự án gia công để tạo việc làm cho nhân viên.

Chưa thái lai đã hoàn bĩ cực

Phù hợp với dự đoán của ông Bình, các con số mới được công bố cho thấy, trong nửa đầu năm 2009, tăng trưởng doanh thu về gia công phần mềm của Việt Nam đã giảm nhiều, thậm chí đã có doanh nghiệp tăng trưởng âm. Điển hình, con chim đầu đàn của ngành là Fsoft (Công ty Phần mềm FPT) cũng chỉ có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái là 12,5%, tuy nhiên, mới chỉ đạt 92,3% so với kế hoạch đề ra.

Đây là sự sụt giảm mạnh, bởi trong quá trình 10 năm phát triển, Fsoft luôn là một trong những công ty có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực gia công phần mềm (100%/năm). Năm 2008, dù kinh tế toàn cầu đã đối mặt với suy thoái, Fsoft vẫn đạt doanh thu 42 triệu USD và tăng trưởng trên 40%. Tuy nhiên trong 6 tháng năm nay, con số doanh thu này chỉ đạt 337 tỷ đồng (xấp xỉ 19 triệu USD).

Tương tự, theo công bố mới đây của NEC Solutions Việt Nam - công ty con thuộc tập đoàn phần mềm Nhật NEC Soft được thành lập năm 2006, có doanh thu khoảng 3 triệu USD năm 2008, thì có mức tăng trưởng âm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu trong 6 tháng đầu năm sụt giảm nghiêm trọng.

Hiện theo các doanh nghiệp gia công phần mềm, các thị trường truyền thống của phần mềm gia công đều trong tình trạng sụt giảm. Nổi bật là thị trường Mỹ và Nhật. Theo Fsoft, Nhật là khách hàng chung thủy, nên hầu hết các hợp đồng không bị cắt giảm, nhưng, "họ không tăng thêm đã là tăng trưởng âm rồi".

Trước tình cảnh này, các doanh nghiệp gia công phần mềm cũng đã đưa ra các dự đoán "bắt đáy" thời khủng hoảng của ngành này. Theo ông Nguyễn Thành Nam, nguyên Tổng giám đốc của Fsoft, nay giữ chức Tổng giám đốc FPT, thì đây là thời kỳ đi ngang của ngành gia công phần mềm và những dấu hiệu phục hồi đầu tiên có thể trở lại vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến không được lạc quan như vậy và cho rằng thị trường của phần mềm gia công Việt Nam sẽ còn eo hẹp đến hết 2010.

Theo họ, dù nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu phục hồi trở lại nhưng ngành công nghiệp phần mềm nói chung và gia công phần mềm nói riêng sẽ phục hồi chậm hơn so với nền kinh tế chung khoảng nửa năm. Riêng với thị trường Nhật, được dự đoán là sẽ phục hồi muộn hơn vào khoảng đầu 2011. Như vậy, để các doanh nghiệp đang có thị trường này lấy lại đà tăng trưởng ở đây cũng sẽ chậm hơn các thị trường khác.

Vẫn là cơ hội lớn

Phần mềm vẫn là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nền kinh tế. Chúng ta đang có rất nhiều lợi thế. Ở thời điểm hiện tại, dù vẫn có tỷ lệ cao nhưng lần đầu tiên Việt Nam đã thoát khỏi top 10 thế giới về vi phạm bản quyền (đứng thứ 12).

Tại hội thảo thường niên toàn cảnh công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) 2009 tổ chức tại TP HCM ngày 15/7/2009, TS Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, cho biết chỉ số phát triển CNTT-TT năm 2009 của Việt Nam đã tăng 15 bậc so với năm năm trước (thứ hạng 92/154). Năm 2009 cũng là năm đầu tiên Việt Nam được Gartner đưa vào danh sách 30 địa điểm đáng chú ý cho ngành gia công phần mềm trên thế giới (30 Leading Locations for Offshore Services).

Công nghệ phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin cũng vẫn đang được Chính phủ coi như một ngành "công nghiệp trọng tâm" của giai đoạn phát triển 10 năm tới, đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong phần thảo luận trực tiếp với các doanh nghiệp tại hội thảo. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp bớt kêu ca và cho rằng họ chưa biết tận dụng chính sách để phát triển nguồn nhân lực, cụ thể như những dự án xây dựng thương hiệu quốc gia mà chính phủ tài trợ vốn.

Theo phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Trọng, nguyên Chủ tịch Hội Tin học TP HCM, nguyên Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về công nghệ thông tin của Chính phủ, trong 15-20 năm tới đây, sẽ không có ngành kinh tế nào có tiềm năng mang lại hiệu quả toàn diện và to lớn hơn cho Việt Nam so với công nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. Vì vậy, cần đến một "chiến lược tầm quốc gia", để có khả năng tạo lập và khai thác tốt nhất nền tảng trí tuệ Việt Nam, đóng góp từ 8 - 10% GDP vào những năm 2020 - 2025.

Một trong những khó khăn mà Việt Nam phải vượt qua từ đây đến 2025, đó là bài toán nhân lực. Theo một khảo sát của Hội Tin học TP HCM (HCA), tổng nhân lực toàn ngành phần mềm hiện nay chỉ vào khoảng 30.000 người. Với con số này, để đạt đến số nhân lực có 7 chữ số, mỗi năm Việt Nam cần có thêm 65.000 nhân lực mới.

Thêm vào đó, theo nhận định của ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HCA  thì năng suất lao động của kỹ sư Việt Nam không cao, chỉ đạt bình quân 13.000USD/người/năm, bằng 45% so với Ấn Độ và 65% so với Trung Quốc. Một nguyên nhân dẫn đến năng suất thấp, đó là Việt Nam chỉ có thể nhận những hợp đồng gia công có độ yêu cầu kỹ thuật còn thấp và đơn giản, ông Dũng nói.

Ông Trọng đã đưa ra những con tính khá cụ thể. Để đào tạo được 1 kỹ sư phần mềm đủ sức làm việc trên thị trường quốc tế, cần chi phí khoảng 10.000 USD. Như vậy, nếu bỏ ra số vốn đầu tư 10 tỉ USD từ nay đến 2025 thì nguồn nhân lực của chúng ta sẽ đạt được con số 1 triệu kỹ sư. Chỉ cần 50% trong số họ đạt được doanh số khoảng 30.000 USD/năm/người vào thời điểm 2025 - 2026 (bằng Ấn Độ hiện tại) đã tạo ra 15 tỉ USD/năm.

Chưa kể đến 2015, khi đã có 70% lực lượng thì tổng doanh thu vào năm 2025 sẽ vào khoảng 60 tỉ USD. Con số này hiệu quả và an toàn gấp mấy lần các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên, ngay cả giả thiết là các dự án khai thác này thành công, ông Trọng bình luận.

Loạn thế tạo anh hùng….

Tuy nhiên, không phải trong cái rủi không hé lộ những ánh sáng mới. Ông Nguyễn Thành Nam trong một cuộc họp báo mới đây cho rằng, tình hình kinh tế suy thoái của thế giới chính là cơ hội để các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có thể với tới những dự án cỡ lớn mà ở "thời thái bình" họ không thể động tới.

Trong giai đoạn này, họ cần những bạn hàng có thể đáp ứng chất lượng với mức giá thấp hơn, thay vì vẫn kiêu căng chọn các đối tác ở các thị trường đắt đỏ, ông Nam bình luận. Và, để nhắm tới các hợp đồng này, việc của các doanh nghiệp Việt hiện nay là giữ quân, đồng thời nâng cao chất lượng nhân lực sẵn có của mình. Trong bối cảnh hiện nay, đây là điều hoàn toàn không đơn giản, nhưng cần thiết nếu bạn muốn đi tiếp con đường xuất khẩu phần mềm. Đây cũng chính là điều mà Fsoft đang thực hiện, ông Nam bình luận.

Tại cuộc hội thảo thường niên toàn cảnh CNTT-TT, nhận định về cơ hội cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam trong tình hình hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng: "CNTT-TT chính là giải pháp trong tình hình kinh tế suy thoái, chứ không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp".

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kêu gọi các doanh nghiệp hãy cùng Chính phủ xây dựng nguồn nhân lực. "Trong năm 2008, chính phủ đã tổ chức 12 hội thảo cấp quốc gia về đào tạo nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp nhưng việc triển khai từ phía các doanh nghiệp là chưa tương xứng”, Phó Thủ tướng nói. Đồng thời ông cũng đưa ra dự đoán rằng, ưu thế chi phí thấp sẽ còn tiếp tục cho Việt Nam trong vòng 30 năm tới, đến khi Việt Nam thoát khỏi nhóm có GDP thấp trên thế giới.

Để giữ và nâng cao chất lượng nhân lực phần mềm, người kế nhiệm của ông Nam làm Tổng giám đốc Fsoft, “nữ tướng” trong ngành công nghệ phần mềm Bùi Hồng Liên chia sẻ: Cần chung tay xây dựng "làng phần mềm" của Việt Nam. Và một trong những việc để "chung tay" đó là việc Fsoft chuyển giao kinh nghiệm triển khai CMMi - 5 cho cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam.

Chứng chỉ CMMi - 5 là bằng chứng về năng lực có thể học và làm được quy trình theo tiêu chuẩn quốc tế, sánh vai với các công ty hàng đầu của Ấn Độ mà Fsoft nỗ lực suốt 8 năm trời mới đạt được. Có được CMMi - 5, ngoài việc giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng các dự án phần mềm và quản lý các dự án phần mềm tốt hơn, chứng chỉ này đã là một công cụ marketing cực kỳ hữu hiệu. Với Fsoft thì CMMi-5 chính là "tấm vé thông hành" khởi đầu của họ khi gia nhập vào các thị trường lớn trên khắp toàn cầu và tăng thêm niềm tin cho chính doanh nghiệp trước những cạnh tranh lớn.

Một thương hiệu Việt mạnh bao giờ cũng đảm bảo cho doanh nghiệp tự tin và cơ hội ở thị trường nước ngoài. Khái niệm "buôn có bạn, bán có phường" vẫn luôn đúng trong tình hình kinh tế hôm nay. Bất cứ doanh nghiệp nào dù giỏi đến mấy cũng khó có thể phát triển lớn mạnh nếu không ở trong một "phường" đủ mạnh, bà Liên chia sẻ.

Nhân lực - đó là yếu tố sống còn của các doanh nghiệp phần mềm, các công ty phần mềm Việt Nam nên tận dụng thời gian "nhàn rỗi" trong giai đoạn khủng hoảng để xây dựng và áp dụng CMMi nhằm có đủ năng lực để nắm bắt các cơ hội mới sẽ đến sau khủng hoảng. Nếu trong vòng một năm mà chúng ta có thêm 100 doanh nghiệp mới có chứng chỉ CMMi từ cấp 3 trở lên, thì sẽ tạo được một tiếng vang lớn tạo sức bật cạnh tranh cho phần mềm Việt.

Và chính ở lúc này, cơ hội sẽ mở ra cho chúng ta, khi "thiên hạ đứng lại hoặc tụt lùi, mà chúng ta tranh thủ bước lên 2,3 bước, chúng ta sẽ có thể tạo nên một vị thế mới cho mình, như anh hùng thường sinh ra ở thời loạn", ông Nguyễn Thành Nam ví von. Vậy, thì điều gì ngăn cản chúng ta không mượn thời cơ để xưng hùng?

Hàn Phi
.
.