Gây hiểu lầm: Tác hại của việc bác sĩ kiệm lời

Thứ Tư, 22/07/2020, 13:48
Hai năm trước, tôi đi khám tổng quát tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội. Thật may, mọi thứ đều ổn, chỉ có vấn đề ở hệ tiêu hóa. Bác sĩ sau khi yêu cầu làm nội soi và xem xét cẩn thận các trắc nghiệm và triệu chứng của tôi, kết luận rằng tôi loét dạ dày do virus HP. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe thấy loại virus này. Rụt rè, tôi hỏi vị bác sĩ khả kính của mình: “Dạ virus HP là gì ạ, loại này có nguy hiểm không bác sĩ”.

Bác sĩ của tôi là một giáo sư tiến sĩ khả kính và có vẻ rất bận rộn. Vẫn nhìn nguyên vào chiếc Ipad, bác sĩ hỏi tôi: “cậu có biết dùng internet không”. Tôi giật mình trả lời có. Bác sĩ tiếp lời: “về nhà mà tra đi nhé, cái này là bệnh cả cộng đồng đấy”.

Khi tôi kể câu chuyện này cho các đồng nghiệp của mình, tất cả mọi người đều cười và thấy khó hiểu. Internet tràn ngập thông tin đúng sai lẫn lộn, bệnh nhân không phải ai cũng có đủ kiến thức để chọn lọc những gì đúng mà đọc. Sau những phút ngỡ ngàng, một số người cũng đặt câu hỏi có thể bác sĩ muốn nhấn mạnh đến việc tôi chủ quan không biết về HP, một loại bệnh cộng đồng rất phổ biến. Tôi, cũng như nhiều người dân khác, phần nào có trách nhiệm để hiểu kiến thức để phòng chống bệnh cho cả mình và cộng đồng.

Mối quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân là một mối quan hệ phức tạp. Bác sĩ là người có chuyên môn biết rõ về bệnh tình và những gì tốt cho bệnh nhân. Bệnh nhân là những người gặp khó khăn về sức khỏe đến tìm kiếm sự giúp đỡ, và vì vậy họ trao niềm tin của mình cho bác sĩ. 

Họ cho phép bác sĩ tác động lên cơ thể mình, biết những điều rất riêng tư về bản thân mình. Bác sĩ ở vị trí đó là một người có rất nhiều quyền lực với bệnh nhân. Tuy nhiên vị trí đó không phải dễ dàng, bởi lẽ quyền lực bao giờ cũng dễ bị lạm dụng. Khi lạm dụng sẽ niềm tin sẽ bị đánh mất, từ đó bác sĩ sẽ không còn đảm nhiệm được vị trí, vai trò của mình nữa.

Giáo sư danh dự Raanan Gillon, Đại học Imperial College London, người chuyên sâu về đạo đức y học.

Các bác sĩ là một thành phần quan trọng nhất trong hệ thống y tế của chúng ta. Trong dịch COVID vừa rồi, họ là những anh hùng, đương đầu trực tiếp với bệnh dịch để giữ an toàn cho toàn xã hội. Tuy nhiên, ngày càng nhiều những sự việc xảy ra khiến niềm tin vào các bác sĩ bị giảm sút. 

Điển hình như vụ việc cắt đôi que thử HIV ở Bệnh viện Xanh Pôn, hay gần đây là vụ việc rút ngắn thời gian theo dõi điện não đồ từ 12h xuống còn 40 phút ở Bệnh viện Bạch Mai. Trong vụ ở Bệnh viện Bạch Mai, phiếu khám ghi rõ chỉ định của bác sĩ là đo điện não video 12 giờ, giá 600 nghìn đồng, tuy nhiên thực tế, kĩ thuật viên chỉ đo hơn 30 phút đã xong.

Đối với hầu hết mọi người khi biết câu chuyện ở Bạch Mai đều thấy bác sĩ làm không đúng. Điểm không đúng ở đây có thể không phải về chuyên môn. Bệnh viện này cũng cho biết với chuyên ngành tâm thần, “chỉ cần bắt được các dấu hiệu bất thường, bắt được các cơn là đủ điều kiện chẩn đoán, không cần đo đủ 12 hay 24 giờ”. 

Cũng không phải là về trục lợi, phía Bệnh viện Bạch Mai có giải thích: “Không có trục lợi vì từ tháng 5 đến nay, trung bình mỗi tuần chỉ có 6-7 bệnh nhân đo điện não video. Một con số quá ít”. 

Mà điểm không đúng ở đây là việc thực hiện không đúng theo chỉ định. Giả sử như chúng ta là người bán thuốc, chúng ta có một loại thuốc nhãn ghi 12 viên, nhưng trong vỉ chỉ có 4 viên. Tôi chắc rằng chẳng ai trong chúng ta tự tin để bán loại thuốc đó cho người mua. Nhưng ở đây các bác sĩ dường như có một sự tự tin bất thường để làm việc đó: đề nghị bệnh nhân làm một việc mà nhìn vào ai cũng thấy sai ngay.

Không trục lợi, không sai về chuyên môn, các bác sĩ có những cân nhắc nhất định, như lời phân trần của lãnh đạo Viện Sức khỏe Tâm thần. Quả thật, yêu cầu một người bệnh thực hiện theo dõi trong 12h sẽ có tính khả thi thấp ở Việt Nam. Và còn rất nhiều toan tính khác cụ thể được chia sẻ rõ hơn trong bài phỏng vấn mà tôi không biết (như được chia sẻ thêm ở đây. 

Lời thề Hippocrates: lời thề được các sinh viên Y khoa đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp.

Những trường hợp phải vận dụng sáng tạo các cách thức điều trị, chẩn đoán của thế giới cho phù hợp với hoàn cảnh của mình không thiếu ở trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Y khoa luôn chứa đựng các ngoại cảnh, các tình huống không có câu trả lời chính xác, mọi việc không diễn ra được như qui chuẩn. Nhưng vì sao có nhiều sự việc vận dụng sáng tạo của các bác sĩ tại Việt Nam lại gây ra những phản ứng trái chiều từ xã hội, làm xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống y tế.

Có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân chính có lẽ nằm ở cách thức suy nghĩ của các bác sĩ. Trong y học truyền thống, các bác sĩ là những nhà chuyên gia, họ biết rõ vấn đề ở đâu, cái gì cần phải làm và họ sẽ ra quyết định thực hiện theo những gì họ nghĩ là tốt nhất cho bệnh nhân. Bệnh nhân đóng vai trò thụ động, đưa thông tin về tình hình bệnh của mình và từ đó làm theo lời bác sĩ.

Theo cách suy nghĩ này, mọi toan tính của các bác sĩ không cần thiết phải chia sẻ với bệnh nhân. Trường hợp này cũng tương tự như khi tôi được yêu cầu tự lên internet tìm hiểu về HP. Bác sĩ chỉ cần chỉ ra những việc phải làm cho bệnh nhân và người bệnh cứ thế mà tuân theo. Biết những suy nghĩ cân nhắc của bác sĩ sẽ mất thời gian và có khi còn giảm khả năng tuân thủ vì bệnh nhân có thể dựa vào đó mà cãi lại.

Trong xã hội hiện đại, suy nghĩ theo mô hình gia trưởng như vậy gây ra rất nhiều vấn đề cho người bệnh. Người bệnh cảm thấy mất tự chủ, không được tham gia vào quá trình quyết định can thiệp bệnh của mình, trong khi họ trả tiền và chịu hậu quả về những biện pháp y tế với họ. 

Tiếp đó, khả năng tuân thủ liệu trình, pháp đồ điều trị giảm xuống vì nhiều khi suy nghĩ và mong muốn của bác sĩ không phù hợp với suy nghĩ và mong muốn của bệnh nhân. Và bệnh nhân có thể tự ý điều chỉnh không tuân thủ liệu trình (như bỏ uống thuốc, không đi tái khám, không ăn kiêng) vì họ không hiểu và nghĩ không quan trọng. 

Thêm nữa, cách suy nghĩ theo mô hình gia trưởng dễ tạo điều kiện cho bác sĩ lạm dụng bệnh nhân vì bác sĩ ở vị trí quyền lực hơn mà không bị giám sát gì cả. (Một ví dụ điển hình cho việc này là thực trạng lạm dụng thuốc, kê các loại thuốc cực kỳ đắt tiền hoặc kê nhiều thuốc không hữu ích khi bác sĩ kê toa). Tất cả những điều trên làm giảm lòng tin của người bệnh vào hệ thống y tế.

Để khôi phục niềm tin, y học hiện đại đã thay đổi mối quan hệ giữa bác sĩ và người bệnh bằng cách đề cao tôn trọng quyền tự quyết của bệnh nhân. Các bác sĩ giờ đây, vẫn giữ vai trò là những người hiểu rõ kiến thức chuyên môn, nhưng họ từ bỏ vị trí “gia trưởng” của mình mà thay vào đó đặt quyền tự quyết của bệnh nhân lên hàng đầu.

Giáo sự danh dự Raanan Gillon, Đại học Imperial College London, người chuyên sâu về đạo đức y học, cho rằng quyền tự quyết của bệnh nhân là nguyên tắc đạo đức căn bản nhất trong thực hành y học hiện đại. Điều đó có nghĩa là bác sĩ đảm bảo bệnh nhân được tham gia đầy đủ quá trình điều trị và không chịu sức ép gì về những quyết định liên quan đến can thiệp y tế với mình. Điều này bao gồm việc giữ kín bí mật thông tin của bệnh nhân, đảm bảo bệnh nhân hiểu rõ các biện pháp mình có thể lựa chọn, ưu điểm cũng như yếu điểm của chúng.

Không chỉ nêu các nguyên tắc đạo đức hành nghề, y học hiện đại đang khuyến khích thực hành việc tôn trọng quyền tự quyết của bệnh nhân thông qua việc áp dụng mô hình ra quyết định mới: như “cùng ra quyết đinh”, “quyết định có cân nhắc thấu đáo”. Bác sĩ giữ vai trò là người gợi ý đề đạt và bệnh nhân sẽ lựa chọn phương án dựa trên hoàn cảnh và mong muốn của mình. Các nghiên cứu cho thấy, khi áp dụng các mô hình ra quyết định mới này, bệnh nhân tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế nhiều hơn, tuân thủ điều trị hơn.

Nếu các bác sĩ ở Việt Nam thay đổi cách suy nghĩ của mình, áp dụng các mô hình ra quyết định mới, bệnh nhân sẽ tin tưởng vào hệ thống y tế hơn. Họ hiểu việc gì xảy ra với mình, vì sao mình cần phản làm việc đó và họ chủ động làm việc đó. Nó sẽ giúp người dân muốn đi thăm khám, muốn tuân thủ các biện pháp can thiệp hơn. Vì tuân thủ các liệu trình can thiệp hơn, sức khỏe của họ sẽ được cải thiện hơn. Kết quả là công việc của bác sĩ có hiệu quả hơn. Đó chính là cách để tạo ra sự tin tưởng của người dân. 

Nguyễn Cao Minh
.
.