Facebook trở thành “cánh tay” của Chính phủ Mỹ

Thứ Ba, 11/12/2018, 17:27
Thời gian qua, Facebook đã có nhiều động thái bất ngờ khi công bố một số chính sách mới nhằm bảo mật thông tin, chống lại tin giả cũng như sự lan truyền các thông tin sai lệch trên toàn cầu.


Giới quan sát cho rằng những quyết định kiểu này có liên hệ chặt chẽ với cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vừa qua tại Mỹ. Từ đây, nhiều đồn đoán cho rằng “gã khổng lồ” của mạng truyền thông xã hội đang dần trở thành công cụ kiểm duyệt của Chính phủ Mỹ.

Cam kết hợp tác

Facebook không đơn giản chỉ là một công ty, mà thực tế đang chứng minh vai trò như một tổ chức khổng lồ trong lĩnh vực truyền thông, với 2,1 tỷ người dùng hàng tháng, 40 tỷ USD doanh thu và hơn 25.000 nhân viên trên toàn thế giới. 

Điều này khiến Washington đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn, đó là làm thế nào để có thể “thuần hóa” được một công ty lớn đến vậy? Cơ hội cho Chính phủ Mỹ xuất hiện khi Facebook đang gặp khó ở Washington trên nhiều mặt trận.

Facebook chặn đứng các tài khoản tung tin giả mạo nhằm mục đích gây hấn hay phá hoại chính quyền Washington.

“Gã khổng lồ” liên tục vướng phải những bê bối lớn liên quan đến dữ liệu cá nhân người dùng, trong đó phải nhắc tới vụ Giám đốc Điều hành Facebook, Mark Zuckerberg điều trần trước Quốc hội vì bê bối dữ liệu với Công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica.

Có những nghi ngờ về việc Facebook đã chi hàng triệu USD vận động hành lang để né tránh các quy định, thậm chí tìm cách thu hẹp một dự luật của Thượng viện, nhằm đạt được cái mà các nhà lập pháp gọi là “cú chạm nhẹ nhàng nhất vào Facebook”. 

Thế nhưng, điều này là không đủ để Facebook “né” những cáo buộc và cuộc điều tra của Nhà Trắng. Tại Mỹ, thách thức lớn nhất của Facebook có thể đến từ Ủy ban Thương mại Liên bang, hiện đang điều tra xem Facebook có vi phạm các điều khoản thỏa thuận năm 2011 về bảo mật hay không. 

Thế nên, một số ý kiến cho rằng nếu Facebook muốn hoạt động thoải mái hơn thì cần phải hợp tác với Washington, trước khi có một “sự kiện lớn” có thể thay đổi thời cuộc.

Một trong những dấu hiệu cho thấy sự hợp tác của mạng xã hội với chính quyền Mỹ đang ngày càng lộ diện liên quan đến các tài khoản Facebook bị khóa. 

Giới thạo tin đồn đoán rằng động thái này nhằm xử lý những đối tượng được Washington liệt vào “danh sách trừng phạt”, đơn cử như tài khoản của lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov hay của Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro. Liệu từ đây Nhà Trắng có thể ép buộc loại bất cứ ai khỏi Facebook và Instagram bằng cách đưa người đó vào “danh sách trừng phạt”?  

Ngoài ra, Facebook chỉ hợp tác với những đối tượng có ảnh hưởng trực tiếp tới mình, và sẽ không có động thái gây hại với chính quyền Mỹ. 

Có thể thấy điều này ở việc Facebook không khóa tài khoản của Thượng nghị sĩ Chuck Schumer (người nằm trong danh sách những nhân vật ủng hộ quyết định của ông Trump về Jerusalem), bất chấp yêu cầu và đe dọa từ phía Iran.

Chưa hết, Facebook tiếp tục chặn đứng khoảng 100 tài khoản Facebook và Instagram do những lo ngại nhóm các tài khoản mạng xã hội này có thể liên quan đến một nhóm tin tặc Nga định can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ. 

Những tài khoản bị Facebook đóng cửa gần đây được phát hiện bởi cơ quan thực thi pháp luật. Đây là lần đầu tiên Facebook thừa nhận hành động dựa trên cảnh báo về tình báo từ một cơ quan của chính phủ. 

Trong tuyên bố chung với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Facebook cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan của chính phủ. 

CEO Mark Zuckerberg cho rằng: “Những gì vừa diễn ra nhắc cho chúng ta nhớ rằng kẻ xấu sẽ không lùi bước, chính vì vậy chúng ta cần làm việc với Chính phủ Mỹ để luôn nắm bắt  trước được tình hình”.

Liệu Facebook có còn giữ được “tính trung lập” hay đã trở thành “cánh tay” của Chính phủ Mỹ nhằm bảo vệ quan điểm và lợi ích cá nhân của Washington?

Một dấu hiệu khác cho thấy sự quan tâm của Facebook đối với cơ quan công quyền là những email được WikiLeak tiết lộ, trong đó nhấn mạnh CEO Facebook Mark Zuckerberg đã có nhiều cuộc tiếp xúc quan trọng với một số quan chức trong các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của một ứng viên cực kỳ giàu có. 

Theo đó, Zuckerberg đã gặp gỡ nhiều chính khách để tìm hiểu về các bước đi tiếp theo cho các hoạt động xã hội và thiện nguyện, từ đó định hướng tương lai cho Facebook theo một con đường “ít chông gai và bị can thiệp bởi chính quyền”. 

Không những vậy, Mark Zuckerberg đã tuyên bố rằng mục tiêu sắp tới của CEO này là đi thăm và gặp gỡ người dân ở tất cả các bang của Mỹ sau khi thừa nhận không còn là một người vô thần và thấy rằng chính trị cũng rất quan trọng.

Quan hệ sâu rộng

Cuối tháng 10, Facebook tuyên bố sẽ hợp tác với hai quỹ nhà nước do chính phủ tài trợ, nhằm tăng cường các nỗ lực bảo vệ sự toàn vẹn cho các cuộc bầu cử. 

Cụ thể là mối quan hệ đối tác mới giữa Facebook với Viện cộng hòa quốc tế (IRI) và Viện dân chủ quốc gia (NDI), bắt đầu cái gọi là chiến dịch ngăn chặn sự lan truyền các thông tin sai lệch ảnh hưởng đến chính trường thế giới. 

Điều thú vị nằm ở chỗ, cả IRI và NDI đều được Quỹ quốc gia hỗ trợ dân chủ (NED) tài trợ - cơ quan đã được xác định là đôi cánh “quyền lực mềm” của Chính phủ Mỹ ở nước ngoài.

Một số nhà quan sát miêu tả NDI như một tổ chức can thiệp sâu vào các cuộc bầu cử, vận động đảo chính và các chiến dịch quan hệ công chúng được dàn xếp để chống lại các quốc gia phản đối chương trình nghị sự của Washington. 

Sự hợp tác giữa tổ chức này và Facebook hàm ý về quan hệ thân thiết giữa chính quyền Mỹ với “gã khổng lồ” truyền thông, khiến dư luận tin rằng Facebook ở thời điểm hiện tại đang dựa vào chính quyền Mỹ để lý giải những tin nào là tin giả và vì vậy dần mất đi sự tự do của chính mình (?)

Nhằm cụ thể hóa sự hợp tác này, Facebook tuyên bố đã thiết lập một căn phòng đặc biệt ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 vừa qua trong khuôn viên Thung lũng Silicon. 

Mục đích chính là ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử, đồng thời đảm bảo tính chính thống của các nguồn tin được phát đi cũng như loại bỏ bất cứ một thông tin nào bị coi là giả mạo. 

Trung tâm này được Facebook coi như một căn cứ chỉ huy, giúp quan sát các biến động cũng như cân nhắc các giải pháp tức thời và chính xác cho các cuộc bầu cử tại Mỹ hiện nay và sau này.

Ngoài ra, Facebook đang tận dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo hay nhận sự hỗ trợ từ Phòng thí nghiệm nghiên cứu kỹ thuật số (DFR) do NATO tài trợ. Nhờ vậy, Facebook có thể đánh dấu các bài đăng có chứa thông tin sai lệch đến từ bên ngoài nước Mỹ nhằm mục đích gây hấn hay phá hoại chính quyền Washington. 

Điều này được nhìn thấy rất rõ ở động thái Facebook thuê một nhóm chuyên gia chống khủng bố để xem xét các nội dung được đăng tải trên các phương tiện truyền thông Nga hay Trung Quốc, đồng thời phác thảo các giải pháp an ninh với chính phủ để xử lý đối thủ nếu cần thiết. 

Với những động thái này, Facebook đã trở thành “cánh tay” kiểm duyệt của người Mỹ, hoạt động dưới danh nghĩa chống lại sự can thiệp của nước ngoài trong các cuộc bầu cử.

Mối quan hệ giữa Facebook và chính quyền Washington còn được mở rộng thông qua sự liên hệ chặt chẽ với NATO cùng các đồng minh của Mỹ. 

Facebook thiết lập một căn phòng trong khuôn viên Thung lũng Silicon nhằm ngăn chặn sự can thiệp tiềm năng của nước ngoài vào các cuộc bầu cử Mỹ

Kể từ tháng 5-2017, Hội đồng Đại Tây Dương (AC) đã tư vấn trực tiếp cho Facebook trong việc xác định và loại bỏ sự can thiệp của nước ngoài trên phương diện truyền thông trong nước thông qua Phòng thí nghiệm DFR. 

Việc tạo lập quan hệ đối tác với tổ chức này được phía Facebook khẳng định nhằm mục đích mang lại tính khách quan và trung lập hơn cho quá trình truy lùng các tài khoản giả mạo gây nên mối đe dọa tổn hại đến môi trường địa - chính trị của Mỹ. 

Tuy nhiên, cái dư luận chú ý là trên thực tế, Hội đồng Đại Tây Dương là tổ chức nhận tài trợ của NATO, các chính phủ châu Âu và nhiều chế độ quân chủ Vùng Vịnh.

Hội đồng này thường xuyên kêu gọi tăng cường sự nhúng tay của quân đội Mỹ ở Syria, thực hiện các hoạt động quân sự đối đầu với mối đe dọa của Nga ở Đông Âu và ủng hộ Ukraine hay Gruzia gia nhập NATO, bên cạnh việc kêu gọi sự mở rộng lãnh thổ của quân đội liên minh phương Tây.

Ngoài ra, Hội đồng Đại Tây Dương cũng đưa ra một vài hành động được ủy quyền gắn cờ trên trang Facebook của công dân để có thể hạn chế sự ảnh hưởng và tuyên truyền từ nước ngoài. 

Không sai khi nhận định Facebook đã trở thành nhà tài trợ hàng đầu cho Hội đồng Đại Tây Dương cùng với các chính phủ phương Tây, NATO, một số nhà thầu và công ty quốc phòng lớn của Mỹ.

Trong bối cảnh này, giới quan sát đặt câu hỏi liệu Facebook có còn giữ được “tính trung lập” hay đã trở thành “cánh tay” của Chính phủ Mỹ trong sân chơi địa - chính trị vô cùng phức tạp nhằm bảo vệ quan điểm và lợi ích cá nhân của Washington?

Việt Dũng – Lê Nam
.
.