Dữ liệu thời đại số: Một "mỏ dầu" cạnh tranh

Thứ Năm, 24/10/2019, 09:53
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, dữ liệu được coi là “mỏ dầu” trên không gian số. Thời thế thay đổi, cùng với sự lụi tàn của đế chế dầu mỏ, khiến cho bất cứ ai nắm được những dữ liệu quan trọng đều có khả năng trở thành “ông lớn” giữ vị trí cao trên thị trường.

Bên cạnh đó, sự lan tỏa nhanh chóng của dữ liệu cũng tạo nên ít nhiều tác động mang yếu tố quyết định đến nền kinh tế - chính trị toàn cầu. Một số ý kiến nhận định, không phải bởi dầu mỏ, mà chính là nguồn tài nguyên dữ liệu vô tận sẽ châm ngòi cho các cuộc chiến trong tương lai, thậm chí cả Thế chiến thứ 3.

Tài nguyên vô hạn

Trong vòng một thập kỷ qua, điện thoại thông minh cùng Internet đã khiến dữ liệu ngày càng trở nên phong phú và phổ biến. Khi mọi thiết bị đều có thể kết nối Internet, mọi hoạt động của con người hiện nay đều lưu lại dấu vết số - nguyên liệu thô để tạo ra dữ liệu. Đó có thể là việc tìm kiếm trên Google, tương tác trên các mạng xã hội như Facebook hay Twitter, hay phản hồi dịch vụ từ Uber và Airbnb.

“Bộ năm đáng sợ” FAMGA dường như đã trở thành một thế lực không thể ngăn cản thống trị nền công nghệ.

Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) cũng giúp thu thập nhiều dữ liệu hơn bao giờ hết thông qua các thuật toán. Trong bối cảnh thương mại điện tử trở thành xu thế đe dọa ngành bán lẻ truyền thống, kho dữ liệu người dùng thu được từ quá trình cung cấp dịch vụ cũng rất lớn.

Lượng dữ liệu đang tăng chóng mặt, với trung bình 2,5 triệu byte sau mỗi 24 giờ. Cứ với đà này, dòng dữ liệu sẽ đạt tới 180 zettabytes (180 x 1021 byte) vào năm 2025, biến thế giới thành một vương quốc thông tin.

Và những con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng phi mã nhờ kết nối chung của các thiết bị trong IoT (Internet vạn vật), hay nhờ hiệu ứng mạng lưới. Khi được thu thập ở khối lượng lớn và phân tích sâu, dữ liệu thực sự là “con gà đẻ trứng vàng” trên không gian số, chứa đựng mọi thông tin cần thiết cho hoạt động kinh doanh đạt doanh thu cao nhất. Chính vì vậy, nhiều công ty luôn thèm khát được sở hữu các “núi” dữ liệu khổng lồ nhằm thống trị thị trường.

Nhiều chuyên gia cho rằng các dòng chảy thông tin tạo nên các thương vụ kinh doanh cực khủng, từ đó định hình cả một nền kinh tế mới mà ở đó hàng hóa là những dữ liệu. Theo đó, chính năng lực thu thập và phân tích dữ liệu khiến nhiều công ty trở thành “ông lớn” trong lĩnh vực công nghệ.

“Bộ năm đáng sợ”, hay FAMGA, bao gồm Facebook, Amazon, Microsoft, Google (có công ty mẹ là Alphabet) và Apple dường như đã trở thành một thế lực không thể ngăn cản thống trị nền công nghệ. Đây là 5 tập đoàn có giá trị vốn hóa lớn nhất trên thị trường, với tổng mức doanh thu vào khoảng 800 tỷ USD/năm, và các chỉ số vẫn cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chóng mặt.

Tất nhiên, những tập đoàn lớn đều nhận ra tiềm năng của dữ liệu và buộc phải thay đổi chiến thuật hoạt động. Chẳng hạn như Alphabet và Microsoft đã tiến hành nâng cấp dòng dữ liệu với khoản đầu tư gần 40 tỷ USD, hay Amazon thuê tàu chở bộ nhớ 100 petabytes (100 x 1015 byte) vượt biển để tăng tốc truyền dữ liệu lên máy chủ điện toán đám mây.

Thú vị hơn, nhiều hãng còn tận dụng biến đổi trong xu thế tiêu dùng để tăng nguồn thu thập dữ liệu. Google và Facebook rất thức thời khi tận dụng dữ liệu cá nhân không chỉ nhằm mục đích nâng cao chất lượng quảng cáo mà còn phát triển những dự án AI hay công nghệ thực tế ảo, sau đó bán cho các công ty khác để thu lời.

Bê bối và cạnh tranh

Nắm trong tay những kho dữ liệu khổng lồ, không khó hiểu khi các công ty tính đến chuyện mua bán dữ liệu, thông qua đơn vị môi giới. Đơn giản bởi vì xét từ góc độ kinh tế, mua lại sẽ tiết kiệm hơn nhiều so với tự bỏ tiền thu thập.

Lượng dữ liệu đang tăng chóng mặt nhờ kết nối chung của các thiết bị trong IoT (Internet vạn vật), hay nhờ hiệu ứng mạng lưới, tạo nên “mỏ dầu” trên không gian mạng.

Dữ liệu người dùng thường được rao bán thông qua hệ thống web “đen”, những mạng được mã hóa ngang hàng mà giới tội phạm mạng rất ưa chuộng. Kết quả điều tra của Reuters cho biết, những thông tin như hồ sơ ngân hàng, lịch sử duyệt web, đăng ký xe và sử dụng điện thoại di động được những bên môi giới dữ liệu cá nhân rao bán rất nhiều.

Thậm chí, nguồn dữ liệu còn đến từ các ổ trộm cắp hay tấn công mạng, như vụ virus Wanna Cry đánh cắp dữ liệu và đòi tiền chuộc. Từ việc mua dữ liệu, các công ty có thể “lắp ráp” được hàng ngàn thuộc tính khác nhau của hàng tỉ người, từ đó sử dụng vào mục đích cá nhân nào đó mà không ai, tổ chức hay luật pháp nào có thể kiểm soát nổi.

Bê bối dữ liệu người dùng lớn nhất liên quan đến Facebook và công ty Cambridge Analytica hồi năm 2018 khiến “ông lớn” mạng xã hội chìm sâu vào khủng hoảng, đồng thời đặt ra câu hỏi liên quan đến “vùng xám” giữa tính hợp pháp và phi pháp của các bộ dữ liệu được mang ra rao bán, bên cạnh quyền bảo mật thông tin cá nhân trên mạng.

Amazon cũng đã bị “sờ gáy” khi một số nhân viên của hãng nhận cáo buộc rao bán dữ liệu khách hàng như doanh số, thông tin liên lạc hay đánh giá sản phẩm cho các công ty thứ ba tại Trung Quốc.

Chuyện mua bán dữ liệu tại Trung Quốc từ lâu đã trở thành một ngành kinh doanh lớn, bất chấp mọi nỗ lực triển khai luật an ninh mạng bảo vệ người dùng. Trong bê bối mới nhất, Amazon, Apple và Google, Facebook đã tự tay ghi tên mình vào danh sách các “ông lớn” công nghệ nghe lén thông tin người dùng.

Chỉ đến khi bang Vermont (Mỹ) ra luật mới, bắt các công ty bán dữ liệu bên thứ ba phải công khai các hoạt động của họ, dư luận mới hiểu thêm được những ngóc ngách làm ăn của các công ty đó với “mỏ dầu” dữ liệu người dùng.

Bên cạnh mặt tối của việc thu thập dữ liệu cá nhân, nhiều cuộc chiến thương mại diễn ra chỉ vì quyền sở hữu số liệu. Hãng tin Reuters miêu tả một thị trường cạnh tranh sôi động, mà ở đó các hãng công nghệ tranh giành nhau những hợp đồng trị giá lên tới cả tỉ USD liên quan tới phân tích dữ liệu.

Chẳng thế mà có thời điểm, Apple và Google đấu đá nhau theo kiểu “táo khuyết” triển khai những chiến dịch lôi kéo người dùng từ Android chuyển sang iOS, trong khi “cỗ máy tìm kiếm” lại tung ra trợ lý ảo trên App Store hoàn toàn miễn phí để tăng lượt tải và cài đặt.

Microsoft cũng từng là nạn nhân của Apple khi “táo khuyết” tuyên bố hệ điều hành Windows chậm chạp và thiếu sáng tạo nhằm tạo sự chú ý của người dùng với MacOS. Nhiều ý kiến cho rằng, sự thống trị của FAMGA đã làm nảy sinh mâu thuẫn đối đầu, và đã đến lúc nên định hình lại cuộc chơi với dữ liệu.

Thắt chặt quy định

Sự xuất hiện của “mỏ dầu” dữ liệu tạo ra một ngành công nghiệp phát triển nhanh với lợi nhuận khủng, khiến chính phủ phải can thiệp để kiềm chế những doanh nghiệp lớn. Luật thu thập dữ liệu đang được thắt chặt, đáng chú ý là Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU).

Theo GDPR, cần có sự đồng ý rõ ràng để thu thập dữ liệu thuộc mọi thể loại. Hơn nữa, các công ty phải cho phép người dùng rút lại sự đồng ý này bất cứ lúc nào và để mọi dữ liệu được lưu giữ về các cá nhân bị xóa theo quyền được xóa. Các công ty không tuân thủ các quy định GDPR có thể bị phạt tới 25 triệu USD hoặc 4% doanh thu hàng năm trên toàn thế giới của họ, tùy thuộc vào con số nào cao hơn.

Sau nhiều bê bối, các cơ quan quản lý Mỹ đang đàn áp các “ông lớn” công nghệ. Một số nguồn tin tiết lộ Bộ Tư pháp Mỹ đã tiến hành điều tra chống độc quyền với Google trong mảng công cụ tìm kiếm sau khiếu nại của nhiều doanh nghiệp.

Ngoài ra, cơ quan này cũng đang cân nhắc xem Facebook và Amazon có liên quan đến các hoạt động kinh doanh chống cạnh tranh hay không. Quan trọng hơn, Mỹ đang chú ý hơn đến hành vi thu thập dữ liệu cá nhân khi đạo luật về quyền riêng tư của người tiêu dùng bang California (CCPA) sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2020. CCPA, cùng với một dự luật đang được xem xét có tên AB-2546, hứa hẹn sẽ phá vỡ khả năng thu thập dữ liệu của các công ty mà không có giám sát.

Đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ các quốc gia đang giảm bớt quyền kiểm soát dữ liệu của các tập đoàn lớn, và tăng thêm quyền lực cho người dùng.

Ví dụ, các chính phủ có thể khuyến khích sự xuất hiện của các dịch vụ mới bằng cách mở cửa kho dữ liệu đang quản lý, hoặc trực tiếp nắm giữ vai trò quản lý những phần thiết yếu của nền kinh tế dữ liệu.

Tuy nhiên, tăng cường chống độc quyền cho thời đại thông tin là chuyện không dễ dàng. Hãng Reuters cảnh báo, các quốc gia, đặc biệt là nhóm nước đang phát triển, phải hành động nhanh chóng nếu không muốn toàn bộ dữ liệu của mình bị thâu tóm bởi một (vài) “ông lớn” công nghệ, khiến nền kinh tế bị chi phối một chiều.

Bởi lẽ, cứ với đà phát triển khoa học - công nghệ như hiện nay, nhiều ý kiến quan ngại khi các “ông lớn” trở tay thì có lẽ cả thế giới cũng phải theo đó mà... chuyển mình.

Trần Quân - Việt Dũng
.
.