Đột phá y học 2016: Những bước tiến dài

Thứ Sáu, 30/12/2016, 17:17
Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, con người đang dần đạt được những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực y học.

Năm 2016 ghi nhận nhiều tiến bộ vượt bậc về y học thông qua hàng loạt nghiên cứu xuất sắc, không chỉ mở ra triển vọng mới trong việc điều trị những căn bệnh vốn được coi là "vô phương cứu chữa", mà còn đem lại những tri thức quý giá về sự phát triển của loài người, từ đó hi vọng tạo nên một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tránh thai và sinh con không cần trứng

Đã từ lâu, việc tránh thai trong dài hạn vẫn là trách nhiệm của người phụ nữ. Tuy nhiên, năm 2016 đã đánh dấu bước tiến mới trong việc đưa ý tưởng kiểm soát nội tiết tố nam để tránh thai thành hiện thực.

Tháng 3/2016, các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Minnesota (Mỹ) đã công bố những phát hiện mới nhất trong việc thay đổi cấu trúc hóa học của thuốc tránh thai dành cho nam giới nhằm mang lại hiệu quả cao hơn, với tỷ lệ thành công là 96%.

Sử dụng một chuỗi các axit amin với khả năng thay đổi hoạt động tế bào, các nhà khoa học đã có thể "tắt" khả năng bơi lội của tinh trùng, khiến cho đàn ông rơi vào tình trạng tạm thời bị vô sinh. Nhóm các nhà nghiên cứu cho biết họ khá bất ngờ với kết quả thu được và biện pháp này tỏ ra hiệu quả gần như ngay lập tức.

Các chuyên gia cho rằng, một phương pháp tránh thai nam có thể đảo ngược như vậy sẽ giúp nam giới kiểm soát khả năng sinh sản của họ dễ dàng hơn, đồng thời giải quyết những khó khăn mà người phụ nữ gặp phải trong trường hợp họ không muốn dùng thuốc tránh thai. Nhóm nghiên cứu đã cho ra đời hợp chất "peptide xâm nhập tế bào".

Nhà khoa học người Nhật Yoshinori Ohsumi làm sáng tỏ cơ chế tự thực - một quá trình cơ bản về sự thoái hóa và tái chế của các tế bào.

Peptide là chuỗi ngắn bao gồm các axit amin, được tạo thành từ tự nhiên hoặc tổng hợp bởi con người, có khả năng tác động đến cách thức làm việc của các tế bào trong cơ thể. Các chuyên gia kết luận, các loại peptide đặc biệt có thể thâm nhập vào tế bào tinh trùng. Tiếp đó, họ xác định loại protein quan trọng giúp tinh trùng có thể bơi, từ đó tạo hợp chất ức chế protein này.

Phương pháp ngừa thai dành cho nam nói trên hiện đã được thử nghiệm thành công với tinh trùng của bò và người, trong khi các xét nghiệm trên động vật sống sẽ bắt đầu trong vòng 3 năm tới.

Trước đây, có không ít các giải pháp ngừa thai dành cho nam được nghiên cứu; tuy nhiên, những biện pháp đó khiến nhiều người lo sợ bởi cách thức thực hiện hoặc có thời gian hoạt động quá lâu. Bước tiến mới sẽ gia tăng triển vọng cho sự ra đời của một loại thuốc dạng viên hoặc xịt mũi với tác dụng nhanh chóng.

Năm 2016 cũng chứng kiến một nghiên cứu "kì lạ" nhất liên quan đến con người: thụ thai không cần trứng. Vào tháng 9/2016, các nhà khoa học đã công bố một thí nghiệm mang tính đột phá, mở ra khả năng sinh con mà không cần sử dụng trứng. Phát hiện này đã làm đảo lộn hoàn toàn quan niệm trước đó về việc bào thai chỉ hình thành nhờ sự kết hợp của trứng và tinh trùng.

Cụ thể, các nhà khoa học đã thành công trong việc tạo ra chuột con khỏe mạnh bằng cách sử dụng phôi giả "đánh lừa" tinh trùng như đang tiến hành thụ tinh trứng bình thường. Phôi giả này có nhiều điểm tương đồng với các tế bào thông thường như tế bào da.

Đây là một công bố có tác động lớn tới xã hội, tách rời vai trò của người phụ nữ ra khỏi bổn phận và nghĩa vụ sinh con. Các nhà khoa học kỳ vọng trong tương lai không xa, tế bào thông thường cũng có thể kết hợp với tinh trùng để hình thành phôi thai. Điều này đồng nghĩa với việc hai người đàn ông có thể sinh con với nhau, hoặc một người đàn ông cũng có thể tự có con bằng việc sử dụng chính tinh trùng và tế bào của mình.

Ung thư không còn đáng sợ

Hiện nay, ung thư vẫn là một trong những căn bệnh nan y phổ biến. Tuy vậy, trong năm 2016, nhân loại đã đạt được những bước tiến đáng kể về chẩn đoán, điều trị và thậm chí chữa khỏi một số dạng ung thư.

Tháng 9/2016, các nhà khoa học từ Đại học Quốc gia Australia tuyên bố đã tạo ra xét nghiệm máu đầu tiên giúp phát hiện ung thư vú. Xét nghiệm này có thể xác định dấu hiệu sinh học do các khối u giải phóng trong máu. Dù còn phải chờ vài năm trước khi đưa ra sử dụng rộng rãi, đây được kỳ vọng sẽ trở thành phương pháp dễ dàng, nhanh chóng, giá rẻ thay thế cho chụp quang tuyến vú cùng sinh thiết xâm lấn gây khó chịu cho bệnh nhân.

Vào tháng 9, các nhà khoa học đã công bố một thí nghiệm mang tính đột phá, mở ra khả năng sinh con mà không cần sử dụng trứng.

Trong khi con người nỗ lực chữa khỏi ung thư, một nhóm chuyên gia từ đại học tiểu bang Oregon (Mỹ) lại tiếp cận theo hướng khác với phương pháp MDR nhằm tạo ra trong cơ thể một môi trường đặc biệt khiến ung thư khó tiến triển và lây lan, từ đó kiểm soát căn bệnh để nó không còn là nguy cơ nghiêm trọng đe dọa sức khỏe. Liệu pháp miễn dịch sử dụng hệ miễn dịch của chính cơ thể kết hợp với thuốc nhằm chống lại bệnh tật đã thu về thành tựu lớn trong năm 2016.

Các nhà khoa học nghiên cứu về bệnh bạch cầu tăng lympho bào cấp tính kết luận liệu pháp miễn dịch loại bỏ 94% triệu chứng ung thư, giúp 80% bệnh nhân phản ứng tốt hơn với quá trình điều trị và hơn 50% thuyên giảm. Tác dụng của liệu pháp miễn dịch đặc biệt cao đối với khối u trong máu hoặc tủy xương.

Liên quan đến thuốc điều trị ung thư, trong một nghiên cứu được công bố hồi tháng 10 tại hội nghị của Hiệp hội Ung thư học châu Âu, thuốc Pembrolizumab (tên biệt dược là Keytruda) hiệu quả hơn 40% so với hóa trị trong điều trị ung thư phổi, căn bệnh nguy hiểm hàng đầu đối với cả nam và nữ.

Sau 10 tháng thử nghiệm, người bị ung thư phổi sử dụng Pembrolizumab đáp ứng tốt hơn, sống lâu hơn và ít tiến triển bệnh so với người hóa trị. Hiện thuốc Pembrolizumab là phương pháp điều trị thay thế cho bệnh nhân ung thư đầu - cổ nặng và đang chờ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ phê chuẩn để trở thành phương pháp điều trị ưu tiên.

Bước đột phá mới nhất phải kể đến hợp chất S63845 được kỳ vọng có khả năng ngăn chặn sự phát triển của nhiều loại ung thư như ung thư phổi, u ác tính hay bệnh bạch cầu. Hợp chất S63845 có khả năng ngăn chặn protein MCL1 cần thiết cho sự tồn tại của tế bào ung thư. Loại protein này cho phép các tế bào ung thư tránh khỏi quá trình tự hủy đã được lập trình sẵn như những tế bào thông thường.

Theo nhiều nghiên cứu, S63845 có hiệu quả trong việc chống lại một số loại ung thư, và không gây ảnh hưởng tới các tế bào khỏe mạnh khác, qua đó tăng khả năng bình phục của người bệnh. Hợp chất này sẽ tiếp tục được nghiên cứu và đưa vào sử dụng trong tương lai gần.

Cơ chế tự thực

Năm 2016 chứng kiến sự thành công của nhà khoa học người Nhật Yoshinori Ohsumi khi ông làm sáng tỏ về cơ chế tự thực - một quá trình cơ bản về sự thoái hóa và tái chế của các tế bào.

Cho đến đầu những năm 90 khi Yoshinori Ohsumi thực hiện một loạt thí nghiệm với nấm men bánh mì để xác định những gen thiết yếu cho cơ chế tự thực, hiện tượng này mới trở nên phổ biến. Sau đó ông đã làm sáng tỏ các cơ chế của tự thực ở nấm men và chứng tỏ rằng cỗ máy tinh vi tương tự cũng được sử dụng trong các tế bào của cơ thể người. Không chỉ đem lại kết quả ấn tượng, những thí nghiệm trên nấm men này còn giúp ông tìm ra được phương pháp để xác định và mô tả các gen chủ chốt tham gia vào quá trình tự thực.

Năm 2016 đã đánh dấu bước tiến mới trong việc đưa ý tưởng kiểm soát nội tiết tố nam để tránh thai thành hiện thực.

Sau khi khám phá hiện tượng tự thực trong nấm men, Ohsumi đã xác định được những gen đầu tiên cần thiết cho tự thực. Trong loạt nghiên cứu xuất sắc tiếp  đó, kết quả cho thấy quá trình tự thực được điều khiển bởi một dòng thác các protein và phức hợp protein, mỗi thứ điều khiển một giai đoạn riêng trong khởi đầu và hình thành thể tự thực.

Các khám phá của Ohsumi đã đưa đến những hình mẫu mới trong việc hiểu về cách các tế bào tái tạo các thành phần, mở đường dẫn đến sự hiểu biết của nhiều quá trình sinh lý, chẳng hạn như trong việc tế bào thích ứng với cái đói hoặc phản ứng ứng với sự viêm nhiễm.

Giờ đây, con người biết rằng tự thực kiểm soát những chức năng sinh lý quan trọng, trong đó các thành phần tế bào cần được giáng hóa và tái chế. Tự thực có thể nhanh chóng cung cấp nhiên liệu dùng làm năng lượng và tạo nên những "viên gạch" để xây mới các thành phần tế bào. Sau nhiễm trùng, tự thực có thể loại bỏ vi khuẩn và virus xâm nhập tế bào.

Các tế bào cũng sử dụng tự thực để loại bỏ protein và các bào quan bị hư hỏng - một cơ chế kiểm soát chất lượng cực kì quan trọng để đối phó với những hậu quả tiêu cực của quá trình lão hóa. Nghiên cứu về tự thực mở ra triển vọng tìm phương pháp chữa trị bệnh Parkinson, tiểu đường loại 2, ung thư và các rối loạn khác xuất hiện ở người già...

Nam Hồng
.
.