Đờn ca tải tử nối nhịp tài hoa

Thứ Năm, 20/03/2014, 13:36

Vừa “ăn Tết” Giáp Ngọ 2014 xong, Bạc Liêu lại dồn sức cho Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014, diễn ra từ ngày 20 đến 25/4 tới. Từ đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho đến từng cán bộ, nhân viên của sở, ngành chức năng đều thể hiện quyết tâm cao nhất với mong mỏi một Festival thành công.

Bà Lê Thị Ái Nam - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, Phó trưởng Ban chỉ đạo Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất - Bạc Liêu 2014 vừa dành riêng cho PV Chuyên đề ANTG Cuối tháng cuộc trò chuyện quanh sự kiện văn hóa đang được sự quan tâm của cả bạn bè quốc tế nhất là khi nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

- PV: Từ nay tới ngày khai mạc Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014 không còn nhiều, thế công tác chuẩn bị cho sự kiện này đã được Bạc Liêu tập trung thực hiện như thế nào, thưa bà?

- Bà Lê Thị Ái Nam: Trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014, tại Bạc Liêu sẽ có hơn 20 hoạt động chính.

Ngay từ cuối năm 2013, Ban tổ chức đã triển khai một số cuộc thi sáng tác, như: Giải báo chí “Bạc Liêu trên đường phát triển”, thi ảnh thời sự nghệ thuật, phim tài liệu, thi sáng tác lời mới 20 Bản tổ ĐCTT Nam Bộ, sáng tác nhạc, vọng cổ.... Hiện các Tiểu ban đang khẩn trương triển khai chuẩn bị đồng loạt các hoạt động như Liên hoan ĐCTT toàn quốc, Lễ khai mạc, bế mạc Hội chợ thương mại - du lịch, Lễ hội ẩm thực, không gian ĐCTT, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ” và đang tiến hành vận động tài trợ cho Festival…

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình để kịp phục vụ cho Festival như: Quảng trường Hùng Vương; Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu; tượng đài Mậu Thân; Nhà thi đấu đa năng; Trung tâm Hội chợ - Triển lãm tỉnh; Trung tâm Triển lãm Văn học Nghệ thuật - Nhà hát Cao Văn Lầu; Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ; bờ kè sông Bạc Liêu; Trung tâm Hội nghị tỉnh…

Chúng tôi cũng đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình phục vụ du khách như tôn tạo khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu du lịch Nhà Mát, Khu vui chơi giải trí công viên Trần Huỳnh, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam,...

Ngoài ra, tỉnh đã và đang chỉ đạo kiểm tra nâng cấp các nhà hàng, khách sạn đủ tiêu chuẩn nhằm đảm bảo các điều kiện phục vụ du khách đến tham dự Festival; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Đô thị tăng cường trồng cây xanh, hoa kiểng trên các tuyến đường; UBND TP Bạc Liêu đang chỉ đạo sắp xếp trật tự mua bán, làm vệ sinh môi trường, tăng vẻ mỹ quan đô thị, nhất là việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục nhằm xây dựng phong cách người Bạc Liêu “Hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”…

- Đây là Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I, lại được tổ chức tại nơi được xem như là “thánh đường” của ĐCTT. Hơn thế nữa, nghệ thuật ĐCTT lại vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 21 tỉnh thành có nghệ thuật này vừa dự Lễ tôn vinh (đón bằng) ấn tượng,… Dù tôi được biết Bạc Liêu đang rất đồng lòng, đồng sức và có hẳn “Đảng văn” chỉ đạo tập trung vì sự thành công của sự kiện này nhưng do là địa phương đăng cai đầu tiên, chắc chắn Bạc Liêu sẽ gặp phải những khó khăn nhất định. Bà có thể chia sẻ điều này?

- Đúng như thế. Đây là lần đầu tiên tỉnh Bạc Liêu tổ chức Festival cấp quốc gia nên sẽ có những khó khăn nhất định, mà cụ thể là chưa có kinh nghiệm; hạ tầng của tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, một số cơ sở dịch vụ của Bạc Liêu chưa đạt chuẩn phục vụ khách du lịch và trong tình hình hiện nay thì việc vận động tài trợ cũng sẽ khó khăn…

Tuy nhiên, được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ, Bộ, Ngành TW và các tỉnh, thành phố tham gia Ban chỉ đạo Festival, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân Bạc Liêu sẽ góp phần khắc phục mọi khó khăn và phấn đấu tổ chức thành công Festival.

- Là “thánh đường” của ĐCTT, ngoài các hoạt động trong khuôn khổ Festival đờn ca tài tử Quốc gia lần I, Bạc Liêu sẽ làm gì để cùng với các địa phương khác thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT?

- “ĐCTT Nam Bộ trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng quốc tế đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam” - bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã phát biểu như thế tại Lễ đón bằng của UNESCO được tổ chức long trọng tại TP. Hồ Chí Minh vào tối 11-2-2013.

Hôm đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu, nhấn mạnh sự kiện nghệ thuật ĐCTT được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là niềm tự hào của đồng bào Nam Bộ, của người Việt Nam chúng ta mà còn góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự đa dạng các biểu đạt văn hóa trong kho tàng văn hóa thế giới. Với ý nghĩa đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL, các cơ quan liên quan, các Đảng bộ, Chính quyền cùng các nghệ sĩ - nghệ nhân cùng chung tay hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị đối với nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, để nghệ thuật này luôn được bảo tồn và phát triển sáng tạo, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào miền Nam, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.

Được xem như là “thánh đường” của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, đồng thời để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo phát triển phong trào ĐCTT gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể.

Trước mắt, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển nhiều CLB - ĐCTT ở cơ sở; hỗ trợ trang thiết bị cho các CLB - ĐCTT hoạt động; xây dựng CLB - ĐCTT tại các khu điểm du lịch và trong các trường ĐH - CĐ; định kỳ tổ chức liên hoan ĐCTT các cấp; chỉ đạo biên soạn giáo trình và đưa nghệ thuật ĐCTT vào trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật; các trung tâm văn hóa đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy ĐCTT, vọng cổ cho nhân dân, nhất là giới trẻ. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở VH - TT&DL phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch đưa nghệ thuật ĐCTT vào giảng dạy trong các trường phổ thông... 

Chúng tôi nghĩ rằng các hoạt động trên sẽ góp phần bảo tồn và hát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, đồng thời cũng thực hiện tốt cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO.

- Chúng tôi nghe nhiều nhà đầu tư thổ lộ rằng họ muốn nhân Festival này, sẽ đến Bạc Liêu, tìm cơ hội làm ăn?

- Việc đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ I là cơ hội để Bạc Liêu quảng bá thế mạnh, tiềm năng, về đất và người Bạc Liêu với du khách trong và ngoài nước; đồng thời, thông qua đó sẽ góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh Bạc Liêu phát triển, cũng như tạo ấn tượng tốt về Bạc Liêu đối với du khách, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Là một tỉnh nghèo, Bạc Liêu chúng tôi rất trân trọng các nhà đầu tư; xem nhà đầu tư không chỉ là những người kinh doanh mà là ân nhân của tỉnh, ân nhân của người nghèo. Chính vì vậy, Bạc Liêu có quan điểm chỉ đạo xuyên suốt từ lãnh đạo cao nhất của tỉnh đến cán bộ, công chức là điều gì khó để cho chính quyền, chuyện dễ dành cho DN. Thời gian qua, tỉnh đã và đang chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư, nhờ thế mà chỉ số PCI của Bạc Liêu không ngừng chuyển biến tích cực. Minh chứng là năm 2013 vừa qua đã tăng 39 bậc, xếp thứ 7 toàn quốc…

Các lĩnh vực mà Bạc Liêu đang cần thu hút đầu tư gồm: các khu, điểm du lịch, dịch vụ du lịch; nông nghiệp; công nghiệp; các bệnh viện chuyên khoa, trung tâm chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao; các khu vui chơi giải trí, thể thao…

Chúng tôi rất mong có nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh; quan điểm của tỉnh là sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đến Bạc Liêu.

- Cảm ơn bà đã dành cho Chuyên đề ANTG Cuối tháng cuộc trò chuyện!

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết, đến với Bạc Liêu trong những ngày diễn ra Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ I - Bạc Liêu 2014, du khách không chỉ được đắm mình trong không gian văn hóa nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là dịp để thưởng lãm những điểm du lịch hấp dẫn chỉ có ở đất biển Bạc Liêu.

Đó là Di tích quốc gia Đền thờ Bác Hồ - nơi chính quyền và nhân dân đất biển Bạc Liêu ghi nhớ công ơn vĩ đại của vị cha già kính yêu của dân tộc; đang trưng bày rất nhiều hình ảnh, tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh; đó là Di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng - nơi ghi dấu cuộc chiến của người dân nghèo với bọn cò Tây cướp lúa mà tiêu biểu là gia đình nông dân yêu nước Mười Chức; đó là Tháp cổ Vĩnh Hưng với hơn 1.000 năm tuổi và được xem là một trong những tháp cổ thuộc dòng văn hóa Óc Eo hiếm có còn tồn tại tới ngày nay; đó là những ngôi chùa Khmer cổ kính như chùa Ghositaram, chùa Xiêm Cán,… với những nét đẹp riêng.

Đi về hướng mặt trời mọc, du khách sẽ được tận mắt nhìn cây xoài cổ nhất miền Tây với hơn 300 năm tuổi; Vườn nhãn Bạc Liêu rộng hơn 230ha với những gốc nhãn cổ thụ cao to có dáng bon sai; tham quan thỏa thích Vườn chim Bạc Liêu với rất nhiều loài chim, động thực vật quý hiếm khác. Không chỉ có vậy, đến Bạc Liêu, du khách sẽ có cơ hội ghé thăm Quán Âm Phật Đài, Giáo xứ Tắc Sậy, chùa Bang, Phủ thờ dòng họ Cao Triều, Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Khu du lịch Nhà Mát, Nhà Công tử Bạc Liêu… Tất cả những điểm đến vừa kể, chắc chắn sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng khó phai.

Thái Bình (thực hiện)
.
.