An Nam trong mắt lữ khách thuở ấy

Đối diện tính cách, tâm lý An Nam

Chủ Nhật, 24/05/2020, 13:06
Tâm tính người An Nam dành rất nhiều năng lượng cho các sinh hoạt nghệ thuật văn chương, thơ phú, học hành. H. Souvignet ghi nhận việc học hành của người An Nam được nảy nở dễ dàng bởi họ “không thiếu năng lực trí tuệ và sự nhiệt thành […] đầu óc nhạy bén, khả năng tưởng tượng sống động và năng lực ghi nhớ cũng rất tốt”.

Trong cuốn “Đông Dương” (LIndochine, 1903), Louis Salaun (1874-1914), khi đó là phó Chánh văn phòng của Toàn quyền Paul Doumer (1897-1902), đã nêu một lí do quan trọng giải thích vì sao chính quyền thuộc địa cố gắng xây dựng tinh thần tìm hiểu An Nam cặn kẽ trên mọi phương diện, rằng họ “dễ có nguy cơ bị sa vào những sai sót tầm thường nhưng lại có hậu quả khôn lường” nếu không được dẫn dắt một cách liên tục và thận trọng bởi chỉ dẫn duy nhất đáng tin cậy: “Sự hiểu biết một cách khoa học xứ sở và con người bảo hộ”.

Nhưng quả thật, để hiểu tính cách và tâm lí con người An Nam rồi qui thành một vài điểm đánh giá, là thử thách không hề dễ dàng. 

1. Những quan sát, tiếp xúc thường ngày với người An Nam thường làm các nhà nghiên cứu Pháp đi từ ngạc nhiên này sang khó hiểu khác. Bởi cũng là một tập hợp người bằng xương bằng thịt đó nhưng trong mỗi tình thế, môi trường, hoàn cảnh khác nhau, họ lại có những phản ứng, biểu hiện không hề thống nhất. Trên những thửa ruộng nhỏ bé ven đồng bằng châu thổ, họ là những người dân cày cần cù chịu khó, kiên trì chinh phục thiên nhiên chỉ với dụng cụ thô sơ và lạc hậu.

Trong bếp núc, họ là người nội trợ khéo léo và biết cách tận thu vốn liếng của nền “văn minh thực vật” để đảm bảo bữa cơm đạm bạc. Nơi góc chợ, họ là những người chuyên buôn bán vặt nhưng tháo vát, nhiều mánh lới và ít khi chịu thua thiệt phần lợi lộc. Tại các làng nghề, họ là bậc thầy khéo tay và tinh tế trong việc chế tác đồ thủ công mỹ nghệ. Nhưng ở những mối quan hệ xã hội rộng và phức tạp hơn, như trong làng xã và chốn quan trường, họ sẽ thế nào. Và nữa, trước hệ thống tập tục, tín ngưỡng, trước thiết chế pháp luật hay giáo dục, liệu họ sẽ xoay xở ra sao.

Hãy bắt đầu từ người nông dân, kiểu người chủ yếu của xã hội An Nam truyền thống, cũng là kiểu tính cách đã tạo thành “gen” văn hóa hằn sâu trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Một tập hợp những tập tính không quá nhiều điểm tốt, hơn nữa, không hề phù hợp với bước tiến của xã hội văn minh hiện đại, đã được liệt kê đến mức báo động trong hầu hết các công trình khảo cứu của người Pháp.

Chẳng hạn, Paul Ory nhận thấy đa số người nông dân không có động cơ “mở rộng diện tích đất đai sở hữu” mà bằng lòng với việc “khai thác tối đa miếng đất mình có” trong khi anh ta vẫn thường xuyên “vung tay tiêu tán hầu hết vào cờ bạc”; họ “vô lo” vì họ biết trong làng bao giờ cũng có phần công điền, công thổ được chia theo định kì.

Ảnh: L.G.

Tuy vậy, việc phân công điền từng làm cho nhiều kẻ há miệng chờ sung chia này, theo P. Ory, trực tiếp tạo ra sự lạm dụng quyền lực của hàng chức sắc khi phần lớn ruộng đều rơi vào tay họ, “cháu chắt, anh em họ hàng hay người hầu của họ”, và gián tiếp đẩy “mẹo mực đóng vai trò lớn trong cuộc đấu tranh sinh tồn”.

Ở góc nhìn chừng mực hơn, P. Gourou coi những “tranh chấp tham vọng” là một phần tất yếu của đời sống làng xã, nơi “những cỗ bàn phong phú, hận thù của thất bại, chua chát của mối nhục phải chịu, thú vị của những mưu mô thủ đoạn, những hội hè náo nhiệt mà cả làng đồng lòng tham gia” đã làm người nông dân phần nào quên đi điều kiện sống tồi tàn để “tính toán về những mối lợi cỏn con, nghĩ về những món nợ đang đeo đẳng mà phần lớn thu nhập nhỏ nhoi phải dồn vào công nợ”.

Tính cách tính toán, chăm chăm mối lợi riêng tư, do đó, càng khiến người nông dân loay hoay trong mớ bòng bòng mưu sinh và hơn hết, không có điều kiện vươn tới hoặc thiết lập những điều “cao siêu”, như luật pháp hay lý tưởng xã hội, dành cho cộng đồng mình chung sống.

“Dân An Nam ít tin tưởng vào thể chế pháp lý của mình”, G. Dumoutier nhận định, vì thứ nhất, hệ thống xử án địa phương “bên cạnh lý lẽ rõ ràng, còn có thể có vấn đề họ hàng thân thuộc, thân tình, gửi gắm, ham muốn, lợi lộc, và đặc biệt là lý lẽ của đồng tiền thường khó cưỡng nổi”, và thứ hai, trong các vụ kiện tụng, “mọi mánh lới đều có thể đem ra dùng, chạy chọt, tạo chứng cứ giả” khiến ai cũng né tránh hoặc khốn đốn khi phải dính chuyện “táo đụng đình”.

Trong khi đó, tính chất tự chủ, tự trị của làng xã An Nam càng khiến cho các bộ luật của triều đình khó được thực thi hóa. Nói đúng hơn, nó sẽ bị biến hóa theo những cách khó ngờ. “Người An Nam chịu khó học thuộc luật - H. Souvignet nhận xét, nhưng đồng thời lại tìm cách né tránh chính cái luật đó cũng như nhiều điều lệ ban kèm theo nhằm giải nghĩa cho chúng, bằng cách viện ra những trường hợp có tính cá biệt”.

Bởi thói quan đối phó ấy cộng với tình trạng quản lí hành chính địa phương yếu kém, không khó để bắt gặp những cảnh tượng bi hài trong các buổi họp xử phạt hay luận bàn việc làng như H. Souvignet mô tả: “Người ta sẽ xin ý kiến các kì lão vì tôn trọng mái tóc bạc trắng của họ nhiều hơn là uy quyền của họ […] Cần bổ sung thêm rằng, trong suốt buổi tranh luận, chiếc điếu cày liên tục được chuyền khắp đình, chuyển từ cái miệng này sang cái miệng khác, để nhả ra những cột khói xoắn ốc say lòng”.

Say mê thuốc lào và chăm chút cho những bộ móng tay dài, người nông dân An Nam, theo H. Souvignet chẳng mấy khi quan tâm đến các phát minh, các ý niệm về tiến bộ xã hội hay giản dị là vấn đề thời trang.

2. Bù lại, tâm tính người An Nam dành rất nhiều năng lượng cho các sinh hoạt nghệ thuật văn chương, thơ phú, học hành. H. Souvignet ghi nhận việc học hành của người An Nam được nảy nở dễ dàng bởi họ “không thiếu năng lực trí tuệ và sự nhiệt thành […] đầu óc nhạy bén, khả năng tưởng tượng sống động và năng lực ghi nhớ cũng rất tốt”.

Đặc biệt, cũng theo vị linh mục này, người An Nam “rất xuất sắc trong việc vẽ lại những gì chạm đến các giác quan, họ thích thú với những liên tưởng và biểu tượng rút ra từ thiên nhiên, họ ưa chuộng những từ ngữ có thể hiện hào nhoáng và thanh âm vang dội, họ mê thích những nhịp điệu. Bởi thế mà những sáng tác của họ có đặc điểm là khiến chúng ta vui tai thích mắt: hệt như một bản hợp âm kỳ diệu trong một khu vườn tuyệt đẹp.

Phụ nữ thời xưa với áo tứ thân, nón quai thao, guốc rễ tre, tóc vấn.

Người An Nam đặc biệt thành công trong thể loại văn châm biếm”. Quả đúng là người dân An Nam thường trực khả năng hài hước, tiếu lâm và đối với bộ phận dân chúng bình dân, họ còn công khai chế giễu, châm biếm quan lại trong các bài ca dao, hò vè. Nhưng ở lĩnh vực mĩ thuật thì tình hình có vẻ bất ổn hơn.

Theo H. Gourdon, nghệ nhân An Nam “óc sáng tạo rất tốt với những con vật tưởng tượng”, giỏi sử dụng các vật liệu như tre, cói, giấy dó, da trâu để chế tác những vật dụng nhỏ bé, xinh xắn.

Và điều khiến Gourdon tỏ lòng ngưỡng mộ cũng chính ở khiếu thẩm mĩ thiên về khéo léo, trau chuốt, tỉ mẩn hơn là đi tìm hoặc cố tìm đến những vật phẩm “hoành tráng”, đột phá khuôn mẫu. Tuy nhiên, ngay cả những nghệ nhân tài hoa thì họ cũng rất dễ mủi lòng và nhanh chóng chạy theo các gu thẩm mỹ lai tạp một khi các sản phẩm được hàng hóa hóa. Bản tính “năng nhặt chặt bị” hàng xén ấy khiến nghệ thuật truyền thống, trong giai đoạn biến chuyển đầu thế kỉ XX, rơi vào tình trạng manh mún, được chăng hay chớ.

Có lẽ tính cách thực dụng và lười sáng tạo là hệ quả của một nền giáo dục coi trọng thi cử, đỗ đạt làm quan mà không kích thích những tư duy khai phá. Tích cóp vốn học vấn chỉ để thi cử khiến mọi người, như H. Souvignet bình luận, “nhất nhất như nhau ở bất cứ đâu, vào bất cứ lúc nào và trong mọi vấn đề”.

Cùng với hệ thống chính quyền làng xã nhiều áp chế và kìm nén cái tôi cá nhân, người dân An Nam dần tự xóa nhòa bản thân, như cách diễn đạt của P. Pasquier, để hòa vào một tập thể chung chung có tên làng xã. Ở đó, họ không những phải giấu con người và của cải thực sự của mình mà còn dám dối trá, chấp nhận dối trá trong nhiều việc cần kíp như thu thuế và lao dịch, tuyển mộ binh lính.

Dĩ nhiên, người dân An Nam không dám dối trá trước thần thánh, ma quỉ vì với bản tính mê tín, họ luôn sợ bị trừng phạt hay gặp những tai bay vạ gió trong đời sống. “Mê tín, thủ cựu và dốt nát”, chính học giả Nguyễn Văn Huyên đã phải thốt lên như vậy trong tiểu luận Vấn đề người nông dân Bắc kỳ (1939) như thể để không hoàn toàn phủ nhận một số bình luận dễ gây phẫn nộ của người Pháp về tính cách An Nam.

3. Thật ra, cũng có học giả Pháp vin vào thuyết vị chủng văn hóa (ethenocentrism), tự coi mình là ưu việt, còn An Nam là thấp kém. Nhưng vào giai đoạn giao thời, hàng loạt trí thức lớn của An Nam như Phan Châu Trinh, Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Lương Đức Thiệp, Ngô Tất Tố, Phạm Quỳnh,... cũng đã viết hàng chục bài báo sắc sảo chỉ ra thói hư tật xấu của người Việt. Sự gặp gỡ ít nhiều giữa họ và các vị khách phương Tây ấy là tìm cách cảnh tỉnh đà quán tính của một xã hội thuần nông vô số điểm bất cập, cũ kĩ và ngược đời.

Một tiến trình hiện đại hóa An Nam, vì thế, đặt ra hàng loạt vấn đề hóc búa cần cách tân, đổi mới hơn là tự si mê, tự khen ngợi mình. Theo hướng này, tôi nghĩ, bỏ qua chút tự ái vụn vặt, chúng ta hôm nay có thể coi đấy là phản biện cần thiết để trở nên hoàn thiện và giá trị hơn. 

Mai Anh Tuấn
.
.