Điểm khởi đầu của một “đế quốc đại dương”

Thứ Năm, 19/03/2020, 11:19
Làm thế nào để nước Anh vụt "rũ bùn đứng dậy", trở thành một quyền lực ở châu Âu thời Trung Cổ và trên toàn cầu cho đến tận thời hiện đại? Tất cả bắt đầu từ Chiến tranh Trăm năm với nước Pháp.

Vai trò của biển trong lịch sử chiến tranh không thể phủ nhận, nó gắn liền với sự thay đổi vị thế của Anh quốc. Từ một hòn đảo dễ dàng bị hết đế quốc La Mã cổ qua những người Viking, đến các đoàn quân xứ Normandy của quận công William chinh phục, làm thế nào để nước Anh vụt "rũ bùn đứng dậy", trở thành một quyền lực ở châu Âu thời Trung Cổ và trên toàn cầu cho đến tận thời hiện đại? Tất cả bắt đầu từ Chiến tranh Trăm năm với nước Pháp.

 Sluys - đợt sóng triều đẫm máu

Ở một khía cạnh nào đó, có lẽ chính những lần bị chinh phục bởi các đoàn viễn chinh vượt biển đã tạo cho quân đội Anh những sự bồi đắp vượt trội so với châu Âu lục dịa, trong nhận thức về tầm quan trọng của hải chiến. Đặc biệt, sau khi nước Anh về tay người Normandy - những hậu duệ của người Viking chiếm đóng và định cư tại miền Normand nước Pháp trước khi giong buồm đánh sang nước Anh, ý thức đó lại càng được tô đậm.

Để chiến đấu tranh giành lãnh thổ tại nước Pháp, nước Anh bắt buộc phải đưa hàng nghìn người - ngựa cùng quân trang, vũ khí, lương thực qua eo biển Manche. Sự phát triển về quy mô các hoạt động quân sự, cho đến thời điểm đó, đã tiến triển rất nhiều. Và dĩ nhiên, tàu bè là thứ tối quan trọng.

Rất nhiều hạm đội thương thuyền đã được trưng dụng, đưa về dưới sự chỉ huy của các sĩ quan hoàng gia Anh. Trong khi đó, tại Pháp, từ cuối thế kỷ XIII, vua Phillipe IV - người chiến thắng Richard Sư tử tâm huyền thoại và khống chế vua John kế vị của nước Anh - đã bắt đầy xây dựng xưởng đóng tàu Clos des Galees tại Rouen trên sông Seine, nhằm giúp quân đội của vương quốc có khả năng tự đóng lấy những con tàu có thể nhanh chóng đưa vào sử dụng (và sửa chữa chúng), chứ không phải mất thì giờ đi trưng dụng, hoán cải.

Bản đồ hải chiến Sluys.

Ngày 24/6/1340, trận đánh đầu tiên - và theo tác giả Geoffrey Parker của cuốn Lịch sử Chiến tranh (The Military Revolution: Military Innovation and the Rise of the West, 1500-1800): "Có lẽ là trận đánh đẫm máu nhất của Chiến tranh Trăm năm) - bắt đầu. Vua Edward III của nước Anh dẫn một lực lượng viễn chinh hùng hậu (ước tính khoảng từ 120 đến 150 thuyền) vượt eo biển Manche đến cảng Sluys của nước Pháp (hiện tại nằm ở xứ Zeeland trên lãnh thổ Hà Lan). Chờ đợi họ là hơn 200 thuyền của hải quân Pháp dàn hàng ngang, sẵn sàng ngăn trở bất cứ hoạt động đổ bộ nào.

Và chiều hôm đó, nhân lúc thuận cả chiều gió lẫn được lợi nhờ ánh sáng mặt trời chiếu vào mắt quân Pháp, quân Anh tấn công. Theo những ghi chép của sử gia Jean Froissart, có thể tin rằng trận đánh bắt đầu khoảng lúc 15h chiều.

Mọi sự chênh lệch về quân số hay số lượng tàu thuyền trở nên vô nghĩa trong những điều kiện này. Các tay nỏ trên thuyền Pháp (tầm bắn tối đa 180m, lại còn bị ngược gió) bị áp chế hoàn toàn bởi các xạ thủ trường cung Anh (tầm bắn 270m, và thuận gió). Ngay sau những loạt tên đầu tiên, quân Pháp đã thương vong vô số kể.

Ngày trước đó, để chống lại mưa dầm gió bấc thổi dạt đội hình, các chỉ huy hạm đội Pháp - Hugues Quieret và Nicolas Behuchet - đã ra lệnh xích các thuyền thành từng nhóm. Điều này, đến lúc lâm chiến, lại tạo điều kiện dễ dàng cho quân Anh xung sát hơn, khi nhảy sang cận chiến sau các loạt tên. Chiến thắng được định đoạt khá dễ dàng và nhanh chóng, bởi sự sụp đổ là không thể tránh khỏi, cho dù quân Pháp vẫn chiến đấu khá can trường.

Không ai có thể trốn chạy khi giao tranh trên biển.

Bình minh của đế quốc

Jean Froissart nhận định: "Trận đánh này thật ngu xuẩn và khủng khiếp, vì giao chiến trên biển là điều rất khó tiến hành. Nó tàn bạo hơn hẳn những trận chiến trên đất liền, vì không ai có thể trốn chạy".

Ở trận Sluys đó, nước Pháp mất toàn bộ hải đội của mình và khoảng 20.000 quân. Hai chỉ huy đều bị bắt. Behuchet bị treo cổ trên cột buồm của tàu mình, còn Quieret bị chém đầu, như những sự thị uy. Mọi đồng minh của nước Pháp đều nhìn thấy những điều này, và đều chấn động. Cũng như khi hải đội mà Napoleon dày công xây dựng bị quân Anh dưới quyền đô đốc Nelson đánh tan ở trận Trafalgar hơn 500 năm sau, tham vọng bá chủ trên biển của nước Pháp tan thành mây khói. Sluys, theo một cách nào đó, là tiền đề của Trafalgar.

Còn với Edwad III, chiến thắng Sluys củng cố thêm ý chí tăng cường sức mạnh hải quân, nhằm tiếp tục xâm lược Pháp. Ông gấp rút thành lập một xưởng đóng tàu tại Southampton, và xây dựng thêm một hạm đội với 39 tàu.

Thắng trận Sluys, quân Anh tiếp tục kết hợp nhuần nhuyễn chiến tranh trên bộ và chiến tranh trên biển. Thí dụ: Họ buộc Calais đầu hàng (1347) sau một cuộc vây hãm kéo dài, với cả những đoàn quân vây thành lẫn những chiến thuyền bịt kín mọi đường tiếp tế trên mặt biển. Từ Calais, quân Anh có một "đầu cầu" vào châu Âu lục địa. Hạ thành Harfleur năm 1415, cũng với phương thức ấy, trọng pháo, binh lính, dụng cụ công thành của quân Anh tiếp tục có thêm bàn đạp để ngược sông Seine vây hãm Rouen, và giành được nơi này sau 4 năm.

Hơn tất cả, tư tưởng quân sự Anh quốc được khắc sâu một mệnh đề: Trước khi tiến vào các dòng sông và các lục địa, nhất thiết phải chiến thắng và làm chủ mặt biển. Kể từ đó, mọi nguồn lực quốc phòng của nước Anh đều được triển khai theo hướng này. Họ trở thành "đế quốc đại dương" tiên phong, cho dù Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha mới là nơi phát xuất của các cuộc thám hiểm vĩ đại (mà Chrisrtophe Colombo, Ferdinand Magellan hay Vasco da Gama thực hiện).

Sự xác lập vị thế tuyệt đối trên biển của hải quân Anh.

Từ trường cung, các chiến thuyền dần được lắp thêm đại pháo, và sau nữa là cả giàn đại pháo. Từ nhiệm vụ ban đầu là chuyên chở, "lính biển" phát triển thành một binh chủng độc lập. Từ một hình thái quân sự bổ trợ cho các hoạt động chiến tranh trên bộ, hải chiến có một vị trí riêng mà từ đó, lịch sử chiến tranh thế giới chứng kiến những trận đánh hủy diệt. Cũng nhờ vậy, nước Anh không mấy khi bị xâm lăng, hay nói đúng hơn là chẳng bao giờ bị xâm lăng nữa. Kể cả đoàn quân khét tiếng của Đức Quốc xã thời cực thịnh cũng chẳng thể vượt qua eo biển Manche, mà chỉ có thể tiến hành "Trận chiến nước Anh" bằng không kích.

Còn riêng với nước Anh, hải quân trở thành cột trụ quan trọng nhất trong quân lực. Kể cả khi Chiến tranh Trăm năm khép lại với việc nước Pháp quật khởi và giành lại được hầu hết lãnh thổ, nước Anh vẫn là bá chủ không thể phủ nhận trên các mặt đại dương. Những đoàn chiến thuyền của họ hộ tống hoàn hảo các đoàn thương thuyền, và bên cạnh đó, những đoàn thuyền hải tặc nhận lương hoàng gia Anh quốc cũng gieo rắc kinh hoàng cho mọi đoàn thương thuyền của các nước khác, đồng thời đóng góp những phần khổng lồ vào quốc khố.

Khi đó, quân sử thế giới đã bước vào "kỷ nguyên thuốc súng". Không biết nếu Jean Froissart chứng kiến các cuộc giao tranh trên biển trong tiếng thần công gầm thét, trong những tiếng hạ lệnh lạnh lùng, chuẩn xác và tàn nhẫn của các đô đốc Anh quốc, những dòng biên niên sử của ông sẽ còn đậm đặc nỗi kinh hoàng đến đâu…      

Trước và cùng trong thời Trung Cổ, châu Âu cũng có những đoàn thuyền lớn vượt biển tham gia chiến trận, như hải quân Carthage, hải quân Athens, hải quân hoàng gia Byzance hay hải quân Cộng hòa Venise. Tuy nhiên, vai trò chính của những đoàn thuyền đó là vận tải hậu cần, và cũng không hải quân nào phải thực hiện một nhiệm vụ kéo dài với cường độ cao như hải quân Anh trong Chiến tranh Trăm năm.

Thuyền Galee là thứ phương tiện hải quân được ưa thích nhất trong thời Trung Cổ, bởi chúng có thể đổ bộ ở bất cứ bãi biển nào (khác với loại tàu có thân cao đòi hỏi phải có bến cảng hoặc kè).  Castilla (Tây Ban Nha) và Genoa (Italia) là hai nơi cung cấp chủ yếu loại thuyền này. Vậy nên, cả Anh và Pháp đều phải tăng cường nỗ lực ngoại giao để giành được những nguồn cung đó.

Đông Quân
.
.