Đi tìm một cơ thể người hoàn hảo

Thứ Ba, 12/03/2019, 16:31
Không ai trong số chúng ta không muốn hoàn thiện hóa bản thân mình. Tuy vậy, định nghĩa của khoa học về "cơ thể người hoàn hảo" có thể sẽ không đẹp một chút nào. 


Bạn có bao giờ tin hình ảnh hoàn hảo của bản thân lại là đôi tai nhọn như yêu tinh, hay cặp chân dài giống loài đà điểu không?

Hoàn hảo không phải là đẹp

Ở tuổi 45, Tiến sĩ giải phẫu học người Anh Alice Roberts là một trong những học giả hàng đầu về sinh trắc học và cấu tạo cơ thể sinh vật. 

Từ những nghiên cứu của mình, bà nhận định con người hoàn hảo sẽ không có điểm nào liên quan đến tiêu chuẩn thường thức về thẩm mỹ hay thể hình. Thay vào đó, con người phải tiến hóa theo hướng khắc phục những khiếm khuyết sinh học cũng như thích nghi theo nhịp sống hiện đại.

Trên cơ sở ấy, Roberts đã hợp tác cùng những đồng nghiệp, và cả những nhà tạo mẫu để khắc họa bề ngoài một cơ thể người hoàn hảo. Hình ảnh về "con người hoàn hảo" này có thể khiến bất cứ ai giật mình: đôi tai dài và nhọn như của yêu tinh, mắt to hơn bình thường, hai chân dài như chân đà điểu. Phụ nữ thậm chí còn có túi ở bụng giống như loài kangaroo. 

Gần 1/3 số phụ nữ hẹn hò với người hoàn toàn khác với hình mẫu lý tưởng của họ.

Nghiên cứu của Roberts ngay khi công bố trên kênh truyền hình BBC của Anh đã nhanh chóng gây tranh cãi. Độc giả gửi về hàng trăm lời phàn nàn, thậm chí xúc phạm Roberts vì biến hình tượng “hoàn hảo” của con người trở thành một sinh vật kỳ quái. 

Tuy nhiên, Roberts vẫn bảo lưu quan điểm hoàn hảo không đồng nghĩa với ưa nhìn. Để chứng minh điều đó, bà đưa ra những luận cứ không thể phủ nhận dựa trên những bằng chứng khoa học rõ ràng nhất.

Đầu tiên là đôi mắt. Quá trình tiến hóa của sinh vật đã đưa đôi mắt ngày càng về phía trước khuôn mặt, thay vì ở hai bên đầu. Việc này giúp các sinh vật bậc cao có một cái nhìn thẳng, trực diện ngay trước mặt. Tuy vậy, mắt người vẫn chưa đạt đến hình thái tiến hóa hoàn hảo. Khiếm khuyết đó mang tên điểm mù, là nơi dây thần kinh thị giác nối với nhãn cầu và che mất võng mạc.

Giải pháp khắc chế điểm mù ở mắt là thay đổi cấu tạo mắt cho giống loài bạch tuộc. Các dây thần kinh thị giác của bạch tuộc nằm sau võng mạc, vậy nên chúng hoàn toàn không có điểm mù ở mắt. Điều đó sẽ khiến nhãn cầu to hơn bình thường. Tuy điều này còn giúp cải thiện tầm nhìn, nhưng lại không đảm bảo về mặt thẩm mỹ.

Thứ hai là đôi tai. Thính lực của con người ngày càng suy giảm khi tuổi tác dần tăng lên. Có 3 kiểu suy giảm thính lực, nhưng ở người cao tuổi chủ yếu do suy giảm thính lực giác quan. Trường hợp này xuất phát từ việc các tế bào có lông ở tai trong bị lão hóa và chết dần.

Y tế có thể khắc phục bằng việc cấy bù tế bào vào tai trong, nhưng lại không phải cách làm tự nhiên. Giải pháp tối ưu nhất qua tiến hóa là biến đôi tai trở nên dài và vểnh, nhằm khuếch đại âm thanh nghe được qua tai. Bằng cách này, tai người sẽ giống tai của "yêu tinh", như nhận xét của số đông nhận xét.

Thứ ba là đôi chân. Chân con người cũng như các loài linh trưởng khác đã tiến hóa chuyên biệt để phục vụ nhu cầu đi lại, chạy nhảy, và leo trèo. Tuy vậy, đầu gối lại trở thành một điểm yếu chí tử. Cấu tạo phức tạp của đầu gối khiến nó khó hồi phục hoàn toàn khi gặp tổn thương. Điều này được minh chứng rõ ràng nhất ở các vận động viên.

Thay vì mang đôi chân với hai bên đầu gối rất dễ tổn thương, con người có thể tham khảo chân của loài đà điểu. Đà điểu không có đầu gối, thay vào đó, cơ bắp của chúng được dồn vào phía giữa chân. Việc này cũng giúp bàn chân đà điểu nhẹ hơn, dễ di chuyển hơn.

Cuối cùng là chiếc túi trước bụng. Nguyên nhân của việc này xuất phát từ việc ngày càng nhiều phụ nữ than phiền họ phải vừa trông con nhỏ, vừa làm công việc hàng ngày. Làm thế nào để luôn giữ bên mình một đứa bé? 

Roberts đề xuất phụ nữ nên có một cái túi giống như của loài kangaroo. Loài vật đặc trưng của châu Đại Dương này có thể nhảy với vận tốc 40 km/h khi đang mang con nhỏ trong túi, vậy nên các bà mẹ hoàn toàn có thể yên tâm nếu vừa giữ con vừa làm việc.

Bên cạnh những yếu tố thể hiện bên ngoài, Roberts cũng đề xuất vài cải tiến khác bên trong cơ thể người như đường khí quản, phổi, hệ thần kinh, khung xương sống và tim. Tuy nhiên, ý tưởng độc đáo nhất trong số đó là biến làn da con người trở nên tương tự da tắc kè: có thể chuyển từ màu sẫm sang màu xám nhạt và ngược lại. 

Cơ sở cho điều đó được Roberts chỉ ra nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bị tia cực tím xâm hại gây ung thư da, cũng như tối ưu quá trình chuyển hóa vitamin D trong cơ thể.

Roger Federer mang nhiều đặc trưng của một người đàn ông hoàn hảo trong mắt phụ nữ.

Nhưng muốn "đẹp hoàn hảo" thì phải thế nào?

Nếu đang hoang mang với hình mẫu "hoàn hảo" của Roberts, bạn có thể chuyển sang tham khảo nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc Đại học Texas đưa ra. 

Nghiên cứu này dựa trên khảo sát từ việc phỏng vấn hình mẫu người yêu lý tưởng của 1.000 người bất kỳ. Các tình nguyện viên trả lời tiêu chuẩn chọn người yêu dựa trên chiều cao, cân nặng, số đo 3 vòng, cỡ giày, cường độ rèn luyện sức khỏe, màu mắt, màu da.

Nghiên cứu chỉ ra một người đàn ông "đẹp hoàn hảo" trong mắt phụ nữ có chiều cao 1,83m, nặng 85kg. Còn một người bạn gái lý tưởng cao 1,65m, nặng 58kg. Tiêu chuẩn chọn người yêu dựa trên hình thể cũng không thay đổi nhiều giữa các thế hệ, khi những con số thu thập được đều xấp xỉ nhau.

Dù vậy, điểm chung nằm ở việc cả đàn ông và phụ nữ hiện đại có tiêu chuẩn thấp hơn về cường độ rèn luyện sức khỏe so với thế hệ cũ. Các nam thanh niên được kỳ vọng tập thể dục 6 giờ/tuần, thay vì 8 giờ/tuần như trước kia. Nữ giới cũng giảm từ 6 giờ/tuần xuống còn 5 giờ/tuần.

Nghiên cứu này cũng cho thấy: Đối với cả đàn ông lẫn phụ nữ, những người tóc nâu, mắt màu xanh da trời thu hút bạn khác giới nhất. Chỉ có một vài khác biệt nhỏ ví dụ như đàn ông thích phụ nữ da trắng, còn phụ nữ thích đàn ông da ngăm một chút; hay đàn ông khá thích phụ nữ tóc vàng, nhưng phụ nữ lại thích đàn ông tóc đen hơn.

Khoảng một phần ba những đối tượng được hỏi đều trả lời ấn tượng đầu tiên của họ với người khác giới nằm ở khuôn mặt. Điều này tương đồng với đúc kết của người Việt Nam thể hiện qua câu tục ngữ "Trông mặt mà bắt hình dong". Tuy nhiên, có một chút khác biệt giữa thứ tự ưu tiên của hai phía. 

Cánh mày râu thừa nhận sau khuôn mặt, họ quan tâm đến "vòng ba", sau đó đến "vòng một" và đôi mắt phụ nữ. Còn phụ nữ quan tâm từ khuôn mặt đến đôi mắt, cánh tay, sau đó mới là ngực của đàn ông.

Cuối cùng, sau khi đã hỏi tất cả tiêu chuẩn về người yêu khác giới, các nhà khoa học đặt vấn đề: "Bạn có hẹn hò với người mang những đặc điểm tương tự với hình mẫu người yêu hoàn hảo của bạn không?". 80% đàn ông thừa nhận họ đã hẹn hò với người "từ giống đến cực kỳ giống" hình mẫu bạn gái lý tưởng của họ. Trong khi đó, chỉ có khoảng 70% phụ nữ hẹn hò với bạn trai trong mơ.

Mô hình người phụ nữ hoàn hảo gây tranh cãi của Alice Roberts.

Nên theo đuổi hình mẫu hoàn hảo nào?

Ngay sau khi công bố, nghiên cứu của Đại học Texas đã gây ra không ít tranh cãi. Những người lên tiếng phản đối chủ yếu xuất phát từ những cộng đồng yêu cầu bảo vệ bình đẳng giới. 

Theo họ, các nhà nghiên cứu đã quá coi trọng vấn đề hình thể, và tự đặt ra một tiêu chuẩn được cho là "hoàn hảo". Tuy vậy, phía Đại học Texas phản biện nghiên cứu ghi rõ họ chỉ xét đến những yếu tố bên ngoài.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ rõ phần lớn mọi người hẹn hò với đối tượng có hình thức lý tưởng, nhưng tỷ lệ không phải tuyệt đối. Đặc biệt ở phụ nữ, có khoảng 30% quyết định yêu một người bạn trai mang hình thức khác với những gì họ vốn kỳ vọng. 

Ở một góc độ nào đó, chính nghiên cứu này đã chỉ ra phụ nữ khách quan hơn nam giới trong khía cạnh hình thức, khi họ chấp nhận thực tế khác xa tưởng tượng.

Trở lại với hình mẫu hoàn hảo được Tiến sĩ Roberts đưa ra. Ngay sau khi công bố hình ảnh "người phụ nữ hoàn hảo", Roberts nhận vô vàn lời chỉ trích vì phá hỏng hình tượng người phụ nữ. Tuy vậy, Roberts vẫn kiên định với lập luận của bản thân. 

Theo cô, con người cần hướng đến sự hoàn hảo toàn diện, nhất là về mặt sức khỏe; chứ không chỉ là đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đơn thuần.

Hải Sơn
.
.