Đến với Bộ lạc nguyên thủy của Châu Phi

Thứ Sáu, 26/06/2020, 13:28
Tôi đến thăm Ethiopia vào thời điểm tôi vẫn sống ở châu Âu. Dù rất nghèo nàn, đất nước đông Phi này có lịch sử lâu dài, thiên nhiên huy hoàng và vô vàn điểm tham quan đáng khám phá. Dân tộc Ethiopia là con người hiền lành và dễ gần, có tóc xoăn và nước da màu sô cô la, họ có tinh thần cởi mở, yêu đời và có sự hiểu biết rộng về thế giới và có trình độ tiếng Anh khá tốt.

Họ rất tự hào về đất nước mình và hay đề cập đến việc Ethiopia là trong những vùng đất cổ nhất mà con người từng sinh sống và cũng là quốc gia châu Phi duy nhất (bên cạnh Liberia) giữ vững được chủ quyền, chưa từng bị các cường quốc châu Âu làm thuộc địa.

Trong khi tôi thấy ẩm thực Ethiopia khá nhạt nhẽo, thì cà phê của đất nước này thực sự là một đặc sản thế giới, hương vị tuyệt ngon của nó rất đậm đà và không giống cà phê của bất kỳ nước nào khác. Lý do là người Ethiopia trồng cà phê ở núi cao và pha chế cà phê theo những phương pháp rất đặc trưng.

Chúng ta đều biết rằng Ethiopia là quê hương của cây cà phê (từ ''cà phê'' có lẽ bắt nguồn từ Kaffa, tên của một tỉnh Ethiopia), và ngày nay cà phê có vai trò kinh tế rất cao với tầm 60% của nguồn thu nước ngoài và tạo ra nguồn thu nhập cho tầm mười lăm triệu người dân.

Tôi đã du lịch ở Ethiopia theo phong cách tự túc trong thời gian ba tuần, khám phá những phong cảnh hùng vĩ, kết bạn với người dân, đi lang thang qua những vùng quê cực nghèo khổ với những ngôi nhà bằng tre hay bùn, di chuyển bằng những xe khách cũ kĩ xiêu vẹo và quan sát qua cửa kính những trẻ con trần truồng vất vưởng bên con đường đầy bụi bặm...

Tuy cuộc sống tại Ethiopia vô cùng khó khăn vất vả, tôi đã cảm thấy mình khá an toàn và mối nguy hiểm lớn nhất mà tôi đã phải đối mặt là những bệnh vùng nhiệt đới sốt rét và sốt vàng. Do vậy, tôi đã phải cảnh giác đề phòng tránh muỗi đốt và luôn mang theo thuốc tránh muỗi như một vũ khí sinh tử.

Điểm đến cuối cùng của tôi ở Ethiopia và đồng thời là lý do chính vì sao tôi tới châu Phi nằm ở một thung lũng hẻo lánh ở rìa tây nam đất nước, cách thủ đô Addis Ababa hai ngày bằng xe. Thung lũng Omo là nơi sinh sống của những bộ lạc nguyên thủy cuối cùng của đất nước này. Tôi đi xe khách đến thị trấn Jinka, điểm cuối của đường nhựa.

Tại đấy tôi kết bạn với hướng dẫn viên địa phương tên là Andu. Xuất thân từ bộ lạc Ari, Andu dẫn tôi tới những ngôi làng biệt lập trong vùng núi xung quanh Jinka bằng xe máy hay bằng cách nhờ xe. Chúng tôi bắt gặp những người bộ lạc Ari, Bana, Bodi trồng chuối, xoài, cà phê, ngô và sống một cuộc sống đạm bạc, thiếu thốn. Tôi cũng thấy những trẻ em còi xương bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng...

Andu rất rành thung lũng Omo và hình như quen biết mỗi người chúng tôi gặp. Buổi tối, Andu giới thiệu tôi với bạn bè và dẫn tôi dạo chơi quanh thị trấn, kể về cuộc sống hàng ngày của người dân. ''Lương trung bình của người Jinka là hai mươi lăm đô la'', Andu kể.

Tôi thấy ngỡ ngàng khi giao tiếp với người dân tại đây: dù rất nghèo khổ, họ có đầu óc hiểu biết và tinh thần cởi mở, tư tưởng hiện đại đến kinh ngạc. Thực lòng, tôi thấy rất may mắn vì làm quen với một người tháo vát, thông minh như Andu. Andu đã đưa tôi tới nơi là đỉnh điểm của toàn bộ chuyến đi này và đồng thời là một trong những trải nghiệm đặc biệt, khó quên nhất trong đời tôi: nơi sinh sống của bộ lạc chiến tranh Mursi.

Chúng tôi xuất phát từ Jinka bằng xe máy và đi thông qua vườn quốc gia Mago, bắt gặp những động vật hoang dã như khỉ hay ngựa vằn bên đường. Thời tiết nóng nắng gay gắt, khô cằn. Hai tiếng sau, chúng tôi tới ngôi làng của bộ lạc Mursi. Đó là một khoảnh khắc mà tôi sẽ không bao giờ quên.

Chỉ trong một chốc lát, tôi được bao quanh bởi hai chục đàn ông Mursi có vẻ nguyên thủy và hoang dã đúng theo cách ta tưởng tượng những thổ dân da đen: họ có vóc dáng cao và khỏe mạnh, trông khá hung hãn, đáng sợ. Quần áo duy nhất mà đàn ông mặc là những chiếc khăn màu tím, còn phần lớn phụ nữ và trẻ em chẳng mặc gì cả. Đa phần đàn ông cạo đầu, đeo dải băng đầu và cầm giáo, vũ khí truyền thống của họ (nhưng tôi cũng thấy một vài chiếc súng AK-47).

''Achal-ha'', Andu chào mọi người bằng ngôn ngữ bản địa rồi mời tôi ngồi xuống và ăn trưa với họ.

Lúc đó tôi cảm thấy vô cùng bỡ ngỡ, ngượng nghịu! Tôi đã từng đi rất nhiều nơi trên thế giới và gặp nhiều dân tộc, nhưng hôm nay là lần đầu tiên tôi ngồi và ăn cùng những người nguyên thủy sống hoàn hoàn tách biệt với thế giới văn minh, là những đại diện cuối cùng của thời kỳ đầu của lịch sử loài người hàng ngàn năm trước.

Vì cảm giác bỡ ngỡ, tôi chỉ cúi đầu nhìn xuống đất, không đủ tự tin để nhìn vào mắt họ và ''bắt chuyện'' với họ (tôi thậm chí không biết liệu họ hiểu được ngôn ngữ cơ thể phổ thông của con người). Họ chìa cho tôi bữa ăn của họ, là bát cháo bắp cải gì gì đó. Tôi ăn một vài miếng bằng ngón tay: cháo hơi hôi nhưng tôi không dám từ chối.

Sau đó, tôi ngước nhìn lên và thấy khoảng mười lăm đàn ông, trẻ em đang nhìn chằm chằm vào tôi, vẻ mặt nghiêm túc. ''Ngôi làng có bao nhiêu người dân'', tôi hỏi Andu để rũ bỏ cảm giác sợ hãi. ''Ba trăm'', Andu trả lời. Sau đó họ hỏi Andu tên tôi là gì và cậu ta trả lời ''Marko''. Họ nhắc lại ''Marko'' mấy lần và cười vẻ thích thú. Một gã Mursi thậm chí khoác vai tôi.

Sau một thời gian tôi hết sợ và bắt đầu cảm thấy thoải mái hơn. Tôi cố gắng giao tiếp với họ bằng ngôn ngữ cơ thể, chơi đùa với trẻ em. Dù đang chứng kiến một cảnh tượng hết sức phi thường, tôi cố tình không rút máy ảnh để chụp ảnh vì biết điều đó sẽ phá vỡ liên kết mà tôi cố gắng xây dựng với họ. Bởi phải nói rằng bộ lạc Mursi đã trở nên khá nổi tiếng nên họ đón nhận khá nhiều du khách: những nhóm khách đến bằng xe SUV, dồn dập chụp nhiều ảnh đẹp kỳ lạ rồi đi về như thể họ tham quan những động vật lạ ở một khu dã sinh.

Sau một thời gian, người Mursi đã hiểu rằng du khách chủ yếu quan tâm đến ngoại hình ''lạ'' và rất ăn hình của họ và đến nơi này để chụp ảnh đẹp, cho nên họ đã bắt đầu thu phí từ mỗi bức ảnh mà du khách chụp. Họ thậm chí cố tình vẽ cơ thể mình và mặc những vật trang sức một cách thái quá để làm mình ăn ảnh hơn. ''Photo, money'', họ giục tôi. ''Ale-hale'', tôi lắc đầu, lẩm bẩm nói, có nghĩa là ''sau này nhé''. Tôi muốn giao tiếp và kết nối họ, đối xử với họ như con người đáng tôn trọng thay vì chỉ coi họ như một đồ trang trí kỳ lạ mà thôi.

Tôi cố gắng hết mình để tỏ ra thân thiện và tôn trọng. Tôi thử dạy họ đếm bằng tiếng Anh đến số mười hay nhờ Andu giúp tôi dịch mấy câu hỏi về cuộc sống hàng ngày của họ. Trong khi đó, tôi vẫn dè dặt trước các phụ nữ vì không biết phải đối xử với họ thế nào theo văn hóa người Mursi. Phải công nhận, phụ nữ Mursi trông khá đáng sợ.

Nửa trần truồng, cạo đầu và đeo một chiếc đĩa lớn gắn ở môi. Phụ nữ Mursi đeo đồ vật trang trí này từ thời dậy thì để chứng tỏ địa vị và làm mình hấp dẫn hơn. Đồng thời, ''địa môi'' này là đặc điểm dễ nhận biết nhất khiến bộ lạc Mursi nổi tiếng trên khắp thế giới.

Trong mắt tôi, bộ tộc Mursi là những người tự tin và tự hào, đáng nể và thậm chí chút hung hãn. Theo truyền thống, đàn ông Mursi hay đấu với nhau bằng giáo trong những trận đấu tay đôi để thể hiện lòng dũng cảm của mình trước những nàng dâu tương lai. Tôi có cảm giác người Mursi không thích du khách đến thăm. Andu đã làm hướng dẫn viên từ thời du khách chỉ mới bắt đầu thăm bộ lạc Mursi.

''Thoạt đầu người Mursi chạy trốn khi thấy khách du lịch'', Andu kể cho tôi. ''Nhưng sau đó khách du lịch bắt đầu mang cho họ kẹo, và họ dần hiểu rằng họ có thể có thể kiếm lợi từ các nhóm du lịch nên bắt đầu tính chi phí cho 'vé vào cửa' và các bức ảnh.

Thế nhưng, sự tiếp xúc của họ với người văn minh chỉ mang tính giao dịch mà thôi''. ''Nếu như vậy thì cậu có nghĩ rằng lối sống truyền thống của người Mursi bị đe dọa không?'' ''Có chứ'', Andi trả lời ngay lập tức. ''Không chỉ vì các nhóm du lịch. Ngôi làng của họ nằm cách thị trấn Jinka chỉ mấy chục kilômét. Người Mursi đến thị trấn ngày càng nhiều để mua bán.

Thi thoảng họ thậm chí chỉ ăn mặc quần áo và nói ngôn ngữ phổ thông. Tệ hơn nữa, chính phủ đang xây một đập thủy điện và nhà máy đường lớn trong thung lũng Omo có nghĩa nơi này sẽ thu hút nhiều lao động. Người Mursi càng tiếp xúc với người bên ngoài, nếp sống nguyên thủy của họ càng bị xáo trộn bởi họ có thể bị cám dỗ bởi những tiến bộ của người hiện đại và dần từ bỏ lối sống và văn hóa truyền thống của họ”.

Những lời đó khiến tôi rất lo lắng. Một vài bộ tộc của thung lũng Omo đã biến mất rồi sau khi bị đồng hóa với những bộ tộc xung quanh. Tôi sợ rằng chính phủ, các tổ chức phi chính phủ hay các nhóm du lịch sớm muộn sẽ bắt đầu can thiệp vào cuộc sống của các bộ lạc nhằm ''giúp đỡ'' hay ''giáo hóa'' họ. Điều này có nguy cơ làm mất đi bản sắc văn hóa vô cùng đẹp đẽ và tinh khiết của họ. Và nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là một sự mất mát lớn của nhân loại.

Chúng tôi rời khỏi ngôi làng của người Mursi vào buổi tối. Tôi ngồi trên yên xe và nhìn lại về phía họ, vẻ mặt thâm trầm.

Nhà văn Marko Nikolic (nguyên tác tiếng Việt)
.
.