Đất nước chẳng ai biết có bao nhiêu người sinh sống

Thứ Ba, 09/06/2020, 11:43
Gần 2 thập niên qua, không một ai biết chính xác Cộng hòa Macedonia - quốc gia thuộc bán đảo Balkan hiện có bao nhiêu dân cả.

Trước dự báo GDP tăng trưởng âm 4% trong năm 2020, chính phủ nước Cộng hòa Bắc Macedonia (trước đây là Cộng hòa Macedonia) đã lên kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên việc này vấp phải trở ngại khó khăn ngay từ bước đầu tiên. Gần 2 thập niên qua, không một ai biết chính xác quốc gia thuộc bán đảo Balkan hiện có bao nhiêu dân cả.

Sai lệch lớn trên giấy tờ

Chính phủ Bắc Macedonia chính thức công bố dân số của quốc gia này theo thống kê trong năm ngoái là 2,08 triệu người. Tuy nhiên con số thực tế có thể thấp hơn rất nhiều. 

Ông Apostol Simovski, Giám đốc Tổng cục Thống kê quốc gia giãi bày cơ quan ông không biết làm cách nào để đưa ra số liệu chính xác về dân số Bắc Macedonia. "Cá nhân tôi cho rằng hiện Bắc Macedonia chỉ có khoảng 1,5 triệu dân, nhưng tôi không thể chứng minh chuyện đó. Không có căn cứ khoa học nào", Simovski nói.

Nếu ước tính của ông chính xác, dân số thực tế của Bắc Macedonia đang thấp hơn số liệu trên giấy tờ đến 27,5%. Một nhà kinh tế học nổi tiếng tại quốc gia này, ông Izet Zeqiri lại không đồng tình với Simovski. 

Tuy nhiên ngay cả Zeqiri cũng không thể đưa ra một con số cụ thể nào về dân số tại đất nước ông đang sinh sống. Ông cho rằng nó dao động trong khoảng 1,6 đến 1,8 triệu người. Tương tự Simovski, Zeqiri cũng không đưa ra được cơ sở nào cho tính toán của ông.

Thông tin duy nhất liên quan đến dân số mà các nhà thống kê tại Bắc Macedonia có thể tính toán chính xác là số người sinh ra và chết đi hàng năm tại quốc gia này. Tuy nhiên điều đó không thể giúp họ ước tính đúng mức thay đổi số dân so với mức 2,02 triệu người được đưa ra vào năm 2002. 

Nhà kinh tế học Verica Janeska nhận định sự khác biệt lớn giữa dân số trên giấy tờ và trong thực tế có thể làm thay đổi hoàn toàn đánh giá về tổng quan nền kinh tế tại Bắc Macedonia.

Hiện tại quốc gia này được nhìn nhận như một nền kinh tế đang phát triển với mức thu nhập trung bình và tỷ lệ người nghèo cao. Nếu dân số Bắc Macedonia chỉ ở mức 1,5 triệu dân như Simovski ước tính, họ sẽ thành nước có thu nhập trung bình khá và tỷ lệ hộ nghèo thấp. 

Tuy nhiên đó chỉ là những thông tin lạc quan hiếm hoi trong cuộc khủng hoảng nhiễu loạn thông tin dân số tại Bắc Macedonia thời điểm hiện tại. Vậy đâu là nguyên nhân khiến chính phủ Bắc Macedonia không thể biết chính xác có bao nhiêu người dân đang sinh sống và làm việc tại quốc gia mình?

Dân số thực tế của Bắc Macedonia có thể thấp hơn 25% so với ước tính.

EU mang tiếng oan

Cuộc tổng điều tra dân số gần nhất tại Bắc Macedonia được tiến hành vào năm 2002. Nỗ lực thực hiện điều tương tự sau đó một thập niên nhanh chóng thất bại bởi một nguyên nhân không ai ngờ tới: Liên minh châu Âu (EU). Năm 2007, quốc gia láng giềng với Bắc Macedonia là Bulgaria chính thức trở thành thành viên của EU. Ngay lập tức, 81 ngàn người Bắc Macedonia sở hữu hộ chiếu Bulgaria có thể tự do đi lại khắp châu Âu.

Hệ lụy sớm nảy sinh khi cuộc tổng điều tra dân số 2011 của Bắc Macedonia lâm vào ngõ cụt. Những người làm thống kê tại Bắc Macedonia không thể lần ra được tung tích của những người bản xứ đã di cư. Họ có thể là người Bắc Macedonia trên giấy tờ nhưng lại mang quốc tịch của một quốc gia khác và đang sinh sống ở đó. Để cải thiện tình hình, các chính trị gia tại Bắc Macedonia từng lên tiếng kêu gọi người dân tự giác kê khai các thành viên trong gia đình đang sống và làm việc ở nước ngoài.

Nỗ lực này chẳng được mấy người hưởng ứng bởi không ít dòng họ đã rời Bắc Macedonia từ lâu và họ không hề muốn về nước chỉ để khai báo di chuyển. Cuộc tổng điều tra dân số tiếp theo dự kiến được tiến hành vào tháng 4 năm nay vừa bị hoãn lại bởi dịch COVID-19. Những con số ước tính chỉ mang giá trị tham khảo bởi thực tế có thể khác xa suy đoán của những nhà thống kê. Có hàng chục ngàn người Bắc Macedonia đang làm việc ở châu Âu nhưng họ chỉ trình hộ chiếu Bulgaria với chính quyền sở tại.

Ông Edmond Ademi, Ngoại trưởng Bắc Macedonia cho biết trong một chuyến thăm Malta, ông ước tính người dân Bắc Macedonia sống ở đây cao gấp 4-5 lần so với con số trên giấy tờ. Nếu đó thực sự là điều đang diễn ra ở một quốc đảo có diện tích chưa bằng một nửa... đảo Phú Quốc, số liệu thực tế về người Bắc Macedonia ở những nước khác nhưng không khai báo sẽ còn cao hơn rất nhiều. Simovski hoàn toàn có lý do khi ước tính gần 600 ngàn người mang quốc tịch Bắc Macedonia không còn can hệ gì đến quê cha đất tổ nữa.

Cộng đồng người Bắc Macedonia ở nước ngoài còn đông hơn cả dân trong nước.

Hệ lụy xấu

"Chính phủ không thể đưa ra một chính sách kinh tế khả thi nào nếu không biết chính xác số dân đang sinh sống và làm việc tại quốc gia mình", bà Janeska đặt vấn đề. Lấy ví dụ với 800 ngàn người dân dễ tổn thương vì dịch COVID-19, chính phủ Bắc Macedonia quyết định tung ra gói kích cầu trị giá 2 tỷ USD hỗ trợ nhóm người này. 

Tuy nhiên thực tế chỉ có khoảng 600 ngàn người cần hỗ trợ, và gói kích cầu trên sẽ dôi ra 500 triệu USD so với tính toán. Số tiền không sử dụng đến này sẽ gây ra lạm phát, biến kinh tế Bắc Macedonia lâm vào khủng hoảng kép.

Nhóm người dễ bị tổn thương trước dịch bệnh tại quốc gia Nam Âu này, vốn chiếm đến 40% dân số, sẽ càng chịu tác động nặng nề hơn từ dịch bệnh và nền kinh tế suy thoái. Ở đối tượng là hộ gia đình, những con số được thống kê sai lầm có thể làm một vài quyết sách... sai ngay từ khâu ban hành. 

Hậu quả là trong năm 2019, Bắc Macedonia lần đầu tiên ghi nhận tỷ lệ sinh âm. Đó là hậu quả đến từ việc chính phủ ước tính mỗi phụ nữ Bắc Macedonia sinh 1,42 con nên không khuyến khích người dân sinh nở, dù con số thực tế có thể chỉ vào khoảng 0,92.

Một vài lĩnh vực mũi nhọn của kinh tế Bắc Macedonia cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc thống kê dân số sai. Chính phủ quốc gia này không tính đến luồng lao động dịch chuyển ra những nước EU, thế nên họ không hỗ trợ những doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh. Bắc Macedonia đang thiếu hụt trầm trọng lao động ở những lĩnh vực công nghệ thông tin, bán lẻ, dịch vụ du lịch, y tế và xây dựng. Thay vì làm việc ở trong nước, họ có xu hướng đi sang những quốc gia như Malta làm việc trong mùa du lịch bởi thu nhập cao hơn.

Hậu quả đã hiển hiện ngay trước mắt Bắc Macedonia. Họ được đánh giá là một trong những quốc gia có môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất nhưng nền kinh tế lại phát triển ì ạch. Tăng trưởng GDP trong 2 năm gần nhất lần lượt chỉ ở mức 2,7% và 3,6% cùng cán cân thanh toán âm. Các doanh nhân Bắc Macedonia đổ vốn sang kinh doanh ở các quốc gia khác ngày càng nhiều vì không thể thuê được lao động bản xứ làm việc với mức lương phải chăng.

Thống kê chính xác số dân đang sinh sống và làm việc tại quốc gia này là yêu cầu bắt buộc nhưng lại bất khả thi với những người làm kinh tế. Nếu tình trạng trên tiếp tục xảy ra, Bắc Macedonia có thể lâm vào một cuộc đại suy thoái bất cứ lúc nào. Tệ hơn cả là cánh cửa gia nhập EU trong tương lai của họ ngày càng xa vời bởi Đức không còn muốn làm "ông anh cả" hỗ trợ những nước kém phát triển hơn nữa, nhất là sau khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu.

Dân ngoài nước đông hơn trong nước

Tổ chức có tên Cộng đồng Liên hiệp Người Macedonia cho biết hiện tại có khoảng 1,65 triệu người gốc Bắc Macedonia và hậu duệ của họ đang sinh sống ở khắp nơi trên thế giới. Họ chủ yếu định cư tại Mỹ (500 ngàn người), Australia (300 ngàn), Canada (250 ngàn) và EU (600 ngàn). Con số này lớn hơn rất nhiều so với ước tính của Liên Hợp Quốc (658 ngàn người) và Ngân hàng Thế giới (500 ngàn người).

Ngoài ra còn có một lượng lớn người gốc Bắc Macedonia chưa được thống kê hiện sinh sống ở Thessaloniki, thành phố lớn thứ hai của Hy Lạp. Số người Bắc Macedonia di cư sang châu Âu dưới hộ chiếu Bulgaria suốt 13 năm qua cũng chưa được tính đến. Ban đầu người gốc Bắc Macedonia đến Italia hoặc Pháp làm việc, nhưng gần đây họ lại tiếp tục di cư đến Đức, Áo, Thụy Sĩ và vài nước Bắc Âu.

Ngoài Bắc Macedonia, một vài quốc gia thuộc Nam Tư cũ cũng chứng kiến tình trạng dân số giảm sút trầm trọng vì di cư sang các nước thuộc khối EU trong những năm gần đây. Serbia cho biết họ mất 8% dân số trong 30 năm qua, con số này ở Croatia là 9%. Tuy nhiên chừng đó chẳng thấm vào đâu so với Bulgaria, quốc gia chứng kiến mức sụt giảm dân số tới 21% kể từ đầu thập niên 90.

Hải Sơn
.
.