Cuộc chiến 5G

Thứ Ba, 25/12/2018, 10:58
Có thể nói, sự ra đời của 5G cùng với sự bùng nổ về số lượng thiết bị IoT (Internet vạn vật) được đánh giá là một cuộc cách mạng số hóa của thời đại mới.

Intertnet di động thế hệ thứ năm được mong đợi sẽ là một nền tảng kết nối không dây trên toàn cầu, cho phép người sử dụng truy cập Internet xuyên suốt mà không gặp phải các rào cản hay giới hạn nào về mặt không gian và thời gian. 

Tuy nhiên, khi tiến gần hơn đến một thế giới siêu kết nối với cơ sở hạ tầng 5G, các thách thức cùng mối đe dọa an ninh mạng chắc chắn cũng gia tăng.

Cuộc đua hoàn toàn mới

Hiện nay, công nghệ 5G đang được xem là xu hướng công nghệ tương lai của hệ thống thông tin quốc tế. Với sự hỗ trợ đa dạng các nền tảng, người dùng có thể kết nối cùng lúc với nhiều thiết bị qua mạng không dây và dễ dàng chuyển đổi qua lại một cách nhanh chóng mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào.

5G đang được xem là xu hướng công nghệ tương lai của hệ thống thông tin quốc tế, tạo ra một nền tảng kết nối không dây trên toàn cầu.

Tại Thế vận hội Mùa Đông Olympic Pyeongchang 2018 (Hàn Quốc), những màn trình diễn và trải nghiệm với sự hỗ trợ của phiên bản sơ khai của 5G đã cho phép các chương trình phát sóng HD từ các máy quay trực tiếp trong các cuộc thi trượt tuyết với tốc độ lên đến 150km/h. 

Điều này cho thấy một minh chứng rõ nét về tiềm năng của công nghệ 5G trong việc giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi và mọi vật.

Nhiều chuyên gia miêu tả 5G như bước đệm cho sự phát triển lớn mạnh của IoT cũng như các thiết bị được tích hợp khả năng kết nối Internet, bởi mạng di động thế hệ 5 này dự kiến cho tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn khoảng 100 lần so với chuẩn 4G phổ biến hiện nay.

Ngoài ra, 5G được thiết kế để có khả năng mở rộng, linh hoạt và hiệu quả trong việc tiêu thụ điện năng để duy trì được kết nối Internet ở trạng thái ổn định nhất. Một điểm khá thú vị nữa là 5G có thể hỗ trợ streaming video 4K thời gian thực trên thiết bị di động. Các thiết bị đeo cũng được nâng tầm nhờ siêu tốc độ và công nghệ ưu việt của 5G.

Theo dự đoán, 5G sẽ là mảnh đất màu mỡ cho thực tế ảo, thực tế tăng cường, các ứng dụng theo thời gian thực. Công nghệ 5G có thể giúp người dùng xem mọi thứ với một góc 360º trong thời gian thực, tức là không có độ trễ, khi dữ liệu đã được chuyển tới kính thực tế ảo chỉ trong vòng vài mili giây. Với những ưu điểm nổi trội như vậy, công nghệ 5G hứa hẹn sẽ là một ngành kinh doanh đầy triển vọng.

Dự báo tới năm 2020, toàn thế giới sẽ có khoảng 1,5 nghìn tỷ USD được đầu tư vào công nghệ này. Hiện Liên minh viễn thông quốc tế đã đặt kế hoạch nghiên cứu về tiêu chuẩn công nghệ 5G và dự kiến sẽ thông qua tiêu chuẩn chính thức cho công nghệ này trong giai đoạn 2019-2020.

Trong bối cảnh này, cuộc đua phủ sóng 5G của các nhà mạng, cũng như cuộc chiến sản xuất ra những thiết bị hỗ trợ công nghệ 5G, càng trở nên cam go hơn. 

Kể từ đầu tháng 12 tới nay, những thông tin xung quanh 5G đang khiến làng công nghệ thế giới đi từ chú ý đến “sục sôi” khi các công ty lớn như Qualcomm, AT&T, Verizon và Samsung Electronics đã công bố một loạt kế hoạch ra mắt thiết bị 5G vào đầu năm tới.

Qualcomm Snapdragon X50 là modem 5G dự kiến sẽ xuất hiện bên trong Snapdragon 855, và sẽ là SoC 7nm FinFET đầu tiên của ông lớn này. Bên cạnh đó, chiếc Galaxy S10 của Samsung rất có khả năng sẽ là chiếc điện thoại flagship đầu tiên được trang bị modem 5G.

5G cho phép nhiều kết nối hơn nên khả năng thu hút sự chú ý từ tội phạm mạng sẽ tăng lên đáng kể.

Mới đây, Samsung Electronics cho biết họ đã đạt được tốc độ kết nối và truyền dữ liệu từ mạng 5G lên tới 1,7Gb/giây, với sự kết hợp giữa dịch vụ kết nối không dây Spectrum của Verizon và chip modem Snapdragon X50 5G của Qualcomm. Đó là kết quả thử nghiệm cao nhất, nhưng ngay cả mô hình thế giới thực của Qualcomm cũng cho thấy một bước nhảy ấn tượng với tốc độ đường truyền khoảng 490Mb/giây - vượt trội hơn so với tốc độ 20 Mb/giây đến 50 Mb/giây của các mạng 4G LTE ngày nay.

Chỉ riêng Apple tỏ ra “thờ ơ” với cơn sốt 5G và thông báo sẽ không có mẫu iPhone 5G nào cho đến ít nhất là năm 2020. Giới quan sát cho rằng đây là một bước đi khôn ngoan khi nền tảng phục vụ công nghệ 5G còn trong giai đoạn sơ khai.

Trong cuộc đua triển khai thế hệ mạng di động 5G, Trung Quốc và Mỹ đang là những nước đầy tiềm năng. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) lại đang bị tụt lại phía sau mặc dù đã cam kết dành 800 triệu USD cho nghiên cứu công nghệ 5G để đảm bảo vai trò đi đầu của châu Âu trong các lĩnh vực viễn thông.

Ngoài ra, giới quan sát dự báo công nghệ 5G sẽ phát triển mạnh mẽ ở Hàn Quốc và Nhật Bản. Các nhà khai thác viễn thông này đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống hạ tầng. Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố đầu tư ít nhất 1,5 triệu USD để lắp đặt mạng 5G hoàn chỉnh, và kỳ vọng sẽ có thể được thương mại hóa vào cuối năm 2020.

Thách thức 5G

5G hiện là từ khóa gây sốt. Tuy nhiên, giới quan sát dự báo công nghệ này cùng các thiết bị sử dụng mạng 5G sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai. Các mạng 5G ban đầu sẽ có vùng phủ sóng trên một khu vực hạn chế, trong khi các thiết bị sẽ không có hiệu năng pin hay dung lượng bộ nhớ hiệu quả như những mẫu 4G đã hoàn thiện. 

Vì vậy, những trải nghiệm đầu tiên mà người dùng sẽ nhận được từ công nghệ mới “bỏng tay” là thời lượng pin cạn kiệt nhanh chóng trên một thiết bị mạnh hơn bình thường.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đa dạng nhiều nền tảng thiết bị, dịch vụ và ứng dụng sử dụng những băng tần khác nhau còn là một thách thức đang chờ đón 5G.

Theo các chuyên gia, cần phải giải quyết vấn đề làm thế nào để tạo ra các kiến trúc mạng có thể gia tăng được lượng dữ liệu truyền tải cao hơn và các tốc độ truyền tải dữ liệu cần thiết để có thể chứa được nhiều người dùng hơn trên hệ thống mạng. Điều này là cần thiết trong bối cảnh số lượng các thiết bị thông minh sẽ tăng một cách chóng mặt, với khoảng hơn 50 tỷ thiết bị IoT được kết nối với mạng di động cho đến năm 2020.

Khi ấy, hàng tỷ các ứng dụng được kích hoạt và luôn ở trạng thái hoạt động, với lượng dữ liệu cần chia sẻ cao gấp 1.000 lần, đặt ra yêu cầu gia tăng tốc độ truyền tải nhanh hơn từ 10 đến 100 lần tốc độ hiện nay.

Đáng lo ngại hơn, Cơ quan An ninh mạng châu Âu (ENISA) cảnh báo mạng di động 5G có tốc độ siêu nhanh sẽ kéo theo nguy cơ rất cao bị tấn công mạng. 

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban châu Âu (EC) cùng chính phủ các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) cam kết tham dự vào cuộc đua nhằm triển khai mạng 5G nhanh nhất có thể, đồng thời thúc đẩy các nhà mạng viễn thông đầu tư hàng tỷ USD cho công nghệ mới này.

Các công ty lớn như Qualcomm và Samsung Electronics đã công bố một loạt kế hoạch ra mắt thiết bị 5G vào đầu năm tới.

Theo lý giải, vì 5G cho phép nhiều kết nối hơn nên khả năng thu hút sự chú ý từ tội phạm mạng sẽ tăng lên đáng kể. Thiết bị IoT sẽ dễ bị tấn công theo hai cách, do lỗ hổng trên chính các thiết bị, và do các mạng botnet vượt ra ngoài các thiết bị, ảnh hưởng đến cả các hệ thống điều khiển thông minh chứ không chỉ trộm cắp danh tính hay gian lận thẻ tín dụng.

ENISA yêu cầu sự thận trọng trước bất cứ chính sách nóng vội nào liên quan đến 5G. Theo ENISA, phần lớn các nhà mạng chỉ áp dụng những biện pháp an ninh tối thiểu như bảo vệ đường truyền để ngăn chặn những kẻ tấn công. Ngoài ra, các thỏa thuận về thông tin vô tuyến hiện nay được xây dựng không dựa trên tầm nhìn về an ninh, và điều này khiến cho việc đảm bảo an toàn trở nên gần như bất khả thi.

Trong khi các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư những khoản tiền khủng vào các hệ thống mới, ENISA lại mong muốn rằng EC sử dụng quỹ công cộng tài trợ cho lĩnh vực tư nhân để phát triển các công cụ bảo vệ hợp lý, đồng thời thiết lập những nguyên tắc mới nhằm bắt buộc các doanh nghiệp phải tôn trọng các biện pháp an ninh. 

Cơ quan này cũng nhận định cần phải có những yêu cầu về an ninh chung trên cấp độ EU để buộc các nhà cung cấp viễn thông bổ sung vào những nội dung về bảo mật và cảnh báo trong tương lai.

Lê Nam
.
.