Thị trường viễn thông di động:

Cuộc chạy đua công nghệ

Thứ Năm, 14/02/2008, 15:00
Năm 2007 đã đánh dấu sự tăng trưởng mạnh của viễn thông và Internet, phát triển mới 19,52 triệu máy điện thoại, nâng tổng số máy điện thoại lên 46,94 triệu thuê bao, đạt mật độ 55,52 máy/100 dân.

Doanh thu công nghiệp điện tử, thiết bị viễn thông đạt 2.460 triệu USD, tăng 17% so với năm 2006. Công nghiệp phần cứng đạt tốc độ tăng trưởng 25%/năm, doanh thu 620 triệu USD, công nghiệp phần mềm tăng 43%, đạt 483 triệu USD, trong đó xuất khẩu là 180 triệu USD. Công nghiệp nội dung số đạt 180 triệu USD, tăng 58% (số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông - (TT và TT).

Ngay từ những ngày đầu của năm 2008 câu chuyện cơ chế đã bị công nghệ lấn lướt hơn cho dù nó vẫn là cặp bài trùng song hành, công nghệ chờ cơ chế, cơ chế tạo công nghệ.

Mở hàng cho sự nóng lên của câu chuyện công nghệ là khi GTel (liên doanh của Công ty Vimpelcom - Nga với một tổng công ty của Bộ Công an) xin giấy phép cung cấp dịch vụ mạng 3G.

Tại cuộc đối thoại trực tuyến mới đây, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết: Hiện GTel đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc để tham gia vào thị trường viễn thông Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nếu các công ty nước ngoài muốn tham gia thị trường Việt Nam phải thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp.

Bộ chưa có thông tin cụ thể Vimpelcom sẽ tham gia dưới hình thức nào nhưng sẽ phải tuân theo đầy đủ quy định của pháp luật về cấp phép.

Nếu doanh nghiệp này đáp ứng các điều kiện cấp phép về tài nguyên viễn thông theo đúng quy hoạch sẽ được Bộ xem xét cấp phép. Tuy nhiên, nếu bỏ qua các văn bản pháp lý thì vấn đề tần số sẽ là bài toán khó.

Theo giới công nghệ hiện chỉ còn một dải tần số cho dự phòng quốc gia, và như vậy khó lòng mà cấp cho GTel được. Cùng đó, cuộc chạy đua đến 3G đã sục sôi hơn bao giờ hết.

Bắt đầu từ bài phát biểu của Phó TGĐ Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) - Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ tổng kết năm 2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, ông Hùng nhấn mạnh rằng: Để người dân sớm tiếp cận được dịch vụ tốt hơn, các doanh nghiệp nên tạo ra gói dịch vụ có giá phù hợp như Tomato của Viettel chỉ với 10.000 đồng đã sử dụng được dịch vụ.

Ông Hùng đưa con số so sánh mức cước di động 2.000 đồng/phút hiện nay thị trường VN vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình từ 500-600đồng/phút của các thị trường khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan…

Vì vậy, nếu muốn đạt tốc độ phát triển di động phổ cập đến người dân lên tới 80% vào năm 2010 thì Bộ TT và TT cần có các chính sách thúc đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của thuê bao di động cho nhiều người dân có thể sử dụng được dịch vụ hơn.

Quan trọng nhất,  Phó TGĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Bộ nhanh chóng cấp phép công nghệ 3G nhằm phát triển nhanh và có hiệu quả mạng viễn thông, đặc biệt là Internet băng rộng trên cả nước.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đưa ra các kiến nghị về cơ chế phát triển nguồn lực cũng như chỉ số về chất lượng, đồng thời kiến nghị có quy hoạch của Bộ về việc dùng chung hạ tầng cơ sở mạng của các doanh nghiệp.

Trước những vấn đề đang đặt ra như sử dụng chung cơ sở hạ tầng và cấp phép 3G, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT và TT) cho biết: Dự kiến đầu tháng 2, Bộ sẽ phát hồ sơ thi tuyển và sẽ cấp phép 3G trong quý II-2008. Việc thi tuyển này được tiến hành công khai minh bạch.

Vấn đề giảm cước năm 2008, ông Nguyễn Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính khẳng định, Bộ sẽ không định hướng một cách hành chính để đưa ra lộ trình giảm cước, mà phải được xây dựng trên đề xuất của các doanh nghiệp.

Bộ sẽ gửi văn bản cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp đưa ra các đề xuất về phương án cước của mình, sau đó Bộ sẽ tổng hợp và đưa ra lộ trình giảm cước chung cho thị trường năm 2008. Có vẻ như vậy đã suôn sẻ hơn cho thị trường nếu không có vụ sinh nhật buồn của HT Mobile.

Trước ngày kỷ niệm sinh nhật 1 tuổi của mình vào ngày 15/1, HT Mobile xin "khai tử công nghệ CDMA" cho mạng di động 092. Mặc dù với giới công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) sự kiện này không phải là quá bất ngờ đối với giới ICT mà được nhìn nhận như một sự tất yếu đã được tiên liệu sau những gì mà họ thể hiện gần 1 năm qua.

Nhưng, "cái chết" quá nhanh của HT Mobile (CDMA) - vào thời điểm phải còn đến vài ngày nữa mạng này mới tới kỷ niệm sinh nhật 1 tuổi - không khỏi khiến nhiều người ngỡ ngàng, và với các thuê bao của mạng này đó vẫn là một cú sốc.

Theo trả lời của Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, Bộ đang xem xét kiến nghị được chuyển từ công nghệ CDMA sang GSM của HT Mobile và "Bộ không phản đối việc doanh nghiệp chuyển từ công nghệ này sang công nghệ khác, miễn là việc làm đó không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và doanh nghiệp, cũng như không gây xáo trộn gì lớn cho thị trường". --PageBreak--

Tuy nhiên, thực tế là thị trường đã xáo trộn. Gần một năm trước, khi khai trương rầm rộ với những tuyên bố sẽ thu hút 1 triệu thuê bao mới năm 2007, người tiêu dùng đã hồ hởi đón nhận mạng di động út ít (đến thời điểm đó) với lòng tin rằng, mạng di động tiên tiến nhất, được đầu tư nhiều tiền nhất sẽ đem lại cho họ những dịch vụ chất lượng cao và giá thành hấp dẫn. Con số 1 triệu đã trở thành không tưởng. Nhưng với con số khoảng 200.000 thuê bao đã đặt niềm tin vào HT Mobile thì nay lâm vào cảnh không biết số phận số điện thoại của mình sẽ đi đến đâu?

Trả lời trên VTV mới đây của bà Trịnh Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội - đơn vị chủ quản mạng di động HT Mobile thì hai vấn đề mà người tiêu dùng băn khoăn nhất là thông tin bị gián đoạn và không sử dụng được thiết bị đầu cuối đã được HT Mobile tính đến.

HT Mobile khẳng định rằng thông tin sẽ không bị gián đoạn và sẽ có phương án đền bù thiết bị đầu cuối cho khách hàng nếu chuyển đổi sang hệ GSM.

Thương trường quyết liệt và tuy không gián đoạn thông tin nhưng do "chả biết tương lai mạng này thế nào" nên nhiều thuê bao cũ của HT Mobile đã chọn cách rời mạng.

Số thuê bao mới rất thưa vắng. Nhất là khi thị trường di động đang sôi sục khuyến mãi thì việc HT Mobile án binh bất động đợi công nghệ.

Thực trạng này khiến các đại lý, bạn hàng của HT Molbile lấy làm nản lòng và sự thưa vắng của người đăng ký mới đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của các đối tượng này.

Trở lại với HT Mobile, có nguồn tin họ đang đàm phán với S-Fone để hợp tác, tuy nhiên, điều đó còn đang trong vòng bí mật. Một phương án được giới ICT phỏng đoán là sẽ có thể có một mạng SH-Fone? Và giải pháp này có vẻ là hợp lý nhất khi 2 mạng này cùng một công nghệ CDMA.

Một giải pháp khác là thiết bị mạng của HT sẽ được "bán" cho S-Fone và mạng này chuyển sang GSM (nếu được phép). Về nguyên lý công nghệ thì việc HT chuyển dải tần số 800 đang sử dụng công nghệ CDMA sang GSM là "không có vấn đề gì".

Tuy nhiên, nếu quay lại thời điểm cấp phép thì có một thực tế hiển nhiên là giấy phép cấp cho mạng di động thứ 6 chính là do nó sử dụng công nghệ CDMA, nếu xin phép làm GSM, chưa chắc HT Mobile sẽ có giấy phép, như vậy sẽ không có mạng 092 và cũng không có việc chuyển đổi công nghệ như hiện nay.

Có nhiều nguyên nhân khiến HT không thành công, trong đó nhược điểm lớn nhất là thiết bị đầu cuối cho dù hiện nay thị trường đã có loại máy di động có khả năng tích hợp cả hai loại sim GSM và CDMA.

Tuy nhiên, điều này khi bắt đầu xin phép thành lập mạng không phải là HT Mobile không biết.

Vậy thì lý do gì họ vẫn "lạc quan" nghĩ rằng mình sẽ thành công khi xin giấy phép? Quả thật, nếu được chuyển đổi công nghệ, thì có thể nói HT Mobile đã đánh một con đường vòng rất hiệu quả cho chiếc giấy phép viễn thông thứ 6.

Làm một bài toán đầu tư thì họ hoàn toàn có thể hồi vốn bởi công nghệ GSM vẫn được thị trường Việt Nam và châu Á (trừ Nhật Bản và Hàn quốc) ưa chuộng. Nhất là lộ trình 3G của Việt Nam đã rất rõ ràng.

Chừng nào câu chuyện công nghệ chưa ngã ngũ thì hệ quả của kinh doanh đường vòng này sẽ còn ảnh hưởng đến người tiêu dùng và đến thị trường chung. Thêm một mạng GSM có nghĩa là cán cân của GSM và CDMA đã bị phá vỡ thế cân bằng như chủ trương ban đầu của ngành chủ quản. Một kịch bản tương tự sẽ tiếp diễn với SFone và EVN chăng khi mà tốc độ kinh doanh của họ đang ngày càng "tụt hậu" so với các mạng sử dụng GSM?

Một bài học kinh doanh "đau lòng" và "đau tiền" với không chỉ là nhà đầu tư mà còn với các nhà quản lý sẽ để lại nhiều hệ lụy với ngành ICT nói riêng và cả nền kinh tế nói chung mà vãn hồi vẫn chưa biết sẽ đi đến đâu?

VNPT kêu cơ chế, Viettel muốn sớm cấp phép 3G. Hai doanh nghiệp viễn thông lớn đã có bài phát biểu tại buổi tổng kết công tác năm 2007 của Bộ Thông tin và Truyền thông với hai nội dung khác nhau.

Trong khi VNPT kêu vì cơ chế đang hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp thì Viettel muốn Bộ sớm cấp phép 3G và có chính sách để đẩy mạnh việc phát triển thuê bao đến đông đảo người dân hơn nữa.

Ông Phạm Long Trận, Quyền Chủ tịch Hội đồng Quản trị của VNPT cho biết, từ ngày 1/1/2008, Bưu chính và Viễn thông của VNPT đã bóc tách để hạch toán riêng. Tuy nhiên cần có cơ chế rõ ràng cho Bưu chính để Bưu chính đến năm 2010 có thể hạch toán lấy thu bù chi và đến 2013 sẽ có lãi.

Các doanh nghiệp viễn thông và CNTT chủ lực của Bộ  cũng đã kiến nghị các vấn đề cần được tháo gỡ để thúc đẩy quá trình phát triển của ngành.

Cụ thể, CTHĐQT VNPT Phạm Long Trận đề xuất sớm có những giải pháp về: Cơ chế thu nhập của DN Nhà nước để tránh chảy máu chất xám; cơ chế thúc đẩy cho nền công nghiệp viễn thông và CNTT nội địa; cơ chế đầu tư tạo điệu kiện thu hút vốn và sớm đi vào thực tiễn

Hàn Phi
.
.