Công sở - Sân khấu vĩ đại cho bi kịch làm người?
Nhiều chuyên gia dự đoán rằng, hậu dịch bệnh, sẽ xảy ra một cuộc cách mạng không gian làm việc, trong đó con người sẽ thôi không đến sở làm nữa. Cứ coi điều đó là đúng, vậy thì cái chúng ta chuẩn bị chia tay là gì - phải chăng chỉ là một căn phòng bề bộn giấy tờ mà hằng ngày ta đến lúc đầu giờ sáng và về lúc cuối giờ chiều, hay còn một cái gì hơn thế?
Để nói về cái chết của văn phòng, thôi thì ta hãy bắt đầu bằng việc nói về sự ra đời của nó. Nghĩ về văn phòng, ta thường nghĩ đó là một cái gì đó rất mới mẻ và là phát minh của những người hiện đại nhưng nếu đã từng xem bức tranh Thánh Augustin trong phòng làm việc của danh họa Botticelli, bạn sẽ thấy một phòng làm việc từ thế kỷ 15 cũng có nét tương đồng với phòng làm việc ngày nay: một chiếc bàn nhỏ, một cái ghế, thêm giá đựng đồ, chỉ thiếu một chiếc máy tính mà thôi!
Bức tranh “Thánh Augustine trong phòng làm việc”. |
Căn phòng làm việc của thánh Augustine có lẽ đã là tiền thân của những văn phòng của hậu thế sau này - một nơi thâm nghiêm, không phải để đùa nghịch và người ngồi trong đó cắm cúi giải quyết những công việc của mình. Nhưng, điều mà thánh Augustine sẽ không ngờ được, rằng văn phòng, theo thời gian, không còn là đặc quyền của tầng lớp tinh hoa nữa, phòng làm việc trở thành phổ cập khi mà lao động trí óc cũng thành phổ cập và lao động trí óc giờ đây, trong nhiều trường hợp, cũng không có nghĩa là dùng trí óc để lao động.
Trong một tác phẩm thuộc bộ Tấn trò đời, đại văn hào Honoré de Balzac đã mô tả cuộc sống của một viên chức như thế này: “Tự nhiên, đối với một thư ký công vụ, thực chất là cái khối không gian của văn phòng; chân trời của anh ta ràng buộc cả bốn bề bởi những chiếc hộp xanh; với anh ta, những biến động khí quyển là luồng không khí từ dãy hành lang, là hơi thở ra của những người nam giới trong căn phòng không thông gió, là mùi của giấy, bút và mực; đất mà trên đó anh ta bước đi là sân lát gạch hay sàn lát gỗ, vương vãi với những mẩu rác rưởi kỳ lạ và ẩm thấp bởi cái bình tưới nước của người coi sóc; bầu trời của anh ta là cái trần nhà, nơi anh ta thường hướng lên và ngáp dài; thành tố tạo nên anh ta là bụi”.
Mặc dù đã được viết ra từ hàng trăm năm trước, những dòng mô tả ấy vẫn đủ sức liên hệ với cuộc sống công sở của thế kỷ 21: một cái lồng con con luôn mở cửa thông thống song ta chẳng dám bay ra, một cái bẫy mà ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài sa lầy và đánh mất mình trong đó. Đâu phải chỉ những nhân viên cổ cồn xanh trong các nhà máy mới làm việc rập khuôn máy móc một cách tức cười như trong bộ phim Thời hiện đại của Charlie Chaplin, hàng triệu triệu những nhân viên cổ cồn trắng cũng ngồi đăm đăm nhìn màn hình máy tính, kéo chuột và không hiểu mình đang làm gì cho qua hết một ngày. “Văn phòng” thực sự là ẩn dụ cho sự giam cầm, sự tù túng cuốn chặt lấy con người.
Tôi còn nhớ từng đọc được một bản khảo sát của Cục Thống kê lao động Mỹ và kết quả là, dù một người Mỹ trung bình ngồi 8 tiếng rưỡi ở sở làm, thời gian thực tế họ làm việc chỉ vỏn vẻn chưa đầy 3 tiếng. Thời gian còn lại, họ đọc tin tức, xem mạng xã hội, buôn chuyện cùng đồng nghiệp, ăn vặt, pha cà phê, trả lời tin nhắn và tìm công việc mới. Tôi hy vọng bạn không tiết lộ điều này với sếp tôi nhưng 8 tiếng ở sở làm phần lớn tôi cũng chỉ dành khoảng 3 tiếng thực sự tập trung để làm.
Steve Cutts - một nhà làm phim hoạt hình sinh năm 1995 - từng khiến những cư dân của thời đại mới hoảng hốt và sững sờ khi phát hành trên YouTube một bộ phim với tựa đề Happiness (Hạnh phúc). Nó đạt tới 17 triệu lượt xem, con số đáng kể với một bộ phim. Bộ phim hoạt họa chỉ dài đâu đó 10 phút, bắt đầu bằng hình ảnh những đàn chuột nhung nhúc nối đuôi nhau tràn ra khắp thành phố.
Những con chuột mặc áo sơ mi, đeo caravat, đi siêu thị, uống rượu, bán mạng vì tiền - y như con người - và ở đoạn cuối, Cutts lồng vào hình ảnh đáng giá nhất, gây choáng nhất: những con chuột san sát cạnh nhau, mỗi con bị kẹp đầu trong một chiếc bẫy chuột gắn trên bàn, với màn hình máy tính trước mặt, bọn chuột gõ liên hồi và gõ điên cuồng. Đó là định nghĩa về hạnh phúc trong thời đại này: một công việc an nhàn, sạch sẽ và có vẻ sang chảnh trong văn phòng điều hòa mát rượi. Chỉ là, hạnh phúc đôi khi cũng là cái bẫy.
Cảnh cuối trong bộ phim “Happiness” về những con chuột - người kiếm tìm hạnh phúc. |
Nhưng, “văn phòng” không chỉ là một hiện thân hữu hình của những thiết chế và nguyên tắc giam hãm con người, hơn thế nữa, nó chính là thế giới - một thế giới thu nhỏ với đầy đủ tất cả những bi hài kịch và đầy đủ mọi hạng người. Bề ngoài, văn phòng đại diện cho một thế giới văn minh - nơi đạo đức đứng cao hơn bản năng, nơi sự cộng tác được đánh giá cao hơn sự giành giật, phép lịch sự luôn được ưu tiên hơn luật rừng. Song, đó chỉ là bề ngoài đứng đắn và chỉn chu mà một văn phòng nên có. Còn bên trong, văn phòng chưa chắc đã hơn gì những hè phố hay những gầm cầu và những xó xỉnh hủ bại nhất.
Trong tiếng Anh có một thuật ngữ mang tên “workspace politics”, nghĩa là chính trị nơi làm việc. Một văn phòng thì liên quan gì tới chính trị? Tất nhiên là có, bất cứ văn phòng nào cũng có, bởi văn phòng - cũng giống như một quốc gia - là một tổ chức có bộ máy quyền lực, những nấc thang vươn đến quyền lực, có những người ở dưới thấp, những người ở trên cao và đứng trước cám dỗ về tiền và quyền, con người hành xử theo những quy tắc không khác gì trên đấu trường chính trị.
Văn phòng luôn là nơi nguy hiểm có vẻ ngoài lịch thiếp nhất và sạch sẽ nhất. Không cần biết bạn làm việc ở đâu, tại một tập đoàn như Google hay trong những công ty khởi nghiệp chỉ có vài người, bạn chắc chắn đã từng nghe những chuyện đâm lén sau lưng, chơi xấu, những chuyện tranh giành chức vị, ăn chặn, nhận hối lộ, ngoại tình, thao túng...
Đâu phải ngẫu nhiên, Akira Kurosawa - vị đạo diễn của thời hoàng kim điện ảnh Nhật Bản những năm 1960, cũng là một trong những vị đạo diễn xuất chúng nhất mà thế giới từng biết - khi dựng một phiên bản Hamlet của riêng mình, thay vì đặt câu chuyện ở bối cảnh cổ như nguyên tác của Shakespeare (và bản thân Kurosawa là một nhà làm phim đầy kinh nghiệm với những bối cảnh cổ trang), ông lại đặt câu chuyện vào nước Nhật thời hiện đại.
Trong The bad sleep well (tên bộ phim: Kẻ xấu thì ngủ ngon), hoàng tử Hamlet là một viên thư ký tên Koichi Nishi, vua Đan Mạch Claudius là Phó Chủ tịch tập đoàn Iwabuchi, người cha chết oan của Hamlet là Furuya, một người trợ lý từng bị Iwabuchi lừa ép phải nhảy lầu từ sát để che giấu tội tham nhũng của ông chủ, còn nàng Ophelia là cô con gái của ngài phó chủ tịch. Nếu như trong vở kịch của Shakespeare, Hamlet rút kiếm tẩm độc đâm chết vua Claudius trả thù cho cha thì trong bộ phim của Akira Kurosawa, chàng Hamlet thời đại mới tinh vi hơn nhiều khi lập một nước cờ đầy mưu chước và thủ đoạn: cưới cô con gái của kẻ thù.
Hamlet của Shakespeare trở nên điên loạn, Hamlet của Kurosawa cũng điên loạn không kém, chỉ là trong một bối cảnh khác mà thôi. Và đời sống công sở, đời sống văn phòng - nơi chốn mà một mặt diễn ra thứ đời sống nhàm chán nhất, nhạt nhẽo nhất, lặp lại nhất, vô nghĩa nhất, một mặt khác, lại là một sân khấu xứng tầm cho tất cả những âm mưu và bi kịch vĩ đại nhất của việc làm người.
Đến đây, chắc bạn - nếu cũng là một trong những người vì dịch bệnh mà phải làm việc tại nhà - hẳn đang thở phào nhẹ nhõm. May quá, vậy là chúng ta đã thoát ra khỏi cái không gian độc hại và đầy cạm bẫy mang tên văn phòng/công sở, vậy là chúng ta sẽ không còn phải dành phần lớn đời mình cho những chuyện không đâu hay dây dưa vào những tranh đoạt gớm ghê không khác gì thời Trung cổ, từ nay chúng ta sẽ làm việc tại nhà và cuộc đời hẳn từ nay sẽ đẹp biết bao!
Ấy chết, nhưng bạn cũng đừng mừng vui quá sớm, bởi nhà hay văn phòng thì cũng là những cấu trúc do con người xây dựng nên và con người thì luôn là một sự mâu thuẫn giữa tính thần thánh và thói tầm thường.
“Hiếm có nơi nào trên thế gian nguy hiểm hơn là ngôi nhà của bạn. Vì thế, đừng sợ đi leo núi”, John Muir - nhà tự nhiên học ham mê leo núi nổi tiếng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 từng nói. Và nhà tội phạm học nổi tiếng người Nils Christie cũng từng phát ngôn điều tương tự: “Nơi nguy hiểm nhất trong đời bạn là nhà bạn”. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác!