Công nghệ "bắt tay" y tế: Vừa cứu người, vừa kinh doanh siêu lợi nhuận

Thứ Ba, 15/01/2019, 17:01
Cách mạng công nghệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của xã hội hiện đại, ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong đó bao gồm y tế và chăm sóc sức khỏe. 

Trong bối cảnh này, các “ông lớn” như Apple, Amazon, Microsoft hay Google đang dần dịch chuyển từ hướng đầu tư công nghệ đơn thuần sang “chinh phục” y học bằng công nghệ hiện đại của chính mình. 

Giờ đây, họ không còn dựa vào bên thứ ba cung cấp dịch vụ mà thay vào đó, cố gắng tự chủ trong lĩnh vực y tế, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe hữu ích được dự báo sẽ tạo nên những cơn sốt trong tương lai.

Xu hướng dịch chuyển

Hiện nay, dân số có xu hướng già hóa nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng gia tăng. Bởi vì kết quả y tế đòi hỏi phải chính xác và đáp ứng đa dạng bệnh hơn nên các phương pháp chẩn đoán, can thiệp chăm sóc sức khỏe và lưu trữ bệnh sử đều được kích hoạt bởi công nghệ kỹ thuật số. 

Ngoài ra, khảo sát của tờ The Economist cuối tháng 12-2018 cho thấy, thế hệ “baby-boomer” (những người sinh ra sau Thế chiến Thứ hai - thập niên 50 của thế kỷ trước) sẽ tạo nên thị trường rộng lớn tiêu thụ các sản phẩm ứng dụng công nghệ mới trong việc chăm sóc sức khỏe. 

Bối cảnh này, cùng với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo (AI), đã tạo nên cơ hội kinh doanh cho các ông lớn bắt đầu phát triển các sản phẩm y tế để cung cấp kết quả khám chữa bệnh với hiệu quả cao hơn và chi phí thấp hơn.

Trên thực tế, Apple có lẽ là cái tên được xướng lên nhiều nhất thời gian qua khi “trái táo khuyết” đang dịch chuyển hoạt động y khoa, vốn chỉ đang có mặt tại bệnh viện và phòng khám tới tay người tiêu dùng, thông qua điện thoại và đồng hồ thông minh. 

Apple cho ra đời nhiều ứng dụng cho phép người sử dụng biến iPhone và đồng hồ thông minh thành thiết bị giám sát sức khỏe.

Mới đây, Apple đã cho ra đời dịch vụ theo dõi sức khỏe HealthKit, cho phép khách hàng “biến” điện thoại iPhone trở thành thiết bị giám sát sức khỏe. 

HealthKit đã giúp Apple sớm chiếm thế thượng phong trên thị trường y tế Mỹ khi 14/23 bệnh viện hàng đầu nước Mỹ đã bắt đầu sử dụng dịch vụ. Tín hiệu cho năm mới được Apple phát đi là việc khởi động một chuỗi các phòng khám sức khoẻ mang tên AC Wellness vào mùa xuân tới.

Với Microsoft, dự án cho năm 2019 đã khởi động với sáng kiến Healthcare NeXT sử dụng trí tuệ nhân tạo và dịch vụ đám mây (như nhận diện giọng nói) để tạo sản phẩm cho các nhà cung cấp y tế và bệnh nhân. 

Microsoft hợp tác với Trung tâm Y tế đại học Pittsburgh để phát triển các dịch vụ kỹ thuật số nhằm giảm bớt sự lúng túng cho các bác sĩ và cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân. Dự án liên quan đến trợ lý ảo có chức năng ghi chép các cuộc trò chuyện giữa bác sĩ và bệnh nhân, phân tích cuộc hội thoại và sau đó gửi bản tóm tắt đến hồ sơ điện tử của bệnh nhân. 

Ngoài ra, Microsoft còn hợp tác với CLAS Healthcare cung cấp các dịch vụ y tế thông minh như Basic24x7 - ứng dụng dựa trên công nghệ Microsoft Bot Framework cho phép nhân viên y tế kết nối và tư vấn trực tuyến với người bệnh.

Sau Apple và Microsoft, Google cũng không thể bỏ qua “mảnh đất màu mỡ” chăm sóc sức khỏe. Ngoài ứng dụng y tế Google Fit đã hoạt động, Google đang lên kế hoạch phát triển một dịch vụ mới giống như một Helpouts trong y tế, cho phép người sử dụng tham khảo ý kiến bác sĩ khi có nhu cầu. 

Điều này cũng đồng nghĩa với việc Google đã bắt đầu lấn sâu hơn vào mảng y tế, đưa bác sĩ đến gần hơn khách hàng của mình. Tham vọng trong năm 2019 của Google phải kể đến ý tưởng tạo ra “bác sĩ AI” để hỗ trợ chuẩn đoán bệnh chính xác và nhanh chóng. 

Hiện nay, với công nghệ AI do Google phát triển, việc chẩn đoán chỉ diễn ra trong vài phút với độ chính xác lên tới 98,6%. Cái tên thầm lặng nhất trong những dự án chăm sóc sức khỏe 2019 chính là Amazon. 

Theo một tài liệu nội bộ, Amazon đã xây dựng một nhóm nghiên cứu trợ lý giọng nói Alexa có tên là “Sức khoẻ và sống khoẻ” nhằm mục tiêu ứng dụng AI cùng trợ lý ảo đến các lĩnh vực như quản lý bệnh tiểu đường, chăm sóc cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, người già, hay những người yêu cầu được bảo mật hồ sơ chăm sóc sức khoẻ. 

Dù không công khai về nhóm phát triển thiết bị chăm sóc sức khỏe nhưng sự tồn tại của nhóm là dấu hiệu rõ ràng nhất về kế hoạch của Amazon để đưa công nghệ thoại Alexa vào lĩnh vực y tế kỹ thuật số. 

Bên cạnh đó, những thông tin nội bộ về một đội Grand Challenge bí ẩn ở Amazon cho rằng “ông lớn” này đang nghiên cứu cả về phần cứng, chuẩn bị đưa lên kệ các sản phẩm y tế độc đáo trong năm 2019.

Amazon mua lại hiệu thuốc trực tuyến PillPack để tạo nên chuỗi cung ứng rộng hơn trong lĩnh vực y tế.

Lợi nhuận và thâu tóm

Dù khác nhau về chiến lược nhưng các ông lớn công nghệ đều tự tin đánh cược rằng những điểm mạnh cốt lõi của họ cuối cùng có thể cải thiện sức khỏe, hoặc chí ít là chăm sóc người dân hiệu quả hơn. 

Giới quan sát cho rằng, đây chỉ là bề nổi. Việc các công ty công nghệ hiện nay lại chú trọng đến việc phát triển mảng kinh doanh y tế vốn không phải là sở trường xuất phát từ tham vọng quản lý chi phí y tế, tình trạng sức khỏe thực sự của nhân viên, hiện đang nằm ngoài tầm kiểm soát. 

Bản thân Google hay Amazon từng khẳng định muốn học cách kiểm soát tình trạng sức khỏe của từng nhân viên, từ đó nắm bắt được chất lượng nhân sự trước khi tiến hành bất cứ cuộc cải cách nội bộ nào.

Nhiều ông lớn tin rằng, việc công nghệ “bắt tay” y tế tạo ra cơ hội để “bắn trúng hai mục tiêu”: vừa cứu người, vừa kinh doanh thu lợi nhuận lớn. Điều này được phản ánh rất rõ ở tham vọng của Apple, Google hay Microsoft muốn có một phần trong hơn 3 nghìn tỷ USD chi tiêu hàng năm cho chăm sóc sức khỏe chỉ riêng ở Mỹ. 

Chưa hết, các cổ phiếu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe được đánh giá là một trong những dòng tiền sinh lợi và phổ biến nhất tại phố Wall. Giá cổ phiếu cho các công ty có thể tăng gấp đôi qua một đêm nếu như có thông tin về thử nghiệm thành công một loại thuốc hay công nghệ đặc biệt nào đó.

Để đạt tới con số lợi nhuận hàng nghìn tỉ USD, bên cạnh việc tập trung vào những công nghệ đặc thù, các công ty công nghệ đang có xu hướng mở rộng thông qua những thương vụ M&A (sáp nhập và thâu tóm). 

Amazon tập trung vào lĩnh vực chuyên môn là tạo chuỗi cung ứng, thế nên đã mua lại PillPack - một hiệu thuốc trực tuyến bao gồm cả một doanh nghiệp giao hàng tạp hóa thông qua Whole Foods. 

Ngoài ra, Amazon cũng đang làm việc với J.P Morgan và Berkshire Hathaway để tính toán các thương vụ mua lại những đơn vị trong lĩnh vực tuyển dụng nhằm mở rộng đội ngũ nghiên cứu và thiết kế ứng dụng y tế, cũng như thuê những doanh nhân hàng đầu để tìm ra cách lấn sâu hơn vào thị trường dược phẩm trị giá hàng tỉ USD.

Các “ông lớn” công nghệ tuyên bố hướng tới một tương lai “công nghệ là ống nghe của thế kỷ 21”.

Trong khi đó, Apple cũng đã thực hiện một số vụ M&A, thâu tóm startup chuyên về dữ liệu Gliimpse - nền tảng lưu trữ, cá nhân hóa, chia sẻ các hồ sơ về bệnh án và sức khỏe của người Mỹ. 

Tiếp đó, “trái táo khuyết” mua lại Crossover Health - công ty làm việc với các nhà tuyển dụng bảo hiểm để cung cấp dịch vụ y tế và điều hành các phòng khám tại chỗ. 

Điều này cho thấy Apple đã quyết tâm dấn thân vào mảng sức khỏe, và hi vọng sẽ kết hợp các dịch vụ như HealthKit, CareKit và ResearchKit nhằm giúp các bệnh nhân, bác sĩ và nhà nghiên cứu có thể biết được tình trạng sức khỏe và bệnh án của bệnh nhân thông qua thiết bị di động.

Bất chấp mọi lý do phía sau xu hướng dịch chuyển sang lĩnh vực y tế, giới quan sát nhận định năm 2019 là thời điểm các tập đoàn công nghệ lớn, cùng với nhiều đơn vị nhỏ lẻ khác, tăng tốc mạnh mẽ trong quy trình thay thế hệ thống y tế cồng kềnh và cũ kĩ, đồng thời khám phá ra những phương pháp chăm sóc sức khỏe mới, nhanh chóng và chính xác hơn. 

Họ đều tuyên bố sẽ hướng tới một tương lai “công nghệ là ống nghe của thế kỷ 21”, bảo đảm mọi cá nhân đều tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện với chi phí thấp hơn. 

Với lợi nhuận khủng, cùng tham vọng sáp nhập - thâu tóm các đơn vị trong lĩnh vực y tế, cuộc chiến xâm nhập thị trường chăm sóc sức khỏe hứa hẹn sẽ cực kỳ gay cấn trong tương lai.

Việt Dũng
.
.