Có một kho báu khổng lồ dưới lòng đất

Thứ Tư, 05/06/2019, 11:37
Sáng 16-5-2019, hội thảo công bố kết quả khảo cổ học mới tại di tích Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. Tính đến thời điểm này, đã có 9 lần khai quật di tích này.

Tuy nhiên, ngoài những công trình khoa học mang tính hàn lâm đã được công bố thì câu chuyện về nghề của người trực tiếp tham gia khai quật, nghiên cứu mới chỉ được tiết lộ gần đây trong cuốn sách "Lịch sử phát lộ Hoàng thành Thăng Long - Thoáng nhìn đầu tiên về di sản khảo cổ học Hà Nội".

Âu cũng là sự thai nghén cuốn sách kĩ càng, công phu trong tập hợp tư liệu và là sự trải nghiệm, thẩm định có độ lùi thời gian. Và đó là lí do đến tận bây giờ tôi mới quyết định "khảo" Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông - Trưởng phòng Khảo cổ học đô thị (Viện Khảo cổ học), người trực tiếp tham gia khai quật và nghiên cứu về Cụm di tích Hoàng thành Thăng Long, là đồng chủ biên cuốn sách trên.

Ngày đông ấm áp và đẹp đẽ

Đó là những ngày đông cuối năm 2002, tại khu vực số 18 Hoàng Diệu - địa điểm được lựa chọn để xây Cung Hội nghị Quốc gia và Nhà Quốc hội mới, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông cùng các đồng nghiệp tiến hành công tác khai quật khảo cổ học để giải phóng mặt bằng.

Tết đã cận kề, trời rét căm căm, nhưng anh và nhóm khảo cổ cùng hàng ngàn con người vẫn mê mải trong khu khai quật, làm việc hối hả trên những hố đào mở như ô bàn cờ, cạo cạo bới bới từng lớp đất với hy vọng tìm ra dấu tích của kinh thành Thăng Long.

Rồi cái ngày đặc biệt với Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông cũng đến. Trong hố khai quật lõng bõng nước, lạnh tê tái, tay anh rờ được khoảng chục viên gạch xếp liền nhau. Linh tính mách bảo, đây chính là dấu tích kiến trúc. Lập tức, anh đề nghị cho máy bơm chạy hết công suất, khi hố cạn nước, một mặt bằng chừng 6m² lát gạch phẳng lỳ, đỏ rực hiện lên.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông tại địa điểm khai quật di tích Trường Lũy (Quảng Ngãi).

"Tôi không nói được lời nào, cứ đứng nhìn. Những người làm cùng không hiểu tôi bị làm sao. Tôi hiểu là mình đã tìm thấy kiến trúc thời Trần, ngay tại khu vực mà sử sách gọi là Kinh đô Thăng Long" - dòng cảm xúc cực kì ấn tượng, choán hết tâm trí của nhà khảo cổ học Nguyễn Tiến Đông và lưu lại sâu trong tâm trí anh.

Những ngày tháng đó, anh như lạc vào một kho báu khổng lồ dưới lòng đất với vô số những vại, hũ đủ cỡ; những bát, đĩa vẽ hoa lam, men nâu, hoa văn in chìm, đắp nổi… Đó là những ngày đông ấm áp và đẹp đẽ nhất trong cuộc đời khảo cổ của Nguyễn Tiến Đông.

Niềm vui vỡ òa khi tìm thấy kiến trúc kinh đô xưa, nhưng Nguyễn Tiến Đông và đồng nghiệp lập tức phải đối mặt với áp lực về thời gian khai quật gấp rút và nguy cơ toàn bộ khu di tích có thể sẽ bị phá bỏ để xây dựng công trình. 

Phải làm sao giữ bằng được di tích cho hậu thế? Câu hỏi ấy cứ vang lên trong đầu anh. Chứng cứ về một Hoàng thành Thăng Long đã xuất lộ, nghìn năm Thăng Long đã có cơ sở để khẳng định chắc chắn mà phải dỡ bỏ thì tiếc và xót lắm.

Anh từng nghĩ, nếu có ngày phải di chuyển toàn bộ di tích, anh sẽ vắng mặt ở công trường, bởi anh sẽ không chịu đựng được cảm giác các di tích bị bứng khỏi nơi phát lộ, giống như chính một phần cơ thể anh bị cắt lìa vậy, sẽ đau đớn và buồn vô hạn…

Thật may, khi Nguyễn Tiến Đông căng thẳng tột độ về tương lai của di tích cũng là lúc công cuộc khai quật được nhiều người biết đến. Các đại biểu dự kỳ họp Quốc hội tại Hội trường Ba Đình biết tin có cuộc khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long đang diễn ra gần đấy, nên đến tham quan. 

Rồi các ban ngành của Chính phủ, các nhà lãnh đạo của đất nước, các cựu nguyên thủ quốc gia cũng đến thăm di tích. Những ngày đó, công việc khai quật diễn ra liên tục không kể ngày đêm.

Dù mệt và căng thẳng nhưng Nguyễn Tiến Đông ngoài việc trực tiếp khai quật cổ vật đã kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên. Anh đứng dưới hố sâu, tay cầm loa, hướng lên các đoàn khách tham quan để giải thích về di tích đang được khai quật, khẳng định tầm quan trọng của di tích và sự cần thiết phải bảo vệ di sản, biến nơi đây thành một bảo tàng gìn giữ truyền thống cho hậu thế. Và những cố gắng đó đã góp phần mang lại kết quả, giữ được những khu vực quan trọng nhất của Hoàng thành Thăng Long.

Cho đến giờ, Nguyễn Tiến Đông vẫn cho rằng anh là người vô cùng may mắn. Bởi nếu không phải ở thời điểm đó, ở địa điểm đó, thì anh hoàn toàn vuột mất cơ hội được tham gia cuộc khai quật lịch sử ngay giữa thủ đô Hà Nội, tìm ra một miền di tích của nhiều lớp văn hóa chồng lên nhau rộng tới 20 nghìn mét vuông.

Thuổng, bay và guitar

Phòng làm việc của Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông trên tầng 2, Viện Khảo cổ học, ngay góc đường Phan Chu Trinh (Hà Nội). Căn phòng trở nên nhỏ bé hơn vì san sát những máy tính, máy in, hồ sơ, tài liệu... Nơi góc phòng, có chiếc thuổng, chiếc bay được gói gọn gàng trong túi, bên cạnh là cây guitar.

Thấy tôi tò mò, Nguyễn Tiến Đông cười: "Những vật bất li thân khi đi khảo cổ đấy. Để sẵn như thế, bất cứ lúc nào cũng có thể lên đường". Tôi khẽ à lên đầy thú vị, hình dung ra có một chuyên gia khảo cổ và một nghệ sĩ trong con người anh. 

Nguyễn Tiến Đông có nhiều cơ duyên với nghề khảo cổ. Anh đã không theo nghiệp múa rối của người cha - Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Luận. Anh bảo, đã có người em trai tiếp nối xuất sắc nghiệp rối, đó chính là Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng - hiện là Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam. Lúc thi đại học, dự định sẽ học để viết văn, viết báo nhưng cuối cùng Nguyễn Tiến Đông lại vào học Khoa Lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Ngay từ năm thứ nhất, khi chưa phân chuyên ngành, anh đã được học các thầy Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn - những cây đa cây đề trong lĩnh vực lịch sử và khảo cổ. Những bài giảng đầy lôi cuốn của các thầy đã khiến cậu sinh viên Nguyễn Tiến Đông say mê ngành khảo cổ học lúc nào không hay.

Năm 1980, trong lần đi thực tế cùng thầy Trần Quốc Vượng, Nguyễn Tiến Đông đã tìm được một chiếc rìu đá. Đó là lần đầu tiên nhà khảo cổ học tương lai chạm tay vào một mảnh ghép của lịch sử, vui mừng đem khoe thầy.

Thầy Vượng nhìn Đông và bảo: "Ông nên theo ngành khảo cổ" (Giáo sư Trần Quốc Vượng thường gọi các sinh viên là ông, bà). Câu nói của thầy đã khiến Đông quyết tâm sẽ theo ngành học được coi là "đổ mồ hôi, sôi nước mắt". Bởi để tìm được những di sản quý giá, nhà khảo cổ không những cần có kiến thức dày dặn, mà phải có lòng quyết tâm, sự kiên trì không ngại khó ngại khổ và niềm đam mê.

Năm thứ 4, trong chuyến đi thực tập tốt nghiệp ở miền Trung, Nguyễn Tiến Đông lập tức bị "hút hồn" bởi nền văn hóa Chămpa. Đông quyết định sẽ chọn khảo cổ học Chămpa là hướng nghiên cứu chuyên sâu và đã dành cả cuộc đời cho nền văn minh này. Anh cũng là sinh viên đầu tiên của ngành khảo cổ ở Việt Nam làm khóa luận tốt nghiệp về đề tài Chămpa. Ra trường, anh từng có thời gian làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam và tham gia quân ngũ.

Những ngày tháng đó, vẫn nhớ da diết những nhát cuốc đường bay, nhớ cảm giác đôi bàn tay đào bới từng chút đất, chạm tay vào những pho tượng, những mảnh gốm mà lòng lâng lâng vui sướng. Năm 1988, anh quyết định quay về với nghề khảo cổ và gắn bó với Viện Khảo cổ từ đó đến nay.

30 năm qua, Nguyễn Tiến Đông mê mải đi tìm dấu tích ông cha trên khắp các vùng miền đất nước. Anh cũng đã đặt chân đến những địa điểm khảo cổ nổi tiếng ở Lào, Campuchia, Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước châu Âu. 

30 năm thực hiện những công trình nghiên cứu khảo cổ cấp viện, cấp bộ, cấp nhà nước; 30 năm giảng dạy, truyền niềm đam mê khảo cổ cho sinh viên các ngành văn hóa học, khảo cổ học… Đó quả là quãng thời gian ý nghĩa trong cuộc đời anh.

Tôi cứ nghĩ một nhà khảo cổ học có nghề như Nguyễn Tiến Đông sẽ có nhiều bộ sưu tập cổ vật lớn, nhỏ. Nhưng không, vì anh tâm niệm rằng, đối với các nhà khảo cổ, hiện vật cổ tìm được là những gì quý báu nhất. Đó không đơn giản chỉ là một vật cổ, mà là bằng chứng của lịch sử xa xưa.

Bởi vậy, các cổ vật sẽ có ý nghĩa khi tồn tại trong môi trường phát tích. Còn không, thì cần được sử dụng trong nghiên cứu, trong trưng bày để nhiều người được chiêm ngưỡng và hiểu về lịch sử. Nếu mang về làm của riêng, sẽ chẳng nhiều người biết đến, như vậy thì phí lắm.

Mối duyên với khảo cổ còn đậm đà hơn khi anh tiết lộ: "Vợ tôi - cũng là đồng nghiệp của tôi, nàng ấy cũng mê khảo cổ giống tôi". Anh chị cùng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cùng học Trường cấp 3 Tây Sơn, cùng học ngành khảo cổ trong trường đại học, cùng có thời gian công tác tại Viện Khảo cổ.

Bây giờ thì vợ anh - Tiến sĩ khảo cổ học Bùi Thu Phương đã chuyển sang công tác tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. Chị đã cùng anh đi qua những ngày tháng nhọc nhằn trên công trường khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long.

Và chị hiểu rằng, nếu đôi bàn chân không lấm lem bùn đất, nếu đôi bàn tay không chai sần với thuổng với bay, thì sẽ không bao giờ tìm ra những di tích, những hiện vật khảo cổ, những dấu hiệu của một nền văn minh xưa. Chị đã quen khi anh đi quanh năm suốt tháng, đến nỗi, vừa thấy anh về sau chuyến công tác, chị đã hỏi: "Bao giờ anh đi?"…

Ban đầu tôi hình dung nhà khảo cổ thường chuộng cái cổ xưa, thích những giá trị "vang bóng một thời" mà bỏ bê hiện tại. Nhưng với Nguyễn Tiến Đông thì khác, anh rất hiện đại và trẻ trung.

Cách tư duy về khảo cổ sắc sảo, giải quyết vấn đề triệt để và quyết liệt, luôn gắn quá khứ với hiện tại đã đem đến cho anh nhiều thành công trong nghề. Anh vẫn từng ngày theo sát công việc khai quật khu Hoàng thành Thăng Long, vẫn đi khắp dọc dài đất nước để phát hiện thêm nhiều di tích khảo cổ. Anh hiểu rằng, để hiểu thấu đáo những trang sử của hàng ngàn năm qua, những nhà khảo cổ như anh sẽ còn phải đổ thêm nhiều mồ hôi, công sức nữa…

Huyền Châm
.
.