Có một Hồ Gươm như thế

Thứ Hai, 10/11/2014, 16:01

Chỉ nhỏ bé, xinh xắn như một lẵng hoa thôi, nhưng Hồ Gươm lại có vị trí thật đặc biệt, thật thân thương, gần gũi mà không một nơi nào trong thành phố này có được.

Huyền thoại và ký ức

Hà Nội vốn là vùng đất của cây xanh, mặt nước. Qua những thăng trầm, biến đổi của đô thị hóa, nếu tính từ năm 1875, khi người Pháp bắt đầu thực hiện chính sách cai trị và khai thác thuộc địa ở nước ta, cho đến khi miền Bắc được giải phóng (1954), đất nước thống nhất (1975) và đặc biệt từ sau những năm đổi mới đến nay, rất nhiều sông hồ Hà Nội biến mất, bởi công cuộc xây dựng, cải tạo và mở rộng Thủ đô. Nhưng may thay, trong cuộc xoay vần thế sự và xây dựng ào ạt bằng mọi giá của con người, thì Hồ Gươm, cái hồ nhỏ bé, xinh xắn và huyền thoại, rộng hơn 11 ha, nằm ở trung tâm Hà Nội (giáp khu phố cổ 36 phố phường và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục) với Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút - Đài Nghiên… và cụ Rùa hàng trăm tuổi kia, hầu như không mấy bị ảnh hưởng. Hồ vẫn quanh năm xanh mướt màu lục thủy. Chung quanh hồ vẫn thướt tha hàng liễu rủ. Những cây lộc vừng cổ thụ vẫn lặng lẽ  thả từng chùm dây hoa đỏ như muôn ngàn chiếc đèn lồng nhỏ xíu, lung linh trên mặt hồ vào cuối xuân, đủ làm ta ngẩn ngơ, xao động. Nhiều năm trở lại đây, Hồ Gươm luôn được chính quyền thành phố quan tâm, chăm sóc, từ trồng thêm cây, trồng hoa, thảm cỏ, lát đá, gạch màu, lắp đèn chiếu sáng trên con đường dạo quanh hồ đến chỉnh trang các công trình kiến trúc làm cho Hồ Gươm càng thêm đẹp, thêm hấp dẫn.

Hồ Gươm không lớn, không mênh mông như hồ Tây (rộng tới hơn 500 ha), cũng là một danh thắng của Hà Nội. Chỉ nhỏ bé, xinh xắn như một lẵng hoa thôi, nhưng Hồ Gươm lại có vị trí thật đặc biệt, thật thân thương, gần gũi mà không một nơi nào trong thành phố này có được. Nằm ở vị trí trung tâm, hồ là nơi kết nối giữa khu phố cổ với khu phố Tây theo phong cách kiến trúc quy hoạch châu Âu mà người Pháp thực hiện cách đây hơn thế kỷ. Hồ như lòng bàn tay mà các ngón tay là những con đường thân quen của Hà Nội, từ các phố Hàng Gai, Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ của khu phố cổ đến phố cũ Bảo Khánh, Nhà Thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Bà Triệu. Tất cả như những “dòng sông phố” chảy về hồ Hoàn Kiếm. Ngày cũng như đêm, nhịp sống ở quanh khu vực hồ luôn sôi động và náo nhiệt. Nữ văn sỹ người Anh C. Hawland, khi đến Hà Nội đã thật tinh tế nhận xét: Hồ Gươm như một cái đèn kéo quân khổng lồ, kéo nhịp sống nơi đây quay mãi, quay mãi theo dòng thời gian vô cùng tận. Tôi còn nhớ, vào những năm cuối thập niên 50 – 70 của thế kỷ trước, dân cư Hà Nội còn chưa đông đúc như bây giờ, xe máy ít lắm, chỉ nhà khá giả hay người đi nước ngoài gửi về mới có. Ôtô tư nhân càng hiếm. Người dân đi lại chủ yếu bằng xe đạp, tàu điện và xe buýt công cộng. Trước nhà Ủy ban Hành chính Thành phố có đường tàu điện chạy từ chợ Mơ qua phố Bạch Mai, Phố Huế, Hàng Bài lên Bờ Hồ, qua Hàng Đào, Hàng Ngang đến chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu, Quán Thánh rồi Thụy Khuê lên Bưởi.

Cũng từ Bờ Hồ có tuyến chạy qua Hàng Gai, Hàng Bông, Nguyễn Thái Học, Văn Miếu -  Quốc Tử Giám rồi qua khu Cao-Xà-Lá, Đại học Tổng hợp… vào đến tận Hà Đông. Ga tàu điện Bờ Hồ ở ngay đầu phố Đinh Tiên Hoàng, chỗ nay là toà nhà thương mại một thời có tên là “hàm cá mập”. Thời ấy, người Hà Nội không ai là không đi tàu điện, bởi cái sự thuận tiện của nó mà giá lại rẻ, chỉ mất 5 xu là có thể đi từ Bờ Hồ vào đến tận các ga cuối. Những ngày nghỉ học, tôi và mấy đứa bạn cùng phố, thường rủ nhau ra Bờ Hồ nhảy tàu lên chơi Bách Thảo, Thụy Khê. Chao ôi! Cái tiếng tàu điện “leng keng! leng keng!” đều đặn từ sáng sớm tinh mơ cho đến giữa đêm khuya bất kể mưa nắng, thời gian, dẫu đã qua mấy chục năm rồi, mà vẫn cứ vẫn leng keng đâu đây trong ký ức của một thời thơ trẻ! Ngày xưa ấy, cụm từ “đi chơi Bờ Hồ” rất quen thuộc không chỉ với lũ trẻ con chúng tôi, mà trong nhà, khi nào khen con trẻ ngoan, chăm học, người lớn thường hay bảo: “Cho đi chơi ăn kem Bờ Hồ!”. Những ngày hè oi ả, nóng nực, được ra Bờ Hồ chạy nhảy, hay nằm dài trên chiếc ghế mặt bằng đá xanh đen dày hơn 15cm, dài tới 2m, rộng đến 0,80m nằm trên đường Lê Thái Tổ, trước ngôi nhà rất đẹp số 16, vốn là Hội sở của Hội Khai trí Tiến Đức, xây dựng vào năm 1910, nay là Trụ sở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, để đón những cơn gió mát lành thổi từ hồ, rồi được ăn một que kem Thuỷ Tạ, Bốn Mùa thì khoái biết chừng nào! Bây giờ, đã qua hơn một thế kỷ, cái ghế đá cổ không có tựa lưng kia hiện vẫn còn, và cái mặt đá xanh đen thuở nào vẫn ngày ngày được phủ bóng cái màu trầm tích của mưa nắng và thời gian.

Cải tạo Hồ Gươm - gian nan tìm lời giải đúng

Do nằm ở vị trí đắc địa của Thủ đô, đất ở đây có giá trị rất cao, được gọi là đất “vàng”, đất “kim cương”. Nên vì lợi ích kinh tế (lại được chính quyền khuyến khích theo chủ trương kêu gọi ưu đãi đầu tư trong giai đoạn đầu bước vào kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế) các chủ đầu tư trong và ngoài nước đã xây nhiều công trình trụ sở văn phòng, ngân hàng có khối tích lớn, thậm chí cao lừng lững mười mấy tầng, mặt ngoài ốp kính màu trông như bức tường thành quanh Hồ Gươm, biến hồ như một cái ao! Đã có nhiều chủ trương, phương án cải tạo kiến trúc khu vực Hồ Gươm để bảo vệ giữ gìn cảnh quan kiến trúc văn hóa nơi đây, nhưng xem ra kết quả vẫn còn xa vời lắm.

Hồ Gươm là không gian công cộng, không gian xanh, là di sản văn hóa đặc biệt của thành phố ngàn năm tuổi. Hơn thế nữa, Hồ Gươm thấm đẫm màu sắc huyền thoại, cổ tích gắn với truyền thuyết Vua Lê trả gươm báu cho Rùa thần sau khi đánh đuổi kẻ thù phương Bắc xâm lược ra khỏi Thăng Long thành, giải phóng đất nước. Không gian kiến trúc Hồ Gươm được người Pháp quy hoạch từ những năm cuối thế kỷ 19, đến nay hầu như vẫn không có gì thay đổi. Có chăng là kiến trúc đối diện hồ, phía đường Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ, Hàng Khay là có nhiều biến đổi trước yêu cầu của cuộc sống. Nhưng cũng vì thế đã nảy sinh nhiều kiến trúc phức tạp, làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực chung quanh hồ. Từ những công trình có khối tích lớn, thô bạo được xây dựng, đến sự lộn xộn, nhếch nhác của khu vực đỗ, gửi xe ôtô, xe máy, bán hàng rong… trước tòa nhà “hàm cá mập”, bên Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đó là chưa kể phía sau đó là một lớp kiến trúc cao hơn chục tầng bằng bê tông và kính kệch cỡm vô hồn như tòa nhà Tungshing Square, Vinafood… như chế ngự, lấn lướt cái bé nhỏ, thanh lịch, bình yên của Hồ Gươm xanh huyền thoại, độc đáo và thơ mộng. Hình như có sự khác biệt rất xa về quan niệm cải tạo cảnh quan kiến trúc khu vực Hồ Gươm giữa các kiến trúc sư với xã hội, đặc biệt là cư dân sống chung quanh và gần kề khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Nhiều kiến trúc sư (tác giả đồ án dự thi) với ý tưởng sáng tạo (và cả tưởng tượng) rất phong phú, sử dụng những nhát dao táo bạo của công nghệ thiết kế kiến trúc hiện đại cắt gọt, phá bỏ những đoạn nhà phố trên đường Đinh Tiên Hoàng, Tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục… để tạo ra không gian mới rộng lớn, tiện nghi hiện đại phục vụ hoạt động của cộng đồng, hay quảng trường mang tên “Lục Thủy”. Rồi những không gian ngầm rộng hàng ngàn mét vuông, sâu hơn chục mét chung quanh hồ để làm giao thông ngầm đô thị, nơi đậu xe, kinh doanh thương mại… và có cả bảo tàng Hồ Gươm nữa.v.v và v.v…

Qua những nhát dao đầy hứng khởi và khốc liệt của tư duy kiến trúc hiện đại này, bức màn huyền thoại phủ suốt mấy trăm năm làm nên “Di tích văn hóa Hồ Gươm” kia bị xé toang, trần trụi, thành một “đại công trường”, để rồi sau cuộc “đại phẫu thuật thẩm mỹ” đó, một Hồ Gươm mới tươi trẻ sẽ hiện ra trong vầng sáng rực rỡ, đủ sắc màu của nhịp sống đầy năng động và đậm chất… thương mại trong thời kinh tế thị trường và hội nhập?!

Nhưng cải tạo Hồ Gươm có cần đến thế không? Không! Theo tôi, không cần bất kỳ sự can thiệp thô bạo nào kiểu “dùng dao mổ trâu để giết gà” của các loại kiến trúc quốc tế du nhập từ nước ngoài?! Phải chăng, cảnh quan kiến trúc Hồ Gươm cần được trân trọng giữ gìn như báu vật của đô thị, từ những hàng cây xanh cổ thụ, lộc vừng, sung, liễu…, vườn hoa, thảm cỏ ven hồ… cho đến các kiến trúc nhỏ mang dấu ấn lịch sử như Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút - Đài Nghiên, đền Bà Kiệu, nhà Thủy Tạ… Các kiến trúc công cộng, trụ sở công quyền và nhà phố ở khu vực xung quanh,  đặc biệt là đoạn từ tòa nhà Trung tâm Bưu điện đến Đền Bà Kiệu chạy vòng theo đường Đinh Tiên Hoàng, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, cho đến hết phố Lê Thái Tổ, Hàng Khay phải được chỉnh trang theo một thiết kế đô thị được giới kiến trúc nghiên cứu cẩn trọng, khoa học, nghệ thuật, mang tính nhân văn, với sự tham vấn cần thiết của các nhà văn hóa, lịch sử, bảo tồn di tích và của cộng đồng. Các yếu tố kiến trúc cảnh quan và văn hóa lịch sử đặc sắc của Hồ Gươm phải được tôn trọng. Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một không gian mở độc đáo trong khu vực hồ. Có lẽ duy nhất trong thành phố này có một quảng trường kiểu như vậy.

Nếu cuộc sống của khu phố cổ luôn nhộn nhịp, tấp nập và ồn ào, thì từ những con phố Lương Văn Can, Cầu Gỗ, Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai đi ra, ta sẽ bắt gặp một không gian công cộng thoáng đãng, bình yên, với tầm nhìn ra hồ không bị che chắn. Nơi đây còn là địa danh lịch sử, dấu ấn bi tráng về phong trào yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội vào những năm 1907 do sỹ phu Lương Văn Can làm thủ lĩnh. Xin đừng xây thêm bất kỳ một kiến trúc mới nào ở khu vực này cho dù công trình đó có quan trọng đến đâu đi nữa (vì Hà Nội còn rất nhiều đất bị chiếm dụng bỏ hoang?). Cũng đừng quá say sưa với ý tưởng biến con đường bao quanh hồ thành  đường chỉ để đi bộ, vì giao thông một chiều hiện nay ở khu vực này rất thuận tiện, hợp lý và an toàn. Còn khi có dịp lễ hội, tuần hành, hội hoa Xuân thì chỉ đặt vài cái barie cấm xe cộ qua lại (tạm thời) ở ngã tư Tràng Tiền, Tràng Thi và vài con phố đổ ra hồ là đủ. Dưới quảng trường này có thể làm không gian ngầm với diện tích vừa đủ để làm nơi đỗ xe, nhà WC công cộng, vài ki ốt bán hàng lưu niệm, dịch vụ ATM, chỉ dẫn du lịch. Đài phun nước hiện giờ quá đơn điệu về hình thức, lúc có nước, lúc cạn khô trơ đáy, đầy rác bẩn… cần được cải tạo thành tác phẩm nghệ thuật “đài phun nước-nhạc-màu”, với mặt bệ đài vòng tròn làm chỗ ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh cho du khách. Chung quanh Bờ Hồ nên đặt thêm ghế ngồi, tượng nhỏ, vài quán cà phê, quán bán hoa… lẩn khuất dưới các vòm xanh cổ thụ để phục vụ du khách và người dân đi thưởng ngoạn, hoạt động công cộng trong những ngày nghỉ, những lúc rảnh rỗi...

Và như thế, chẳng cần đến những dự án to tát với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để cải tạo. Trong điều kiện thực tế hiện nay, với Hồ Gươm và khu vực chung quanh hồ, làm được như vậy, theo tôi, đã là đủ. Không biết có đúng không?

Vĩ thanh

Trong ngày thu nắng tháng mười này, đi dạo quanh Hồ Gươm dưới những vòm xanh lộc vừng cổ thụ với người yêu thương, để mà ngắm nhìn Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn bàng bạc sau màn sương sớm mờ ảo, nhẹ như tấm vải voan kia, trong tôi lại ngân nga những ca từ da diết và sâu lắng kể về “Truyền thuyết Hồ Gươm” của cố Kiến trúc sư - Nhạc sỹ Hoàng Phúc Thắng: “Truyện rằng nơi đây Hồ Gươm nước biếc xanh vì trời xanh/ Truyện rằng nơi đây vua Lê đã trả lại gươm báu để giã từ chiến tranh/… Truyện rằng nơi đây đêm đêm cây bút đá vẫn viết lên trời cao những khát vọng ngàn đời của người Hà Nội…”.

Ôi, Hà Nội của tôi, Hồ Gươm của tôi cứ bình dị và thân thương như thế

KTS Phạm Thanh Tùng
.
.