Chương trình không gian vũ trụ: Quyết liệt nhưng không cân sức

Thứ Sáu, 17/03/2017, 17:17
Vừa qua, Ấn Độ đã phóng thành công một tên lửa đẩy mang theo 104 vệ tinh. Với lần phóng này, Ấn Độ đã chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số lượng vệ tinh được phóng nhiều nhất chỉ trong một lần phóng, phá vỡ kỷ lục phóng 37 vệ tinh trong một lần của Nga vào năm 2014. 

Sự kiện này đã tạo ra bước ngoặt cho sự tiến bộ về khả năng không gian của châu Á nói chung.

Trong khi đó, những cường quốc châu Âu dường như đang trở nên hụt hơi trong cuộc chạy đua vào không gian, mà nguyên nhân chính là do những đàm phán Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit - tạo nên rào cản trong việc định hình được số vốn cần chi trả. Ủy ban châu Âu phải đẩy lùi kế hoạch đầu tư cho dự án vũ trụ đến sau năm 2020, dù đây là một chương trình rất quan trọng đối với chính sách không gian châu Âu mà EU đang có dấu hiệu bị bỏ lại sau.

Cuộc đua quyết liệt

Cách đây nhiều thập kỷ, cuộc cạnh tranh giữa Liên Xô (cũ) và Mỹ đã thúc đẩy công nghiệp vũ trụ tăng tốc mạnh mẽ. Đến năm 1975, hai bên bắt đầu ngồi lại với nhau trong dự án hợp tác Apollo-Soyuz Test Project, một dự án mang tính biểu tượng cho sự tháo gỡ mối quan hệ căng thẳng giữa hai địch thủ.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc và cuộc đối đầu vào vũ trụ giữa Liên Xô - Mỹ cũng chấm dứt. Các quan chức không gian Mỹ bắt đầu tiến hành đàm phán với các đối tác có tiềm năng trong ngành công nghiệp vũ trụ, bao gồm châu Âu, nhằm liên kết tất cả các dự án xây dựng trạm vũ trụ riêng lẻ của các cơ quan không gian, cùng nhau xây dựng một trạm vũ trụ quốc tế. 

Và cuối cùng Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) ra đời quy tụ sự hợp tác của năm cơ quan không gian: NASA (Mỹ), RKA (Nga), JAXA (Nhật Bản), CSA (Canada) và ESA (châu Âu).

Kể từ lúc bắt đầu thời đại không gian, sự hỗ trợ của chính phủ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển là yếu tố rất quan trọng. Theo Ngân hàng Thế giới, số lượng các quốc gia có chương trình không gian đã không ngừng tăng lên, song song đó là sự gia tăng ngân sách chính phủ dành cho các hoạt động không gian.

Ấn Độ, Trung Quốc hay Nhật Bản đều có những kế hoạch đầy tham vọng nhằm nâng cao vị thế trong cuộc đua vào không gian.

Các nước G7 tiếp tục chiếm ưu thế trong đầu tư vào không gian với ngân sách ước tính khoảng 53 tỷ USD, trong khi các nền kinh tế đang trỗi dậy BRICs cũng tích cực chi tiêu khoảng 9,7 tỷ USD. Riêng Liên minh châu Âu giai đoạn 2007-2013 đã dành khoảng 700 triệu USD mỗi năm cho các hoạt động không gian, tập trung vào chương trình định vị vệ tinh Galileo và chương trình giám sát an ninh - môi trường toàn cầu.

Cho đến hiện nay, thế giới đã bùng nổ một cuộc chạy đua mới trong công cuộc chiếm lĩnh không gian vũ trụ. Tuy nhiên, lần này không phải là cuộc đua giữa hai siêu cường thế giới như cuối thế kỷ trước mà thực ra là cuộc đua giữa các chủ tập đoàn lớn.

Elon Musk, sáng lập viên của tập đoàn Tesla và Space X cùng Jeff Bezos, ông chủ của Amazon và Blue Origin đang tranh đua với ý tưởng các tên lửa có thể… tái sử dụng. 

Lo sợ bị đẩy lại sau, EU cuối cùng cũng đã quyết định gia nhập cuộc đua khi Ủy ban châu Âu đang tìm kiếm vốn để tài trợ chương trình nghiên cứu phát triển tên lửa tái sử dụng, một công nghệ đang được xem là mang tính cách mạng trong cuộc đua vào không gian hiện nay.

Tất nhiên, châu Á không thể đứng ngoài cuộc chơi khi Ấn Độ, Trung Quốc hay Nhật Bản đều có những kế hoạch đầy tham vọng nhằm nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Ấn Độ nổi lên như một ví dụ minh chứng cho "sức mạnh" tiềm tàng khi thiết lập kỷ lục mới. 

Từ bãi phóng ở Sriharikota (bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ), 104 vệ tinh trên đã được phóng bằng tên lửa đẩy PSLV-C37. Sau 28 phút, các vệ tinh đã được đưa thành công vào quỹ đạo định sẵn. 

104 vệ tinh này được sử dụng để vẽ bản đồ Trái Đất, theo dõi tàu bè nhằm giám sát nạn đánh bắt cá trái phép và cướp biển hay hỗ trợ những cuộc thử nghiệm về vi trọng lực. Đây thực sự là một bước ngoặt trong lịch sử của chương trình không gian của Ấn Độ.

Trước đó, tàu Mangalyaan của Ấn Độ lần đầu tiên đã thành công trong hoạt động thăm dò sao Hỏa. Thành tựu này buộc thế giới phải lưu ý đến chương trình không gian của Ấn Độ, được bắt đầu từ năm 1962. Cuộc thăm dò đã được tiến hành vào năm 2014 với kinh phí 74 triệu USD. Sứ mệnh sao Hỏa có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo lập uy tín của Ấn Độ, đưa nước này trở thành một cường quốc về khoa học vũ trụ.

Cho đến nay, Ấn Độ đã chuyển giao 79 vệ tinh đến 21 quốc gia, thu lại ít nhất là 157 triệu USD. Chi phí phóng vệ tinh của Ấn Độ thấp hơn 60% đến 70% so với các nước khác. Trong hai thập kỷ qua, Ấn Độ đã trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ quan trọng trên thị trường hàng không vũ trụ

Không cân sức

Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2017 sẽ chứng kiến một cuộc đua vũ trụ sôi động nhưng "không cân sức" giữa châu Á và châu Âu. "Lục địa già" đang dần tỏ ra đuối sức và yếu thế so với những quốc gia châu Á bởi nguồn tài chính cho các chương trình không gian ngày càng hạn hẹp, không nằm trong dự trù kế hoạch ngân sách hiện có mà phải đợi tới ngân sách giai đoạn 2021-2027.

Các đàm phán về Brexit gây khó khăn cho quá trình định hình được số vốn dành cho các dự án vũ trụ khi xem xét ngân sách từ nay đến năm 2020. Ủy ban châu Âu đã phải tính đến việc đề xuất vấn đề này trong lần xem xét ngân sách tiếp theo, dự kiến diễn ra từ nay đến cuối năm. Chưa hết, việc giải ngân khoản vốn cho chương trình không gian châu Âu cùng lúc được coi là quá ít và quá chậm.

Châu Âu cùng lúc phải đối mặt với sự trỗi dậy của những công ty tư nhân đang dần xâm chiếm "miếng bánh ngọt" không gian. Sau hàng thập kỷ thử nghiệm với việc đổ hàng nghìn tỷ USD cho việc khám phá vũ trụ và triển khai các chương trình phóng vệ tinh, Elon Musk và Jeff Bezos thực sự đã thành công trong việc chế tạo ra một loại tên lửa có khả năng quay trở lại trái đất trong tình trạng có thể sử dụng lại được. 

Tên lửa đẩy luôn là thành phần đắt nhất của các chương trình không gian vũ trụ. Việc tái sử dụng tên lửa đẩy sẽ cho phép giảm rõ rệt giá thành các chương trình không gian.
Châu Âu đang dần tỏ ra đuối sức và yếu thế bởi nguồn tài chính cho các chương trình không gian ngày càng hạn hẹp.

Thế nhưng, hiện có quá ít những tập đoàn châu Âu đi vào nghiên cứu phát triển tên lửa tái sử dụng, và ngân sách của họ quá eo hẹp so với các công ty của Mỹ. Các sáng kiến vũ trụ của các doanh nghiệp châu Âu chủ yếu trông chờ vào các nguồn tài chính công.

Bên cạnh đó, tại châu Âu cũng rất khó để thu hút các nhà đầu tư vào các dự án không gian vũ trụ. Giới phân tích nhận định, để châu Âu không chậm chân hơn so với các đối thủ thì các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp tư nhân ở lục địa này cần dấn thân nhiều hơn nữa và dám đương đầu với rủi ro để giành được phần thắng.

Việc châu Âu đang "hụt hơi" trở thành cơ hội tuyệt vời cho các quốc gia châu Á. Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản đều đề ra các kế hoạch thăm dò không gian quy mô lớn cho năm 2017 và xa hơn nữa. Hiện Ấn Độ đang gia tăng chi tiêu cho chương trình không gian trong giai đoạn 2017-2018 lên hơn 20%, với hai sứ mệnh đầy tham vọng là thám hiểm sao Hỏa và sao Kim.

Thông qua kế hoạch đáp xuống bề mặt sao Hỏa vào năm 2021 hoặc 2022, Ấn Độ đang cạnh tranh với đối thủ nặng ký Trung Quốc - quốc gia có kế hoạch phóng tàu thăm dò đến mặt trăng để thu thập mẫu đất vào cuối năm 2017.

Trên thực tế, Trung Quốc đang chuẩn bị cho kế hoạch phóng tàu vũ trụ chở hàng Thiên Chu-1 và tàu vũ trụ tiếp tế vào tháng 4-2017, tạo cơ sở cho việc đưa trạm không gian của nước này đi vào hoạt động vào năm 2022.

Không dừng lại ở đó, Trung Quốc đặt mục tiêu đến cuối thập kỷ này sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đáp xuống phía bên kia của mặt trăng, đồng thời đáp tàu thăm dò xuống sao Hỏa.

Đối với Nhật Bản, chương trình không gian của nước này cũng đang nhắm đến mặt trăng khi Nhật Bản muốn cho tàu thăm dò tự hành đáp xuống bề mặt vệ tinh của Trái Đất này vào năm 2018. Nhật Bản cũng đang cố gắng bắt kịp tốc độ cuộc đua khi lên kế hoạch đặt một cỗ xe không người lái trên bề mặt của mặt trăng vào năm 2018.

Sự cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực năng lượng không gian và thể hiện uy tín tại khu vực châu Á có hơi hướng của cuộc đua trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, đó không phải là động cơ duy nhất. Việc theo đuổi của khoa học và tiến bộ kỹ thuật mang đến lợi ích kinh tế và thương mại cũng là một yếu tố quan trọng khiến các nước châu Á nỗ lực không ngừng.

Từ lâu, cuộc đua trong lĩnh vực khoa học vũ trụ thực sự đang diễn ra ở châu Á. Những lợi ích trên nhiều phương diện thu được từ hoạt động thăm dò không gian và công nghệ vũ trụ khiến nhiều quốc gia trở lại với chương trình Apollo. Các nước châu Á cũng theo mô hình đó và thu lại được lợi ích đáng kể, đặc biệt là khẳng định tên tuổi cá nhân trên bản đồ các quốc gia "có phần" trên vũ trụ…

Nguyễn Tuyết
.
.