Chúng ta đều trần trụi trên internet

Thứ Bảy, 05/09/2020, 12:16
“Mephistopheles thân mến, hãy ếm bùa chú lên tôi. Khiến tôi bước trong vô hình với tất thảy. Và làm bất cứ điều gì tôi muốn mà không ai nhìn thấy” - tiến sĩ Faust nói với quỷ Mephistopheles trong kiệt tác kịch của Goethe.

Vậy là con người đã mơ ước được tàng hình từ rất rất lâu và quyền năng tàng hình, nói như trong “Harry Potter”, thậm chí là quyền năng duy nhất có thể chống lại cái chết. Thế nhưng, mặc cho bao nhiêu ước mơ viễn tưởng đã thành sự thật, tàng hình dường như càng ngày càng xa tầm với của con người, nhất là khi ta sống trong thời đại Internet, một thời đại không muốn ai được phép tàng hình.

Hồi tháng 6 vừa qua, một tài khoản của nhóm tin tặc trên Twitter bỗng thông báo về việc phát tán 269 gigabytes dữ liệu từ hơn 200 sở cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật ở Hoa Kỳ. Những dữ liệu này đều là thông tin cá nhân của người dùng từ các mạng xã hội nổi bật nhất hiện nay: Facebook, Reddit, Twitter, Tumblr và Tiktok.

Nếu Moses sống ở thời hiện đại, hẳn ông sẽ rẽ sóng đưa con dân Do Thái vượt biển Đỏ bằng một chiếc smartphone. Nhưng, công nghệ này đang dẫn dắt chúng ta hay dắt mũi chúng ta?

Vụ rò rỉ được gọi tên là BlueLeaks tiết lộ cách mà cảnh sát đã sử dụng dữ liệu cung cấp bởi các mạng xã hội để “đánh hơi” những người biểu tình sau cái chết của George Floyd. Nhưng, trong số những mạng xã hội đó, TikTok gần như hứng trọn đạn và trở thành tâm điểm bị chỉ trích.

Câu chuyện trở nên thú vị hơn khi bản thân TikTok đang bị nước Mỹ coi như một Huawei thứ hai, nghĩa là một tập đoàn công nghệ có mối liên hệ mật thiết với Bắc Kinh và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu e ngại TikTok. “TikTok sẽ bán dữ liệu của bạn sang Trung Quốc”, đó là lời cảnh báo đủ sức nặng để khiến những chức năng tưởng chừng hết sức dễ thương và vô hại của TikTok trở nên đầy cạm bẫy.

Cứ như thể chỉ có TikTok và chỉ có Trung Quốc là khát khao dữ liệu và sẵn sàng làm mọi thứ để có được dữ liệu!

6 năm sau khi đáp xuống sân bay Sheremetyevo ở Moscow để tị nạn, vào năm ngoái, Edward Snowden viết một cuốn tự truyện mang tên “Permanent Record” (bản dịch tiếng Việt mang tên “Bị theo dõi” đã được phát hành ở Việt Nam vào đầu năm nay). “Bị theo dõi” có thể đọc như một tiểu thuyết hình sự giật gân về một cậu bé ở một thành phố cảng bình thường đã trở thành kẻ thù của chính phủ quyền lực nhất thế giới như thế nào.

Và ở chương 16, Snowden - một kỹ sư hệ thống từng làm việc cho CIA và NSA, một trong những người hiếm hoi có thể truy cập dữ liệu của gần như bất cứ ai trên thế giới này - viết: “Internet về cơ bản là của người Mỹ. World Wide Web có thể đã được phát minh ở Geneva, tại phòng thí nghiệm nghiên cứu của CERN năm 1989 nhưng các phương thức truy cập web lại hoàn toàn của Mỹ chẳng khác gì môn bóng chày.

Cơ sở hạ tầng của Internet nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ nhiều đến mức hơn 90% lưu lượng truy cập Internet của thế giới đều phải đi qua các công nghệ được chế tạo, sở hữu và/hoặc điều hành bởi Chính phủ Mỹ và doanh nghiệp Mỹ. Mặc dù một số công ty có thể sản xuất thiết bị tại Trung Quốc nhưng bản thân công ty lại là của Mỹ và phải tuân theo luật pháp Mỹ, (...), phải cho phép Chính phủ Mỹ giám sát hầu như mọi người, đàn ông, phụ nữ và trẻ em, đã từng chạm vào một chiếc máy tính hay cầm một máy điện thoại”.

Dữ liệu cá nhân là thứ tài sản đáng thèm muốn đến mức chỉ những kẻ ngây ngô mới nghĩ rằng những tập đoàn siêu khổng lồ và những chính phủ giàu có không sờ tới chúng. Sau vụ Wikileaks mà Snowden là người khởi xướng, rồi liên tiếp sau đó là những bê bối của Facebook hay Apple, điều kỳ lạ không nằm ở chỗ TikTok bán dữ liệu cho ai mà nằm ở chỗ chúng ta vẫn còn tỏ ra bị sốc vì điều đó.

97% những người dùng điện thoại thông minh nói rằng họ rất quan tâm tới việc bảo mật nhưng chỉ 52% nói họ có đọc các quy định về quyền riêng tư trên các ứng dụng và chỉ 35% nói họ tự tin về việc phần lớn các ứng dụng thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc bảo mật. Vậy thì chúng ta đã biết cả đấy chứ nhưng chúng ta vẫn chấp nhận đánh đổi, để có thể được đăng tải hình ảnh chú chó yêu, ta sẵn sàng trao dữ liệu của mình cho những hệ thống đó.

Giờ, hãy nghĩ lại câu chuyện về sự tàng hình. Trong số các phát minh viễn tưởng mà người xưa từng nghĩ ra, rất nhiều đã thành hiện thực, như: máy bay, tàu ngầm, tàu vũ trụ, nhân bản vô tính, thậm chí là kỹ thuật ghép đầu. Thế nhưng tàng hình lại chưa bao giờ thực sự trở thành hiện thực. Dù rất nhiều người nghiên cứu và rất nhiều công nghệ được phát triển nhưng, sự vô hình tuyệt đối, theo nghĩa bạn có thể đi qua một căn phòng mà không ai nhìn thấy bạn, cho đến hôm nay vẫn là bất khả.

Bìa cuốn sách “Bị theo dõi”, tự truyện của Edward Snowden mới được phát hành ở Việt Nam.

Phải chăng con người khó có thể tàng hình, bởi về mặt bản chất, tiến trình phát triển xã hội luôn “chống lại” sự tàng hình? Nó ủng hộ ta bay, ủng hộ ta ra ngoài Trái đất nhưng tàng hình thì không. Và bạn có thể thấy, trong một xã hội càng hiện đại, con người càng trần trụi, càng lõa lồ một cách tung tăng, càng phơi bày chính mình trước thế giới, càng không có bất cứ một góc nào góc riêng tuyệt mật. Chính ở trong thế giới mạng tưởng như tự do nhất, ta lại trở nên trần trụi nhất. Những tấm ảnh hay những cuộc trò chuyện mà ta cứ nghĩ là tuyệt mật, kỳ thực, một kỹ sư hệ thống mạng ở bờ bên kia Đại Tây Dương hoàn toàn có thể tra soát toàn bộ dễ dàng.

Internet đã bị thuần hóa. Nhiều năm trước, khi còn là một mảnh đất hoang vu, Internet thực sự là một thế giới ảo, nơi bạn có thể ẩn danh và làm bất cứ ai bạn muốn, hay nói cách khác, bạn có thể “tàng hình”.

“NY152 sẽ nói gì hôm nay nhỉ? Tôi băn khoăn. Tôi mở máy tính lên. Tôi sốt ruột đợi chờ nó kết nối. Tôi lên mạng và ngực tôi thắt lại khi đọc được ba từ nho nhỏ: Bạn có thư. Tôi không nghe thấy gì nữa. Ngay cả một âm thanh trên phố phường New York, chỉ có tiếng đập trái tim tôi” - một câu thoại trong bộ phim tình cảm nổi tiếng “Youve got mail” đầu những năm 2000 về tình yêu qua mạng.

Trong phim, hai kẻ mâu thuẫn với nhau ngoài đời cùng tham gia một phòng chat và phải lòng nhau khi hóa thân vào những danh tính khác. Hay lấy ví dụ một bộ phim Trung Quốc đi, “Tình yêu tháng 5”, cũng là một bộ phim đầu những năm 2000, về một anh chàng tự nhận là A Tín, một thần tượng nhạc rock nổi tiếng ở Đài Loan để tán tỉnh một cô gái trẻ vốn là người hâm mộ của ngôi sao này.

Vẫn biết rằng đó chỉ là những cái nhìn theo chủ nghĩa lý tưởng về Internet thời đầu nhưng quả là con người đã thực sự được tự do ở đó, hay nói như Snowden, đó là “tình trạng vô chính phủ lý thú và thành công nhất mà tôi từng trải qua”.

Nhờ những nỗ lực kết nối danh tính trên mạng và danh tính ngoài đời của người dùng, những chuyện như thế khó mà diễn ra lại nữa. Bạn khó mà lên Facebook hay Instagram và tự nhận mình là Hồ Ngọc Hà hay Hứa Vỹ Văn. Điều đó, tất nhiên, tốt thôi, vì nó ngăn chặn nạn mạo danh và những trò lừa lọc trên mạng ảo. Nhưng, mặt khác, nỗ lực kiểm soát Internet không hẳn hoàn toàn vì con người như ta nghĩ, nó là một phần trong những kế hoạch vĩ đại hơn do các tập đoàn và các cường quốc liên minh lại để chiếm lấy những lãnh thổ ảo.

Chủ nghĩa thực dân vẫn luôn tồn tại, dù ta đang sống ở thế kỷ nào đi nữa. Internet ngày nay bị kiểm soát bởi những thỏa thuận phục vụ lợi ích nhóm, nó nguy hiểm bởi ngay cả chính những người đang kiểm soát nó cũng chưa biết hết có thể khai thác từ nó những gì.

Những ngày qua, thông tin về việc Microsoft đang thương thảo để mua TikTok rộ lên. Tổng thống Trump cảnh báo rằng nếu trong vòng 90 ngày mà TikTok không thể tìm được bến đỗ là một công ty Mỹ nào đó thì nó ứng dụng này sẽ bị ông tống cổ. Giả dụ như thương vụ mua bán của Microsoft thành hiện thực, rõ ràng Chính phủ Mỹ sẽ được lợi. Nhưng, những người dùng TikTok thì sao, họ có được lợi gì từ đây không? Bị theo dõi bởi nước Mỹ và bị theo dõi bởi Trung Quốc có thật sự khác nhau hay không? Hay TikTok sẽ chỉ đơn giản trở thành một Facebook thứ hai, thay vì một Huawei thứ hai?

Và trong khi những chính phủ đang tranh giành miếng bánh lợi ích, chúng ta chỉ là những vụn bánh đang bị cái dĩa khổng lồ của họ thọc vào, xuyên thẳng qua những gì tưởng như thuộc về chúng ta.

Hiền Trang
.
.