Từ chuyện 1,6 triệu người tại lllinois (Mỹ) nhận được 650 triệu USD tiền bồi thường của Facebook:

Chúng ta đã làm gì với dữ liệu của chính mình?

Thứ Bảy, 20/03/2021, 10:03
Bạn đi dạo công viên cùng những người bạn thân thiết của mình. Bạn chụp một bức ảnh kỷ niệm rồi nhanh chóng đưa bức ảnh lên Facebook cá nhân. Lập tức, Facebook của những người này cũng được tag vào bức ảnh. Ồ! Tại sao Facebook tuyệt vời đến như thế? Bạn đã từng đặt ra câu hỏi như vậy phải không?


Câu trả lời rất đơn giản: tại vì Facebook có chức năng nhận diện gương mặt. Nghĩa là chỉ từ một gương mặt bất kỳ được tung lên nền tảng của mình, Facebook sẽ tìm ra ngay trang cá nhân với hàng loạt thông tin cá nhân - hồ sơ cá nhân của người có gương mặt đó. Nếu bạn đang nghĩ rằng đây là một chức năng thông minh với tính liên kết cá nhân tuyệt vời của Facebook thì 1,6 triệu người tại lllinois (Mỹ) không tin như thế. Họ lật ngược vấn đề: Tại sao Facebook lại tự cho mình cái quyền thu thập, lưu giữ hình ảnh khuôn mặt họ mà chưa có sự cho phép của họ? Và họ tin rằng trong trường hợp này Facebook đã xâm phạm nghiêm trọng vào quyền riêng tư của mình.

Ảnh: L.G

Cụ thể hơn,  đấy là quyền riêng tư thông tin sinh trắc học. Thế là họ tính chuyện đâm đơn kiện Facebook kể từ năm 2015. “Cùng với vị trí địa lý, dữ liệu sinh trắc học là một trong hai thông tin chính, sẽ quyết định quyền riêng tư của con người trong tương lai” - luật sư Jay Edelson, người đã đệ đơn vụ kiện phát biểu như vậy. Thoạt tiên, Facebook khăng khăng cho rằng đây là những lý do kiện tụng thiếu cơ sở. Nhưng, đến tháng 1-2020, Facebook đã phải đề xuất một khoản đền bù lên tới 550 triệu USD nhằm giải quyết mọi tranh chấp. Bạn nghĩ gì về con số đền bù này? Vậy là Facebook đã phải xuống nước, và 1,6 triệu người trong vụ kiến tập thể đã đạt được chiến thắng sau cùng? Câu chuyện sẽ kết thúc ở đây?

Không! Thẩm phán James Donato của Tòa án quận Bắc California sau khi cân nhắc mọi khía cạnh cho rằng con số này là chưa hợp lý. Gần một năm sau, ngày 26-2-2021 vị thẩm phán này tuyên bố thỏa thuận cuối cùng của Facebook với 1,6 triệu người lllinois là 650 triệu USD. Và như thế tất cả những người yêu cầu bồi thường sẽ nhận được ít nhất 345 USD/người. Người phát ngôn Facebook tuyên bố: “Chúng tôi sẵn sàng đạt thỏa thuận đền bù để chấm dứt vấn đề này, vì lợi ích tốt nhất của cộng đồng và cổ đông của chúng tôi”.

Cũng chính từ vụ kiện tụng có màu sắc như một “tiền lệ” này, Facebook đã đặt chức năng nhận diện khuôn mặt người dùng ở chế độ “tắt”, đồng thời xóa tất cả dữ liệu khuôn mặt mình đã thu thập trước đây. Có nghĩa là từ giờ trở đi, ai thích sử dụng chức năng này sẽ phải chủ động chọn từ “tắt” sang “bật”. Câu chuyện kết lại ở đây nhưng chắc chắn nó sẽ khiến bạn băn khoăn về mối quan hệ giữa những điều Facebook tự động làm với tất cả những gì thuộc về phạm trù tự do cá nhân của bạn.

Tháng 4-2018, trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, nhà sáng lập Facebook, Mark Zuckerberg phải đứng trước câu hỏi trực diện và hóc búa của Thượng nghị sĩ Deb Fischer: “Facebook đã lưu trữ bao nhiêu dữ liệu rồi? Có phải đã lưu trữ tất cả những thông tin chúng tôi nhấp vào phải không? Nó còn bị lưu trữ ở đâu khác nữa không?”.

Câu trả lời của Mark: “Đúng! Chúng tôi lưu trữ thông tin người dùng từ mỗi cú click chuột”. Điều này có nghĩa, khi bạn nhấn nút “like” vào một status, chẳng hạn như vậy - Facebook sẽ lưu trữ cái like đó. Điều này cũng có nghĩa sau khi phân tích khoảng chục cái like của bạn, thuật toán Facebook hoàn toàn có thể nhận diện quan điểm chính trị của bạn - nếu bạn hay “like” những vấn đề chính trị. Đấy đơn thuần chỉ là những nút “like”, nút “share” - tức là những công cụ cho phép thuật toán Facebook nhận diện bạn một cách gián tiếp.

Còn với những comment, những status của chính bạn, quá trình lưu trữ của Facebook sẽ giúp nền tảng này “đọc vị” con người bạn rõ hơn bạn “đọc vị” mình. Vậy thì, bạn đang dùng Facebook miễn phí, hay chính Facebook mới “dùng” bạn miễn phí? “Ngay cả khi người dùng không đăng nhập mạng xã hội, chúng tôi vẫn theo dõi một số thông tin như việc truy cập vào bao nhiêu website. Bởi đây là một phần trong số những biện pháp bảo mật” - vẫn là Mark Zuckerberg thừa nhận trong phiên điều trần thứ hai ở Quốc hội Mỹ năm 2018.

Những năm gần đây, thi thoảng chúng ta lại thấy xuất hiện những ứng dụng đầy tính mời gọi của một bên thứ ba nào đó trên nền tảng Facebook, ví dụ như: “10 năm nữa trông bạn sẽ ra sao?”. Chắc chắn là bạn tò mò về tương lai của mình, ít nhất là ở phương diện hình thức. Bạn sẽ giải quyết nỗi tò mò đó bằng cách đưa ngay bức ảnh cá nhân của mình vào ứng dụng này. Rồi bạn sẽ khoái chí với hình ảnh mình 10 năm nữa mà ứng dụng đáp trả cho bạn.

Ồ, hóa ra 10 năm nữa mình như thế này đây - bạn trầm trồ xuýt xoa! Trong cơn chếnh choáng cảm xúc, bạn quên mất rằng, với việc tự nguyện tham gia ứng dụng này, bạn cũng đồng thời tự nguyện khai báo hình ảnh mình cho một trung tâm lưu trữ nào đó. Và cái trung tâm lưu trữ đó làm gì với một tập hợp hình ảnh đó, chỉ... ông trời mới biết! Mà tất cả những điều này là tự nguyện - bạn “giao nộp” hình ảnh của mình một cách tự nguyện, chứ không phải bị Facebook tự động lưu trữ giống như trong vụ kiện tụng của 1,6 triệu người lllinois đâu nhé.

Từ một gương mặt bất kỳ, Facebook sẽ tìm ra ngay trang cá nhân với hàng loạt thông tin cá nhân - hồ sơ cá nhân của người có gương mặt đó. Ảnh: L.G

Bây giờ, chúng ta sẽ bàn tới một vấn đề lớn hơn: bạn ý thức như thế nào về quyền riêng tư cá nhân trong thời đại 4.0? Bạn có vô tình xâm phạm quyền riêng tư của người khác và cũng vô tình để một cá nhân/tổ chức hay một nền tảng công nghệ nào đó xâm phạm quyền riêng tư của chính mình hay không?

Khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, chúng ta thấy rất rõ hiện tượng: không ít người đã vô tư chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh, của F1, F2 hoặc những đối tượng mình cho là F1, F2. Họ nghĩ như vậy là chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch. Nhưng thứ nhất, họ đã xác minh chắc chắn đấy là người mắc bệnh hoặc chắc chắn đấy là F1, F2 chưa? Thứ hai, nếu đã xác minh chắc chắn thì họ đã hỏi ý kiến trước khi chia sẻ thông tin đời tư của những người này hay chưa? Việc chia sẻ nhầm hoặc chia sẻ mà không được sự đồng ý chính là biểu hiện xâm phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư của người khác.

Hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam đã phát hiện tới hơn 60 tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. Các gói dữ liệu thậm chí đã được mua bán trong thời gian dài, có cả những cam kết về độ chính xác, cập nhật dữ liệu, trích xuất dữ liệu theo yêu cầu của người mua. Vậy nên mới có chuyện hàng loạt nhãn hàng nào đó lao vào chào mời bạn, hàng loạt những cú Alo tiếp thị nào đó thi nhau “tra tấn” bạn. Mà những màn “chào mời - “tra tấn” này lại “đọc” trúng con người bạn. Họ biết bạn khoảng bao nhiêu tuổi, có mức thu nhập trung bình khoảng bao nhiêu tiền, thuộc phân khúc nào trong tệp khách hàng tiềm năng của họ.

Ở một thời đại mà thông tin - dữ liệu cá nhân là một nguồn tài nguyên thì việc các cá nhân/tổ chức bằng một cách nào đó thu thập, xử lý và xâm phạm nguồn tài nguyên đó là điều tất yếu. Dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được Bộ Công an đưa ra, trong đó đề xuất mức phạt lên tới 100 triệu đồng với những hành vi chuyển dữ liệu cá nhân trái phép qua biên giới; 80 triệu đồng với những hành vi tiết lộ tên, năm sinh, số điện thoại người khác một cách trái phép...

Có nghĩa là chúng ta sẽ bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, đặc biệt là quyền riêng tư trên không gian mạng bằng hệ thống luật pháp đã có và sẽ có. Nhưng, đây không chỉ là câu chuyện của luật pháp mà còn liên quan mật thiết đến sự tỉnh táo của mỗi cá nhân khi tham gia những mạng lưới kết nối toàn cầu với rất nhiều chức năng, công cụ tinh vi, biến ảo. Không vô tình xâm phạm đến dữ liệu cá nhân của người khác, và cũng không dại dột tình nguyện “nộp” dữ liệu cá nhân của mình cho người khác - đấy là điều mà những công dân thời 4.0 phải nhìn nhận tỉnh táo.

Câu chuyện 1,6 triệu người lllinois nhận được 650 triệu USD tiền bồi thường của Facebook, hơn lúc nào hết, đã nhắc nhở chúng ta điều này!

Phan Mỹ Chí
.
.