Chủ nghĩa lãng mạn 4.0: Tạm biệt Plato!

Thứ Tư, 06/03/2019, 11:36
Từ tinh thần ái tình tự do trong Romeo và Juliet, chúng ta đã tiến hóa để chấp nhận tự do tình dục và sau vài chục năm, Tinder xuất hiện để tạo nên những biến thể mới của tình yêu.

Liệu thời đại này, chúng ta còn có cơ may có những cuộc gặp gỡ định mệnh như giữa Anna Karenina và Vronsky trên chuyến tàu hỏa như trong tiểu thuyết của Lev Tolstoy hay không? Hoặc là như giữa Elizabeth Benner và Fitzwilliam Darcy trong một buổi tiệc tùng nơi thôn dã như trong Kiêu hãnh và định kiến? 

Câu trả lời là có. Nhưng không chỉ vậy, tình yêu đang ngày càng mở rộng địa bàn, bởi vì ngày nay chúng ta không chỉ có thể tìm một ý trung nhân trong không gian vật lý, mà còn làm được điều đó trên một không gian ảo, cụ thể là những ứng dụng hẹn hò như Tinder. Cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ tạo ra một nền kinh tế 4.0. Chủ nghĩa lãng mạn 4.0 cũng là một phần của nó.

Trước hết, chúng ta phải làm rõ rằng, khoa học công nghệ và tình yêu, một thứ tưởng như khô khan, một điều tưởng chừng bay bổng, nhưng thực tế lại có sự gắn bó keo sơn. 

Chẳng hạn, vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi những chiếc đầu máy xe lửa ra đời và là phương tiện giao thông thời thượng, ý tưởng về những cuộc tương ngộ của đám nam thanh nữ tú trên những chuyến đường sắt cũng ra đời, mà câu chuyện của Anna Karenina cùng người tình hay của Laura và Alec trong Brief Encounter đã phản ảnh phần nào đời sống giai đoạn đó.

Đến đầu thế kỷ 21, khi Internet manh nha, từ Đông chí Tây người ta lại đặt ra những trạng huống tình yêu trong bối cảnh mạng ảo ẩn danh, theo kiểu Kathleen và Frank trong You've got mail hay Tiểu Triệu và A Lỗi trong Ngũ nguyệt chi luyến. Vậy thì chẳng có gì bất ngờ khi sau tình yêu tàu lửa, tình yêu internet, ta lại có thời đại tình yêu Tinder.

Vậy Tinder đã làm chao đảo khái niệm tình yêu mà chúng ta đã biết như thế nào?

Ngược dòng lịch sử, tình yêu có lẽ lần đầu được tiếp cận, phân tích, mổ xẻ theo hướng chiêm nghiệm học thuật thông qua cuốn Symposium (Yến Hội) của triết gia Plato. 

Trong bữa tiệc rượu của sáu nhân vật lỗi lạc, mỗi người đứng lên ngợi ca tình yêu. Và nhà hài kịch vĩ đại Aristophanes đã thuyết giảng về khái niệm Eros (ái tình) rằng, thuở khai thiên lập địa, con người là một thực thể kép với hai cơ thể, bốn tay, bốn chân, hai cơ quan sinh dục. 

Nhưng vì thói ngạo mạn, coi trời bằng vung của chúng mà Zeus - vị thần tối cao của đỉnh Olympus - đã quyết định chẻ chúng ra làm đôi, và kể từ đó chúng đau đáu đi tìm một nửa thất lạc của mình. Và như thế, người Hy Lạp cổ quan niệm ái tình như sự tạo ghép một - một hoàn hảo, duy nhất, vừa khít, mang tính định mệnh, do tạo hóa sắp đặt của hai cá thể.

Nhưng triết lý tình yêu của Tinder lại khác hẳn.

Tinder là một ứng dụng với 50 triệu người dùng, với nền tảng có sẵn trên 140 quốc gia. Nó hoạt động dựa trên một cơ chế đơn giản, Tinder gửi cho bạn hàng loạt lý lịch của những cá nhân nó cho rằng phù hợp với bạn, bạn vuốt phải (right swipe) nếu thấy ấn tượng với người đó, vuốt trái (left swipe) nếu muốn bỏ qua. Nếu người kia cũng vuốt phải với bạn, hai người đã được bắt cặp!

Trong thế giới của Tinder, một người có thể "swipe" với bao nhiêu người tùy thích, họ thậm chí còn được khuyến khích để swipe với càng nhiều người càng tốt. 

Chẳng có một sinh vật kép nào cả, cũng không có một định mệnh nào áp đặt chúng ta, vấn đề là chúng ta càng gặp gỡ nhiều người, cơ hội để tìm một người đồng dạng càng cao hơn. Tình yêu, từ một dạng thức thần kỳ do hôn phối của Zeus đã được lý tính hóa bằng những siêu dữ liệu trong thời đại mới.

Cũng trong Symposium, một nhân vật khác là triết gia Socrates (thực tế đóng vai trò là người phát ngôn những quan điểm của Plato), lại mô tả các cấp bậc của tình yêu như những nấc thang tiến tới hình thái của cái đẹp. 

Đầu tiên, con người khao khát vẻ đẹp bên ngoài, ta khao khát cái mà ta đang thiếu, sau đó, ta đạt đến sự nhận thức về cái đẹp thể xác nói chung, rồi cái đẹp của tâm hồn, cái đẹp của những định luật, cái đẹp của tri kiến và cuối cùng là hình thái cao nhất, tự thân cái đẹp. 

Như vậy, tình yêu đích thực đối với Plato là một hành trình dụng công, dụng tâm, chuyên nhất, đòi hỏi ở con người sự khai sáng về nội nhãn và trí lực.

Tinder thì sao? Khó có thể đòi hỏi một mối quan hệ đa tầng bậc kiểu Plato trên Tinder. Nếu với Plato, tình yêu là một quy trình phức tạp thì với Tinder, hẹn hò chưa bao giờ dễ dàng hơn thế. Tất cả những gì một người cần có chỉ là một chiếc điện thoại và một chút wifi. 

Bạn cũng chẳng mất công phải điền các thông tin cá nhân của mình như thời người ta còn đăng báo kết bạn. Bởi Tinder kết nối trực tiếp với tài khoản facebook cá nhân của người tham gia để lấy những thông tin cơ bản.

So sánh đơn giản thì Tinder cũng giống như McDonald. McDonald phục vụ thức ăn nhanh với những nguyên liệu được gia chế thần tốc, vậy thì Tinder cũng vậy. Cơ chế "swipe" cho phép người dùng lướt qua các đối tượng trong nháy mắt. Nó thúc giục bản năng nhận thức vẻ đẹp hình thể nhưng lại làm rối nhiễu những giác quan của tâm hồn. 

Tinder chấm điểm bạn bằng chỉ số mà họ gọi là ELO hoàn toàn dựa trên tiêu chí về mức hấp dẫn của mỗi người phân biệt con người bằng những con số vô hồn như trong một tiểu thuyết phản địa đàng. Nếu chỉ số ELO của bạn là 7, đừng có hòng bao giờ bạn được bắt cặp cho một người có chỉ số ELO là 9! 

Plato coi khinh thứ tình yêu nhẹ dạ bắn ra từ mũi tên bừa phứa của đứa trẻ Cupid mù quáng và nghịch ngợm, còn Tinder lại ngợi ca "ấn tượng về cái nhìn đầu tiên". 

Nhưng Tinder có hiệu quả không? Hết sức hiệu quả. Một ngày có đến hai sáu triệu đôi được bắt cặp với nhau! Tất nhiên, chúng ta chưa nói đến việc những cặp đôi này đi được bao xa trong mối quan hệ. Nhưng những mối quan hệ ngắn ngày cũng là một phần trong lối sống thanh niên.

Bữa tiệc của những nhà thông thái bàn về tính ái. Tranh do họa sĩ Anselm Feuerbach thế kỷ 19 ghi khắc lại. 

Ở một góc độ khác, Tinder đã tiến hóa ý niệm "tình yêu lãng mạn" vốn mới chỉ ra đời khoảng vài trăm năm trước. Đúng thế, ý niệm đầy đủ về tình yêu lãng mạn như chúng ta hiểu ngày nay, theo nhiều sử gia, chỉ xuất hiện ở châu Âu trong hoặc sau giai đoạn Trung Cổ, dù sự tồn tại của thứ cảm xúc này đã có từ lâu và được mô tả trong các tác phẩm thi ca Hy Lạp như thơ của Ovid.

Nhưng phải đến khi con sóng của chủ nghĩa lãng mạn đổ ập vào lịch sử, những kẻ say trong men tình mới chính thức được tâng bốc như những người anh hùng và được nâng lên thành đại diện cho phẩm hạnh cao đẹp, sự can đảm, phóng khoáng, tinh thần tự do, nhân đạo. 

Đó là Romeo và Juliet chung một nấm mồ vì một tình yêu bị ngăn trở bởi thù hận gia tộc, đó là chàng Werther đáng thương tìm đến cái chết vì một mối tình không được đáp đền với nàng Charlotte, đó là thi sĩ Lord Byron với những giai thoại ái tình phóng đãng, những vần thơ mãnh liệt, những ý tưởng bạo dạn vượt khỏi thời đại mình đang sống, dù sau bao thế kỷ vẫn mãi mãi là biểu tượng của sự mê hoặc.

Nói cách khác, dường như, một cách tất yếu, tình yêu lãng mạn ngày càng đề cao tính tự do, thậm chí là bản năng, không còn bị trói chặt trong sợi dây thừng của phong tục, lề lối xã hội. 

Những năm 1960, một cuộc cách mạng tình dục bùng nổ trong giới thanh thiếu niên nhằm giải thiêng tình dục và tận dụng triệt để sức mạnh của tình yêu những mong giải quyết những trầm luân thế sự và hàn gắn một thế giới đang trên đà đổ vỡ.

Tinder giống như một bước tiếp theo trong thời kỳ thế giới phẳng, nơi bạn có thể bắt cặp với bất cứ ai và bỏ qua tất cả mọi cản trở và khác biệt. Thậm chí, có tới 30%  những người tham gia Tinder là những người đã có gia đình. 

Cũng chẳng sao, Tinder không phải một nền tảng bồi đắp đạo đức chính thống cho xã hội. Bạn có thể kiếm tìm những mối quan hệ lâu dài, cũng có thể tìm những người hẹn hò trong ngắn hạn, Tinder không can dự vào chuyện đó và cho bạn toàn quyền quyết định.

Phải chăng những nhà sáng lập Tinder, Sean Rad và những người bạn (các nhà đồng sáng lập Tinder), họ đã trở thành những triết gia về tình yêu của thời đại mới thay thế cho Plato và Aristotle? Hay chỉ những điều một trí tuệ minh triết như Plato nói mới là đáng để ghi nhớ?

Nhiều người có thể cảm thấy những khung định dạng tình yêu của Tinder thật kỳ cục. Nhưng hãy nhớ rằng vài trăm năm trước, người ta cũng cảm thấy tình cảm lãng mạn luyến ái giữa đàn ông và đàn bà kỳ cục chẳng kém. Và có thể Tinder chỉ là một sự tiến hóa tất nhiên trong một xã hội ngày càng tự do và dựa nhiều vào công nghệ, dữ liệu và những mạng lưới rối như tơ vò. 

Hoặc nếu bạn vẫn tiếp tục nghi ngờ Tinder, hãy nhớ rằng Plato đã chẳng có nổi một cuộc tình nào đi đến hôn nhân. Ông sống cô độc cả đời. Lý thuyết thì máu xám, còn cây đời vẫn mãi xanh tươi chính là như vậy.

Và dù gì đi nữa, như thi sĩ lừng danh người Pháp Arthur Rimbaud từng viết trong tập "Một mùa dưới địa ngục", rằng tình yêu phải luôn được tái phát minh. 

Theo khía cạnh này, dù thời hiện đại đã vặn méo khái niệm tình yêu đến mức đôi khi ta không nhận ra được, nó vẫn là tình yêu theo kiểu riêng của nó?

Hiền Trang
.
.