Chống biến đổi khí hậu toàn cầu: Chạy đua còn kịp

Thứ Tư, 26/08/2015, 16:40
Vừa qua, 40 bộ trưởng đến từ các khu vực khác nhau trên thế giới đã tham dự cuộc họp tham vấn không chính thức về biến đổi khí hậu diễn ra vào những ngày cuối tháng 7 tại Paris nhằm chuẩn bị cho hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP21) do Pháp đăng cai vào tháng 12 tới. 

Đây là những bước đi cần thiết tạo thêm động lực chính trị cho các quốc gia, hướng tới việc đạt được “một thỏa thuận tham vọng về khí hậu” cho phép đối phó với hiện tượng nóng lên toàn cầu (còn được gọi là sự phá vỡ quy luật về khí hậu).

Thực tế cho thấy thời gian dành cho các cuộc đàm phán chính thức vào tháng 12 tới không nhiều, trong khi khối lượng công việc phải giải quyết là rất lớn. Đặc biệt, cần phải đạt được sự nhất trí của 196 bên (gồm 195 nước và Liên minh châu  Âu) nhằm thực hiện mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2°C, đạt được các cam kết về nguồn vốn tài chính dành cho biến đổi khí hậu và đầu tư cho nền kinh tế “khí thải cacbon thấp”.

Tương lai bị đe dọa

Chuỗi các hội nghị tham vấn không chính thức trước COP21 tạo điều kiện thuận lợi cho các thương thảo về khí hậu dưới góc độ chính trị giữa các nước và liên minh các nước. Trên thực tế, ngay từ bây giờ các bên cần phải đẩy nhanh tiến trình thương lượng nhằm đạt được “một thỏa hiệp về các vấn đề chính trị quan trọng”. Đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu cũng chính là đầu tư cho phát triển.

Những tiến bộ đạt được phải liên quan đến ý tưởng về một thỏa thuận bền vững và linh hoạt, và các nước phát triển phải thực hiện đầy đủ cam kết của mình là huy động 100 tỷ USD mỗi năm từ nay đến 2020 nhằm tài trợ cho các nước đang phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Tuy vậy, không nên ảo tưởng vào việc có thể tìm thấy một sự thỏa hiệp vào phút chót tại COP21 sắp tới vì thất bại của hội nghị Copenhagen năm 2009 về khí hậu là bài học đắt giá mà tất cả các quốc gia cần phải suy ngẫm.

Nhiệt độ đang tăng lên đã làm tan chảy tuyết và băng, khiến mực nước biển trung bình toàn cầu tăng thêm khoảng 0,9m trong thế kỷ này.

Trên diễn đàn hội nghị, trợ lý tổng giám đốc UNESCO Flavia Schlegel nhấn mạnh: “Tương lai nhân loại chúng ta phụ thuộc vào mối liên hệ giữa thông tin khoa học và đường lối chính trị”. Hiện nay, các khoa học về khí hậu của loài người đã chuyển từ khoa học báo động đơn giản với một câu hỏi duy nhất (phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính gây nguy hiểm như thế nào?) sang các khoa học đối mặt với nhiều câu hỏi (con người có thể làm được những gì bây giờ?). Theo đó, bây giờ vẫn là lúc còn kịp để thay đổi tình hình, nhưng thời gian là gấp rút, và cần dựa vào các thông tin khoa học để hướng thế giới đến các giải pháp hợp lý hơn.

Rõ ràng, thế giới đang ở trong một cuộc đua rất gay cấn. Nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu (GIEC) nhận định, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng từ 5°C đến 6°C trước cuối thế kỷ nếu không có thay đổi lớn. Trong khi đó, các cam kết cắt giảm khí thải của các nước cho đến nay, trong khuôn khổ đàm phán COP21 ở Lima (Peru) năm 2014, là không đủ để đạt mục tiêu giảm nhiệt độ tối đa 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa. Để giữ nhiệt độ tăng dưới 2°C, thế giới phải giảm từ 40% đến 70% khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 từ đây đến 2050, và đạt mục tiêu “không cacbon” trước cuối thế kỷ.

Các báo cáo khác của Liên Hiệp Quốc khẳng định tới 95% loài người gây ra sự nóng lên toàn cầu, và hậu quả của biến đổi khí hậu có thể tồi tệ ngoài sức tưởng tượng. Thủ phạm lớn nhất là hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch, đã khiến cho nhiệt độ toàn cầu tăng đáng kể từ năm 1950. Nhiệt độ đang tăng lên đã làm tan chảy tuyết và băng, khiến mực nước biển trung bình toàn cầu tăng thêm khoảng 0,9m trong thế kỷ này, cũng như dẫn tới những biến đổi thời tiết khó dự báo hay xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan đe dọa cuộc sống con người. Điều này rất đáng lo ngại khi 5 năm trước, mực nước biển được dự đoán sẽ tăng lên tới mức tồi tệ nhất vào khoảng 58,42cm, tức là ít hơn 0,6m.

Mặc dù khí thải nhà kính tiếp tục phá vỡ những kỷ lục trước đây, các nghiên cứu mới đây cũng khẳng định một xu hướng khác thường: tốc độ tăng nhiệt độ trên toàn thế giới thực ra đang chậm đi. Trong khi nhiệt độ vẫn tiếp tục tăng lên, nhưng tăng với tốc độ chậm hơn kể từ khoảng năm 1998. Lý do đằng sau việc giảm tốc độ này còn chưa rõ ràng. 

Chỉ có một vài khả năng với “mức độ tin cậy trung bình” được đưa ra, như do mức tăng của tro núi lửa trong khí quyển, sự thay đổi chu kỳ của mặt trời và một giả thuyết cho rằng đại dương đang hấp thụ nhiều năng lượng hơn so với trước đây. Những tảng băng ở Bắc cực mới tan chảy cũng có thể làm tăng lượng nước tổng thể, từ đó tạo thêm chất lỏng để hút hơi nóng mà nếu không, sẽ có tác động trực tiếp lên nhiệt độ không khí.

Dù vậy, Trái Đất vẫn đang âm thầm nóng lên, và biến đổi khí hậu trở thành “quả bom nổ chậm” đe dọa trực tiếp tới sự tồn tại của con người. Thậm chí nếu thế giới tìm được cách nào đó để ngăn chặn ngay lập tức khí thải nhà kính thì sự nóng lên vẫn tiếp diễn trong nhiều thế kỷ. Đó là bởi vì khoảng 20% khí CO2 đã ở trong khí quyển và sẽ tồn tại ở đây trong vòng thiên niên kỷ tới. Như vậy, biến đổi khí hậu sẽ không thể đảo ngược nếu tính bằng “thời gian của loài người”. Một khi nhiệt độ tăng vượt ngưỡng an toàn cho phép, hệ sinh thái có thể bị phá vỡ, và Trái Đất sẽ đối mặt với một sự phá hủy khủng khiếp không thể thay đổi.

Những giải pháp “không thể chìm”, trồng cây chiến lược, các tòa nhà “tái tư duy” hay năng lượng từ vỉa hè được coi là nhiều giải pháp độc đáo nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Những giải pháp xanh

Trước những thách thức liên quan tới biến đổi khí hậu, các nhà khoa học đã không ngừng nghiên cứu và chia sẻ các kết quả mới, đề xuất nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn Trái Đất đang bị hâm nóng nhanh. Họ nhìn vào kịch bản tương lai trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xem xét các tác động giữa các hệ thống và cả khu vực trong trung hạn (2030-2050) và dài hạn (2070 và xa hơn nữa), đặc biệt chú trọng tới việc dự báo các diễn biến khí hậu bất thường và biến đổi của áp suất khí quyển.

Phát hiện mới nhất liên quan tới một giống lúa có nhiều tinh bột hơn, ít phát thải khí methane của các nhà khoa học Viện khoa học nông nghiệp Thụy Sỹ. Đây được coi là một mũi tên trúng 2 đích: nuôi sống nhân loại và giảm biến đổi khí hậu toàn cầu. Thực tế cho thấy, trồng lúa để lấy gạo (tinh bột) nuôi sống hàng tỷ người trên Trái Đất cũng phát thải ra nhiều methane, một loại khí làm khí hậu thay đổi mạnh. Methane tồn tại chỉ thời gian ngắn trong khí quyển so với khí CO2, loại khí gây hiệu ứng nhà kính nhất, tuy nhiên lại bức xạ nhiệt nhiều hơn từ bề mặt Trái Đất.

Hàng năm, những cánh đồng lúa phát ra 25-100 tỷ tấn methane, chiếm 16% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Điều này có nghĩa việc trồng lúa càng mở rộng để nuôi sống con người, Trái Đất càng có nguy cơ nóng lên. Do vậy, xuất hiện một nhu cầu cấp thiết để thiết lập công nghệ bền vững tăng năng suất sản xuất lúa gạo đồng thời phải giảm lượng khí methane phát thải từ những cánh đồng.

Các khoa học tuyên bố, giống lúa họ tạo thành công năng suất cao, giàu tinh bột mà ít thải ra CO2 chuyển vào đất để tạo thành methane hơn. Tuy nhiên, nỗ lực giảm phát thải từ những cánh đồng cũng cần phải tập trung vào cải cách, đổi mới tập quán canh tác, hướng tới sử dụng những sản phẩm thân thiện hơn với môi trường.

Không chỉ trông chờ vào nghiên cứu khoa học, nhiều thành phố trên thế giới đã và đang nỗ lực tìm kiếm những giải pháp tiên tiến để ứng phó với biến đổi khí hậu trong bối cảnh phải gánh chịu tác động của việc mực nước biển dâng cao, những loại hình thời tiết cực đoan cho đến sự xuất hiện thường xuyên hơn của lũ lụt, mất điện và nắng nóng chết người. Một số thành phố ven biển như New York và Jakarta tập trung vào những giải pháp “không thể chìm”, đang tiến hành xây dựng những bức tường bảo vệ ven biển.

Trong khi đó, nhiều nơi khác đã biến nước thành một nhân tố nằm trong quy hoạch cảnh quan của khu vực, hoặc tái sử dụng nước để đối phó với hạn hán. Quảng trường nước Benthemplein của Rotterdam (Hà Lan) là một ví dụ điển hình. Vào mùa khô, nơi đây có thể phục vụ các hoạt động như bóng rổ, lướt ván, nghệ thuật. Còn vào mùa mưa, nơi đây có thể chứa đến 1,7 triệu lít nước, giảm áp lực thoát nước cho thành phố.

Liên quan tới vấn đề quy hoạch và xây dựng, năng lượng mặt trời trở thành ưu tiên hàng đầu giảm ô nhiễm môi trường. Thành phố cảng Rotterdam lên kế hoạch xây dựng những khu dân cư nổi để đối phó với tình trạng nước biển dâng cao bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời. Đồng thời, nơi đây còn có công năng là một không gian triển lãm cho những kế hoạch của thành phố nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên ngoài ngoại ô thành phố Amsterdam (Hà Lan), có một lối đi đặc biệt dành cho người đi xe đạp để tạo ra năng lượng. “Con đường mặt trời” dài 100m, được bao phủ một phần bằng pin quang điện với kính cường lực bảo vệ phía trên.

Tại Singapore, chính phủ đang thực hiện chiến lược trồng cây xanh thuộc vào hàng “siêu cây”, giúp các thành phố chống chọi với nhiệt độ cao nhờ khả năng hấp thụ nhiệt và cho bóng mát. Đây là những khu vườn phức tạp tập hợp hơn 200 loài cây với những tấm pin năng lượng mặt trời gắn ở phía trên. Trong khi đó, người Đức đang toan tính xây dựng những tòa nhà “tái tư duy”, thực chất là những căn nhà năng lượng mặt trời, có khả năng tạo ra nhiều năng lượng hơn mức sử dụng của chúng…

Trần Anh Quân
.
.