Chống biến đổi khí hậu: Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu
- Biến đổi khí hậu cũng là nguyên nhân sinh ra chủ nghĩa khủng bố?
- Ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với các đối tượng dễ bị tổn thương
- Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu
Những thông tin này được công bố sau khi Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc 2015 (COP21) kết thúc với việc 195 quốc gia chung tay ký vào Thỏa thuận Paris. Theo đó, các quốc gia thống nhất hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2ºC, và thúc đẩy nỗ lực để giảm xuống còn 1,5ºC so với thời kỳ trước khi xảy ra cuộc cách mạng công nghiệp. Điều này cho thấy, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu vẫn còn rất gian nan và chỉ mới vừa bắt đầu.
Thách thức và hi vọng
Dự báo nhiệt độ toàn cầu tăng lên trong năm 2016 xuất phát từ những phân tích về hiện tượng El Nino. Trung tâm dự báo khí hậu Mỹ (NOAA) nhận định, El Nino sẽ là mối lo đáng lo ngại nhất của thế giới, và nó đang mạnh dần lên. El Nino sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2016. Thậm chí khoảng 85% cơ hội El Nino sẽ kéo dài đến hết năm sau, gây nên những diễn biến thiên tai bất thường và nguy hiểm hơn. NOAA phát đi tuyên bố cho rằng, hiệu ứng của El Nino sẽ còn lớn hơn những gì giới khoa học có thể biết tới, và El Nino sẽ đạt đỉnh vào năm 2016. Hầu hết các dự báo đều tiên đoán El Nino sẽ vượt quá cấp độ 2, và đây nhiều khả năng sẽ là đợt El Nino mạnh nhất kể từ thập niên 1950.
Trước đó, Tổ chức khí tượng thủy văn quốc tế (WMO) đã khẳng định 2015 chính là năm nóng nhất từ trước đến nay với việc nhiệt độ bề mặt đại dương đã tăng đến 1ºC trong vòng một năm vừa qua - mức tăng kỷ lục trong lịch sử của loài người. Hệ quả tất yếu là băng ở hai cực tan chảy, khiến mực nước biển dâng cao.
WMO cho biết, kể từ thời điểm 500 năm trước Công nguyên đến nay, Trái Đất đã quay chậm lại khoảng 16.000 giây - tương đương 2,4 giây mỗi năm. Điều này là hệ quả từ việc mực nước biển thay đổi. WMO cảnh báo, nếu không ngăn chặn quá trình tăng nhiệt độ “quá đà”, nhiều kỷ lục nữa bị phá vỡ, đe dọa đến sự sinh tồn của loài người.
Đến lúc này, mọi hy vọng được đặt vào Thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris vừa mới được ký kết. Đây được coi là bước đột phá trong nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm thuyết phục các chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm. Thỏa thuận Paris được đại diện của 195 nước dự COP21 chính thức thông qua vào giữa tháng 12 sau gần hai tuần đàm phán nước rút căng thẳng. Trong thời khắc đạt được thỏa thuận lịch sử, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon xúc động nói: “Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu là một thành công vĩ đại cho hành tinh cũng như nhân loại của chúng ta”.
Thỏa thuận Paris tại COP21 đã truyền tải một thông điệp mạnh mẽ rằng chống biến đổi khí hậu đã trở thành sự nghiệp chung của toàn nhân loại. |
Những nội dung chính của thỏa thuận là hạn chế tình trạng nóng lên của Trái Đất ở mức dưới 2ºC vào năm 2100 và nỗ lực cho một mục tiêu tham vọng hơn là 1,5ºC so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850). Các nước đến năm 2018 phải có đánh giá về tác động toàn diện trong việc ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng lên và đệ trình kế hoạch cụ thể về cắt giảm khí CO2. Các nước phát triển đi đầu trong việc giảm khí thải, dành tối thiểu 100 tỷ USD/năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu từ năm 2020.
Bên cạnh chống khủng bố, thế giới đang nỗ lực từng ngày ngăn chặn ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mà những hệ quả trước mắt là nước biển dâng cao và nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên. Thỏa thuận Paris cũng gửi một thông điệp mạnh mẽ tới hàng nghìn thành phố, khu vực cùng các doanh nghiệp và người dân trên khắp thế giới đã cam kết hành động chống biến đổi khí hậu rằng, tầm nhìn của họ về một tương lai có ít nguy cơ và khí thải thấp giờ đã trở thành sự nghiệp chung đối với nhân loại trong thế kỷ này.
Đây là một bước ngoặt đối với thế giới, một cơ sở giúp thiết lập khuôn khổ bền vững để đối phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, đồng thời cho thấy những cơ hội đầu tư, đổi mới và sử dụng năng lượng sạch ở quy mô chưa từng thấy. Không giống các thỏa thuận khác, Thỏa thuận Paris có khả năng thực hiện thành công bởi nó có sự tham gia của tất cả các nước. Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia phát thải khí nhà kính nhiều nhất trong số các nước đang phát triển, đều hoan nghênh thỏa thuận lịch sử tại Paris, cho rằng đây là bước tiến đến tương lai tươi sáng hơn.
Chặng đường chông gai
Thỏa thuận Paris tại COP21 sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2020, giúp nền kinh tế thế giới hướng về một mô hình khí thải CO2 (cùng các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác) ở mức thấp. Cuộc cách mạng này được tiến hành qua việc loại bỏ dần các năng lượng hóa thạch (than đá, dầu lửa, khí đốt) hiện đang thống trị trên thế giới, để chuyển sang năng lượng tái tạo. Một cơ chế sẽ được thiết lập để xét lại mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mỗi 5 năm một lần, bắt đầu từ năm 2025, trong đó các nước phát triển phải đóng góp nhiều hơn, do trách nhiệm lịch sử trong việc phát khí thải.
Theo WMO, những cam kết mà các quốc gia đưa ra sẽ không thể hạn chế được mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2ºC, chứ chưa nói là thấp hơn trong dài hạn. Cho đến nay con người đã khiến nhiệt độ trên bề mặt Trái Đất tăng 1ºC so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Để có 2/3 cơ hội đạt được mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2ºC, lượng khí thải phải giảm từ 40-70% vào giữa thế kỷ này. Còn nếu muốn đạt mục tiêu 1,5ºC, các nước phải cắt giảm từ 70-95% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Con người phải chống chọi với những hệ quả nghiêm trọng từ biến đối khí hậu như nhiệt độ Trái Đất tăng lên hay mực nước biển dâng cao. |
Trên thực tế, cam kết của 195 quốc gia về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngay cả trong trường hợp được tuân thủ nghiêm túc, cũng có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm gần 3ºC trong thời gian tới. Ngoài ra, khoảng thời gian dài (5 năm kể từ ngày ký) trước khi Thỏa thuận Paris chính thức có hiệu lực để các bên bắt đầu hành động rất đáng lo ngại. Rõ ràng, không thể chờ đến năm 2020 mà cần chủ động hành động ngay trước thời điểm này.
Gần 30 năm trước, giới khoa học đã cảnh báo nguy cơ Trái Đất ấm dần lên. Năm 1988, Liên Hợp Quốc thành lập một ủy ban quốc tế bao gồm các chuyên gia uy tín điều tra hiện tượng này. Hai năm sau, ủy ban báo cáo tình trạng khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch đang tăng nhanh, khiến bề mặt Trái Đất nóng lên, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống khí hậu của hành tinh.
Năm 1992, Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu ra đời, mở đường cho việc đàm phán các hiệp ước quốc tế hạn chế khí thải nhà kính. Sau đó, Nghị định thư Kyoto được ký kết, đặt khung thời gian 2008 - 2012 để các nước công nghiệp giảm lượng khí thải nhà kính khoảng 5,2% so với mức của thập niên 1990. Nhưng Nghị định thư Kyoto tỏ ra hoàn toàn vô tác dụng bởi nó không tính đến yếu tố chính trị của các quốc gia.
Năm 2009, các nước nhóm họp ở Copenhagen (Đan Mạch) với mục tiêu tìm kiếm một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto. Nhưng đó là một thất bại thảm hại và đáng xấu hổ của cộng đồng quốc tế. Các nước giàu vẫn lo ngại nguy cơ kinh tế suy yếu, trong khi đó các nước đang phát triển muốn tiếp tục xả khí thải để thúc đẩy nền kinh tế. Sự sụp đổ của hội nghị Copenhagen đã kích thích một tư duy mới: các chính phủ tự nguyện đề ra mục tiêu giảm khí thải theo tính toán phù hợp với nhu cầu.
Cho tới Hội nghị COP21 tại Paris, mọi cố gắng đạt tới đồng thuận cuối cùng đã được hiện thực hóa bằng một thỏa thuận. Không chỉ các nước phát triển, cả các nước đang phát triển cũng phải cắt giảm khí thải. Nhưng đó cũng mới chỉ là một bước đi cần thiết của nhân loại trong hành trình gian nan hạn chống biến đổi khí hậu. Vẫn còn rất nhiều thử thách ở trước mắt, và khó khăn chưa thể giải quyết. Đã gần 30 năm trôi qua, nhưng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu vẫn chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu…