Chính phủ điện tử: Cần "hoành tráng" tầm nhìn

Thứ Ba, 25/03/2008, 14:45
Hai năm nữa, vào 2010, Chính phủ sẽ quản lý điều hành qua mạng (email, website, giao ban trực tuyến...). Hoạt động của các cơ quan Nhà nước sẽ có 50% thông tin lưu chuyển trên mạng; 100% cơ quan có cổng thông tin điện tử để phục vụ người dân; 30% doanh nghiệp báo cáo qua mạng và xây dựng mạng truyền số liệu tốc độ cao, đa dịch vụ từ TW đến quận, huyện.

Đến năm 2015, các dịch vụ hành chính công cơ bản như đăng ký, cấp phép, thanh toán... sẽ được thực hiện trực tuyến. Các cơ sở dữ liệu về đất đai, dân cư, bản đồ địa chính, thuế, tài chính, hải quan... cơ bản được tích hợp thành hệ thống thông tin quốc gia và được đưa vào khai thác hiệu quả.

Năm 2020 hoàn thiện một Chính phủ tích hợp (I-Gov), tích hợp cung cấp các dịch vụ hành chính công liên cơ quan, tích hợp hoàn toàn các hệ thống thông tin.

Ngay trong năm nay, hệ thống thư điện tử, quản lý văn bản và điều hành, cổng thông tin điện tử sẽ được hoàn thiện... Đó là đề án vừa được Cục trưởng Cục Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thành Phúc trình bày với lãnh đạo Bộ TT&TT và xin ý kiến của các nhà khoa học, giáo sư, chuyên gia hàng đầu trong nước về lĩnh vực CNTT.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Quyết tâm và trách nhiệm

Giờ đây, ngay cả với người dân thường, khái niệm Chính phủ điện tử (CPĐT) cũng đã thật rõ ràng và dễ hiểu: Đó là một Chính phủ nối mạng mà người dân có thể xin cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, xin giấy phép xây nhà, đăng ký kết hôn, nộp thuế... qua mạng, người dân có thể tiếp cận đề đạt các nhu cầu của mình lên các cấp chính quyền qua chiếc máy tính 24/24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần và được giải quyết các nhu cầu đó đơn giản, tiết kiệm chi phí và minh bạch.

Với Chính phủ, lãnh đạo các cấp từ TW đến địa phương có thể điều hành công việc của mình thông qua trực tuyến, có thể chỉ với cái nhấp chuột sẽ biết vấn đề đang tồn tại ở từng địa phương, ngành nghề...

Nói vậy, nghe chẳng hề cao siêu nhưng để làm được thì lại chẳng đơn giản và lộ trình CPĐT được manh nha khởi đầu từ cách đây 14 năm (Chương trình tin học hóa với Nghị định 49/CP, năm 1994) cho đến nay vẫn chỉ ở mức lấp ló hiện diện.

Có lẽ với những người làm CNTT, họ chưa thể quên được "nỗi đau" khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu lúc ông quyết định dừng Đề án 112: "Bao nhiêu năm, tôi không thấy được lợi gì từ đề án này trong việc chỉ đạo điều hành...".

Họ cũng vấp phải những khó khăn trùng điệp từ yếu tố "sợ" CNTT của đại bộ phận công chức hành chính, từ đòi hỏi một giải pháp đồng bộ cho sự khác biệt vùng miền, ngành nghề, sự thay đổi liên quan đến bộ máy, con người, cách làm việc, yêu cầu công khai, minh bạch cũng đã ảnh hưởng lợi ích của một bộ phận công chức không nhỏ rồi khả năng đáp ứng công nghệ, nguồn chi phí... rồi cái nhìn thiếu thiện cảm của người dân sau vụ "con sâu 112"...

Vì vậy, ở giai đoạn này, một đề án khả thi, nhanh chóng đi vào cuộc sống thực sự là nỗi niềm của những người làm CNTT, với họ đó là thách thức, là nhiệm vụ mà họ phải hoàn thành, vì dân, vì nước.

Điều này có thể nhìn thấy ở quyết tâm của Bộ TT&TT thông qua "Hội nghị tham vấn về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước, phát triển CPĐT ở Việt Nam" với sự tham gia của Bộ trưởng, 4 Thứ trưởng và gần chục nhà khoa học đầu ngành về CNTT và sự chuẩn bị chu đáo, trình bày mạch lạc của người mới được giao trọng trách Cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT - Nguyễn Thành Phúc, một người trẻ tuổi, được đào tạo cơ bản và có thái độ làm việc sáng tạo, nghiêm túc.

Sự quyết tâm này đã được hun đúc thêm bởi những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành CNTT được mời tham vấn.

Có một cuộc sống điện tử vẫn vận hành

Thực tế, dù việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước còn rất chậm, thì ở cuộc sống thường nhật của mọi người dân nó tự động phát triển và đem lại lợi ích cho đối tượng sử dụng.

Theo Tiến sỹ Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính viễn thông: Sở dĩ các ngành Hàng không, Ngân hàng, Thuế, Hải quan... đã thực hiện ứng dụng CNTT mạnh mẽ và thành công là vì nếu không thì họ không thể điều hành, hoạt động, họ sẽ bị chậm trễ và tụt hậu, không thể cạnh tranh.

Ông Trực cũng cho rằng, khi đưa ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực hành chính công thì lĩnh vực này sẽ minh bạch hơn, "sạch sẽ" hơn. Khi đã cung cấp thông tin lên mạng, nhân dân biết và sẽ giảm cò mồi, nhũng nhiễu.

Ông Trực đặt ra câu hỏi: Phải chăng sự chậm chạp, lừng khừng và hời hợt trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào những lĩnh vực hành chính công trong thời gian qua còn vì lý do có những bộ phận công chức sợ bị ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân?

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, đề án cần phải tách bạch rõ ràng 2 mạng lưới, mạng lưới CNTT phục vụ sự điều hành của Chính phủ (tác nghiệp hằng ngày của cán bộ CP các cấp) và mạng lưới CNTT dân sinh (phục vụ công dân, cung cấp các dịch vụ công). Theo ông Trực, CPĐT phải bắt đầu từ chính quyền cơ sở, các Sở ở địa phương, bởi vì suy cho cùng, đó chính là mạng lưới để cung cấp dịch vụ cho dân, phục vụ lợi ích và nhu cầu của người dân. Người dân cần đến chính quyền cơ sở để giải quyết các vấn đề của họ chứ không cần đến Thủ tướng Chính phủ.

GS,TS Bạch Hưng Khang thì yêu cầu làm rõ về thực trạng CPĐT của chúng ta, ta đang có gì, nhu cầu của người dân đến đâu, khả năng đáp ứng của chúng ta trong từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, cần có một sự hợp tác chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các địa phương và để giải quyết công việc cực khó này, cần có luật định rõ ràng. Ông cũng yêu cầu phải có quy định, phân cấp trách nhiệm của từng người thực hiện đề án, theo từng giai đoạn rõ ràng, minh bạch.

GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN, lại đề xuất cần xã hội hóa việc triển khai CPĐT, phần nào mà doanh nghiệp, người dân làm được thì để họ tham gia, phần nào thuộc lĩnh vực Nhà nước (chẳng hạn như cơ sở dữ liệu ngành) thì Bộ trưởng Bộ đó phải chịu trách nhiệm. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng "dây thân hữu, nhóm lợi ích" tư hữu chính sách đầu tư và giúp việc triển khai CPĐT nhanh chóng hơn.--PageBreak--

Tầm nhìn và vai trò người lãnh đạo

Hầu hết các ý kiến đều chung nhận định trong việc triển khai xây dựng CPĐT thì vai trò của người lãnh đạo là quan trọng nhất. Tiến sĩ Đỗ Xuân Thọ, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, nhận định: Do đặc thù CNTT là đầu tư nhiều mà hiệu quả chưa rõ nên các nhà lãnh đạo thường chọn cách an toàn (đầu tư ít mà nhìn thấy ngay hiệu quả) để làm nên việc triển khai bị chậm trễ, thiếu nhất quán.

Đồng tình quan điểm đó, ông Trực cho rằng, nếu lãnh đạo không nhận thức được, không thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT để phục vụ con người, phục vụ nhân dân thì đất nước sẽ bị thiệt thòi. Nhu cầu có một ban điều hành (BĐH) cũng được đặt ra.

Theo GS Chu Hảo, đó phải là một BĐH gọn nhẹ, không theo kiểu đủ mặt, đủ mâm, quá nhiều ủy viên dẫn đến trường hợp "quên" như các BĐH trước. Một vấn đề đã "bị an bài" nhưng vẫn được các nhà CNTT mong mỏi vãn hồi, đó là được Thủ tướng Chính phủ đích thân quan tâm và điều hành trực tiếp.

Giáo sư Chu Hảo đề xuất: "Chúng ta cùng xúm vào thuyết phục để Thủ tướng trực tiếp nắm lấy CNTT". Ông nêu thực tế về sự quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng Chiến lược phần mềm thông qua Nghị quyết 07/CP vào năm 2000. Ông bộc bạch: "Khi đó (năm 2000), chỉ có 2.000 người làm phần mềm, vậy mà ra kế hoạch đến 2005 là đạt 20.000 người, doanh thu 1 tỷ USD, rất nhiều người cho là viển vông, nhất là khi đến 2005 các chỉ tiêu không đạt được.

Nhưng thực tế, Nghị quyết 07 đã khai sinh cho một nền công nghiệp mới của đất nước và những chỉ tiêu đề ra, sau đó 2 năm đến 2007 đã cơ bản đạt được. Điều này cho thấy sự quan trọng của việc quyết tâm và chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Nhà nước với CNTT".

CPĐT không không phải là vấn đề kỹ thuật mà chính là một cuộc cách mạng về lề lối làm việc, ông Đỗ Xuân Thọ nhấn mạnh. Ông Thọ cũng cho rằng, vì Việt Nam đi lên từ một nền sản xuất nhỏ, nên đã ảnh hưởng đến suy nghĩ và cách làm. Nhưng ở thời điểm này, một tư duy thông thoáng xa hơn, hoành tráng hơn là điều cần thiết.

Hoành tráng ở đây nghĩa là ngoài tính cụ thể phải bao gồm tính dự báo tốt, một sự hoạch định có tầm, vượt khỏi ngưỡng của sự ăn đong của cách đầu tư manh mún mà hướng tới cái dài hơi, bởi xây dựng CPĐT là một quá trình liên tục, không có điểm dừng.

Và, để có được một CPĐT sát với nhu cầu thực tiễn đất nước, cập nhật kiến thức thời đại, đảm bảo an ninh quốc phòng, thật cần đến một người cầm lái quyết đoán, có tầm nhìn vĩ mô ủng hộ và thúc đẩy những giải pháp đột phá mang tính tiến công vì mục đích cao nhất là phát triển nền kinh tế, hội nhập quốc tế, vì sự bình yên, no ấm hạnh phúc của nhân dân.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, chỉ số sẵn sàng Chính phủ điện tử (e-Government Readiness Index) của Việt Nam năm 2008 đã tăng 14 bậc so với 2005, đạt 0,4558 điểm (tối đa là 1), xếp hạng 91/182 nước được đánh giá.

Đây là thứ hạng cao nhất của Việt Nam từ khi Liên hợp quốc xây dựng báo cáo đánh giá, xếp hạng CPĐT, trong khi nhiều nước ASEAN giảm bậc: Philippines giảm 25 bậc; Thái Lan, Singapore và Myanmar cùng giảm 16 bậc.

Chỉ số website năm 2008 của Việt Nam được 0,4448 điểm, xếp hạng 63/182 (so với năm 2005 đã tăng tới 50 bậc - 0,2231 điểm đứng thứ hạng 113/179). Điều này có được là nhờ sự phát triển và hoàn thiện của các trang web của Quốc hội, của các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội.

Về chỉ số hạ tầng viễn thông (Telecommunication Infrastructure Index), được dựa trên 5 chỉ tiêu: Số người sử dụng Internet/100 dân; số máy tính/100 dân; số đường điện thoại cố định/100 dân; số điện thoại di động/100 dân và băng thông/100 dân, Việt Nam tăng 20 bậc, từ thứ 121 năm 2005 lên thứ 101 năm 2008.

Nguồn: Cục Ứng dụng CNTT
(Bộ Thông tin và Truyền thông)

Hàn Phi
.
.