Thêm một giả thuyết về nguyên nhân đã khiến Nhà du hành vũ trụ đầu tiên Yuri Gagarin tử nạn:

Chỉ là vì đám mây dày đặc quá

Thứ Sáu, 23/07/2010, 14:44
Nhà du hành vũ trụ, hai lần Anh hùng Liên Xô, Vladimir Aksenov, trong cuốn sách mới "Con đường thử nghiệm" vừa được xuất bản với một số lượng hạn chế ở Nga, đã nêu ra giả thuyết mới, có vẻ giống sự thật nhất nhưng chưa được chính thức công bố về nguyên nhân đã dẫn tới việc nhà du hành vũ trụ Xôviết Yuri Gagarin tử nạn ngày 27/3/1968.

Trong ngày hôm đó, ông Aksenov đã cùng với Gagarin tiến hành thủ tục kiểm tra y tế nhưng hai người đã bay lên trời trên hai máy bay khác nhau. Chiếc MiG-15 UTI mà Gagarin cùng với Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân thuộc Trung tâm Đào tạo các phi công vũ trụ Vladimir Seregin đã gặp tai nạn, làm cả hai người đều hy sinh.

Nhà du hành vũ trụ Aksenov kể: "Giả thuyết mà tôi trình bày từng được đưa ra lần đầu tiên ngay sau khi đội bay của Yuri Gagarin tử nạn bởi Anh hùng Liên Xô, phi công thử nghiệm công huân, thành viên Ủy ban Quốc gia về điều ttra các tai nạn hàng không Sergey Anokhin. Tôi là một trong những người đầu tiên được ông ấy kể về giả thuyết này không chỉ vì hai chúng tôi là những người bạn thân thiết và đều hiểu rất nhiều điều liên quan tới lĩnh vực hàng không, mà có lẽ còn vì trong cái ngày bi thảm đó, buổi sáng, tôi đã cùng với Yuri Gagarin cùng mặc bộ đồ bay trong một căn phòng và cùng được một bác sĩ kiểm tra sức khỏe trước khi bay và cùng nhận những thông tin như nhau về tình hình thời tiết ở một nhà khí tượng học".

Theo lời ông Aksenov, sau đó, các tốp bay tách nhau ra để tới với những chiếc máy bay khác nhau: Yuri Gagarin cùng chuyên gia hướng dẫn bay  Vladimir Seregin phải thực hiện chuyến bay kiểm tra máy bay MiG-15, còn Aksenov lên một chiếc máy bay khác có nhiệm vụ tiến hành luyện tập trong trạng thái không trọng lượng. Nhà phi hành vũ trụ cho rằng, mặc dầu điều kiện khí hậu hôm đó khá phức tạp nhưng hoàn toàn có thể chấp nhận được để hoàn thành những nhiệm vụ được giao.

"Vân độ trong ngày hôm đó rất bất thường: mép dưới của những đám mây rất dày đặc nằm ở độ cao khoảng 600m cách mặt đất.  Tiếp theo ở trước độ cao bốn nghìn mét vân độ cũng cao, chỉ kém phía dưới chút đỉnh. Ở mép trên thì lại không có đám mây nào: một bầu trời sáng rạng và tầm nhìn rất tốt. Chúng tôi còn được cung cấp cả những bức ảnh ở mép trên do máy bay do thám thời tiết chụp" - ông Aksenov kể.

Theo lời ông Aksenov, thông báo cuối cùng được gửi đi từ máy bay của Yuri Gagarin là về việc anh cùng với Vladimir Seregin đã hoàn thành nhiệm vụ của chuyến bay, được thực hiện ở mép trên các tầng mây, tức là ở độ cao hơn bốn cây số.

Ông Aksenov cho rằng, hai phi công đã đưa ra thông báo của mình có lẽ là sau khi ra khỏi vòng bay cuối cùng, với tốc độ không cao lắm trong một nhịp điệu khá chậm rãi nhưng lại ở độ cao khá lớn. Sau thời điểm này, họ cần phải thực hiện việc giảm độ cao một cách đáng kể rồi bay xuyên qua tầng mây.

"Việc hạ độ cao từ nơi vừa hoàn thành bài tập bay có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau: hoặc theo đường xoáy trôn ốc qua vài vòng bay, hoặc bay ngoặt ra và bổ nhào xuống phía dưới sân bay. Phương thức thứ hai -hạ thấp bằng cách ngoặt ra và bổ nhào xuống- được khá nhiều phi công thực hiện khi họ cần mau chóng kết thúc bài tập để nhường máy bay cho các phi công khác luyện tập tiếp. Trong ngày hôm đó còn có nhà du hành vũ trụ Evgueni Khrunov phải luyện tập nên động cơ để mà hạ thấp một cách nhanh chóng đối với đội bay của Yuri Gagarin là có" - ông Aksenov nhận định.

Theo diễn giải của ông Aksenov, khi thực hiện  cú bay ngoặt ra, Gagarin và Seregin đã bị chậm khoảng hai ba giây rồi mới bổ nhào xuống và vì thế, bất ngờ bị sa vào đám mây quá dày đặc.

Ông Aksenov cũng cho rằng, để bị sa vào đám mây quá dày đặc cũng có thể có những nguyên do khác, thí dụ như là vì đám mây quá dày đặc đó lại có độ dày và mật độ cao hơn con số trung bình tại điểm mà máy bay của Gagarin lao vào nó, hoặc cũng có thể vì độ cao chưa đầy đủ của cú xuyên vào nó để bay ngoặt ra của máy bay MiG-15 do đội bay của Gagarin điều khiển.

Trên cơ sở những điều vừa trình bày, nhà du hành vũ trụ Aksenov đưa ra kết luận: "Như vậy, nguyên nhân dẫn tới tai nạn có thể là tình hình thời tiết phức tạp ở mép trên của đám mây quá dày đặc trên độ cao gần bốn cây số và ở mép dưới trên độ cao chỉ khoảng 600m; sự chưa lường được hết của các phi công, trước hết là của người hướng dẫn bay Vladimir Seregin, đối với tình hình thời tiết, cũng như việc bất ngờ đối với các phi công khi họ rơi vào đám mây quá dày đặc trên tốc độ lớn trong quá trình hạ độ cao mau lẹ, dẫn tới hậu quả là không thể điều khiển máy bay một cách ổn định theo các máy móc có trên buồng lái".

Theo lời ông Aksenov, hệ lụy có thể dễ xảy ra nhất của việc máy bay bất ngờ rơi vào đám mây quá dày đặc trên tốc độ cao mà lại không có sự hoạt động ổn định của các máy móc trong buồng lái trước hết là việc máy bay bị cuốn vào đường xoáy trôn ốc hạ thấp dần xuống một cách mau lẹ, hoặc, nếu phi công cố gắng điều khiển máy bay bay vọt lên trên, sẽ bị  tức thì rơi xuống theo đường xoáy ốc.

Theo tài liệu chính thức của quá trình điều tra vụ tai nạn ngày 27/3/1968, máy bay mà Yuri Gagarin và Vladimir Seregin điều khiển sau khi rời khỏi đám mây đã lao xuống đất gần như theo phương thẳng đứng với tốc độ gần 700km một giờ. Với tốc độ như thế, chiếc MiG-15 đã vượt qua được 600m rồi chạm đất trong khoảng 3 giây!

"Việc cả Yuri Gagarin lẫn Vladimir Seregin đều không hề có một động tác gì để cố gắng nhảy dù cũng như chắp nối liên lạc với đài chỉ huy bay có thể được giải thích là vì việc lọt vào trong đám mây đối với họ đã là một sự hoàn toàn bất ngờ nên chỉ sau đó họ mới tìm cách khắc phục sự cố. Nếu tình huống nguy cấp nảy sinh vì một yếu tố ngoại cảnh nào đó thì chắc hẳn các phi công đã kịp thông báo điều này qua hệ thống liên lạc" - ông Aksenov quả quyết nhận định.  Ông cũng nhận xét thêm rằng, điều khiển một chiếc máy bay nặng ký như MiG-15 trong tư thế rơi thẳng đứng là một việc rất không đơn giản.

"Ở điểm cuối của việc thực hiện các đường bay và đảo vòng, tốc độ máy bay gần như đã đạt mức tối đa - gần 700km giờ. Trên máy bay MiG-15 khi cấp tốc hạ thấp độ cao thì việc có thể bay thừa thêm vài trăm mét, thậm chí vài cây số cũng là chuyện dễ xảy ra" - ông Aksenov kết luận.

Tuy nhiên, theo hãng RIA Novosti, Ủy ban điều tra nhà nước sau khi tìm hiểu kỹ càng mọi chi tiết liên quan tới vụ tai nạn làm chết nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Yuri Gagarin, đã không thể đưa ra một kết luận rõ ràng và dứt khoát về nguyên nhân của nó. Bản báo cáo  chính thức của Ủy ban này cho tới nay vẫn còn là một tài liệu tối mật.

Những kết luận được chính thức công bố là: đội bay của Yuri Gagarin do tình hình trên không có những thay đổi (nhưng thay đổi thế nào thì không được cụ thể hóa) đã phải mau lẹ hành động và bị rơi vào vòng xoáy ốc. Trong lúc cố gắng điều chỉnh máy bay trở lại tư thế thăng bằng thì các phi công đã chạm đất và hy sinh. Không phát hiện bất cứ một hỏng hóc kỹ thuật nào trong động cơ máy bay. Việc phân tích hóa học di hài của hai phi công không cho thấy có bất cứ một chất ngoại lai nào trong máu của họ.

Chính sự bí mật của bản báo cáo chính thức trong gần bốn thập niên qua đã làm nảy sinh vô số những đồn đại khác nhau. Có tin đồn cho rằng, trước khi bay, Yuri Gagarin và Vladimir Seregin đã làm mỗi người một cốc to rượu vodka(?!). Quá trình điều tra chính thức đã bác bỏ giả thuyết này vì không phát hiện chất cồn trong máu của hai phi công sau khi họ tử nạn.

Ông Aksenov cũng bác bỏ giả thuyết trên: "Một khi đã biết rõ mức độ phức tạp và trọng trách của chuyến bay đó đối với Yuri Gagarin, tất cả chúng tôi, những người hiểu tình hình từ ở bên trong, cũng như mọi phi công khác, đều cảm thấy thật điên khùng là những đồn đại rằng, dường như Gagarin và Seregin đã ngà ngà say khi bay lên trời".

Sinh ngày 9/3/1934 tại miền Tây nước Nga trong một gia đình nông dân. Gia nhập đội ngũ các phi công đươc huấn luyện để bay vào vũ trụ từ ngày 3/3/1960.

 

Sau chuyến bay đầu tiên lên vũ trụ ngày 12/4/1961 trên con tàu Phương Đông, Yuri Gagarin trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Ông được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Yuri Gagarin đã làm việc tại Trung tâm Đào tạo các nhà du hành vũ trụ  và trong một thời gian ngắn đã dừng không bay thực tế. Tuy nhiên, sau đó, ông quyết định khôi phục lại phong độ và luyện tập bay dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Vladimir Seregin. Ông đã tử nạn trong chuyến bay tập ngày 27/3/1968.

Hoàng Oanh
.
.