Châu Âu thận trọng với tiền ảo Libra: Đừng tin những lời hoa mỹ

Thứ Bảy, 28/09/2019, 15:45
Vừa qua, một số quốc gia châu Âu đã phát đi cảnh báo đồng tiền Libra của Facebook đã và đang tạo nên nhiều mối đe dọa.

Theo đó, loại tiền ảo này có nguy cơ triệt tiêu đối thủ, trở thành phương tiện rửa tiền, đồng thời đe dọa quyền riêng tư và an toàn dữ liệu cá nhân của chính người dùng Facebook. Dường như cuộc chiến mới về tiền ảo sắp bắt đầu khi Liên minh châu Âu (EU) lên tiếng kêu gọi cẩn trọng với Libra, đồng thời cân nhắc giải pháp phát triển loại tiền mã hóa mới để chặn “đứa con cưng” của Facebook.

Hồi chuông báo động

Cách đây ba tháng, Facebook chính thức “xâm chiếm” thương mại điện tử và thanh toán toàn cầu bằng tuyên bố phát hành đồng tiền kỹ thuật số Libra. Tiền ảo sử dụng công nghệ Blockchain (chuỗi khối) dự kiến ra mắt vào đầu năm 2020, là sản phẩm liên kết giữa Facebook và 28 đối tác liên minh thuộc Hiệp hội Libra đóng trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ). 

Các cuộc họp của FATF đặt ra yêu cầu siết chặt giao dịch, nhằm ngăn chặn tội phạm lợi dụng tiền kỹ thuật số dựa trên sự ẩn danh.

Tham vọng của gã khổng lồ mạng xã hội là kết nối thanh toán toàn cầu trên các thiết bị thông minh, phát triển ví điện tử Calibra cung cấp hàng loạt những giao dịch Libra với chi phí cực thấp qua nền tảng Messenger và WhatsApp với hơn 1 tỷ người dùng. Thế mạnh ban đầu của Libra là nhận được sự hậu thuẫn cực lớn từ nhiều tên tuổi trong thương mại điện tử như Mastercard, Uber, Booking Holdings hay Visa.

Lo ngại nảy sinh khi giới quan sát nhận định, Facebook, với bản chất là một công ty công nghệ, “dám” phát hành một loại tiền... thách thức chính phủ nhiều quốc gia. Khi mà tiền tệ đang chịu sự quản lý nghiêm ngặt của chính phủ, Libra, nếu chính thức xuất hiện và lưu thông trong giao dịch, sẽ tạo nên vô số bất ổn tài chính khó lường, từ đó đặt dấu chấm hết cho ngành ngân hàng truyền thống cũng như làm suy yếu quyền lực của các chính phủ. 

EU hiện đang chỉ trích Libra cực kỳ gay gắt, nhấn mạnh khả năng đồng tiền ảo này khiến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) mất dần kiểm soát với đồng Euro, làm giảm cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ thông qua việc gây ảnh hưởng đến vị thế thanh khoản của ngân hàng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Trong bối cảnh Facebook đang sở hữu khối lượng rất lớn dữ liệu cá nhân người dùng, Libra bỗng nhiên trở thành “đứa con cưng” tạo nên sự độc quyền trong thế giới tiền kỹ thuật số. Khi ấy, Libra gây sức ép lớn, hạn chế cạnh tranh với các đối thủ khác như đồng tiền Bitcoin. EU lo ngại Facebook nhiều khả năng sẽ vi phạm đạo luật chống độc quyền mà liên minh này từng công bố. 

Như vậy, việc Facebook tung ra Libra vừa làm suy yếu chủ quyền của tiền tệ các nước, vừa có thể khiến nền tài chính thế giới bất ổn. Nguy hiểm hơn, giới quan sát nghi ngờ khả năng Libra dễ dàng bị thao túng, trở thành phương tiện rửa tiền và tài trợ cho khủng bố trên phạm vi toàn cầu. Điều này đưa Libra vào tầm ngắm theo dõi sát sao của cơ quan chống rửa tiền quốc tế.

Thận trọng điều tra

CEO Mark Zuckerberg từng cam đoan rằng, Libra rất an toàn khi giá trị của nó sẽ được cố định vào các tài sản thực để tránh nguy cơ biến động giá, khắc phục được những sai lầm mà những “tiền bối” như Bitcoin mắc phải. Thế nhưng, niềm tin vào Libra ngày càng suy giảm khi nó được phát hành bởi một tổ chức từng phải điều trần sau nhiều bê bối dữ liệu người dùng. 

EU kêu gọi không nên tin vào sự an toàn của Libra khi đồng tiền ảo này được phát hành thì một tổ chức từng phải điều trần sau nhiều bê bối dữ liệu người dùng.

Hạ viện Mỹ vừa yêu cầu Facebook tạm dừng phát triển dự án tiền ảo Libra cũng như ví điện tử Calibra cho đến khi các điều tra về những rủi ro đến từ Libra hoàn tất. Trong khi đó, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vừa qua tại Pháp chứng kiến sự nhất trí của tất cả các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương về một kế hoạch khẩn cấp nhằm kiểm soát đồng Libra.

Ở vào thời điểm hiện tại, EU đang điều tra kế hoạch khai thác một số dịch vụ của Facebook nhằm tích hợp ví Calibra, cũng như quá trình bảo mật người dùng trong các giao dịch Libra. Liên quan đến vi phạm chống độc quyền, EU có thể phạt các bên liên quan tới 10% doanh thu toàn cầu. 

Ngoài ra, Liên minh châu Âu hối thúc các quốc gia chú ý đến Libra cũng như cân nhắc những chế tài kiểm soát chặt chẽ đồng tiền ảo này. 

Trong tuyên bố ngày 20-9, EU kêu gọi người dân châu Âu nói riêng và thế giới nói chung “đừng cả tin vào lời hoa mỹ của Facebook”, cho rằng các giải pháp thanh toán truyền thống vẫn rất an toàn và đáng tin cậy. EU đang theo đuổi những biện pháp cứng rắn về mặt pháp lý đối với đồng tiền kỹ thuật số Libra nhằm cấp “giấy phép hoạt động” cho Libra ở châu Âu.

Đồng thời, EU đã cảnh báo phía Thụy Sỹ về nguy cơ rửa tiền, yêu cầu quốc gia này phải đảm bảo Libra đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố nếu muốn lưu thông trên thị trường. Lực lượng tác chiến tài chính nhanh (FATF) có trụ sở ở Paris (Pháp) yêu cầu các nước siết chặt các sàn giao dịch để ngăn chặn tiền kỹ thuật số bị tội phạm lợi dụng dựa trên sự ẩn danh đằng sau tài sản ảo. 

Theo ước tính, khối lượng và tốc độ giao dịch tiền điện tử ngày càng lớn tạo điều kiện để các hoạt động bất hợp phát gia tăng, bất chấp sự phát triển của công nghệ điều tra và phá án. Vì vậy, các tuyên bố an toàn của Facebook về Libra chỉ đơn thuần là phần nổi của tảng băng chìm.

Hiệp hội Libra - cơ quan giám sát chính mọi hoạt động của Libra - cũng rơi vào diện “nhòm ngó” của Liên minh châu Âu, biến Libra trở thành dự án công nghệ tài chính bị kiểm tra gay gắt nhất thế giới. 

Tất cả các thành viên hệ thống quản trị Hiệp hội Libra đều phải trình bày báo cáo kiểm soát Libra đối với EU và Quốc hội Mỹ. 

Một trong những động thái tích cực là các thành viên cam kết hợp tác với các cơ quan quản lý để thúc đẩy dự án Libra theo hướng an toàn, minh bạch và tập trung vào người tiêu dùng. Cùng lúc đó, Facebook đã công bố một số thay đổi trong quy trình phát hành tiền ảo Libra nhằm chứng minh gã khổng lồ tuân thủ quy định về tiền ảo - vốn chưa hoàn thiện và còn nhiều chắp vá ở từng quốc gia.

Cuộc chiến kỹ thuật số

Nếu Libra thành công, đồng tiền này sẽ tạo nên thế “giằng co” tại nhiều quốc gia, khiến chính phủ hoặc phải giành lấy quyền kiểm soát, hoặc chấm dứt hoạt động của Facebook. Đứng trước viễn cảnh nền kinh tế tiền tệ vĩnh viễn thay đổi, Pháp quyết định “khóa” mọi con đường dẫn đến Paris của tiền ảo Libra, tạo nên một cơn sóng ngăn chặn Libra ở châu Âu. 

Với số lượng người dùng rất lớn, Libra trở thành “đứa con cưng” của Facebook tạo nên sự độc quyền trong thế giới tiền kỹ thuật số.

Bước đầu tiên, chính quyền Emmanuel Macron quyết định thông qua thuế kỹ thuật số 3% lên các mặt hàng tới châu Âu từ các hãng công nghệ lớn của Mỹ, bao gồm Facebook. Tại hội nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, ông Macron đánh giá Libra sẽ đặt chủ quyền của chính phủ các nước đứng trước rủi ro, tuyên bố không thể cho phép sự phát triển của Libra trên đất châu Âu.

Trong khi đó, Đức thể hiện sự mạnh tay với Facebook khi đề xuất ý tưởng tạo ra “tiền kỹ thuật số chung” trong EU, nhằm thay thế cho các loại tiền mã hóa hiện nay.

Thậm chí, một lực lượng đặc nhiệm dự tính được thành lập trong tháng 10-2019, thực hiện kiểm tra việc điều tiết tiền điện tử của các ngân hàng hay tổ chức, kịp thời phát hiện ra hành vi dùng tiền ảo để rửa tiền phi pháp và bảo vệ người tiêu dùng. Phía ECB ủng hộ quan điểm này khi đầu tháng 9 công bố kế hoạch dài hạn nhằm nghiên cứu một sản phẩm tiền ảo mới, được Pháp và Đức hậu thuẫn, để cạnh tranh và khiến Libra bị phá sản. 

Ngoài ra, ECB khuyến cáo các quốc gia có thể xây dựng hội đồng liên lạc để điều phối các rủi ro mà Libra của Facebook có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và sự ổn định tài chính.

Theo tiết lộ, ý định Libra đã thúc đẩy ECB âm thầm tiến hành dự án tiền kỹ thuật số có tên gọi là TIPS, được thử nghiệm và quản lý nghiêm ngặt bởi một số ngân hàng. TIPS ra đời trước khi Facebook công bố Libra, hoàn toàn có thể kéo dài thêm nhiều tháng hay năm nữa trước khi thành hiện thực. 

Tính an toàn của TIPS được cho là tốt hơn rất nhiều so với bất cứ hệ thông giao dịch tiền ảo nào hiện nay, cho phép người tiêu dùng sử dụng tiền mã hóa và gửi trực tiếp tại ECB mà không cần tài khoản ngân hàng hay cơ quan tài chính trung gian nào. 

Mục tiêu của TIPS đơn thuần chỉ là giúp các ngân hàng giảm chi phí cho các khoản thanh toán quốc tế. ECB khẳng định, TIPS chính là động lực thúc đẩy các ngân hàng trung ương nhiều quốc gia EU đẩy nhanh hiệu quả làm việc, tạo nên một giải pháp tiền mã hóa chung tối ưu và ít biến động...

Hồng Hạnh - Nguyễn Tuyết
.
.