Cầu cổ Việt Nam: Một nét truyền thống bị lãng quên

Thứ Tư, 20/01/2021, 08:46
Cầu là một nét văn hóa truyền thống của Việt Nam. Ngày xưa, hầu như trên những tuyến đường qua lại, từ đường trong di tích, đường thôn làng, đường liên xã, đường thiên lý đều có những cây cầu bắc qua để phục vụ nhân dân qua lại. Cây cầu đã trở thành một biểu tượng quen thuộc của mọi miền quê.


Nhưng, gần trăm năm qua, với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, cùng với sự tàn phá của thời gian, thiên tai, nhân họa, chiến tranh, những cây cầu cổ nghìn chăng còn một. Thi thoảng đây đó còn lại vài ba ngôi cầu cũ, nhỏ nhắn, xập xệ nép mình bên những góc khuất, chỉ đủ để người ta dấy lên những khái cảm về một nét truyền thống đã phai nhạt. Bài này sẽ giới thiệu về các loại hình cầu cổ của Việt Nam.

Cầu rường

Cầu rường là một loại cầu thường thấy trong kiến trúc cổ, với kỹ thuật chính là “dựng cột gá rường”. Hai bên bờ sông đắp hai mố cầu, giữa hai mố cầu thì dùng gỗ lớn hoặc đá lớn dựng liên tiếp thành thân cầu, trụ cầu, phía trên xếp mặt cầu bằng ván gỗ nên đôi khi được ghi là bản kiều. 

Cũng có khi hai bên mố cầu ở hai bờ thế bằng đá và gạch kiên cố và cao hẳn lên để mố cầu cao bằng với mặt cầu. Lương thức kiều ở Việt Nam gồm hai mố cầu (to hoặc nhỏ tùy cầu), các trụ cột (hay trụ cầu, có thể có móng hay không, các trụ này thường đóng xuống lòng sông, có khi đặt trên đá tảng, như cầu đá làng Nôm), các thanh xà ngang giữa các hàng trụ (được gọi là dầm cầu, hoặc xà cầu) và các thanh xà dọc tạo nên các nhịp (trên dầm cầu là sàn cầu), mặt cầu, gồm các tấm đá gỗ kê trên 2 dầm liền kề. 

Cầu ngói 2 mái, Sơn Tây, 1930. Nguồn: Robequain (2008).             

Cứ 2 dầm liên tiếp đỡ 1 nhịp cầu gồm nhiều tấm ghép khít nhau...). Số lượng trụ và nhịp được quy hạn bởi độ rộng của sông suối. Thường ở các làng quê thì các cầu đá có kích cỡ nhỏ, như cầu Tiên Huân (Sơn Tây chỉ có 1 hàng trụ giữa 2 nhịp cầu, 2 mố cầu xây bít bằng gạch, hầu như không có tác dụng chịu lực mà chỉ để cho đất không bị xói lở.

Cầu đá làng Bình Vọng (Thường Tín, Hà Nội) có 2 nhịp và có 3 hàng cột, 2 hàng cột ngoài đồng thời kề với mố. Hệ thống các cột đỡ lấy các xà ngang và 3 xà ngang dùng để đỡ 4 phiến đá (tư liệu điền dã 2014). Theo thống kê cá nhân, thế kỷ 17-18 có đến gần 100/157 cầu được làm bằng đá. Có thể liệt kê một số cầu đá như sau: Cầu Dương Nham (Kính Chủ, Hải Dương) xây năm 1606. Cầu đá Khuê Trại (chùa Thọ Sơn, xã Phương La, tổng Du La, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) dựng năm 1672 và cầu Vô Song (chùa xã Vô Song, tỉnh Thái Bình) trụ đá, sàn lim, xây năm 1674. 

Các tư liệu văn bia ghi chỉ ghi số nhịp, gian khi đó là thượng gia kiều, còn cầu đá thì hầu như không ghi số nhịp. Theo tư liệu điền dã cá nhân thì các cầu đá thường có các nhịp: 2-3-4-5-7-9-14 nhịp. Cầu đá là loại cầu phổ biến, chúng tôi đã từng khảo sát hơn chục cầu đá hiện còn ở nhiều tỉnh thành.

Cầu ngói

Ngõa kiều hay cầu ngói/cầu mái/cầu nhà còn được gọi là thượng gia kiều. Ca dao có câu: “Ai qua cầu ngói chợ Lương/ Ghé thăm mỹ nghệ Hải Minh làng nghề”. Cầu ngói là loại cầu có mái nhà, phục vụ đi lại, che mưa che nắng, tăng độ bền, tăng tuổi thọ cho cầu, lại vừa khiến cho cầu thêm đẹp. Hai đầu cầu đều có đặt bài lâu, lầu cửa, nhà bia, và lan can, sàn gỗ hai bên... để cho người qua lại nghỉ ngơi, hóng mát. 

Nhưng, có điểm đặc biệt là gian giữa cầu có khi nới rộng ra cả hai phía lan can để tạo thành một am thờ, vị thần được cúng có thể là hậu cầu, thần sông, Long vương, Hà bá. Một số cầu còn làm 2 lớp mái (chồng diêm), thậm chí làm cả vách bưng kín như một ngôi nhà dài. Hai bên thành cầu có làm tầng ván để khách qua lại có thể nằm nghỉ, hay ngồi ngắm cảnh và mua bán. Về mặt kiến trúc, cầu ngói gồm 2 thành phần chính là phần cầu (kiều) và phần nhà có mái (ốc). Có những cầu mái được lợp bằng lá hay rơm rạ, nếu sang hơn thì lợp bằng ngói nên gọi là “cầu ngói”.

Cầu ngói sớm nhất hiện biết là 5 cầu được dựng năm 1105 để bắc qua các ao Linh Chiêu, Bích Trì vào Liên Hoa Đài, chùa Diện Hựu thời Lý Nhân Tông.

Cầu ngói Quần Phương (Nam Định) còn ghi đôi câu đối xác nhận cầu khởi dựng thời Lê Sơ. Từ thời Mạc (thế kỷ 16) về sau, các tư liệu văn bia và lịch sử ghi nhận nhiều cầu ngói được xây ở khắp nơi từ Thăng Long vào đến Gia Định. Thống kê sơ bộ, trong thế kỷ 17-18, Đàng Ngoài có 27 cầu ngói. Số lượng các gian cũng rất khác nhau, ngắn nhất là 3 gian, trung bình là 5-6-7-8-9 gian, hoặc 12 gian. Có những cầu dài lên đến 16-17-24-27-29-32-31-36 gian. 

Thậm chí, cầu Đôn Thư (Đông Thư, Gia Lộc, Hải Dương) dài 94 gian [xây năm 1500], Cầu cũ Lý Hòa ở Quảng Bình có 138 nhịp, đến năm 1810, sông hẹp lại, còn 74 trượng, đổi dựng 56 nhịp, bớt đi 82 nhịp. Một kết cấu lạ khác là loại cầu ngói kiêm cầu chợ, mặt cầu xây rộng để 2 hành lang lợp ngói trở thành hàng quán buôn bán. Ở phố chợ Sài Gòn, có cầu ván lớn, trên có 2 dãy hành lang mái ngói, treo màn che nắng, đường đi râm mát như dưới mái nhà cao, gần đấy có hội quán Phúc Châu, Quảng Đông, Triều Châu và miếu Quan Đế, miếu Thiên Hậu  (Gia Định thành thông chí, 2019, 230).

Cầu vòm

Cầu vòm hay củng kiều là loại cầu cong như vòng 2 cánh tay hành lễ, vì dáng của nó cong như cầu vồng nên còn gọi là hồng kiều (cầu vồng). Loại cầu này có gầm cầu dạng hình vòng cung, thậm chí bán nguyệt, 2 mố cầu đồng thời là 2 trụ chịu lực chính. Khung vòm được kết thành từ đá khối hoặc gạch bìa, mặt cầu lát đá phẳng và hai bên thành cầu có thể có các tảng đá lớn đặt làm lan can. Chất kết dính được sử dụng để nối các mạch đá là mật mía, muối trắng, vôi vữa. 

Cầu làng Tiên Huân, Sơn Tây. Nguồn: Bezacier (1954: 75).

Củng kiều có 3 kiểu dạng chính: dạng đơn củng có một vòm, hai đầu củng đồng thời là 2 mố cầu, thường xây bằng gạch, đá, hoặc đá ong. Tiêu biểu là cầu gạch Thụy  (Thái Thụy, Thái Bình), cầu đá Suối Khao (Lạng Sơn), cầu đá chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), cầu Cốc Khoác (Lạng Sơn), cầu Thơi (thành Na Lữ, Lạng Sơn). Loại song củng là cầu có 2 vòm cuốn tương ứng với 2 nhịp, ví dụ như cầu đá Nà Làn (Cao Bằng). 

Ở nông thôn xưa, các loại cầu vòm thường được xây bằng gạch, vì đây là loại vật liệu phổ thông, có thể sản xuất ở nhiều nơi, với giá phải chăng, không phải đi mua xa từ nơi khác. Đây chắc chắn là một loại cầu phổ biến nhưng hiện nay không còn thấy nhiều, do đã xi-măng hóa và chịu bao thử thách của thời gian. Các loại củng kiều gạch hay đá ở các thôn quê thường là bắc qua các kênh mương nhỏ hẹp vừa sử dụng cho việc vận chuyển xe bò (chở thóc, lúa), vừa dùng để điều phối nước. Loại cầu liên củng hiện còn là cầu  3 cửa cống, qua sông Cửu Yên, làng Gạo (Hưng Yên).

Hào kiều

Hào kiều là loại cầu bắc qua các hào nước phòng thủ ở ngoài thành xưa, thường cố định một đầu bằng dây để kéo lên khi phòng thủ nên còn được gọi là “cầu treo” (điếu kiều). Điếu kiều là cầu treo, có nơi còn gọi là cầu rút. Đây cũng là một loại cầu bắc qua hào/trì quanh các thành cổ, có chức năng phòng thủ. Cầu rút thường là cầu bắc qua các hào phòng thủ ngoài một tòa thành. “Đại Việt sử ký tục biên” có ghi năm 1747, lái buôn người Phúc Kiến là Lý Văn Quang đánh chiếm Đại Phố (cg. Đông Phố, Cù Lao Phố) đốt cầu ván giữ dinh để chống cự lại chúa Nguyễn. 

Việc đốt cầu ván là để phục vụ cho việc phòng thủ co cụm, tránh việc quân binh từ phía ngoài dùng quân bộ binh đánh vào các cửa thành. Nếu hào rộng để bảo vệ thành lớn thì hào kiều được xây bằng gạch, móng khá kiên cố, chỉ để 1-3 vòm nhỏ để nước lưu thông phía dưới. Trên có thể cho xe ngựa qua lại. Bề mặt cầu thường rộng, có lan can gạch, như 3 cầu vào thành Thọ Hạc (Thanh Hóa), cổng thành Cửa Bắc (thành Hà Nội),...

Số lượng cửa và cầu của mỗi tùy thuộc vào kiến trúc (vuông, hay vauban). Ví dụ, thành Bát Quái (Bình Dương, Gia Định) 8 cửa 8 cầu; Phụng Thành (Gia Định)  4 cửa (?); thành Phú Xuân (1801) 4 cửa 4 cầu; thành cổ Vinh 3 cửa 3 cầu (hào rộng 7 trượng - 28m); thành Quảng Ngãi 3 cửa, hào rộng 5 trượng(?); kinh thành Huế có 11 cửa, 11 cầu đá; thành Quảng Nam 4 cửa, hào rộng 4,5 trượng; thành Quảng Trị 3 cửa, hào rộng 7 trượng; thành Bình Định 3 cửa, hào rộng 7 trượng; phủ thành Diên Khánh (Nha Trang) 6 cửa, 6 cầu xây; thành tỉnh Bình Định có 4 cửa, hào rộng 4 trượng... 

Cầu hào loại bắc qua hào nước ngoài thành (như ở thành Bắc Ninh, thành Hà Nội, kinh thành Huế...) thì phần chân chủ yếu chặn ngang lòng hào. Chân cầu chạy dài vài chục mét, ở giữa cầu người ta đặt 3 cửa cống vòm. Kiểu kết cấu này đảm bảo nước vẫn lưu thông giữa các phần của dòng nước, vừa đảm bảo độ bền chắc và dễ thi công.

Ngoài những loại cầu trên, Việt Nam thời xưa còn nhiều loại cầu khác như cầu treo (ở vùng núi), phù kiều (bắc qua sông lớn), cầu khỉ, cầu độc mộc, cầu ván, cầu noi,... Những cây cầu đã đi vào ca dao hò vè, trở thành một phần quan trọng của văn minh vật chất người Việt. Nhưng, thời gian đã qua đi, hàng trăm hàng ngàn cây cầu cổ đã bị phá hủy, thậm chí có nhiều nơi đã biến mất khỏi trí nhớ của chủ thể văn hóa. Đã đến lúc cần có những chuyên đề nghiên cứu sâu để phục dựng lại những nét đẹp xưa cũ, ít nhất là những cây cầu ở những thôn làng, hay danh lam thắng cảnh. Bởi dẫu sao, cầu truyền thống cũng là một phần di sản của văn hóa Việt Nam.

Trần Trọng Dương
.
.