Cần cù như não bộ
- Số hóa não bộ chặng đường còn nhiều gian nan
- Bí mật trong não bộ của vũ công ballet
- Chuyện người họa sĩ mù nhìn thấy bằng não bộ
Học bằng nhiều giác quan
Những niềm tin mơ hồ về mối liên hệ giữa não bộ và chuyện học hành của con người đang khiến khoa học bối rối. Con trẻ thường được nghe đôi lời nịnh nọt kiểu “hãy học vẽ thật chăm chỉ, dùng đôi mắt của con để cảm nhận thế giới, rồi bà tiên sẽ đến thăm con mỗi khi một bức tranh đẹp hoàn thiện”.
Phải chăng, tiếp nhận những câu chữ vừa rồi, não bộ sẽ phát đi tín hiệu tăng cường hoạt động của vùng thị giác, cũng như “đánh” vào niềm tin của đứa trẻ thông qua cơ chế bí ẩn nào đó, khiến chúng trở thành... học sinh giỏi hội hoạ với phương pháp học tập bằng thị giác? Hay chuyện một người thích học qua thính giác đạt kết quả xuất sắc trong âm nhạc - môn đòi hỏi sự phát triển của khả năng nghe, và dần sẽ chỉ tiếp cận các môn khác cũng chỉ bằng thính giác thay vì cảm nhận qua thị giác hay khả năng vận động.
Nhiều ý kiến tín rằng não bộ có năng lực “cắt-dán” để “đọc” tâm trí của người khác. |
Câu hỏi đặt ra là, liệu chỉ dùng đôi tai hay cặp mắt thì học sinh có thể lĩnh hội tri thức thành công trong những môn khác đòi hỏi sự kết hợp của nhiều giác quan (như địa lý, hoá học và thể dục), hay sẽ bị “lạc trôi”, dần mất đi động lực tiếp tục học tập các bộ môn này?
Cho tới nay, khoa học vẫn luôn tranh luận sôi nổi về giả thuyết con người đạt trạng thái học tập tốt nhất khi thông tin tiếp nhận bằng các giác quan và chuyển tới não bộ để xử lý nằm trong “tầm ảnh hưởng” của một bán cầu não, từ đó hình thành nên thói quen học tập đặc trưng ở từng cá nhân. Phòng thí nghiệm nghiên cứu tâm lý tại đại học Laurentian (Canada) đang tìm cách giải mã bí ẩn não bộ và phương pháp học tập VAK - thông qua hình ảnh, âm thanh và vận động.
90% giáo viên ở gần 20 quốc gia tham gia nghiên cứu khẳng định, họ đã và đang thay đổi cách thức giảng dạy để cá nhân hoá lộ trình, giúp học trò phát triển tối ưu dựa theo đặc tính nổi bật nhất.
Theo đó, những học sinh “thị giác” sẽ học nhiều hơn bằng tranh ảnh, học sinh thích nghe sẽ tập trung vào các bài giảng đa âm thanh, còn những đứa hiếu động sẽ tham gia hoạt động thể chất với rất nhiều những vật dụng khác biệt. Có lẽ giả thuyết VAK mạnh đến mức đa phần mọi người đều có niềm tin mãnh liệt với chuyện hai bán cầu não phát triển “không giống nhau”, khiến mỗi đứa trẻ sẽ dần hình thành thói quen học tập hoàn toàn khác biệt, tương thích với từng điểm mạnh của chúng liên quan đến một trong ba yếu tố VAK.
Điều duy nhất đúng ở quan điểm này (để giải thích cho sự phát triển không đồng đều của não bộ ở mỗi cá nhân) là hàng tỉ neuron thần kinh tạo nên các mạng lưới khớp nối thần kinh riêng biệt ở từng cơ thể. Khoa học thần kinh đã phải mất đến vài thế kỷ mới nghiệm ra điều này, nhưng những nghiên cứu gần đây lại tin rằng sự đa dạng của khớp nối thần kinh không khiến bộ não “có chất riêng”, theo kiểu cậu bé bán cầu não trái mạnh hơn thì sẽ học tốt môn này so với cô bé kia có bán cầu phải nhỉnh hơn.
Trên thực tế, não bộ ở loài người có nhiều điểm chung hơn sự khác biệt, cùng sự kết nối chặt chẽ giữa các khu vực thị giác, khứu giác hay vận động trên vỏ não - điều mà giả thuyết VAK dường như đang bỏ quên.
Tất cả đều hoạt động
Khi tiếp nhận âm thanh, vùng khứu giác không hoạt động riêng lẻ, mà kích thích ngay cả những rung động nhỏ nhất đến từ các hệ cảm nhận thị giác hay vận động. Cơ chế phối hợp nhịp nhàng giữa các vùng cho phép tín hiệu thần kinh được dẫn truyền nhanh chóng và lan toả, giúp não bộ tiếp nhận, rồi xử lý thông tin một cách tối ưu. Có một thực tế thú vị là, nếu chúng ta nhìn thấy bức ảnh một người bị muỗi đốt, phần lớn đều xuất hiện những hành động vô thức (như gãi ngứa chẳng hạn), thậm chí có người còn tưởng tượng nghe thấy âm thanh vo ve đâu đó bên tai. Não bộ, trong trường hợp này, dường như đang tự điều khiển cơ thể mà không cần quan tâm đến sự tồn tại của... trực giác.
Bí ẩn não bộ và phương pháp học tập VAK - thông qua hình ảnh, âm thanh và vận động khiến khoa học bối rối. |
Nhân chuyện VAK, nhiều chuyên gia hoài nghi về quan niệm phân chia hai bán cầu não chịu trách nhiệm riêng biệt cho nhiều khả năng của con người. Lầm tưởng này dẫn đến tư duy một ai đó thiên về não trái (logic) hay não phải (sáng tạo), đồng thời cũng trở thành một trong số những bí ẩn cùng với huyền thoại 10% - khái niệm ám chỉ con người chỉ đang sử dụng khoảng 10% não bộ. Quan niệm phổ biến rằng phần lớn còn lại của não vẫn chưa dùng tới và sau đó có thể được “kích hoạt”. Theo giới khoa học, những quan điểm kiểu này tạo nên sự yên tâm và khao khát khai phá tiềm năng của não bộ, song kỳ thực lại gây nhiều tranh cãi khi chưa hề tồn tại bất cứ bằng chứng khoa học xác thực nào.
Trên thực tế, não bộ luôn làm việc cần cù mỗi ngày, như một mạng lưới khăng khít mà không có khu vực nào “ăn không ngồi rồi”.
Chẳng hạn như, khi làm toán (logic) hay chơi nhạc (sáng tạo), cả não trái và não phải đều hoạt động song hành cùng nhau. Chỉ một mắt xích lỏng lẻo là cả hệ thống có thể bị ảnh hưởng. Để chứng minh rằng mọi vùng trên não đều có hoạt động, nhà thần kinh học Barry Gordon công bố bằng chứng liên quan đến quét não bộ, cho thấy mọi hoạt động của con người đều cần có sự tham gia của tất cả các vùng của não. Ngay cả trong giấc ngủ, tất cả các phần của bộ não đều hiển thị một số mức độ hoạt động. Sự “im lặng” chỉ xuất hiện trong trường hợp khu vực nào đó trên não chịu tổn thương nghiêm trọng.
Nhiều thập kỷ nghiên cứu hoàn thiện bản đồ chức năng các khu vực khác nhau của não bộ không hề phát hiện vùng phi chức năng nào. Rõ ràng, não đã phân chia các vùng riêng biệt nhằm xử lý các luồng thông tin khác nhau, chứ không hoạt động như một khối duy nhất.
Từ đây, nhiều quan điểm nhận định, não bộ phân tích thông tin đa chiều, bao gồm cả những gì đang diễn ra bên ngoài cũng như suy nghĩ của chính cá thể mang não bộ đó, rồi kết hợp các luồng phân tích để tạo nên cảm giác chủ quan trong mỗi cá thể. Điều này khiến con người vô cùng nhạy cảm với thế giới xung quanh, và dường như không có bất cứ giới hạn nào về quá trình hình thành - phát triển hành vi ở từng cá thể nhờ trải nghiệm quan sát và bắt chước.
Năng lực sao chép
Độc đáo hơn, con người không chỉ sao chép cử chỉ, mà còn biết thủ thuật “cắt-dán” tư duy của người khác thông qua những ảnh hưởng xã hội. Càng trưởng thành, con người càng dễ nhận ra suy nghĩ của đối phương, thậm chí phỏng đoán cảm xúc, mong muốn hay toan tính trong từng câu chữ để tìm cách ứng phó phù hợp.
Thậm chí, ranh giới “tôi-người khác” mong manh, đến mức hai người sống chung với nhau rất lâu dần xuất hiện nhiều trải nghiệm tương đồng, chia sẻ suy nghĩ giống nhau. Tất cả những dữ kiện này hướng đến năng lực “sao chép” tư duy phức tạp thông qua các giác quan do não bộ chi phối, trong điều kiện bình thường vẫn đảm bảo sự rõ ràng giữa suy nghĩ của bản thân và dòng tư duy của người ngoài.
Não bộ luôn làm việc mà không có khu vực nào “ăn không ngồi rồi”. |
Các nhà tâm lý học đang cố gắng đánh giá năng lực “cắt-dán” của não bộ bằng kỹ thuật “niềm tin phi lý trí”, cùng thuyết mô phỏng cho rằng tồn tại khả năng “đọc” tâm trí.
Theo đó, khi người quan sát đặt mình vào hoàn cảnh của người khác (trong tưởng tượng), não bộ sẽ cố gắng sao chép các thuật toán (tạo ra từ liên kết phức tạp của các neuron thần kinh) trên não đối phương. Một số phát hiện khẳng định não bộ người quan sát sẽ bị kích thích, tạo nên các cảm giác tương tự đối phương, như thể chính người quan sát đang trải qua sự việc như vậy. Kỹ thuật cộng hưởng từ chức năng (fMRI) cho thấy nhiều vùng trên võ não tăng cường hoạt động, tạo nên nhiều xung kích thích cho quá trình hình thành các sai số dự báo - một đơn vị quan trọng liên quan đến thuật toán.
Mỗi sai số được kết nối tới một hoạt động nhất định trên võ não, trở thành đối tượng trong so sánh giữa người quan sát và đối phương trong các thí nghiệm về năng lực “cắt-dán”. Khoa học hi vọng, giải mã được năng lực này sẽ cho phép “huấn luyện” não bộ, tăng cường hay làm suy yếu các hoạt động nhất định trên vỏ não để giúp chi phối cảm giác chủ quan cá nhân hay khả năng “đọc” suy nghĩ người khác.
Trên phương diện xã hội học, đây là căn cứ giải thích cho khả năng con người đồng cảm với những người đã từng trải qua bất cứ khổ đau, hay hạnh phúc nào, cho dù xuất thân và hoàn cảnh sống khác biệt. Còn với y học, hi vọng điều chỉnh bản tính cố chấp, khắc phục niềm tin mù quáng, cùng chữa trị một số chứng rối loạn tâm thần đang dần rộng mở...